Bồ Đề Đạt Ma sáng tổ của Thiền Tông Trung quốc nói rằng “Phù nhập đạo đa đồ, yếu nhi ngôn chi bất xuất nhị chủng. Nhất thị lý nhập. Nhị thị hành nhập”. Nghĩa là Phàm đi vào đạo có nhiều đường nhưng nói tóm lại không ra ngoài hai loại. Một là vào bằng lý. Hai là vào bằng hành.
Vào đạo bằng lý, thì cần nghe, suy nghĩ để hiểu và thấy đúng rồi thực hành tu sửa. Tức là theo đúng tiến trình của ba chữ văn tư tu Phật dặn lại trước khi nhập diệt. Theo kinh Đại bát niết bàn, trước giờ đức Phật nhập diệt sau khi đã giảng đạo 45 năm, chúng Phật tử van vỉ cầu xin Phật nán lại hướng dẫn, vì cảm thấy vẫn là chưa đủ, bơ vơ không biết dựa vào đâu được. Thì Phật nói rằng ta đi rồi thì còn Pháp. Nhưng cũng đừng có nhắm mắt tin nghe vì thương yêu ta, hay vì rằng ta là thầy. Mà phải nghe (văn) rồi suy nghĩ cho kỹ để thấy đúng sai (tư). Thấy đúng sai rồi thì mới biết là tu thế nào. Đi theo đường lý như vậy là rất khó, phải thực sự là một con người có trí óc để mà nhận thức theo tiến trình thọ, tưởng, hành, thức như kinh Phật nói.
Vào đạo bằng hành, thì chỉ cần tin mà tụng kinh niệm Phật, cũng vào được đạo. Tức là kết quả cũng vẫn là thân tâm an lạc. Theo đường hành nói chung dễ hơn. Đây là đường lối của pháp môn Tịnh độ.
Thực thế có bài kệ rằng
“Ái hà thiên xích lãng, khổ hải vạn trùng ba, Dục thoát luân hồi khổ, tảo cấp niệm di đà”. Nghĩa là Sông yêu sóng ngàn thước, Bể khổ sóng muôn trùng; Muốn thoát khỏi nỗi khổ luân hồi thì hãy sớm niệm Di Đà. Di đà là phật A Di Đà. Câu hỏi nẩy ra là tại sao niệm A di đà Phật mà lại thoát được khổ não. Và có thực như thế không? Nói đến tình yêu thì ai cũng nghĩ tới sự say mê, hoan lạc ở những mức độ khác nhau. Nhưng thực tế không hẳn là như thế. Cho nên Hồ Dzếnh mới viết trong bài thơ Ngập ngừng rằng “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Tôi lần đầu tiên nghe hai câu thơ này từ một chú em họ ngây thơ 17 tuổi thốt ra trong lúc say vì chai bia 33 uống lần đầu tiên trong đời, ngày người yêu thầm kín đi lấy chồng. Nhẹ nhàng đằm thắm thì như bài thơ Khóc Bằng Phi của vua Tự Đức, cực tả bởi hai câu “Đập cố kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi”. Ước ao chờ đợi ngoài sương lạnh thì như Vũ Hoàng Chương:
“Ngoài hiên vắng gió đưa vàng rụng đến
Ngọn tường vi xuống mãi chiếc liềm cong
Đêm gần khuya, sương đổ,
Anh thấy ướt vai áo
Anh thấy lạnh trong lòng”
Những lời thơ này là diễn tả tình trạng yêu mà không được đáp ứng, không trọn vẹn hay là yêu rồi bị mất. Cho nên yêu mà thành khổ. Còn có những trường hợp có yêu, được yêu mà cũng vẫn khổ. Là bởi vì ai cũng biết rằng yêu quá thành cuồng, thành ghen mà khổ. Như Nguyễn Bính đã viết trong bài “Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi”:
“Tôi muốn cô đừng nghĩ tới ai
Đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nằm ngủ
Đừng tắm chiều nay bể lắm người
Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
Dẫu chỉ qua rồi khách lại qua”
Rõ ràng là con sông tình ái sóng cao ngàn thước. Ngồi trên sóng lướt đi đó mà rồi trồi lên trụt xuống cả đời. Như Vũ Hoàng Chương là một trường hợp.
