Bất chấp mọi than phiền, kiện cáo, chối bỏ thất cử trong cuộc bầu tổng thống ngày 3 tháng 11/2020 của Donald Trump, dư luận chung của đa số quần chúng Mỹ là Trump sẽ phải rời Bạch cung để nhường chỗ cho người thắng cử là Joe Biden. Nhiều lãnh tụ thế giới cũng đã hoặc điện thoại chúc mừng, hoặc có nhận định rằng Biden đã thắng cử. Và Robert O’Brien cố vấn an ninh quốc gia của Trump, nhân vật kể là hiểu biết và nắm vững vấn đề chính sách đường lối của Bạch cung sau Trump, ngày 17 tháng 11 đã tuyên bố với truyền thông rằng “trông có vẻ như rõ ràng là Biden đã thắng cuộc tranh cử”. Ngoài ra trước những bàn tán về lệnh của Trump không cho các giới chức liên bang hợp tác, theo thông lệ, với toán chuyển quyền của tổng thống đắc cử, O’Brien còn nói rằng một cách tế nhi không đụng chạm tới Trump, là sẽ có “một cuộc chuyển quyền chuyên nghiệp” (professional transition). Bỏ sang bên những kẻ cuồng Trump truyền đi những khẳng định rằng Trump đã thắng cuộc, trong một cuộc tiếp xúc với truyền thông Trump đã nói Biden thắng, nhưng thêm ngay rằng “vì bầu cử gian lận”. Người ta cũng biết rằng vì không có bằng chứng, cho nên các kiện tụng ra tòa của ban tranh cử cho Trump đã bị bác đi. Khiến Trump sau chót chỉ còn cách kiện lên tòa Tối cao nhưng mọi sự yên ắng, chưa có phán quyết. Có lẽ vì tòa tối cao tuy với đa số 6/3 chánh án theo đảng Cộng hòa, nhưng đã không thể nào xử theo ý Trump cho nên để thời gian trôi đi cho đến khi cử tri đoàn quyết định ngày 14 tháng 12 là xong. Trump nằng nặc không chịu nhận thua chỉ là vì không thể nào chính thức mang hai chữ “kẻ thua, the loser” mà Trump luôn luôn dùng để hạ thể người khác.
Cái thực tế bị thua này Trump đã không dấu được trong một cuộc tiếp xúc với truyền thông về corona virus khi nói rằng “chính quyền này sẽ không đóng cửa (lockdown) và ngay sau đó lại thêm rằng. “Mong rằng, bất kể chuyện gì xẩy ra trong tương lai - ai biết là sẽ là chính quyền nào. Thời gian sẽ trả lời. Nhưng tôi có thể nói cho các bạn nghe là “chính quyền sẽ không đóng cửa”.
Vắn tắt, Trump ra đi là chắc chắn, nhưng truyền thông đã nói và không thiếu gì người tin theo và nhai lại, rằng Trumpism, nghĩa là chủ trương hay chủ nghĩa hay chủ thuyết Trump sẽ tồn tại. Nói là nhai lại vì nếu hỏi chủ nghĩa Trump là gì thì có lẽ hơi khó trả lời. Bởi chính Trump chưa hề có trình bày về Trumpism ngoài chuyện Trump là tác giả một số sách mánh mung điều đình làm ăn cho những người làm thương lái. Dĩ nhiên là những sách này do các chuyên viên viết sách mướn (ghost writer) làm để lấy tiền công. Một trong những nhận định về Trump qua cuộc phỏng vấn của nhà báo nổi tiếng Bob Woodward với Trump là Trump muốn cho người khác sợ mình. Nhưng mong muốn không phải là chủ nghĩa và không nhất thiết là thực hành được. Có nhiều cách khiến người khác sợ mình. Như sợ vì thủ đoạn, vì giầu, vì ác độc có thể làm hại, đe dọa mạng sống, cuộc sống hay chiếm đoạt tài sản, sở hữu của người khác.
