(Trích trong Đặc Tập 40 Năm Văn Học Việt Nam Tại Nhật - Chương 6.)
Samurai là thuật ngữ để chỉ giới quân sự của Nhật Bản thời trung cổ có nghĩa là những "Kiếm Sĩ" phục vụ gần gũi với giới quý tộc. Vào cuối thế kỷ 12, Các Samurai đã được biết đến như là tầng lớp các Kiếm Sĩ hay còn gọi là những Kiếm Sĩ Đạo trong Mạc Phủ (Tổng Hành Dinh) của các Shogun (Lãnh chúa) với tỷ lệ ít hơn 10 phần trăm trên tổng số dân tộc Nhật. Triết lý Samurai vẫn còn tồn tại đến ngày nay trong cuộc sống hàng ngày, và trong võ thuật thể thao của Nhật như môn Kendo, tiếng Nhật có nghĩa là "con đường đi của lưỡi kiếm", tức là môn công phu "Kiếm Đạo" trong thi đấu.
Thời kỳ Heian, cuối thế kỷ thứ 8 đầu thứ 9, Hoàng đế Kammu sáng tạo ra tước hiệu SeiitaiShogun, sau được gọi ngắn đi là Shogun. Đây là một loại hàm tước Tướng Quân để phong Lãnh Chúa cho các khu vực có thế lực chiến đấu, và Hoàng đế Kammu đã dựa vào các Mạc Phủ tức Tổng Hành Dinh của các Shogun ở những khu vực mạnh mẽ để dùng các chiến binh của họ đi chinh phục Emishi, là một nhóm sắc tộc sống ở đông bắc Honshu, ngày nay được gọi là vùng Tohoku. Người của các gia tộc Shogun thường có kỹ năng cao trong chiến đấu. Họ gắn kết với bắn cung múa kiếm, và những chiến binh thuộc dòng tộc các Shogun đã trở thành công cụ chiến đấu của hoàng đế. Sau khi chiến tranh Genpei của cuối thế kỷ 12, một Shogun thuộc gia tộc Minamoto no Yoritomo được Thiên Hoàng cho phép tổ chức các binh đội trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, và kiêm luôn việc thu thuế, sau đó các Lãnh chúa dần dần mở rộng tầng lớp Samurai.
Giới Kiếm Sĩ lúc bấy giờ xuất hiện như là thành phần quý tộc trong xã hội, và họ được tham gia vào tầng lớp có quyền lực chính trị cầm quyền ở Nhật Bản. "Nhiệm vụ của một Samurai chính là kỹ năng trong việc sử dụng hai thanh kiếm dài và ngắn của người Kiếm Sĩ để thực hiện cái chết cho kẻ thù và cho cả chính mình". Đó là lời huấn thị của Kato Kiyomasa một trong những Shogun mạnh nhất và nổi tiếng của thời kỳ Sengoku ở thế kỷ 15, và đã thành một châm ngôn bất hủ cho cuộc sống của các Kiếm Sĩ xứ Phù Tang. Năm 1274, Thiết Mộc Chân Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ sau khi chiếm đóng Á và Âu châu, đến đời cháu nội là Hốt Tất Liệt Đại Hãn đã lập ra triều đại nhà Nguyên ở Trung Hoa, tiếp tục mở rộng bờ cõi cho đế chế Nguyên mông. Hốt Tất Liệt đã dùng 900 chiến thuyền đưa 40 ngàn kỵ binh vượt biển tấn công Nhật Bản ở phía Bắc Kyushu.
Toàn bộ lực lượng chiến đấu của Nhật lúc bấy giờ nằm rãi rác ở các gia tộc Shogun cũng chỉ có 10 ngàn Kiếm Sĩ. Số lượng Samurai ít hơn Mông Cổ bốn lần, lại bị phân tán mỏng, Nhật Bản quả đang trong thế "sơn hà nguy biến" với vó ngựa bách chiến bách thắng của Nguyên Mông. May thay, đoàn chiến thuyền của Mông Cổ bị một cơn bão lớn quật cho tan tành trước khi họ kịp cập bờ đổ bộ vào xứ Phù Tang. Kỵ binh của Mông Cổ đã dẫm nát thành bình địa toàn cõi các bình nguyên từ Á sang Âu, nhưng họ lại là những chiến binh không có chút kinh nghiệm nào với biển cả. Nhưng cũng từ chuyện tấn công của Mông Cổ, các Shogun của Nhật lúc bấy giờ mới biết thêm, họ còn có khả năng bị những cuộc tấn công khác từ nước ngoài, và họ bắt đầu xây dựng một hàng rào phòng thủ bằng đá lớn về Hakata Bay trong năm 1276, hoàn thành năm 1277. Bức tường này trải dài 20 km xung quanh biên giới của vịnh, và sẽ sử dụng vào mục đích dùng làm pháo đài phòng thủ mạnh mẽ chống lại quân Mông Cổ.
