Trong các gia súc nuôi trong nhà thì chó được kể là con vật khôn ngoan và ích lợi cho người nuôi nhất. Tối thiểu thì con chó cũng biết ý chủ, trung thành với chủ, biết giữ nhà, và ăn cứt (cho trẻ con). Ở phương tây, nếu được giậy dỗ có phương pháp thì có thể theo chủ đi săn thú, tìm chất nổ, và ngay cả đánh hơi tìm covid 19, như mới đây người ta làm ở Phần Lan vân vân. Trong một số trường hợp đặc biệt, thời Pháp thuộc, một số người làm bồi cho nhà Tây kể chuyện chó biết giúp bà chủ đầm thỏa mãn tình dục. Ở Mỹ đã xẩy ra chuyện có cô gái nọ làm tình với chó. Và một số tiểu bang ra luật cấm chuyện này. Ngoài ra thì ngày 31 tháng 7/2019 cách đây không lâu, trên báo Anh quốc The Guardian, có bài viết về một người phụ nữ quyết định lấy chó và còn cho biết rằng trước đó đã có nhiều vụ tương tự, với tên tuổi và địa chỉ đưa ra, ở Arizona, ở Ái Nhĩ Lan. Người đàn bà trong bài báo là Elizabeth Mary Francis Hoad 49 tuổi lấy con chó Logan Humphrey 6 tuổi. Mở ngoặc để biết rằng chó 6 tuổi là tương đương với người 30 tuổi. Tức là chú rể trẻ hơn cô dâu. Trước khi làm hôn lễ, bà Hoad nói với chương trình TV This Morning rằng bà đã 4 lần đính hôn không thành, 220 lần dating không tới đâu, và người cùng trạc tuổi bà thì tìm phụ nữ trẻ hơn. Cho nên bà chán đối tác đực đồng loại.
Chó như thế có thể nói rằng là làm được nhiều chuyện chẳng khác gì người. Trở ngại lớn nhất của chó trong sự tiếp cận với người chỉ là không biết nói. Hay chính xác hơn là chó chỉ biết phát biểu ý kiến bằng tiếng sủa mà mức độ truyền cảm thì ai cũng biết là rất hạn chế. Hai con chó lạ gặp nhau thì chào hỏi bằng sủa, bằng vẫy đuôi. Hơn một cấp nữa thì lại gần ngửi ngửi hít hít. Bất đồng ý kiến với nhau thì cũng sủa. Tùy theo bất đồng ý kiến nhiều hay ít, mà thay đổi cường độ và tốc độ tiếng sủa, cộng thêm những cử động khác phụ hoạ vào như nhe răng, vẫy đuôi vân vân…Quá nữa thì xông vào cắn nhau. Phải nói thêm rằng những chuyện chó làm, nói chung chỉ là đơn giản, được lôi kéo hay tập cho chút đỉnh mà làm, môt cách máy móc, theo phản xạ. Thí dụ như ném một miếng xương giả hay một trái cầu ra xa thì con chó biết chạy ra ngoạm lại mang về. Hành động phản xạ điều kiện này đã được chứng minh bởi nhà sinh lý học Pavlov người Nga sống vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ thứ 20 qua thí nghiệm với một con chó ai cũng biết, nếu có học đến trình độ Trung học phổ thông VNCH. Pavlov trước khi cho con chó ăn thì đánh một tiếng chuông. Sau một thời gian thì cứ đánh tiếng chuông là con chó chẩy nước miếng, mà không cần phải cho ăn. Cái nguyên tắc huấn luyện phản xạ điều kiện này VC áp dụng kỹ lưỡng thời toàn trị Hồ chí Minh. Cho nên khi vào đến miền Nam năm 1975 thì trong một thời gian dài các cán bộ VC hễ mở miệng ra là có câu “nhờ ơn Bác, nhờ ơn đảng”.
