Đặt chân tới quần đảo Martinique, cả buổi sáng rong chơi nơi hải đảo nhiệt đới trong đầu gã cứ loay hoay nghĩ xem bữa trưa nay sẽ đi ăn ở đâu. Những ngày hè nhàn rỗi ngoài rong chơi chỉ có ăn là cách duy nhất để tiêu pha thì giờ. Chẳng bù cho những ngày trên đất liền làm việc đến nghiền đến nghiện, quên cả ăn cả uống. Có nhiều buổi sáng, gã vừa lái xe vừa ăn điểm tâm. Có nhiều bữa trưa, vừa ăn vừa hội thảo, ăn bằng đĩa giấy, uống bằng ly giấy, muỗng nĩa bằng nhựa, nghĩ mà chán.
***
Gần trưa đi qua đồn điền trồng dừa, đôi chân gã như bị cuốn hút. Gã chợt tìm lại những cảm giác ngày nào rong chơi nơi vườn dừa Cấm An Sơn ở Tam Quan. Đi sâu mãi vào trong, theo con đường mòn, như con đường xóm làng, gã khám phá ra một căn nhà kiến trúc theo kiểu Địa Trung Hải. Một tiệm ăn. Một cái quán nằm hiu quạnh ven rừng dừa. Gã đã mò mầm gần hết các quán ăn trên đảo. Hầu hết những quán ăn ở đây phần lớn là những quán cơm Tây, cơm Tây Ban Nha và một số còn lại bán cơm bản xứ đượm mùi dầu dừa kiểu hải đảo và gã chịu nhất là món thịt dê nướng chấm với sauce créole mà dân địa phương gọi là “sauce chien” và gã tự biên tự diễn là…”sốt chó”.
Càng đến gần gã càng cảm thấy cái quán bỗng dưng gần gũi và quen thuộc. Quán xây bằng gạch giống như nửa Tây, nửa Việt như ở Nha Trang, Đà Nẵng. Vách tường vôi trắng, mái lợp ngói mầu cam, hàng hiên có lan can, có giàn hoa giấy tím rực rỡ mở bung ra đón nắng hải đảo. Bên hông quán còn có cây phượng vĩ flamboyant hoa đỏ, nhụy vàng. Xa xa là dăm cây me, cây xoài, ngay đằng sau quán là vườn chuối, bụi mía, mấy cây đu đủ paw pay.
Tấm bảng bằng gỗ khắc chữ Restaurant Violetta lem nhem không rõ nét. Bước vào quán, gã thấy không đến nỗi tệ vì trang trí đơn sơ mộc mạc nhưng thoáng đãng. Bàn ghế bằng mây nâu, cái quạt trần hai cánh gỗ quay chậm chậm như đuổi ruồi khiến gã gợi nhớ lại thời Pháp thuộc ngày nào. Gã chọn cái bàn bên cửa sổ nhìn ra biển….
***
Người đàn bà da đen bản xứ, có lẽ là chủ quán, đang ngồi ngủ gà ngủ gật trong cái ghế mây rộng vành choàng thức dậy, chầm chậm đứng lên gần như lười biếng kiểu dân hải đảo. Gã chào với giọng hải đảo “lô can”:
- Bon dia
- Bonjour.
Gã biết những đảo này một thời lần lượt là thuộc địa của Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hòa Lan nên dân trên đảo nói pha giọng rất “ba rọi”. Nửa nạc nửa mỡ như “Bon dia”, “Bon Nochi”, “Pa Conay” (pas connaitre). Đang nghĩ đến đây, bà ta thản nhiên đưa cho gã cái thực đơn và bỏ vào trong. Gã chậm rãi mở ra và dò từng giòng. Thực đơn bằng tiếng Pháp và Tây Ban Nha, những món mà gã đã ăn qua cả hơn tuần nay rồi. Gã muốn tìm một món lạ. Lạ nhưng không…quá lạ. Vì một lần gã đã nếm thư” món tatoo tức kỳ nhông chiên ròn. Gã muốn thử món sàlad ốc và nghĩ thầm chắc không ngon bằng cracker conche tức ốc nứt được.
