Ngày thứ sáu mồng 3 tháng giêng năm 2020 tổng thống Donald Trump đã hủy thông báo về thành công lớn ông quảng cáo là đã ký được hiệp ước thương mại giai đoạn một với Trung quốc. Để thay thế bằng một chuyện khác quan trọng hơn. Đó là việc bộ quốc phòng Mỹ đêm thứ năm mồng 2 tháng giêng năm 2020 đã theo lệnh ông dùng một phi cơ không người lái tối tân (loại US MQ9 Reaper Drone) phóng một hỏa tiễn Hellfire giết chết tướng Qassem Suleimani tư lệnh lực lượng cách mạng Iran (IRGC), tại phi trường quốc tế Baghdad, Iraq. Cùng bị tử thương với Suleimani là Abu Mahdi al-Muhandis thủ lãnh nhóm Kataib Hezbollah tranh đấu chống Mỹ và chừng trên dưới một chục người khác. Tin cho biết là thi thể của Suleimani bị nát bấy, nhận ra được nhờ có chiếc nhẫn đeo trên ngón tay. Đối với tuyệt đại đa số quần chúng Mỹ thì chẳng mấy người biết Suleimani là ai. Nhưng đối với Do Thái thì Suleimani là kẻ tử thù, không đội trời chung, đáng chết từ lâu. Những người theo rõi tin tức thế giới nói chung và tình hình Trung Động nói riêng thì biết Suleimani là kẻ đã ngăn không cho Do Thái tự tung tự tác hoành hành trên địa bàn Trung Đông, từ Iraq tới Syria, qua các nhóm tranh đấu. Một trong những hoạt động của Suleimani là đã từng đóng góp trấn áp lực lượng Hồi giáo ISIS, mà người ta biết rằng là gồm nhiều băng đảng khác nhau do các nước trong vùng đối nghịch lập ra với mục đích chung là lật đổ chế độ Assad ở Syria, để nhóm mình thay thế.
Do đó ngay sau khi Suleimani bị giết báo Do Thái Jerusalem Post đã viết một bài dài bày tỏ sự sung sướng và cho biết rằng Suleimani đáng lẽ phải chết từ lâu, nhưng đã nhiều lần may mắn thoát khỏi các cuộc mưu sát của Mỹ và Do Thái. Đại sứ Do Thái tại Mỹ Michael Oren đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn truyền hình rằng “Qassem Soleimani chịu trách nhiêm không phải là chỉ hàng chục ngàn mà là hàng trăm ngàn người chết trong vùng chúng tôi”. “Hắn chịu trách nhiệm về hàng triệu người phải di tản. Hắn chịu trách nhiệm về những nỗ lực giết người Do Thái, người Mỹ, người Ả Rập, và chắc chắn rằng không một khuôn mặt nào ở Trung Đông, theo tôi nghĩ, là đáng hưởng hơn cái số phận đã xẩy ra cho hắn”.
Nhìn khách quan, khi nói về những con số thương vong và nhà cửa bị tàn phá ở Trung Đông thì phải tính là trong hai thập niên từ khi bắt đầu thế kỷ 21 tới nay con số quả là không khác mấy những lời Oren nói. Là nhiều triệu người di tản, vì tan nhà nát cửa và nhiều trăm ngàn người bị thương vong. Trong đó những tác nhân gồm những nhóm tranh đấu khác nhau ở Syria, ở Iraq, được lập ra và tiếp vận phương tiện giết người đủ loại bởi các nước, từ Do Thái tới Thổ Nhĩ kỳ, Ả Rập trong vùng và Anh Mỹ Pháp từ xa.