Năm 1281, nhà Nguyên tấn công Nhật lần thứ hai, với một đoàn người ngựa lần này lên đến 160 ngàn, đông gấp 4 lần hồi 7 năm trước. Năm ngàn chiến thuyền đưa đoàn quân "vĩ đại" của Hốt Tất Liệt cháu nội của Thành Cát Tư Hãn vượt biển Nhật Bản lần nữa nhắm xứ mặt trời mọc mà đổ bộ. Phía Nhật quy tụ được 40 ngàn nam nhân bất kể họ có phải là "Kiếm Sĩ Samurai" hay không để chuẩn bị chống đỡ. Khi quân đội Mông Cổ vẫn còn trên tàu và đang chuẩn bị đổ bộ làn sóng người ngựa khổng lồ vô bờ cát thì trời cứu Nhật Bản thêm một lần nữa. Lại một cơn bão dữ quất vào phía bắc đảo Kyushu lần hai, và cơn bão này đã làm đoàn chiến thuyền của Nguyên Mông tan tành như nắm bèo trên biển sóng. Hai cơn bão kinh hồn của năm 1274 và 1281 cách nhau 7 năm lại đúng vào hai lần Hốt Tất Liệt dùng thuyền đem đoàn thiết kỵ của họ qua biển Nhật Bản, và hai lần bão này đã giúp các hậu duệ Samurai của Nhật Bản đẩy lùi đoàn quân tinh nhuệ của Mông Cổ đông hơn số chiến binh của Nhật gấp 4 lần mà chẳng cần múa ra một đường gươm nào.
Những cơn gió bão đã hai lần nhấn chìm đoàn kỵ binh tinh nhuệ của Mông Cổ được người Nhật gọi là kami-no-kaze, có nghĩa là "gió của các vị thần." Kami no kaze cho Nhật Bản tin rằng đất nước của họ thực sự là của thần thánh, và dưới sự bảo vệ siêu nhiên của Thái Dương Thần Nữ. Cho đến thời đại của Tokugawa, hình tượng "gió thần" và lòng tin vào các Samurai đã bị tan vỡ khi Matthew Perry và đoàn tàu chiến của Hải Quân Mỹ cùng những tàu chạy hơi nước không có buồm xuất hiện tại bờ biển Nhật trong năm 1853. Perry sử dụng súng thần công đại bác trên tàu chiến của mình từ ngoài khơi nã vào đất liền mấy quả cho nổ tung mọi thứ trên cảng để biểu dương lực lượng buộc Nhật Bản phải mở cửa giao thương với người Tây Phương. Chỉ vài trái đạn của Perry từ biển bắn vào đất liền đã làm toàn Nhật Bản choàng tỉnh ra khỏi cơn mơ ngủ. Ngay năm sau 1854, tầng lớp Kiếm Sĩ Samurai được Thiên Hoàng hiện đại hóa để trở thành quân đội và Hải Quân của Nhật hoàng.
Một trường huấn luyện Hải Quân được tức tốc thành lập ở Nagasaki năm 1855. Sinh viên Hải Quân được gửi đến học tại các trường Hải Quân phương Tây trong nhiều năm để được đào tạo thành nhân tố lãnh đạo quân đội và Hải Quân Nhật trong tương lai. Như Đô đốc Enomoto của Hải Quân Nhật, nguyên là một trong những sĩ quan tiền phong của quân đội Thiên Hoàng, sau khi tốt nghiệp Hải Quân ở Nagasaki, năm 26 tuổi ông được đào tạo kỹ thuật chiến tranh Hải Quân ở Hòa Lan 4 năm, và thông thạo cả tiếng Hòa Lan lẫn tiếng Anh. Với những cải cách Minh Trị thiên hoàng ở cuối thế kỷ 19, tầng lớp Samurai đã bị bãi bỏ, và một quân đội theo mô hình của các nước Tây phương mang phong cách phục vụ quốc gia được thành lập, và nhiều tầng lớp Kiếm Sĩ Samurai đã tình nguyện làm lính trong quân đội của Nhật hoàng. Phần lớn các sinh viên sĩ quan trong những lớp đào tạo của quân đội Hoàng gia, có gốc Samurai, họ thường có kỹ năng chiến đấu cao, thượng tôn kỷ luật và đã được đào tạo tiên tiến như các sĩ quan chính quy. Sự xung đột cuối cùng của Samuarai được ghi nhận là năm 1877, qua cuộc nổi dậy Satsuma trong trận Shiroyama. Cuộc xung đột này bắt nguồn từ cuộc đánh bại Mạc phủ của Tokugawa, dẫn đến triều đại Minh Trị (Meiji) Thiên Hoàng sau này.