***
Bỗng gà muốn nổi da gà. Gã nhìn kỹ lại. Ở một góc thực đơn có món “Pho Violetta”. Gã làm như quên đi chữ Violetta. Pho không có dấu. Phở chăng? Làm gì có chuyện “phở” trôi dạt vào cái đảo nhỏ và vắng tanh nửa Tây, nửa bản xứ như thế này. Gã dò hết thực đơn rồi lật lại trang đầu có chữ “Pho” và nhìn chầm chập vào chữ “Pho” như thầm nhủ là…chuyện có thật.
Vừa lúc người đàn bà da đen chậm rãi bước tới chỗ gã ngồi, trông vẫn có vẻ buồn ngủ và không muốn tiếp khách vì không có bút, không có giấy cầm tay để ghi món ăn khách gọi. Cuối cùng thì bà ta cũng buông một câu:
- Ông dùng gì?
Gã nhìn xuống thực đơn xem chữ “Pho” còn đó hay không? Chữ ấy còn nằm nguyên trên thực đơn như để cho chắc…”ăn”, gã hỏi:
- Món này bà đọc như thế nảo?
- Fo
- Mòn ăn bản xứ?
Người đàn bà ngáp một cái, rồi trả lời:
- Hình như thế. Gã gặng hỏi tiếp:
- Sao lại….hình như.
- Đó là món gia truyền có từ hồi quán mới mở. Gã thấy lạ vì gì mà…gia truyền, nên gọi đại:
- Bà cho tôi thử món này.
Gọi xong gã thở ra và chẳng hiểu sao mình lại thở dài.
- Hơi lâu một chút, ông đợi được không?
- Lâu là bao lâu?
- Một tiếng đồng hồ. Ông có thể xuống biển tắm rồi lên ăn sau. Gã hơi nghi ngại nên dò dẫm:
- Pho nấu với thịt bò?
- Không thịt gà.
- Không có “pho bò” à
- Người đàn bà cười:
- Ai mà nấu pho với thịt bò.
- Ơ...
Và gã nghĩ ra ngay ngoài đảo này làm gì có bò, dê thì có. Như đoán ra ý nghĩ của gã, bà ta chêm vào trước khi quay đi:
- Nếu ông muốn “pho dê” thì có ngay.
- Sao vậy?
- Vì thịt dê có sẵn. Còn gà thì phải đi bắt gà để làm. Gã vội vàng khỏa lấp:
- Đang nghỉ hè mà. Bà cho cái “pho gà”.
Người đàn bà da đen bỏ vào trong. Gã lắc đầu và nhìn ra biển vắng cười vu vơ với sóng nước. Nhìn lại quán một lần nữa, gã thấy bàn ghế cũng như cách trang trí giống hệt như một tiệm cơm Tây ở quê nhà nên đâm ra yên chí lớn. Người đàn bà đi ra mang cho gã ly rượu tapis vert, tiện thể gã gợi chuyện:
- Bà bảo món pho là món gia truyền như thế có từ đời nào?
- Từ đời ông cố, ông nội tôi
Nói xong bà quây quả xuống bếp. Có thêm ly rượu nên quán có vẻ bớt hiu quạnh. Nhưng đảo mắt nhìn ra ngoài gã thấy trống vắng. Vì những căn nhà hải đảo thấp lè tè ẩn khuất sau sườn đồi hay tụt xuống khe đồi để tránh giông bão trông giống như những căn nhà trong truyện thần tiên của smurf. Ngang lưng đồi cỏ non xanh mướt, nổi bật lên cả trăm hòn đá lom khom. Gà nhìn kỹ hơn một chút thấy những hòn đá….di chuyển. Hóa ra là một đàn dê. Gã lại liên tưởng đến…”pho dê”.
