Các cuộc biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông đã bước sang tuần thứ 14, kể từ khi nó nổ ra vì dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục. Những diễn biến đã và đang xẩy ra tại Hồng Kông khiến thế giới rất là quan tâm, nhất là khi người biểu tình đã không có dấu hiệu nao núng trước việc Trung Quốc rầm rộ đưa lực lượng quân đội mới tới biên giới Hồng Kông thay thế cho đơn vị đóng quân cũ, một động thái được xem là để chuẩn bị cho thẳng tay đàn áp của Bắc Kinh. Cùng lúc đó việc bắt giữ hai lãnh đạo trẻ đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông là anh Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) một trong những cựu lãnh tụ sinh viên Hồng Kông trong Phong trào dù vàng 2014, và cô Chu Đình (Agnes Chow,) vào sáng ngày 30 tháng 8 2019 với tội danh tổ chức biểu tình bất hợp pháp, đã khiến dư luận càng chú ý, đặc biệt là đối với những cá nhân và các tổ chức đấu tranh cho độc lập, tự do dân chủ tại Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam.
Cũng cùng trong ngày 30 tháng 8, qua sự bảo lãnh của luật sư của phong trào đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông anh Hoàng Chí Phong và cô Chu Đình đã được tòa án Hồng Kông cho tại ngoại hầu tra.
Trên màn ảnh truyền thông, hình ảnh tự tin của hai nhà hoạt động dân chủ trẻ người Hồng Kông với những phát biểu ngay sau khi được thả ra. Như Chu Đình đã nói"người dân Hồng Kông không sợ hãi trước khủng bố trắng," và Hoàng Chí Phong thì khẳng định "sẽ tiếp tục đấu tranh dù bị họ bắt và xử." Tất cả đã tác động vào sự tự hào của những người dân đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông và thu hút sự ủng hộ cũng như tình cảm của thế giới.
"Đây là thời điểm 'bây giờ hoặc không bao giờ' và đó là lý do tại sao tôi trở về". Đó là tuyên bố của Tse, 32 tuổi, một trong những người trẻ đã từ bỏ công việc ở ngoại quốc và bay về Hồng Kông để tham gia vào những cuộc đấu tranh cho tương lai của đất nước mình.
Qua ngày 31 tháng 8 cho đến ngày 1 tháng 9 năm 2019, các cuộc biểu tình to, nhỏ vẫn diễn ra tại các địa điểm khác nhau tại Hồng Kông. Và tuy các cuộc biểu tình đã được cố giữ trong ôn hòa, trật tự, tình trạng xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông vẫn xảy ra càng lúc càng trầm trọng, do sự gia tăng đàn áp thô bạo của phía chính quyền. Như cho xịt vòi rồng vào những người biểu tình, bắn hơi cay, đánh người biểu tình bằng dùi cui, côn sắt. và ngăn chặn không cho các phái đoàn y tế dân sự được đến gần để cứu trợ cho những người bị thương. Hình ảnh các sinh viên biểu tình bị xịt hơi cay, bị đánh đập đổ máu, hình ảnh những người cứu trợ y tế gục khóc, và những người dân đứng chứng kiến nguyền rủa sự đàn áp của cảnh sát Hồng Kông đã được thu vào ống kính và được truyền đi trên các mạng truyền thông thế giới, gây phẫn nộ nơi người dân Hồng Kông và thế giới.
Sang đến ngày mùng 2 tháng 9 năm 2019, trên 10,000 học sinh thuộc 200 trường Trung Học tại Hong Kong, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chí Phong đã cùng đồng loạt bãi khóa. Bất chấp thời tiết các em đã nắm tay nhau hình thành nên những chuỗi xích người đứng dọc theo các khu học. Đến buổi chiều các học sinh đã đưa cao các khẩu hiệu “Hồng Kong không thể dừng lại” và, “Hồng Kông hãy Tổng bãi thị,” trong khi các thầy cô cùng tiến lên bục cao để hỗ trợ cuộc đấu tranh của các học sinh.
Theo rõi cuộc đấu tranh tại Hồng Kông một điểm nổi bật mà ai cũng có thể thấy là cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Hong Kong do các giới trẻ Hồng Kông khởi xướng đã không cô đơn. Cuộc xuống đường của các thanh niên đã được hàng triệu người Hồng Kông cùng gia nhập tuần hành trên đường phố, bao gồm mọi thành phần trong xã hội, từ trí thức tới lao động, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, như dân biểu, y tá, bác sĩ, luật sư, giáo sư, sinh viên, học sinh, phụ huynh, các linh mục và người công giáo, các viên chức chính phủ, các nghiệp đoàn kinh doanh, các ngiệp đoàn lao động, các công đoàn hàng không, vân vân.
