Ngày 17 tháng 11/2020 một tuần sau khi nhận chức thay ông Mark Esper bị tổng thống Trump bãi nhiệm, quyền bộ trưởng quốc phòng Christopher Miller tuyên bố với truyền thông rằng “Tôi chính thức thông báo rằng chúng ta sẽ thi hành lệnh của tổng thống Trump tiếp tục tái phối trí lực lượng của chúng ta ở Afghanistan và Iraq”. Tuyên bố của ông Miller đầy vẻ trịnh trọng, vì ông khôn ngoan chiều theo Trump là người đã cách chức ông Esper bằng một câu tweet ngày 9 tháng 11/2020. “Tôi hoan hỉ thông báo rằng Christopher Miller vị giám đốc Trung tâm quốc gia chống khủng bố được mọi người rất kính nể (đã được thượng viện nhất chí thông qua) sẽ là quyền bộ trưởng quốc phòng, ngay lập tức.” “Chris sẽ làm việc rất hay. Mark Esper đã bị bãi chức. Tôi cám ơn Mark đã phục vụ.” Tưởng cũng nhắc lại ở đây rằng lý do sâu xa ông Esper bị bãi chức là vì đã không đồng ý với Trump đòi điều động 10,000 quân đội đến dẹp đám biểu tình chống bạo lực cảnh sát trước Bạch cung hồi tháng 6/2020.
Một cách cụ thể, tái phối trí lực lượng của ông Miller là phải hoàn thành giảm quân Mỹ từ 4,500 tại Afghanistan xuống 2,500 và tại Iraq từ 3,000 xuống 2,500 vào ngày 15 tháng 1/2020. Tức là 6 ngày trước khi Trump ra khỏi Bạch cung. Giám đốc hội đồng An ninh quốc gia Robert O’brien giải thích rằng quyết định này là dựa theo tinh thần tổng thống Trump đã nói từ đầu là chấm dứt những cuộc chiến tranh dài vô hạn. Và quyết định này đã có thảo luận với các giới chức quân sự, cũng như tính toán với các lãnh đạo Âu châu có quân đội tham dự cuộc chiến Afghanistan. Nhưng không cho biết là ai. Vắn tắt có thể nói rằng nghe thì hay lắm, nhưng nói vậy mà không phải vậy.
Thực thế, khi nhắc đến quan điểm ông Trump cách đây 4 năm phê bình những cuộc chiến không bao giờ chấm dứt, mà bây giờ mới ra lệnh thực hiện cho xong một quyết định rút quân 6 ngày trước khi Trump ra khỏi Bạch cung, thì xem ra hơi gượng gạo. Nhất là trong khi tình hình thực tế chiến trường không có một mảy may thuận lợi. Bởi ngày 21 tháng 11/2020 vùng an toàn Green Zone bảo vệ chặt chẽ bởi liên quân Mỹ và NATO của thủ đô Kabul của Afghanistan bị pháo kích 23 trái hỏa tiễn, làm ít nhất 8 người thiệt mạng và một số bị thương, Ngày 3 tháng 11/2020, đại học Kabul bị tấn công gây 35 tử thương và trên 50 mạng bị thương. Trong sáu tháng qua, đã xảy ra 53 vụ nổ bom tự sát, 1,250 vụ nổ bom khác làm 1,210 người chết và 2,500 người bị thương. Nói tóm lại là quyết định rút quân của Trump chẳng xét gì đến tình hình thực tế tại chỗ, và chẳng bàn gì với NATO có 50% tổng số quân đội tham dự. Đó là lý do làm Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO đã lên tiếng cảnh báo rằng sự rút quân không tính toán và phối hợp chặt chẽ sẽ có thể làm cho “Afghanistan trở lại thành nơi huấn luyện cho các lực lượng khủng bố tấn công vào đất nước chúng ta”.
Quay sang Iraq, thì tình hình có khác. Theo nguyên tắc thì cuộc chiến Iraq đã phải chấm dứt từ lâu, hay nói cho đúng hơn là đã không thể mở ra, vì lý do chính thức mà tổng thống Bush con dùng để tấn công Iraq năm 2003 là lý do tầm phào, không chính đáng. Người ta còn nhớ rằng những lý do này gồm hai chính và một phụ: 1/Saddam Hussein chế tạo võ khí nguyên tử (với các hình ảnh gọi là chụp từ vệ tinh cho thấy các thiết bị chế võ khí nguyên tử lưu động 2/Saddam Hussein nuôi dưỡng khủng bố Al Qaeda là thủ phạm vụ tấn công 911 năm 2003 làm chết 3000 người ở thành phố New York, 3/Chấm dứt chế đô độc tài Saddam Hussein để thiết lập một chế độ dân chủ mẫu mực cho cả vùng Trung đông và Bắc Phi. Sau khi nhanh chóng tiêu diệt chế độ Hussein bằng quân lực Mỹ với sức mạnh mà Bush con gọi là “làm choáng váng và kinh hoàng”, Mỹ đã không thể nào tìm được một dấu chứng gì của chế tạo võ khí nguyên tử và Al Qaida. Còn về lý do thứ ba thì cho tới nay, Iraq chỉ trở thành một nước phân rã mất an ninh với những chém giết phe phái bộ lạc tiếp diễn, chứ không phải là một nước dân chủ mẫu mực, sau chừng từ nửa triệu tới 1 triệu thường dân tử vong, tùy theo nguồn lượng giá. Chỉ có một thứ ổn định vận hành, là các công ty khai thác. dầu hỏa. Trong khi đó, năm 2019 số quân nhân Mỹ chết chỉ có 12 người. Cho nên Trump rút quân về là phải, nếu không muốn nói là quá chậm.