Nói khác đi, chó biết bày tỏ ý kiến và cảm xúc cho nhau và cho người. Chó biết tuân lệnh. Nhưng không biết suy nghĩ thảo luận, để tìm ra phải trái, bất đồng ý kiến ở đâu, đồng ý kiến chỗ nào. Có người cho rằng đó là khác biệt căn bản giữa người và chó. Nhưng có người không đồng ý vì viện ra nhiều trường hợp mà con người cũng không biết tranh luận, thảo luận mà chỉ biết chửi nhau, tương tự như chó sủa. Cụ thể là trong trường hợp hiện nay có nhiều cá nhân trong giới cuồng mê Trump mà không nói được tại sao. Đứng từ xa, bàng quan mà nói, cuồng mê Trump chẳng có gì đáng bàn. Người cuồng mê Trump tương tự như những người thích mắm nêm, thích mắm tôm, thích fromage Roquefort, hay mê mắm thái Châu đốc mặc dầu cái mùi mạnh mẽ của chúng. Hồi tôi mới vào Sài gòn năm 1954, được mời ăn cơm có mắm nêm, không biết ăn thì gia chủ cho ăn mắm dấm ớt tỏi pha đường, chẳng có gì thắc mắc. Nói tóm lại là chẳng sao cả khi cái thích của người khác với cái ưa của mình. Những năm về sau này ở Mỹ có lần tôi đến nhà một người bạn người Nam, bà vợ nấu ăn rất giỏi. Làm rất công phu món đặc thù miền Nam bún và rau để đãi. Người bạn tôi nói trước khi vào bữa rằng món này ngon lắm, làm bằng mắm thái Châu đốc, nhưng người không quen có thể thấy nặng mùi. Vì thế có làm món khác bình thường để hờ cho tôi. Bữa dọn ra có mùi nặng thật. Nhưng tôi vẫn ăn thử cho biết, không đụng đến món thông thường phòng hờ. Và cũng thẳng thắn nói rằng vị có ngon nhưng mùi nặng thật, và nhủ thầm trong bụng rằng tự mình thì sẽ chẳng bao giờ tìm ăn món bún và rau mắm thái này lần thứ hai. Mọi người đều cười vui. Chúng tôi vẫn tiếp tục là bạn sau đó. Hai vợ chồng bạn tôi không phiền hà gì chuyện tôi chê bún nặng mùi
Trở lại trường hợp cuồng Trump thì tôi không thấy thái độ dễ dàng dung dị tương tự như vậy nữa. Đa phần chỉ thấy chửi người khác không cuồng Trump như mình. Tôi không còn đọc thấy sự trình bày hay thảo luận vì sao thích Trump để thuyết phục, trừ trường hợp một vị linh mục, mà tôi đã góp ý cho vui. Và chẳng có gì nặng nề sau đó. Nghĩa là hiểu rằng nói ra là để cho nhau nghe, không bắt buộc là phải đồng ý. Nếu muốn tóm tắt như người Mỹ thì chỉ là “Agree to disagree” - đồng ý rằng là bất đồng ý kiến với nhau. Khác với cái tâm thái của VC coi bất đồng ý là “phản động”. “Không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước”. Đa phần chỉ còn lời mạt sát. Nghĩ đi nghĩ lại thì chỉ là lối bầy tỏ bất đồng không khác gì tiếng chó sủa. So sánh như thế thì có thể bị coi là miệt thị nặng nề. Nhưng với tất cả những giải trình về chó và tiếng chó sủa ở trên thì theo thiển ý đó là sự so sánh gần gạnh nhất. Và không có gì bất thường. Truyện kể rằng danh sĩ nổi tiếng Việt Nam Cao Bá Quát đã từng được vua phái đi điều tra về vụ hai quan đại thần cãi nhau. Khi về, ông đã tóm tắt tường trình ngắn gọn bằng một câu còn lưu truyền trong sách văn dậy học sinh trung học. Là “Lưỡng tương đấu khẩu, bỉ viết cẩu, thử diệc viết cẩu, bỉ thử giai cẩu, dĩ chí đấu ẩu, thần kiến thế nguy thần tẩu” (Hai người cãi nhau, người này nói chó, người kia cũng nói chó, cả hai cùng chó, đến độ đánh nhau, kẻ bày tôi này thấy nguy liền chạy).
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 8 tháng 12/2020)