Các xã hội độc tài như Việt Nam, và dân chủ như Hoa Kỳ, đều có sự hiện hữu của những tính thiện, ác, lẫn những đặc thù xấu tốt qua nhiều hình thức. Sự khác biệt tuy nhiên, là do ở sự khai triển của những tính này như thế nào trong những xã hội đó.
Cụ thể trong xã hội độc tài Việt Nam, nơi đặc quyền đặc lợi nằm trong tay một nhóm nhỏ giai cấp lãnh đạo chỉ quan tâm phục vụ cho lợi ích của cá nhân và phe nhóm của họ, ý thức nhân bản, tự do dân chủ và công lý đã không có chỗ đứng. Thay vào đó lẽ phải đã luôn ở trong tay những kẻ có thế mạnh. Bạo lực trấn áp, mà nếu cần thì tiêu diệt, sự tranh giành, tướt đoạt, hà hiếp, dần dần đã trở thành cách hành xử đặc thù của toàn xã hội, từ lớn đến bé, trong mọi giai tầng xã hội. Vì thế người ta đã thấy trường hợp của những nữ sinh đánh nhau, giựt tóc, xé quần xé áo trước cổng trường hay trong lớp để hạ nhục lẫn nhau trước đám đông bàng quan đứng nhìn, có vẻ thích thú như xem một màn trình diễn bi hài. Và mới đây thì tin cho biết những học sinh cờ đỏ cấp một, nhân danh nhiệm vụ được trao đã bắt nạt, lấn áp bạn bè khiến dư luận bàn tán không ngớt. Công bình, nhân bản, đạo lý, hầu như không có phần trong mọi sự phán xét tại Việt Nam, từ đó mọc ra hai chữ vô cảm trên báo chí và truyền thông trong nước.
Ngược lại, tại xã hội dân chủ Hoa Kỳ, nơi quyền lợi của mỗi cá nhân được coi trọng và bảo vệ bởi Hiến Pháp, những khuyết điểm tham sân si và cá nhân chủ nghĩa của con người tuy vẫn tồn tại và được nhìn thấy, nhưng trong thực tế thì những biểu hiện tiêu cực đe dọa đến an toàn hay quyền lợi của người khác đều bị giới hạn bởi những quy lệ và nguyên tắc của từng địa bàn sinh hoạt và luật pháp, cũng như bởi dư luận xã hội nói chung. Bởi thế những khuất tất, những sai trái của bất cứ ai ở bất cứ vị trí quyền lực nào, cũng có thể bị phanh phui đặt vấn đề, nếu cần thì bằng những biện pháp chế tài thích đáng theo pháp luật.
Ảnh hưởng của môi trường sinh sống lên con người, một cách tổng quát, không thể phủ nhận là rất quan trọng. Sự mở rộng và phóng khoáng của những tư tưởng dân chủ trong xã hội tự do như Hoa kỳ, đã khiến những con người “yêu tự do” biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của những người khác, cũng như mong muốn những người khác biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mình. Ngay trong giới lãnh đạo các cấp chính quyền khi đưa ra chỉ thị, mọi sự chỉ tiến hành tốt đẹp khi những thành phần liên hệ thực thi, hiểu thấu đáo phương hướng cũng như mục tiêu muốn đạt. Đó là lý do nền tảng khiến Hoa kỳ là một nước tạp chủng mà đã trở thành một siêu cường như ngày nay. Đúng vậy, tuy là một liên bang với nhiều sắc dân theo những tỷ lệ khác nhau, với những nguồn gốc lịch sử khác nhau và do đó có tập quán, văn hóa và cách hành xử khác biệt nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung đó là sự mong muốn thành công, hạnh phúc, phát triển cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nói khác đi là trong việc thực hiện “giấc mơ Mỹ quốc,” là sống và để người khác sống trong yên bình hòa ái, bởi lịch sử của đất nước này đã cho thấy rằng phồn vinh tuy là theo nguyên tắc cạnh tranh để tiến lên tốt hơn, nhưng thành công không thể đến bằng cách loại bỏ nhau mà là qua sự “chung tay góp sức.”
Người Việt Nam đang cư ngụ tại Hoa Kỳ cũng không khác. Khi đến Hoa Kỳ sinh sống, mỗi người Việt Nam chúng ta đều mong mỏi tìm được những điều mà chúng ta mong muốn. Là được phát triển theo khả năng, được thành công trong sự nghiệp, được sống trong một xã hội tự do dân chủ nơi chúng ta có thể nói lên những điều suy nghĩ thay vì bị bịt miệng như khi sống dưới chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam. Được tự do cư trú ở bất cứ nơi nào mà chúng ta thấy là thích hợp nhất, trong đất nước nổi tiếng toàn cầu là “đất nước của cơ hội” (land of opportunities) này.
Trong cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ vào tháng Mười Một 2020 sắp tới, sự lựa chọn vị tổng thống thích hợp với suy nghĩ cá nhân là một quyền chọn lựa tự do của mỗi công dân Hoa Kỳ. Sự ủng hộ phe phái là có thể và đương nhiên. Hầu hết người Mỹ đều như vậy. Sự khác biệt ở đây là trong khi đa số người dân Mỹ theo dõi các dữ kiện xẩy ra, đánh giá và nhận định lợi hại trong mỗi vấn đề để có quyết định cho riêng cá nhân trong việc lựa người xứng đáng đại diện cho mình, thì có một thiểu số người đã lại không hành xử như vậy. Những người này đã như những lớp váng bẩn nổi lên trên bề mặt của một hồ nước trong. Họ đã khiến mọi người phải để ý qua những ngôn ngữ cộc cằn và cách hành xử cực đoan ngay trong thảo luận hay phát biểu ý kiến. Họ đã không hiểu rằng việc thảo luận nếu có, là để thấy được nhiều góc nhìn khác để có sự chọn lựa tối hảo, chứ không phải là để chứng tỏ rằng mình đúng hay hơn người khác. Bởi vì nguyên tắc của tự do dân chủ là tôn trọng quyền phát biểu, không giành phần hơn, không đè bẹp tiếng nói của người khác bằng những sự đe dọa hay vu khống không bằng chứng. Chúng ta muốn người khác tôn trọng mình thì không thể không hành xử đáng được tôn trọng. Nói một cách khác, nguyên tắc đơn giản của một người sống trong một xã hội dân chủ là nếu chúng ta thích ăn mắm tôm thì ngoại trừ những lý lẽ có tính thuyết phục, chúng ta không thể bắt người khác cũng thích mắm tôm hay mạt sát những người khác ý chỉ bởi vì họ đã không ăn mắm tôm.
Tuệ Vân
Ngày 17 tháng 10, 2020