Ngày nay, xã hội cận đại của Nhật đã không còn duy trì tầng lớp Kiếm Sĩ Samurai, nhưng huyền thoại và lịch sử của Samurai vẫn tồn tại trong lòng mọi người dân con cháu của Thái Dương nữ thần. Đất nước Phù Tang không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thanh nhã của những cánh hoa Anh đào, những bông tuyết tung bay trang hoàng cho ngọn núi Phú Sĩ hay nét e ấp của những cô gái trong trang phục Kimono truyền thống... mà vùng đất xứ mặt trời mọc ở phương Đông này còn được biết đến bởi sự dũng mãnh của tinh thần Kiếm Sĩ Đạo Samurai xa xưa!
Ngược lại dòng lịch sử thời trung cổ Nhật Bản, Samurai là một giai cấp chiến binh thị vệ đầu tiên do triều đại của Mạc Phủ Đường Nguyên (幕府ダングエン- Shogunate Danguen thế kỷ 12) thiết lập nhằm tạo ra một giai cấp chiến binh trung thành để bảo vệ ngôi vị Shogun của dòng họ Đường Nguyên. Người nào muốn trở thành Samurai thì phải hội đủ ba yếu tố: Trung Thành, Can Đảm, và Danh Dự. Để gìn giữ các yếu tố này một cách tuyệt đối, có trách nhiệm. Các Samurai phải qua những chuẩn bị cần thiết để có thể đương đầu với kẻ thù. Họ được tập luyện kiếm cung từ nhỏ, thực hành trà đạo, thi ca và hội họa. Từ đó, tinh thần Thần Đạo, Kiếm Đạo. Kiếm Sĩ Đạo đã dần dần thấm nhuần vào tư tưởng hành động của các Samurai.
Cũng vào thời gian trước đó ít thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nhất là tinh thần an nhiên của Phật giáo Thiền Tông vốn chuộng sự đơn giản và tĩnh lặng cũng ảnh hưởng mạnh đến xã hội Nhật đương thời. Lòng an nhiên tự tại tạo cho các Kiếm Sĩ Samurai sự bình tĩnh và bình thản trước mọi tình huống. Tính đơn giản giúp cho Samurai nhìn thấy ngay cả lẽ sống chết cũng là một chuyện đơn giản, một thi vị nhẹ nhàng tựa như đời sống của hoa Anh đào. Anh đào là loại cây thường nở hoa hàng năm vào lúc Xuân về khi tiết trời đang ấm lên. Đời sống của những hoa Anh đào thật ngắn ngủi, nhưng có hai lần trở thành tuyệt đẹp. Đó là khi hoa nở rực rỡ dưới ánh nắng Xuân và khi hoa bay theo làn gió lìa cành. Samurai tự ví đời sống của mình đẹp và thơ như đời sống của Anh đào. Ở đó, sự sống và sự chết đều có nét đẹp khác nhau. Sự can đảm đã tạo dựng cho các Samurai xem cái chết như là một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi. Kiếm Sĩ Samurai còn được gọi là giới Kiếm Sĩ Đạo là những người có nhiều đặc quyền. Họ được phép mang hai thanh kiếm khác nhau ở bên trái, một dài tên là kiếm Katana hoặc Tachi, một ngắn tên là kiếm Wakisashi, và có thể thêm một con dao nhỏ nữa được gọi là Tanto.