***
Mùi nước lèo từ bếp tỏa ra, gã ngửi thấy có mùi gừng. Đúng là mùi…phở gà rồi. Và gà nhẩm chừng là như vậy
Một lát sau, đúng ra thì hơn một giờ sau người đàn bà da đen bưng “tô phở” lên đặt trước mặt gã. Gã mở lớn mắt, nghiêm túc và cẩn trọng nhìn mấy miếng thịt gà bầy trên mặt. Phía dưới là một búi sâu làm bằng bột mầu nâu, những sợi bột to, nhỏ chen chúc như một tổ…giun đất. Nước dùng đục ngầu váng mỡ đặc sệt như…bùn đen. Gã nhủ thầm chẳng thể là “phở”. Chỉ có thể là “Pho” hay “Fo” mà thôi. Vì món phở lưu lạc đến đây đã đánh rơi ở dọc đường mất dấu “ơ” va dâu “hỏi” từ hồi nào chẳng ai hay. Nhưng thoang thoảng có mùi thịt gà, mùi gừng, mùi hành nên cũng chẳng đến nỗi nào. Tạm gọi là có tí ti mùi phở
Người đàn bà để chai maggi xuống bàn. Nhìn chai maggi, gã bâng quơ:
- Xin bà cho miếng chanh và trái ớt tươi.
- Chúa ơi…! Ai đời ăn Fo với chanh bao giờ.
- Tôi thích.
Người đàn bà quay ngoắt bỏ đi. Khi trở ra mang theo cái đĩa có miếng chanh và mấy trái ớt. Gã ngán ngẩm nhìn chanh, ớt và bật ra cái ý nghĩ gà mà chấm với muối, tiêu, chanh, ớt chắc nhai được. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng gã cũng thò cái muỗng múc nước dùng nếm thử thấy giông giống như…nước sốt sào chua ngọt nên gật gù. Đồng thời lấy cái đinh ba móc mấy…con giun bỏ vào miệng nuốt thử. Con giun dẻo như bột lọc. Thế nên gã nhấm nhẳng:
- Bánh này làm bằng bột gì vậy?
- Bột manioc.
Gã nhận ra vị nồng của bột khoai mì Bình Định. Có một điều lạ là hồi nãy nhìn mấy cây dừa, gà mường tượng ra Tam Quan, Bình Định. Bây giờ lại được thưởng thức bánh dây làm bằng bột củ mì của quê nghèo Bình Định của gã. Bất giác gã lầu bầu:
- Ngon lắm.
- Cám ơn ông. Nhưng ông phải ăn mới biết ngon chứ. Gã cắm cúi đầu nuốt cho bà ta vừa lòng. Mà quả vậy:
- Hôm nay ông gọi “Fo” nên tôi nấu cho cả nhà ăn đấy. Thấy bà ta vui vui hơn lúc đầu nên gã hỏi tới:
- Nhà bà có ai là người Việt Nam không?
- Tôi đây chứ ai.
Đám giun bột đang lùng bùng ngoe nghoe trong miệng. Gã ấp úng:
- Bà nói được…tiếng,,,tiêng..Việt.
Bà ta cười. Đây là lần đầu tiên gã thấy bà cười:
- Không. Thật ra tôi chỉ mang giòng máu Việt trong người.
Bà kéo ghế ngôi ngay trước mặt gã và rỉ rả: “Ông cố nội tôi là người hoàng tộc. Hồi ấy cụ chống lại người Pháp nên bị đày ra một hòn đảo giữa biển. Cho đến chính thể Pháp thay đổi, cụ cố được giảm án và được viên toàn quyền ở đảo cho làm bếp. Sau đó ông ta được đổi qua đây và mang theo ông cụ cố tôi theo. Tiếp đến, ông cố nội lấy một người bản xứ đẻ ra ông nội tôi rồi đến cha tôi. Cha tôi học được nghề nấu ăn của các cụ nên mở ra tiệm ăn này…Quên không kể ông nghe, chồng tôi cũng người Việt. Chồng tôi và con gái đưa du khách ra hang dơi từ sáng, ngày mai mới về”.