Bắt đầu là cuộc xâm lăng Iraq năm 2003 tổng thống Bush con mở ra để tiêu diệt chế độ Saddam Hussein vì những tội mà sau đó được biết là tưởng tượng. Như dung dưỡng cho khủng bố Al Qaeda hoạt động và sản xuất võ khí sát hại tập thể với những bằng cớ bịa đặt là những hình gọi là chụp từ vệ tinh. Để gia tăng sức mạnh thuyết phục dân chúng, những lý do này đã được tô vẽ thêm bằng một mục đích nữa là tiêu diệt Saddam Hussein độc tài nhằm xây dựng một nước Iraq tự do dân chủ mẫu mực ở Trung Đông. Bush con đã tiêu diệt được Saddam Hussein nhờ quân lực Mỹ với “sức mạnh kinh hoàng và choáng váng” như chính những chữ ông Bush con dùng thật. Nhưng cuộc chiến đã kéo dài tới nay là 17 năm và Iraq trở thành một nước rối loạn. Tiếp theo là cuộc chiến Syria do tổng thống Barack Obama mở ra năm 2011 tính loại bỏ chế độ Bashar al- Assad của Syria nhưng bị chững lại vì sự can thiệp không quân của Nga vào tháng 9/2015 theo lời cầu cứu của al- Assad trong cơn tuyệt vọng khi đã mất 4/5 lãnh thổ. Trong khung cảnh như vậy, vai trò giết chóc của Suleimani, nếu có, thì khách quan mà nói chỉ là một phần.
Cái chết của Suleimani theo như giới chính trị Do Thái được ghi lại trên báo Jesusalem Post, tương đương với cái chết của 3 lãnh đạo quan trọng cỡ trưởng cơ quan an ninh tình báo Mossad Do Thái, hay bộ trưởng quốc phòng Do Thái. Nói khác đi Suleimani là một nhân vật rất quan trọng và có khả năng, khó thay thế.
Giết được một nhân vật cao cấp quan trọng của Iran, mà Do Thái coi là kẻ thù như thế, đối với ông Trump dứt khoát là một thành công to lớn hơn nhiều cái hiệp ước thương mại đợt một với TQ mà ông Trump đã quảng cáo. Cho nên chính ông Trump đã trong cuộc họp báo thứ sáu về chuyện này, tuyên bố rằng “Chúng ta đã bắt được hắn quả tang. Và tiêu diệt hắn”. “Chúng ta khoan khoái biết rằng triều đại khủng bố của hắn đã chấm dứt”. VÀ cũng đồng thời che chắn biện minh là “Chúng ta đêm qua đã hành động để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta đã hành động không phải để bắt đầu chiến tranh”. Còn ngoại trưởng Pompeo thì giải thích rằng hành động của Mỹ là “một biện pháp tự vệ trước một nguy hiểm sẽ xẩy ra trong chốc lát cho người Mỹ”. Ông nói trên truyền hình rằng “Những gì có trước mắt chúng ta là những di chuyển của hắn trong khắp vùng và những nỗ lực của hắn để đánh nặng vào người Mỹ, Cũng sẽ có thể có nhiều người Hồi giáo bị giết nữa- người Iraq, người các nước khác nữa. Chúng ta đã cho Iran biết rằng chúng ta sẽ không dung thứ sự giết hại người Mỹ”. Khi được hỏi về nhận định của một giới chức Pháp rằng “thế giới hiện nay kém an toàn hơn” ông Pompei mặt tỉnh bơ không đổi sắc trả lời “Người Pháp nói thế là sai”,
Ngoài những khẳng định này người ta không được biết thêm hơn chút nào về những sửa soạn tấn công chốc lát xẩy ra của Suleimani. Sau khi nghe các giới chức Bạch cung trình bầy về vụ giết Suleimani, các dân cử Dân chủ ở thượng và hạ viện đều lắc đầu nói rằng không hài lòng vì không chỉ ra được cho rõ tấn công hay hiểm nguy sẽ xẩy ra trong chốc lát cho dân Mỹ như ông Pompeo nói là gì.
Dù sao, thì giết được Suleimani là một công lớn của ông Trump đối với Do Thái. Với những người ủng hộ ông Trump thì chuyện này cho họ thêm lý do để chứng minh sự cuồng mê của họ đối với ông Trump là chính đáng, vì ông Trump đích thực là người tài giỏi dám nói dám làm, bất chấp phản ứng của những kẻ cuồng tín khác đạo. Những người này lại càng không thể không hả hê khi thấy nhân vật số một Iran là giáo chủ Khamenei khóc trong đám tang Suleimani. Những người này chẳng để ý gì đến những hậu quả sẽ xẩy vì nhiều phần họ ở xa, trên nước Mỹ, nên sẽ không hề hấn gì, cho dù Iran có phản ứng ra sao.
