Bài đăng trên Phụ trang Á Châu, số Xuân Bính Dần năm 1986
Trích trong Đặc Tập 40 Năm Văn Học Người Việt Tại Nhật - Chương 3.
(l/l Hải Lê bbt@namnghetanxa.com)
“Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết”
Tôi mượn câu thơ cùa Nguyễn Đình Toàn để mở đầu bài viết này, cũng như để mở đầu lòng tôi khi bước qua năm mới. Đã có rất nhiều người viết về Tết, nhiều Thơ và Nhạc ca ngợi Tết, mùa Xuân.
Từ cái thuở mới dựng nước xa xôi của mấy ngàn năm trước, Tết đã có mặt trong câu chuyện cổ tích “Bánh Chưng Bánh Dày” mở đầu cho món ăn quốc hồn quốc túy bất hủ. Tết có mặt khắp mọi nơi trong tự tình dân tộc, Tết hiện diện thiêng liêng trong lòng mỗi người, ở mỗi thổ ngơi, mỗi làng, mỗi xã Tết có một sắc thái riêng biệt, nhưng dù bất cứ ở đâu, trong bất cứ khó khăn nào, cái Tết Việt Nam vẫn còn giữ nguyên sắc thái cổ truyền và dân tộc tính, lẫn vào đó là sự duyên dáng, uyển chuyển tùy theo hoàn cảnh, phong tục và thời gian của dân bản xứ.
Khi còn là cô học trò lớp Đệ Thất, tôi đã say mê ghi chép lai những vần thơ hay của những nhà thơ tiền chiến như Nguyễn Bính, Huy Cận, Quang Dũng, Hoàng Cầm...hoặc gần hơn là những ý thơ của Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa...cũng vào lúc đó tôi đã ôm cuốn Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến như là một cuốn sách gối đầu giường. Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Tú Xương là những nhân vật thần tượng của tôi ngày xưa, tôi đã không bỏ một giờ Kim Văn nào vào những năm đầu của Bậc Trung Học. Rồi thời gian qua, khi cô học trò lớp Đệ Thất đã trở thành cô nữ sinh lớp Đệ Nhất, đã biết mơ mộng mưa chiều nắng sớm, đã mở cửa căn nhà nhỏ cho người trong mộng tưởng, thì những bài thơ tình của Vũ Hữu Định, Kim Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên... lại là những thần tượng mới. Trong khả năng hạn hẹp, tôi xin được ghi chép lại một vài áng thơ hay trải dài từ vài thập niên trước đến nay.
Trước hết, chúng ta hãy lắng tai nghe Hàn Mặc Tử nhìn mùa Xuân mà ông đã tưởng tượng thuở trời đất lúc mới khai sinh ra mùa Xuân, đã không có sầu bi ai oán:
Xuân đầu tiên
Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có áo xuân trắng trẻo thay!
Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Có người trai mới in như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi
Hãy hoan hô, lời cao như sấm
- Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!
Cùng một cảnh sắc, mỗi nhà thơ đều có những cái nhìn khác nhau, Tản Đà đã mượn mùa Xuân để thổ lộ những chua chát ê chề khi còn thơ ấu, Hàn Mặc Tử đã tưởng tượng mùa Xuân lúc mà Trời Đất chưa biết gì về là ê chề, đau khổ, còn Vũ Hoàng Chương đã nhìn mùa Xuân qua chiến thắng lẫy lừng cua Nguyễn Huệ trong Trận Đống Đa qua “Bài Ca Bình Bắc”:
Nhớ trận Đống Đa hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề, máu nở hoa đào,
Ngập giấc Xuân tiêu hề, lửa trùm quan tái
Trời đất vô cùng hề, một khúc hát ngao
Chí khí cũ gầm trong da thịt mới
Vẳng đáy sâu tiềm thức, tiếng mài dao,
Đèo Tam Điệp hề, lệnh truyền vang dội
Sóng Sông Mã hề, ngựa hí xôn xao
Mặt nước Lô Giang hề, lò trầm biếc khói,
Mây núi Tản Viên hề, lọng tía giương cao...
Một nhà thơ được nhiều người yêu thích qua lời thơ mộc mạc là Nguyễn Bính, ông đón Xuân bằng chén rượu nồng, cay đắng mừng người yêu đi lấy chồng:
Cao tay nâng chén rượu nồng
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay
Uống đi, em uống cho say
Để trong mơ sống những ngày xuân qua
Hoặc ông tả lại mối tình của cô lái đò ngày ngày vẫn đưa khách sang sông, nhưng tình quân thì vẫn biền biệt, chờ đợi hoài không thấy nên một buổi sáng mùa Xuân, cô đi lấy chồng, tạo nỗi buồn cho những khách qua sông.
Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông
Trong những bài Thơ ca ngợi Tết của những nhà thơ hiện đại, ta thấy hầu hết là trước khi đề cập đến chữ Tết, luôn luôn có những từ như tháng Mười Hai, tháng Chạp.