Trump đã khai thác điều này, một cách thực tế để đè bẹp nhiều đối thủ, qua số trên 3,500 các vụ kiện mà Trump là nguyên đơn hay là bị đơn, từ khi còn đi buôn, đi thầu đến khi làm tổng thống. Trong số này có 1,900 trường hợp Trump hay các công ty của Trump là nguyên đơn, 1,450 trường hợp là bị đơn, 150 là về vỡ nợ và các lý do khác. Số kiện tụng nhiều khác thường này đã khiến cho một quyển sách xuất bản về Trump, lấy tên là Tổng tư lệnh kiện tụng” (plaintiff -in- chief) mà tác giả là luật sư James Zirin, nguyên công tố viên liên bang. Từ sự kiện này có thể suy ra rằng chủ trương của Trump là lấy kiện tụng tranh chấp làm vũ khí lấn áp, khuynh loát, và bảo vệ các hành động của mình trong vùng xám (grey zone, nghĩa là không có quy định rõ ràng sai đúng hay cấm đoán). Chủ trương này Trump đã nói thẳng ra trong băng âm thanh Access Hollywood bị tiết lộ để bêu xấu Trump trong lần tranh cử tổng thống đầu tiên năm 2016. Trong đó Trump khoe khoang là sẵn sàng bốc hốt bộ phận sinh dục phụ nữ, và tin rằng có thể làm được như thế, không sao nếu là tài tử, nếu là người nổi tiếng. Nói khác đi là Trump tin vào sức mạnh lấn áp bằng quyền lực và vị thế xã hội của mình. Tất cả những cung cách này của Trump đã được báo The Guardian Anh quốc tìm ra duyệt lại nhân cuộc bầu cử tổng thống 2020. Và đưa ra tổng số 26 trường hợp Trump bị coi là hiếp dâm hay xâm phạm tình dục phụ nữ, kèm theo phỏng vấn nạn nhận thứ 26 là Amy Dorris, người mẫu. Amy đã kể rằng chuyện xẩy ra khi cô ta 24 tuổi, ngày 5 tháng 9/1997 ở ngoài phòng rửa tay khu đặc biệt của Trump vào dịp trận đấu Open tennis tournament ở NewYork. Cô tới đó cùng với bạn trai của cô là Binn là một khách mời của Trump. Ngay khi gặp cô, trong khi Binn đứng ngoài chờ, Trump lúc đó 51 tuổi, đã xông đến ôm chặt lấy cô, “tay như vòi bạch tuộc sờ soạng khắp người, từ vú đến mông đến lưng đủ chỗ”, mà cô nói là “tôi không thể vùng ra được vì xiết càng ngày càng chặt. Lưỡi ông ta tuồn vào trong tận cổ họng tôi và tôi cố dùng răng đẩy ra”. Amy đã cung cấp hình ảnh cho The Guardian để làm chứng cớ lời kể.
Với những dữ kiện trên, thì rõ ràng Trump không có chủ nghĩa lý thuyết như kiểu chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa vô thần… Trumpism do đó chỉ có nghĩa là cung cách hành xử, kỹ thuật khuynh loát, thuyết phục của Trump. Từ chuyện bốc hốt đàn bà, khai thác người quen biết, đối tác giao tiếp, bất kẻ thân sơ, để thủ lợi cho mình, theo tinh thần vị kỷ mà không lý gì đến có hại cho người hay không. Về căn bản đó là cung cách của một dealer, một tay mại bản, một tài phú chủ sòng bài, từng làm ăn với Nga, Tầu dưới nhiều dạng vân vân, đã được mô tả dưới nhiều góc cạnh bởi những cuốn sách chính Trump ký tên và bởi những người khác từ thân tới sơ, như cháu gái Trump, như chị ruột Trump, những cộng sự viên thân cận của Trump như John Bolton (The room where it happened} và bởi những cây viết chuyên nghiệp như Bob Woodward (Rage).
Ở cương vị tổng thống thì Trumpism có nghĩa là chủ trương đường lối mà Trump đã thực hiện, như là nhận định của dân biểu Cộng hòa Jim Banks tiểu bang Indiana vừa trúng cử chủ tịch tiểu ban nghiên cứu Cộng hòa Republican Study Committee (RSC). Mà ông Banks tóm tắt lại là mở rộng khối quần chúng Cộng hòa bảo thủ truyền thống bằng cách tranh thủ dân lao động, xây dựng lại thành phần công nhân sản xuất ở Mỹ (nghĩa là đem các hãng sản xuất về Mỹ), đặt công nhân ở vị trí hàng đầu trong các thỏa ước thương mại và chính sách di trú. Ông Banks nhận rằng đó là những lãnh vực mà Ủy ban Nghiên cứu cộng hòa chưa từng chú ý. Những luận điểm lý thuyết này nghe khoái tai và ông Trump cũng đã nói trong những phát biểu đó đây, nhưng thực sự chưa thực hiện được là bao vì những yêu cầu đối nghịch của các nhóm quyền lợi khác nhau trong xã hội tiêu thụ cao tốc phát triển tột độ Hoa kỳ với hai giai tầng. Một là giới tư bản với vô vàn mâu thuẫn, hai là giai tầng tiêu thụ với tràn ngập những yêu cầu khác biệt.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 19 tháng 11/2020