Ông Trump đã bắt đầu năm mới và cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 một cách thuận lợi như thế đối với quần chúng của ông. Cho nên ông chẳng ngại ngần gì mà không cứng rắn tuyên bố thêm rằng sẽ đánh mạnh đánh nhanh vào 52 địa điểm văn hóa của Iran mà ông có sẵn danh sách và biết rõ, nếu Iran trả đũa vụ giết Suleimani. Quần chúng của ông cũng không cần để ý gì đến đòi hỏi của quốc hội Iraq đòi Mỹ rút khỏi Iraq. Nhất là khi ông Trump trả lời một cách rất có lý từ góc nhìn thương lái, rằng nếu Iraq đòi Mỹ rút khỏi Iraq thì phải trả hết món tiền Mỹ xây dựng một căn cứ không quân chung Mỹ và Iraq rất tốn kém. Ngoài ra thì ông Trump còn dọa sẽ thi hành các biện pháp chế tài nếu mà Mỹ không được đối xử “một cách kính nể” bởi các giới chức Iraq. Quả thực là một tay tổ điều đình trả giá!
Trong cùng cái mạch suy nghĩ này, Donald Trump Jr. con trai ông Trump đưa lên Instagram hình anh ta, cầm khẩu súng AR 15 bán tự động có dán dấu hiệu thập tự quân (crusader) thời Trung cổ, tay phải để trên cò súng ở vị trí sẵn sàng. Trong cái hào hứng chiến thắng lớn này của gia đình Trump đã thấy xuất hiện tin cô con gái Ivanka, và Donald Jr sẽ là những nhân vật trong danh sách ứng cử tổng thống năm 2024 với những con số ủng hộ ngang ngửa so với các chính trị gia tên tuổi khác. Tính từ thời tổng thống trẻ tuổi John Kennedy tới nay là 60 năm, nghĩa là một hội theo lịch Tầu, người Mỹ lại được nghe những tiên đoán về một triều đại Trump tương tự như tiên đoán về một nhà Kennedy. Nhà Kennedy thì đã không may mắn bao nhiêu như dự đoán. Nhà Trump có thể khác đối với những người cuồng mê Donald Trump.
Trở lại với cái chết của Suleimani, quan tài chở những mảnh thi thể viên tướng nổi danh của Iran này cùng với quan tài của người đệ tử Muhandis cầm đầu nhóm Kataib Hezbollah trên đường di chuyển qua nhiều thị trấn để đến nghĩa trang theo báo Do Thái Jerusalem Post thoạt đầu viết là có đến hàng trăm ngàn người sau đó nói là có hàng triệu người khóc lóc tiếc thương, chen chúc nhau khiến cho hàng tram người bị thương vong. Báo này đã nhận định rằng tang lễ này không thua gì tang lễ của giáo chủ Ruhollah Khomeini người cầm đầu cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 thành công và thành lập nước Hồi giáo Iran.
Người ta nghe vang lên những tiếng hô to ý muốn trả thù của quần chúng “Death to America” trong đám tang Suleimani. Người ta cũng nghe thấy những nhân vật lãnh đạo Iran tuyên bố Iran sẽ trả thù “khắc nghiệt”. Chắc chắn trả thù sẽ xẩy ra. Nhưng bao giờ, ở đâu, như thế nào và trong bao lâu thì không mấy ai biết chắc. Thực tế mà nói thì Iran tuy rằng đã đạt những tiến bộ nhiều mặt từ sau khi lật đổ chế độ quân chủ thối nát Pahlavi năm 1979, nhưng vẫn là một nước nhỏ sức lực không bao nhiêu so với siêu cường Hoa kỳ. Trên một chục trái hỏa tiễn bắn vào hai căn cứ Iraq chứa quân Hoa kỳ ngày 7 tháng 1/2020 không tạo nhiều thiệt hại đáng kể là một phản ứng đầu tiên. Nhưng Iran đã nhanh chóng nhận được lời miệt thị của thượng nghị sĩ Mỹ thân Do Thái Lindsey Graham và đóng vai trò cái giây dụi nối văn phòng thủ tướng Do Thái với phòng bầu dục Bạch cung. Là “Cứ tiếp tục đồ bỏ rác rưởi này đi. Sẽ có ngày tỉnh dậy thấy không còn kỹ nghệ dầu hỏa nữa”.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 7 tháng 1/2020