Thông thường Tanto dùng để mổ bụng tự sát theo nghi thức Hara-kiri hoặc Seppuki. Tất cả những luỡi kiếm của Samurai được sử dụng vào cuối thời Kamakura (1185-1333). Trước đó giới chiến binh Nhật sử dụng cung tên là vũ khí chính. Người dân bình thường không được phép mang kiếm Samurai và có thể bị chém bay đầu nếu có ý định chống đối lại các Kiếm Sĩ. Cuối thế kỷ thứ 15, đạo quân Ashikaga mất quyền kiểm soát lãnh thổ, các Lãnh chúa tranh chấp liên miên và nội chiến kéo dài gần 100 năm. Khi Toyotomi Hideyoshi cuối cùng thống nhất được lãnh thổ, ông đã đưa ra một loạt những thay đổi mới cho giới Kiếm Sĩ Đạo. Ông tổ chức cho Samurai có một cuộc sống ổn định hơn trong những dinh thự, lâu đài, từ đó họ có thể tự quản lý và phòng chống kẻ thù từ bên ngoài. Đây là bước chuyển biến căn bản thay đổi giới Kiếm Sĩ thành đội ngũ quân sự chuyên nghiệp. Điểm chủ yếu của Samurai là trung thành với Lãnh Chúa, tự quản, nói thật và không bộc lộ tình cảm của mình cho người khác biết. Mỗi một đạo quân Samurai của các Shogun đều có nguyên tắc danh dự và hành xử riêng của mình, chẳng hạn trong thời Chosokabe Motochika (khoảng 1596), nhiều Samurai say sưa quá độ, làm ảnh hưởng đến người khác có thể bị chủ nhân chém đầu. Hoặc thời Takeda Shingen (1547), lấy vợ lấy chồng ngoài lãnh thổ cai trị của Lãnh chúa là cấm kỵ.
Cái chết đối với người Kiếm Sĩ Đạo nhẹ và đẹp như Anh đào nương bay theo gió. Chết trong danh dự hay chết trong ô nhục mới là vấn đề then chốt. Seppuku hay Hari-kiri là một hình thức tự sát bằng cách tự mổ bụng và nhờ một Kiếm Sĩ khác thực hiện công đoạn chặt đầu mình để kết thúc. Đây là một nghi thức kết thúc cuộc sống trong danh dự, là một phần truyền thống của Kiếm Sĩ Samurai, một phần mà những Kiếm Sĩ khi được trao không thể từ chối. Hara-kiri hay Seppuku thường được tiến hành ở ngoài chiến trường trước hàng quân, bằng một nghi lễ đặc biệt, tất cả mọi người đều có thể tham dự và chứng kiến.
Kiếm Sĩ tự sát sẽ tắm rửa cho sạch và thanh khiết, mặc áo choàng trắng, và được cho ăn bữa ăn yêu thích của mình. Nghi thức mặc đẹp, với thanh kiếm được đặt trước mặt ông và đôi khi ngồi trên các loại khăn đặc biệt, các Kiếm Sĩ Samurai sẽ chuẩn bị cho cái chết bằng cách viết một bài thơ tử vong. Với sự hỗ trợ bởi một Kiếm Sĩ thứ hai, được gọi là Kaishakunin, là người đã được lựa chọn trước. Người này sẽ đứng cạnh bên để làm công đoạn, nghĩa là cắt giảm đau đớn cho Samurai tự sát bằng cách chặt đầu ông này sau khi ông ta đã thực hiện nghi thức mổ bụng bằng cách đâm mạnh thanh dao mổ bụng Tanto vào bụng dưới và rạch một nhát rạch dài từ trái sang. Động tác Kaishaku chặt đầu cần được thực hiện trong kỹ năng của đường kiếm Dakikubi (chiêu thức chém đầu), và đòi hỏi Kiếm Sĩ thực hiện phải có tay nghề cao, phải cực chuẩn và chính xác. Chỉ một nhát một là phải rơi đầu. Truyền thống Hari-kiri hay Seppuku sau đó đã không được các quan cao cấp trong nhiều triều đại của Nhật ủng hộ. Kể từ năm 1603, và một lần nữa vào năm 1663 việc thực hiện Seppuku đã bị cấm.
Tuy vậy, hiện tượng tự sát trong xã hội Nhật cho đến ngày nay vẫn không dứt hẳn... Yukio Mishima, một nhà văn lỗi lạc của nước Nhật cận đại đã chọn cách tự sát theo cung cách Samurai vào năm 1970 để cảnh tỉnh người Nhật về nguy cơ xâm chiếm của văn minh Âu Mỹ. Masakatsu Morita được vinh dự chọn làm Kaishakunin để làm cú kết thúc bằng chặt đầu nhà văn Mishima…
Tiếc thay, ông hậu duệ của Samurai đời nay, đã cố gắng đến ba lần nhưng đường kiếm chặt đầu không đủ mạnh, Morita đã không thành công trong công đoạn kết thúc. Cuối cùng đầu của nhà văn cũng được cắt bởi một "Kiếm Sĩ tân thời" thứ ba là Hiroyasu Koga. Morita người thực hiện chuyện cắt đầu thất bại, sau đó cũng tự hối bằng tự mổ bụng mình để tự sát, và ông cũng nhờ Koga làm công đoạn chặt đầu mình. Morita tin rằng Koga có "tay nghề cao" đã giúp ông kết thúc ba nhát chặt không đứt đầu nhà văn Yukio Mishima, bây giờ cũng sẽ giúp luôn phần kết thúc lấy đầu mình một cách êm ái...
