Có lẽ chỉ trong vòng tối nay 4/11/20 hay qua sáng mai, người dân Mỹ sẽ biết kết quả về cuộc bầu cử tổng thống như thế nào. Hiện tại thời điểm này, buổi trưa ngày 4 tháng 11/ 2020, theo dữ liệu của hệ thống truyền thông CNN thì số phiếu cử tri đoàn cho phó tổng thống Joe Biden đã là 253, và cho tổng thống Donald Trump là 213. Trong những giờ sắp tới, nếu Biden chính thức có được thêm 2 tiểu bang Arizona và Nevada mà hiện ông đang dẫn đầu, với các số phiếu cử tri đoàn là 11 và 6, thì ông sẽ hội đủ con số 270 phiếu cử tri đoàn để đắc cử tổng thống, và sẽ trở thành vị tổng thống thứ 46 của đất nước Hiệp Chủng Quốc. Tổng thống Trump trong khi đó nếu lấy được những tiểu bang còn lại thì cũng chỉ đạt tới 268 phiếu, thấp hơn số phiếu quy định để đắc cử là 270 phiếu. Việc đếm phiếu tại các tiểu bang Arizona, Nevada và Georgia hiện vẫn đang tiếp diễn và dự định sẽ được đếm qua đêm. Trường hợp khác, nếu tổng thống Trump qua đêm lấy được hai tiểu bang Arizona và Nevada và các tiểu bang còn lại như Alaska, Main, North Carolina, và Georgia, thì số phiếu cử tri đoàn mà ông có được cũng là 268 như trên, trong khi Biden chỉ cần thắng tại tiểu bang Pennsylvania, thì ông sẽ thắng với số phiếu cử tri đoàn là 273. Với 85% số phiếu đã được đếm, tổng thống Trump hiện đang dẫn đầu tại Pennsylvania và hơn Biden 160 ngàn phiếu, nhưng vẫn có trên nhiều trăm ngàn phiếu đang được tiếp tục đếm. Trừ khi tổng thống Trump thắng tại tất cả 7 tiểu bang còn lại, con đường đi đến chiến thắng của ông có vẻ như đang bị thu hẹp. Khác với tổng thống Trump với tuyên bố là ông đã thắng vào đêm 3 tháng 11/2020 trong khi phiếu vẫn đang tiếp tục đếm tại các tiểu bang, và sang ngày 4 tháng 11/2020 thì chính thức kiện lên Tối Cao Pháp Viện về kết quả tại Michigan mà ông cho là gian lận, cũng như yêu cầu chấm dứt sự tiếp tục đếm phiếu tại các tiểu bang mà ông đang dẫn đầu như tại Pennsylvania và Georgia, phát biểu với giới truyền thông báo chí vào lúc 1:15 pm ngày 4/11/20, cựu phó tổng Biden nói rằng với sự dẫn đầu hiện nay tại các tiểu bang chiến trường, ông tự tin ông sẽ thắng. Sau khi những cuộc đếm phiếu chấm dứt, ông sẽ là tổng thống của toàn thể người dân Hoa Kỳ chứ không phải là của riêng đảng Xanh. Việc đầu tiên của ông ngay sau đó, là đưa toàn thể người dân Hoa Kỳ từ những chia rẽ, hận thù, phân biệt hiện nay đến sự đoàn kết xây dựng để cùng chăm lo cho sự phát triển của quốc gia và dân tộc.
Có lẽ đây là những điều mà người dân Hoa Kỳ đang muốn nghe sau những tháng ngày căng thẳng, mệt mỏi vì những phân hóa nội bộ đất nước. Như trong buổi sáng này, các thầy cô giáo trong trường tôi đang làm việc, bao gồm nhiều chủng tộc, Mỹ, Đức, Ý, Mễ, trong buổi họp hàng tuần trên Zoom khi được bà Hiệu Trưởng hỏi họ đã có cảm nghĩ gì sau buổi Bầu Cử ngày hôm qua, thì tất cả đềy bầy tỏ suy nghĩ là bất cứ tổng thống của đảng nào lên họ cũng đều mong muốn sự trở lại cuộc sống thường nhật như trước đây, lo cho học sinh cho gia đình và không còn nghĩ đến đảng phái chính trị.
