Khi tôi có trí khôn, mẹ tôi kể câu chuyện bà mẹ nuôi của tôi gánh hai cái thúng, mỗi đầu thúng là một cô con gái nhỏ cách nhau vài tuổi; lẽo đẽo mấy chục cây số để xuống nơi tập trung người di cư vào Nam năm 54; cái quang gánh trở thành một hình ảnh in sâu trong đầu thằng bé.
Lớn lên một chút, tôi nhớ người phụ nữ Huế vô Nha Trang lập nghiệp với quang gánh bánh bèo bánh hỏi, mỗi sáng ghé trước hiên nhà tôi mời chào người lối xóm ra ăn; vị nước mắm Huế với tôm khô nghiền trải lớp nhẹ trên miếng bánh bột trắng tinh khiến tôi có ấn tượng, đó là gánh hàng rong ngon nhất trong cuộc đời. Mà đúng vậy, trong nửa thế kỷ tôi chưa từng bao giờ ăn món bánh bèo bánh hỏi ngon hơn thế cho dù sau này bánh hỏi có thêm thịt heo quay.
Lúc chớm trưởng thành, tới lượt tôi “bị” trải nghiệm, cũng gánh, nhưng gánh nước!
Đơn vị mà tôi đi nghĩa vụ quân sự (chủ yếu là khai quang sản xuất) đóng trong khu đồi núi Phước Bình, có tên gọi Bù gia Phúc, Bù gia mập… Tôi may mắn được về đội văn công trung đoàn 16 và được phân công gánh nước. Đoạn đường từ phía giếng lên lán trại gần 200m, nhưng lần nào đưa được đôi thùng nước lên là chỉ còn một nửa; mới biết vụ gánh này không nhẹ chút nào.
Miền Trung cũng hay được các vị lãnh đạo ví von là đòn gánh của cả nước mà miền Bắc và Nam là cái giỏ đất đai phì nhiêu ở hai đầu. Thường cái đòn gánh phải được chăm chút nhiều nhất, nếu không, nó sẽ gãy thì tiêu cả 2 thúng hàng. Gánh thường được làm từ tre có sức chịu đựng dẻo dai; chẳng khác gì sức chịu đựng của người dân miền này.
Thế nhưng thực tế, đây lại là vùng chịu nhiều áp bức và bóc lột nhất. Theo dõi cái ý kiến của chính người trong guồng máy thì chúng ta thấy rằng; bộ máy quản lý đã kết hợp với đám con buôn để tận diệt tài nguyên miền Trung.
・”Về tác hại của loại dự án thủy điện “cóc”, theo ông Trần Quốc Thành, ( Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An) việc đầu tư ở đây vừa góp phần PHÁ RỪNG HỢP PHÁP lại ở nơi đầu nguồn là chính. Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du. Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích.
Bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn 1 - 10 ha rừng đầu nguồn. Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm 11 ha, dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và đầu tư hết 290 - 500 tỉ đồng.
So với điện mặt trời, để xây dựng nhà máy điện mặt trời 1 MW cần khoảng 0,6 ha. Giả sử công suất hữu ích khoảng 50% thì cũng chỉ mất 1,2 ha đất. Như vậy so với thủy điện là tương đương vì thủy điện công suất hữu ích cũng khoảng 70% là tối đa. Suất đầu tư của hai hình thức này cũng ngang nhau”. (trích báo Lao động).
Thương tiếc miền Trung nhưng nếu chính quyền không nghĩ tới việc phòng hộ lâu dài và chăm chút cho đời sống người dân; cứ đợi lũ về rồi kêu gọi quyên góp… e rằng Cái đòn gánh có dẻo dai cách mấy cũng bị gãy mà người gánh cũng sức tàn lực kiệt.
Đã vậy, khi người dân hai đầu đứng ra gánh dùm nhà nước, như ủy thác tiền cứu trợ hơn 100 tỉ cho ca sĩ Thủy Tiên, thì lòng tham muôn thủa của các đầy tớ nhân dân lại nổi lên qua chú ý của ban tuyên giáo:
“Nhưng các bạn cần tỉnh táo, không giúp đỡ tiền bạc cho những kẻ đánh bóng tên tuổi, những hội nhóm bất minh, thường xuyên gây rối loạn và giờ ra vẻ giúp đỡ. Giúp được bằng sức mình thì giúp, không thì quyên góp vào các tổ chức chính thống như hội chữ thập đỏ, các cơ quan báo chí, quân đội…”
Hoặc qua cái văn bản ký ngày 19-10 của UBND huyện Hải Lăng nhấn mạnh:
“Từ nay, các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm có nhu cầu hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm liên hệ và trực tiếp hỗ trợ tại tổ tiếp nhận hàng hóa cứu trợ của huyện do UBMTTQVN huyện là cơ quan thường trực…
-Yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo ban vận động tiếp nhận và phân phối hàng hóa giám sát chặt chẽ…”
Ngoài ra họ còn “vận dụng” một văn bản cũ của nhà nước để nhắc nhở, "Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định "Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".
Các hoạt động cứu trợ từ tấm lòng của người dân chắc chắn phải được hỗ trợ cho dù là hình thức nào, thế nhưng qua những văn bản trên tôi thấy lo cho Thủy Tiên dù cô ca sĩ làm bằng cái tâm và hết sức ca tụng nhà nước để tạo cái khiên chắn cho các hoạt động cứu trợ của mình.
Chưa hết, ở một đầu gánh, người ta vẫn vô cảm: “Tối 18-10 tại đường đi bộ Nguyễn Huệ TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công đại hội đảng biểu đảng bộ…”.(Báo tuổi trẻ).
Làm nhớ tới câu hát của một nhạc sĩ miền Trung
-Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người…
(Viết bài xong từ hôm qua, tôi xin người bạn quen, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Nhân một tấm ảnh quang gánh... để làm nền cho bài. Anh nhiệt tình gởi cho tôi mấy tấm thật đẹp và ý nghĩa. Cám ơn anh).