Về phía các dân cử Hoa kỳ thì chẳng có ai là tán thành quyết định của Trump. Ngay cả Mitchell McConnell thượng nghị sĩ lãnh đạo khối đa số Cộng hòa thượng viện, người không bao giờ đi ngược lại Trump, cũng bày tỏ sự bất đồng ý kiến.
Câu hỏi là tại sao như vậy?
Tại vì bất kể các chính trị gia Cộng hòa hay Dân chủ, thì cũng phải đi theo ít nhiều chiến lược dựng nên bởi một nhóm lý thuyết gia chính trị Do Thái, được mệnh danh là neoconservatism (Tân bảo thủ) thập niên 1960. Chủ thuyết Tân bảo thủ này là để thay thế cho chủ thuyết chống Cộng thập niên 1950, có mấy đặc điểm là: Về mặt ngoại giao 1/một là bác bỏ quan điểm chủ hòa thái quá sống chung hòa bình thập niên 60 của đảng Dân chủ, hai là 2/chủ trương Can dự vào chính trường thế giới với chiêu bài “Dân chủ và Hòa bình qua Sức mạnh”. Về mặt nội trị thì bất đồng với chính sách nội bộ tả khuynh The Great Society của tổng thống Johnson thập niên 60’s, khẳng định kỳ thị chủng tộc là phạm pháp và đề ra những biện pháp xã hội nâng đỡ người da đen để sửa sai chính sách nô lệ quá khứ.
Về phía Donald Trump thì chủ thuyết tóm gọn trong khẩu hiệu America First và Make America great again (MAGA). Ý nghĩa sâu xa đâu không biết nhưng đơn giản với Trump thì chỉ là tự tung tự tác xử dụng phương tiện đủ loại của siêu cường Mỹ, theo lối “vén tay áo sô đốt nhà táng giấy”, kiểu một thương lái (dealer) có vốn lớn. Nói cho rõ thì đây là thói làm ăn của cá nhân Trump trước khi làm tổng thống, sẵn sàng chịu phá sản 6 lần trong 18 năm từ 1991 đến 2009. Chỉ lấy một ví dụ là cái mà Trump khoe khoang gọi là thương chiến với Trung Cộng. Trump đánh thuế quan trên 300 tỉ đô la hàng nhập cảng Trung quốc để tạo ấn tượng dám ngon lành đập TC. Nhưng đã bị TC trả đũa. Làm thiệt hại cho giới nông gia , đặc biệt là ở tiểu bang Iowa mà Trump phải bỏ ra 3 tỉ bù thiệt hai. Ngoài ra còn làm thiệt hại cho giới tiêu dùng và các công ty Mỹ bán hàng nhập cảng từ TC. Khiến cho 3,500 công ty lớn nhỏ Mỹ đủ loại đó có Tesla, Ford Motor, Walgreens, Home Depot vân vân đã nộp đơn trước US Court of International Trade kiện đại diện thương mại Mỹ Lighthizer và Cơ quan thuế quan và phòng vệ biên giới. Cho tới nay thỏa thuận giai đoạn một mà Trump nói là ký xong với TC chưa được thấy là có lợi ích gì cho nước Mỹ trong thực tế. Nhưng đủ khiến cho đám cuồng Trump tin là Trump đã kìm chế được sự lấn lướt thương mại của TC. Chỉ nhìn quanh người quanh nhà là thấy từ quần áo lót đến thực phẩm đến đồ chơi con nít đến hàng điện tử các loại đa phần là made in China.
Hệ quả trên chính trường thế giới là nước Mỹ với Trump đứng trước một mình, vĩ đại một mình. Trong khi Nga với Tầu chở y cụ với thuốc men sang giúp Ý và Tây ban Nha bị nạn Covid 19! Làm cho Biden phải đề ra khẩu hiệu America is back.
Hệ quả quốc nội là quần chúng phân rã thành hai mảnh cuồng Trump và chống Trump với những nhóm nhỏ cực đoan gấu ó nhau kịch liệt, dưới những chiêu bài da trắng siêu việt, chống dân nhập cư các loại, chống Hồi giáo, đeo khẩu trang và không đeo khẩu trang trong vấn đề Covid 19 đã được chính trị hóa, biến dạng thành tự do chọn lựa giữa buôn bán và ngừa bệnh vân vân…
Rốt cuộc thì Trump đã không thể chối bỏ mãi chuyện không thể tránh. Là phải để cho những sửa soan tiến hành để phòng bầu dục Bạch cung sẵn sàng đón chủ mới là Biden ngày 21 tháng 1/2021, dù không chấp nhận chính thức thua cuộc bầu cử. Quyết đinh giảm quân trước ngày 15 tháng 1/2021 là một hành động để nhận công tính điểm chót.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 24 tháng 11/2020