Bắc Kinh trong khi đó không muốn nhìn thấy sự lớn mạnh của các phong trào đòi dân chủ tự do tại Hong Kong. Họ đã và đang lập kế hoạch gia tăng trấn áp những người biểu tình. Tuy nhiên họ cũng không thể không dè chừng trước những con mắt quan sát và phản ứng của quốc tế nếu để xẩy ra những cuộc thảm sát giết người tương tự như tại Thiên An Môn 30 năm về trước.
Cuộc đối đầu trong suốt 83 ngày qua của giới trẻ và người dân Hồng Kông với guồng máy chính quyền hiện hành do Bắc Kinh bổ nhiệm, cho đến nay xem chừng không có phần thuyên giảm. Điều này đã cho thấy quyết tâm của người Hồng Kông trong mục tiêu tranh đấu cho quyền sống tự do dân chủ tại Hồng Kông. Có vẻ như đa số người dân Hồng Kông bằng cuộc biểu tình dài ngày này cho thấy họ muốn chọn lựa cuộc sống cởi mở của chế độ cai trị bảo hộ Anh quốc được cải cách, thay vì là một chế độ Cộng sản độc tài Cộng sản biến thái mà Đặng Tiểu Bình đã vẽ ra từ năm 1997.
Khắp nơi, trên các bức tường trong thành phố Hồng Kông ngày nay, khách bộ hành có thể đọc được các thông điệp: "Hồng Kông không phải Trung Quốc," "Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh", và " Bạo lực, ở một mức độ nào đó, sẽ hữu ích vì chính phủ hiếm khi lắng nghe các cuộc biểu tình ôn hòa." Một thanh niên đang làm việc trong một ngành khách sạn khi nói về chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh: Bạn có thể hình dung ra chế độ độc tài của Cộng sản sẽ còn mạnh hơn nữa nếu cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông thất bại. Nhưng hãy tưởng tượng xem. ... một khi chúng tôi bị thiêu sống, thì anh cũng sẽ bị thiêu sống cùng chúng tôi." Nhận định này cũng tương tự như một thông điệp “Có dân chủ hay là chết” của người biểu tình đã được viết lên trên một bức tường trong thành phố. Sự quyết tâm đối đầu Bắc Kinh và ý chí sẳn sàng hy sinh cho lý tưởng dân chủ đất nước của người Hồng Kông trong cuộc đấu tranh suốt gần ba tháng qua với không dấu hiệu của sự ngưng nghỉ, đã và đang trở thành biểu tượng của một ngọn đuốc dẫn đường cho những dân tộc đang oằn mình dưới chế độ độc tài, cùng đứng lên vượt thoát bóng đêm.
Có lẽ trong cuộc đời này không mấy ai là không sợ chết và không hiểu được những nguy hiểm khi dấn thân đối đầu bạo lực, nhưng những người dân Hong Kong vẫn quyết định đứng lên, chấp nhận những rủi ro và mất mát của bản thân. Nhìn từ xa, chỉ có thể nói rằng họ muốn đánh đổi sự hy sinh của bản thân cho một tương lai tốt đẹp của họ và con cháu. Một tương lai mà nơi đó cuộc sống của người dân được vươn lên bằng tài năng, kiến thức và trí tuệ cá nhân chứ không phải được chỉ định do quan hệ và bị thui chột dưới sự áp đặt của guồng máy độc tài cộng sản. Sự đứng lên đó của người dân Hồng Kông đã khiến cho Bắc Kinh bất ngờ và bối rối như lời phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 27 tháng 8/2019 cho rằng Hồng Kông đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ năm 1997 đến nay.
Một Thiên An Môn thứ hai có sẽ xẩy ra hay không? Bắc Kinh không muốn có, nhưng cũng sẽ không muốn thấy một Hồng Kông ngoài tầm kiểm soát qua các dấu chứng đã điều động quân đội mới tới biên giới Hồng Kông. May mắn lắm thì Hồng Kông sẽ trở thành một Singapore thứ hai, nhưng dự đoán này cũng chỉ là hoang tưởng vì Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc thời Mao với chính sách “bước nhẩy vọt vĩ đại”. TQ hiện nay trong tay Tập Cận Bình với “giấc mơ TQ” và chính sách “một vòng đai một con đường” chưa có biểu hiện gì của “bước nhẩy vọt vĩ đại”. Nhưng dù sao thì những quyết tâm đấu tranh của người dân Hồng Kông cũng sẽ không vô ích. Và thế giới còn từ nay đến năm 2047 để nhìn thấy kết quả với những thay đổi không thể không có ở Trung Quốc cũng như ở Hồng Kông.
Tuệ Vân
Ngày mùng 5 tháng 9 năm 2019