Luân hồi, vòng xoay là như thế. Ngay trong một đời. Cột mốc luân hồi chẳng phải là cái chết như nhiều người tưởng. Luân hồi là vòng xoay thất tình lục dục: Hỉ nộ ai lạc ái ố dục trong cuộc đời, trong một đời. Bởi vì Vũ Hoàng Chương qua được trận 12 tháng 6 với “Kiều Thu hề, Tố hỡi em”… thì lại đến chuyện khác viết ra trong mấy câu:
“Gặp gỡ chừng như chuyện Liêu trai
Ra đi chẳng hứa một ngày mai
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai.”
Và chuyện khác nữa, năm 1959 khi Vũ hoàng Chương 33 tuổi được chính phủ VNCH cử đi dự hội nghị đệ tứ Quốc tế Thi ca lưỡng niên tại Knockke-le Zoute (Bỉ quốc). Trong hội nghị này Vũ Hoàng Chương gặp nữ thi sĩ Ysabel Baes tuổi mới 15. Hai người đã làm thơ đối đáp, và Ysabel đã dịch một số bài thơ sang tiếng Anh in thành sách.
Chia tay, là xong. Không bao giờ gặp lại hay nghe tin gì về Ysabel Baes dẫu bỏ công tìm.
Cho nên, muốn thoát khỏi vòng “khổ hải vạn trùng ba”, thì đơn giản như trong bài kệ dạy là “tảo cấp niệm di đà”. Nhưng mà liệu có nhiều người muốn thoát vòng tục lụy như mô tả trong những thơ văn Việt nam lược dẫn ở trên hay không? Hay đa số thích chìm trong cái “thú đau thương” của cuộc sống? Và nếu Niệm di đà thì có thực hiệu nghiệm hay không? Những tín đồ Phật giáo Việt nam phần nào có tin như thế. Cho nên trong chính điện các chùa thường là có bàn thờ đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở giữa, hai bên là bàn thờ Quán Thế Âm bồ tát (cứu khổ hiện tiền) và A di Đà Phật (cứu khổ khi chết). Nhưng không “niệm sớm” tức là tảo cấp mà thường là chỉ khi nào đến bước đường cùng, tuyệt vọng. Thực vậy, đó là trường hợp những nguời đi lương, nghĩa là Việt nam truyền thống theo tinh thần tam giáo Khổng Lão Phật. Không thực sự là những Phật tử thuần thành đi chùa thường xuyên, không thực sự tuyệt đối tin vào một sức mạnh siêu nhiên có thể cứu khổ, cụ thể tác động lên cuộc sống của mình. Nghĩa là không cầu mong hoàn toàn ở tha lực giúp đỡ. Cho nên không có câu trả lời dứt khoát. Nhưng có những người vượt biển kể rằng trong lúc lương thực hết, thuyền hỏng máy trôi nổi giữa biển sóng lớn tưởng chìm thì nhiều người đã niệm Quan Thế Âm Bồ tát, rồi sau đó có tầu ngoại quốc cứu. Mặc dầu trước đó đã có nhiều tầu ngoại quốc đi qua nhưng chẳng hề đoái hoài. Lại có người nói rằng vì cái chết kể là 100% không thể nào tránh khỏi, cho nên chỉ niệm Nam mô A di Đà Phật để được đón về cõi Tây phương cực lạc, và trở thành bình tĩnh an nhiên lạ lùng. Sự bình tĩnh an nhiên này đã được đề cập đến trong cuốn Sông lửa Sông nước (River of fire, River of Water) của giáo sư tiến sĩ Taitetsu Unno tín đồ Tịnh độ tông Nhật bản. Unno là trưởng khoa tôn giáo ở Smith College, Northampton, Massachussetts, dậy về Văn hóa, Thần đạo và Phật giáo Nhật bản. Unno nói rõ rằng chỉ bằng sự tụng lên mấy tiếng Nam mô A di đà Phật thường xuyên thì đã có sức mạnh giữ gìn sức khỏe, chống trả bệnh tật, ý thức được đúng mức sự sống giới hạn nhỏ bé của con người trong giòng sống vô tận không dứt.
Lòng tin trong Tịnh độ tông nói chung không khác mấy lòng tin nơi những người Thiên Chúa giáo, dựa trên tha lực cứu vớt.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 14 tháng 10/2020)