Tháng Chạp về rồi bé thấy không
Một chút màu xanh, một chút hồng
Một chút vàng mơ và tím nhạt
Chưa giao thừa Tết đã trong anh
(Mường Mán)
không những chỉ có từ tháng Mười Hai hoặc tháng Chạp để ngụ ý chỉ cái Tết, mà những từ ngữ nhơ Tờ Lịch, Ngày Tháng, Tuổi hoặc cuối năm cũng là một cách hành văn để ngỏ ý xa xôi bóng gió là Tết sắp đến. Tiếng Việt Nam quả thật là phong phú.
Xé tờ lịch cũ với năm tháng
Tình có phai dần theo tháng năm.
(Mường Mán)
Hay
Thêm một tuổi nghĩa là đi trở lại
Những con đường tan nát suốt năm qua
hoặc là
Chiều cuối năm nhạt bóng hoa đào
(Mường Mán)
Và mùa Xuân, từ trước đến giờ vẫn là biểu tượng thuần túy, ý nghĩa nhất của cái Tết Việt Nam. Điều này đã được thể hiện rất nhiều trong văn chương.
Tháng 12 gió về chưa ấm tuổi
Cỏ mùa Xuân kề cận ở bên lòng
Và ngày tháng đưa ta trở lại
Thành phố xưa chợt thấy hoa cười
Mùa Xuân chín vàng tươi vui áo mới
Nhìn riêng ta lòng đã ngậm ngùi
(Từ Kế Tường)
Cũng chưa hẳn không phải chỉ có mùa Xuân là biểu tượng của Tết, các cụ xưa đã dùng hình ảnh hoa đào và ông Đồ, dưới ngòi bút sắc sảo của thi sĩ Vũ Đình Liên bài thơ đã cho chúng ta thấy tinh thần tôn trọng nho học của dân tộc Việt Nam.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Tết không những chỉ được đề cập trong sách vở, trong thơ, trong nhạc, Tết còn được nâng niu, nhắc nhở trong văn chương truyền khẩu, trong ca dao, trong các câu đối, trong lời mẹ ru con.
Lẹt tẹt đùng, lẹt tẹt đùng
Tết đến sau lưng kể mừng người tủi
Hay những câu đối bất hủ được truyền tụng mãi tới ngày nay:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh
Nhưng đó là những cái Tết vàng son trong quá khứ, những cái Tết phủ đầy hương trầm, khói pháo, mặn nồng ly rượu đầu năm. Còn bây giờ, ngoài những kẻ may mắn như chúng ta, thì tại Việt Nam dân tộc ta còn hưởng được những cái Tết như ngày xưa hay không?
Trong Tiếng Vọng Từ Đáy vực, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã phôi bày cho thế giới thấy rõ “mùa xuân bất tận” ở thiên đường Việt cộng.
Khắp non sông mang nhịp đàn xuân sáng
Lòng nặng nề khôn mở đón Xuân sang
Xuân ước mơ, mơ ước đóng băng rồi
Thắm nở đào hoa, sắc lòng tím ngắt
Sáng biếc mây trời, tối sầm ánh mắt
Giải đời buồn, xuân vẫn tới xuân ơi!
Muốn cao bay theo khúc đàn Xuân mới
Hôn nắng chìm, đôi cánh rủ đau rơi
Năm tháng trôi, hồng thắm sắp phai rồi
Thắm nhạt, hồng phai, tiếng lòng thổn thức
Hiến khúc tưng bùng dàn xuân náo nức
Lỗi nhịp rồi, xuân hỡi chớ ngân cao!
Ước mơ chi khi nợ nần cơm áo
Còn nặng đè lên hình xác xanh xao
Xuân đến kia, hồn nước chửa thaỵ màu
Lỗi hẹn cùng Xuân, tiếng đời vắng ngắt
Biết đến bao giờ xuân mới tắt
Tiếng nghẹn ngào sai lỗi nhịp xuân ơi!
Xuân thắm tươi, xuân của Đất của Trời
Xuân xám ngắt, xuân của người của nước!
(Khắp non sông)
Ngồi ôn lại ngày buồn ngày vui mà lòng chạnh nhớ quê hương. Bây giờ cũng Xuân về, Tết đến, đồng bào ta chắc sẽ hưởng xuân ở trong lòng, vì chung quanh, mùa Xuân hay Tết chỉ còn là tiếng vọng từ quá khứ bi lãng quên.
Đêm nay giao thừa, ngoài sân gió thổi
Lá vàng rơi, xơ xác cành khô...
Sương rắc bụi mờ...
Ta ngồi viết mấy vần thơ
Giải niềm oan khổ
(Nguyễn Chí Thiện)
Và chúng ta, những người nơi hải ngoại, đón Xuân về, mừng Tết đến thử hỏi chúng ta đã làm gì được cho đồng bào ta ở quê nhà, nơi đất tạm dung, mỗi mùa Xuân là một mốc thời gian để chúng ta nhủ thầm lòng cố gắng. Xin mượn 2 câu thơ của cụ Đông Hồ để kết thúc bài viết:
Mỗi năm ăn một mùa xuân nhỏ
Đợi một mùa xuân lớn chửa về.
Mùa Xuân lớn đó, có chóng đến hay không, đó là tùy thuộc vào chúng ta cố gắng nhiều hay ít.