Không nghe nói, sau đó "cha nội" Hiroyasu Koga có bị rắc rối gì với cảnh sát hay không. Nên nhớ lúc đó là năm 1970, chỉ mới hơn 40 năm qua, bấy giờ đã là xã hội thời cận đại. Khơi khơi rút kiếm chém bay phăng đầu hai mạng người, dù chỉ là để "giúp bạn" hoàn thành ý nguyện thì tay hậu duệ Samurai có "tay nghề cao" này cũng khó thoát khỏi nghe ông tòa phán câu chung thân cho đến tử hình. Trở lại triều đại Edo và Tokugawa (1600-1867) nước Nhật sống trong cảnh thanh bình. Đến đầu thế kỷ thứ 19 thì triều đại Tokugawa đình đốn và suy sập, hệ thống Kiếm Sĩ Samurai của các Shogun trở nên yếu đuối. Chiến thuyền nước ngoài đổ bộ lên đất Nhật. Thất bại trước ngoại xâm và bất lực trong việc phát triển đất nước, Hoàng đế Keiki từ chức, đạo quân Samurai cuối cùng tan rã. Năm 1871 giới Samurai hoàn toàn bị bãi bỏ.
Các Lãnh chúa mất hết quyền hành và khả năng kiểm soát nên đã giao lại lãnh thổ cho Shogun Meiji tức Minh Trị thiên hoàng sau này. Minh Trị thống nhất đất nước mặt trời, đặt Edo làm thủ đô, tức Tokyo ngày nay. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt. Các Võ Sĩ Đạo nhóm lại dưới sự lãnh đạo của Saigo Takamori (1827-1877), một nhân vật đầy quyền lực ở miền nam bán đảo Kyushu có tham vọng phục hồi lại triều đại cũ cùng đạo quân Tokugawa. Tiếc thay, chỉ khoảng 9 năm sau, năm 1877, cuộc chiến xảy ra, Saigo Takamori, lãnh tụ đạo quân phiến loạn Satsuma đã hoàn toàn thất trận trước lực lượng quân đội hiện đại của Nhật hoàng. Hơn 40 ngàn Kiếm Sĩ Đạo đã bị đẩy lui bởi 60 ngàn chiến binh của Minh Trị thiên hoàng. Một cuộc hỗn chiến đẫm máu. Cuối cùng Saigo Takamori đã bị thương và phải tự sát theo truyền thống võ sĩ đạo. Dù Nhật hoàng đã chiến thắng vang dội, Saigo Takamori vẫn được xem là người anh hùng có tinh thần và truyền thống Kiếm Sĩ Đạo bất khuất.
Ngày nay tại Nhật Bản, tuy Samurai không còn vai trò chủ đạo trong xã hội nhưng nó vẫn sáng ngời và hiện diện như một niềm tin kiêu hãnh trong những gia đình còn mang đậm phong cách truyền thống Nhật. Giờ đây, Nước Nhật đang bị ảnh hưởng mạnh vì văn minh Âu Mỹ đang xâm lấn vào trong nếp sống của người Nhật. Chúng ta đang có cơ hội nhìn xem con thuyền Nhật Bản sẽ như thế nào trong những thập niên tới. Giai cấp Samurai cuối cùng đã tan rã hơn 130 năm qua, nhưng tinh thần Kiếm Sĩ Đạo của Samurai vẫn mãi còn tiềm tàng trong tư duy của người Nhật Bản. Người Nhật vẫn là một dân tộc có những đặc điểm khắc kỷ mà các dân tộc khác khó có thể sống như họ được. Họ vẫn có được một tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội.
Có lẽ đây là một giá trị tinh thần không phải một sớm một chiều mà một dân tộc nào cũng đạt được như họ. Một cây Anh đào cho dù có nở rộ toàn hoa nhưng quả thật nếu chỉ có một cây mọc đơn lẻ đâu đó, thì Anh đào cũng không có gì hấp dẫn lắm cho người thưởng ngoạn. Nhưng một vườn Anh đào nở rộ bên chùa vắng, một rừng Anh đào bạt ngàn bung hoa trên núi Phú Sĩ thì người ta mới thấy được cái vẻ đẹp thật lạ lùng của xứ Phù Tang và tinh thần Kiếm Sĩ Đạo trong huyền thoại Samurai của dân tộc này...
Úc châu
Dzũng Trinh