Đó là suy nghĩ của những người Mỹ gốc ngoại quốc. Còn người Mỹ gốc Việt ta thì sao? Như tôi chẳng hạn? Suy nghĩ của tôi thật ra cũng tương tự như những suy nghĩ của các thầy cô khác. Bất cứ ai là tổng thống chính thức của Hoa Kỳ sau ngày Bầu Cử 3 tháng 11 /2020 thì cuộc sống của tôi cũng sẽ trở lại bình thường. Hiện nay cuộc sống tôi đã ổn định. Tôi đi làm là chỉ để có cơ hội giao tiếp với thế giới bên ngoài, và để giúp cho những học sinh đang cần đến sự hướng dẫn trong việc học, giúp các em có thể ra trường high school, rồi lên đại học hay tìm một việc làm, hầu các em có thể giúp gia đình hay tự lập trong cuộc sống mới.
Tôi hy vọng rằng người Việt chúng ta có cùng suy nghĩ như những người dân khác trên đất nước Hợp Chủng Quốc. Bất kể ai là tổng thống mới của quốc gia Hoa Kỳ, chúng ta cũng sẽ bình thản bỏ đi những suy nghĩ chia rẽ quá khứ, do bị tràn ngập bởi những luồng thông tin đấu đá gay gắt. Chúng ta không bận tâm nữa về những mong muốn đã vượt ngoài tầm tay. Là một con ốc trong guồng máy sinh động Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của một chính phủ mới, để không bị trật khớp, đời sống của chúng ta rồi sẽ phải xoay chuyển nhịp nhàng, thích hợp theo sự phát triển hằng ngày trong công việc của cá nhân, gia đình và xã hội.
Suy nghĩ cho rốt ráo thì nếu đã có những chọn lựa khác biệt trong lập trường chính trị đảng phái Hoa Kỳ, cũng chỉ là vì người Việt chúng ta cùng có một điểm chung là vì đất nước Việt nam nhưng đứng từ những tiền đề khác nhau. Đó là làm sao để đất nước Việt Nam sớm trở thành một đất nước tự do dân chủ và không bị Trung Quốc khuynh loát, để quê hương của chúng ta có được những sự phát triển tốt đẹp, đất nước Việt Nam có tương lai, tuổi trẻ có thể phát triển khả năng và cuộc sống ngay trên đất nước của họ thay vì phải đi lao động nhọc nhằn vất vả trên đất nước người.
Muốn vậy thì điều đầu tiên mà người hải ngoại chúng ta nên nhắm tới, đó là xây dựng ý thức dân tộc nơi giới trẻ Việt Nam hải ngoại. Tuy nhiên, cần khách quan nhận định rõ rằng những người hải ngoại hiện nay không phải là một khối có ý thức dân tộc đồng nhất, như là những người bỏ nước ra đi vì lý do chính trị của cuối thập niên 70 và các thập niên cuối thế kỷ 20. Bởi lẽ phần lớn những thành phần ra hải ngoại từ đầu thiên niên kỷ 2000 tới nay là những thành phần đa tạp, mà mục đích quan trọng nhất là kiếm tiền cho nhanh cho nhiều, và ý thức dân tộc thui chột sau mấy chục năm bị sống dưới chế độ Cộng sản biến thái thành tư bản hoang dã. Khi đã không còn gì để hãnh diện về đất nước, thì khó mà có ý thức dân tộc. Cho nên, đã có nhiều trường hợp thanh thiếu niên ra hải ngoại không lâu mà tiếng Việt đã quên còn tiếng Mỹ thì chưa thông. Bên cạnh đó là một số con cái cán bộ giầu có và đại gia tiền bạc rủng rỉnh, ra hải ngoại để hưởng lạc. Giữ được cho thanh thiếu niên hải ngoại không bị hủ hóa biến chất bởi tác phong tư thái của những loại này đòi hỏi những quan tâm và nỗ lực thường trực. Việc tuy khó nhưng không phải là bất khả thi với những người ra đi với ý thức chính trị và nặng lòng với đất nước buổi đầu, nay đã trở thành trung niên, đa phần thành đạt, đời sống ổn định, và ở tuổi về hưu nhưng vẫn tràn đầy sức khỏe và năng lực. Với những kiến thức xã hội và kinh nghiệm đời sống của họ, sự hướng dẫn giới trẻ Việt Nam hải ngoại đến gần với văn hóa truyền thống Việt Nam không phải là chuyện khó, nếu mà trong lòng thực sự quan tâm nghĩ đến chuyện này.
Còn nhiều điều muốn trình bầy, nhưng chỉ xin đưa ra một ý nhỏ, trong mong mỏi đưa người Việt Nam chúng ta đến với nhau sau những tháng ngày tưởng chừng như đã mất nhau qua cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua.
Tuệ Vân
Ngày 4 tháng 11 năm 2920