Bà ta đứng dậy đi vào trong và mang ra cuốn album gia đình đưa cho gã xem và chỉ “Đây là cha tôi”. Những tấm ảnh đã phai mầu, mặt láng ảnh có cái đã tróc ra. Trên nền hình bầu dục, người đàn ông đen như dân hải đảo, tóc hơi quăn, chỉ có đôi mắt phảng phất Á đông. Gã hỏi cho có chuyện: “Còn đây la con gái bà phải không”. Bà gật đầu: “Nó tên là Violetta”. Lúc này gã mới hiểu ra cái tên trong thực đơn “Pho Violetta”. Rồi bà chỉ chỏ tiếp: “Đây là chồng tôi. Chồng tôi cũng là người Việt”. Gã gật đầu: “Tôi cũng là người Việt như chồng bà”. Nghe xong bà cười tươi: “Thế nào chồng tôi cũng rất vui khi gặp người đồng hương như ông ngày mai. Ông dùng chút cà phê rhum không”. Gã vui lây: “Không, cám ơn bà. Bà cho tôi cái tostones”.
Trong khi chờ đợi bà làm món “tostones” tức chuối chiên rán, gã cố nhớ lại bài học lịch sử về vua Hàm Nghi, Duy Tân, hay Thành Thái với Cần vương. Đã có nhiều người bị đưa đi đầy xa tới tận những hòn đảo hẻo lánh như đảo Antilles. Ăn xong, gã hẹn với bà là chiều mai sẽ tới để gặp chồng bà ta để “ôn cố tri tân” nhiều hơn…”
***
Hôm sau, rảnh rang lại đang nghỉ hè, không có việc gì làm nên từ buổi trưa gà đã dẫn xác tới và gã gặp một cô gái. Gà nhủ thầm chắc hẳn là con bà chủ quán. Cô ta không có nước đen như mẹ mà là da bánh mật, bánh gai. Lại thửa được mái tóc đen như bố, thêm một thân hình bộ ngực “jump up” nẩy nở, cái eo thon lắc lư điệu “conga”, đôi chân “staccato” nhún nhẩy điệu “zapatoes”. Tóm lại bắt mắt và thật là hấp dẫn. Cô hỏi gã như bà mẹ: “Ông dùng gi?”. Gã tủm tỉm cười ruồi: “Pho Violetta”. Cô ta lắc đầu và đi một tràng: “Món đó hết rồi. Buổi trưa ông thử món ăn nhẹ salade fatiguee và uống với west insides
spicy đi”. Không đợi gã có đồng ý hay chăng, cô nàng ngúng nguẩy đi vào, chân đi bước đôi “paso doble”.
***
Cũng vừa lúc vợ chồng bà chủ quán đi đâu về. Vừa trông thấy ông chồng, gã muốn bật ngửa người vì người ngợm đen thui như cái cột nhà cháy, chẳng có gì ra dáng là…người Việt gì cả. Trong khi bà vợ vui vẻ giới thiệu hai người đàn ông với nhau. Giữ phép lịch sự, gã chào hỏi bằng tiếng Pháp. Ông chồng có vẻ bối rối, ngượng ngập đáp lại không được tự nhiên cho lắm. Rồi quay qua bà vợ nói vào nhà phụ cô con gái lo cơm nước cho gã. Bà vợ vừa bước đi, ông chồng cúi xuống nói nhỏ sát bên tai gã: “Tôi là Tây lai”. Gã muốn dựng đứng đậy và đực ra vì ông ta nói tiếng Việt sõi như…gã vậy. Đồng thời gã hiểu ngay ông ta không là con cháu “Ma rốc canh” thì cũng là Tây đen gạch mặt chẳng sai chạy.
Chưa kịp hoàn hồn thì bà vợ mang ly west insides spices với đĩa salade fatiguee kèm theo đĩa cá mú nướng bọc rau nướng ra. Bà ríu rít giảng giải rằng cá mú nướng chấm với “sauce chien” mới tuyệt vời. Gã định phụ đề việt ngừ “sauce chien” là “sốt chó” thì bà đã kéo tay ông chồng ra cửa thì thầm với nhau chuyện gí ấy…
***
Nhìn bộ tóc đen xoăn tít như lò xo của ông chồng, gã lại miên man đến ông Tiểu Tử cùng ở chung Côte d’ivoire với gã. Một ngày gã đọc được truyện ngắn có cái tựa đề “Bài Ca Vọng Cổ” của ông bạn viêt:
“…Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim... Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: ’’Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy’’. Rồi lại nhắm mắt lim dim... Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi ’’xuống hò’’: ’’Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng... đang vươn lên ngọn khói... á... lam... à... chiều...’’
Đúng rồi! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngoài kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người da đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá! Người da đen đâu có năm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển ...họ cũng ít dùng nữa. Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là cái võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hoà hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:
- Bonjour!
Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói ’’Bonjour’’. Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:
- Anh hát cái gì vậy?
Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp:
- Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là le chinois làm việc cho hãng đường
ở Borotou không?
Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:
- Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.
Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:
- Trời ơi! ...Bác là người Việt Nam hả? Rồi hắn vỗ lên ngực:
- Con cũng là người Việt Nam nè!
Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kiềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại ’’trôi sông lạc chợ’’ đến cái xứ ’’khỉ ho cò gáy’’ này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt... Tôi bước tới bắt tay
hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:
- Trời ơi!... Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!... Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt... con mừng ’’hết lớn’’ bác à!
***
Vừa nghĩ đến truyện ngắn ấy gã vừa lâm râm trong bụng chuyện tha hương ngộ cố tri của gã nào có khác chi chuyện của ông Tiểu Tử. Nếu có khác là ông Tây lai này già hơn cậu Mỹ lai nhiều. Dám bằng tuổi bố gã cũng không chừng, khi không gã cảm thấy gần gũi với ông chồng như chưa bao giờ từng. Như có linh tính, bỗng ông ta quay lại xin lỗi với gã là phải đưa bà vợ đi để chợ chiều nay bà và cô con gái làm thêm cho gã món “gia truyền” anphrodite tức tôm hùm cắt từng miếng nhỏ hòa lẫn với xoài tươi trộn với mayonaise như ở Nha Trang. Lần này ông ta cũng bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam như…cậu Mỹ lai.
Hai vợ chồng vừa biến mất thì cô con xuất hiện. Nhưng cô ta không đến chỗ gã mà ngôi ở quầy. Cô nàng có ý né tránh thì phải nhưng thỉnh thoảng gã ngẩng đầu lên bắt gặp cô nàng nhìn lén mình. Có một chút nào e ấp dễ thương. Gã đẩy đưa là món salade thật tuyệt nhưng nhìn cô đã thấy…no rồi. Cô gái lườm gã không nói. Trong một thoáng gã nhận ra cô có đôi mắt lặng lờ như biển xanh nắng ấm…
Đột nhiên cô nói trống không như gã không có mặt ở đấy là năm tới có muốn ăn “pho” thì cô ấy nấu cho. Vì cứ như bố cô bảo có cho xương heo, xương dê vào nước “xuýt” mới đậm đà mà dê núi ở đấy thì đầy ra đấy. Bỗng dưng chẳng hiểu nghĩ sao gã gật đầu. Cô tiếp và dặn dò gã lần tới đừng quên mang “nuoc mam” và bánh phở ở Côte d’ivoire thành phố gã đang ở tới đây thì cô nấu mới đúng là mùi vị của phở.
***
Không hẹn mà gặp, cả hai đều nhìn ra ngoài cửa sổ… Riêng gã thì bắt gặp lại bên hông quán còn có cây phượng vĩ hoa đỏ, nhụy vàng. Xa xa là dăm cây me, cây xoài, ngay đằng sau quán là vườn chuối, bụi mía, mấy cây đu đủ…Bỗng dưng gã thèm phở mà phở “gia truyền” nhà nấu thì bao giờ cũng ngon hơn tiệm. Và thế nào gã cũng đòi cô một chén hành trần nước béo.