September 24 2019 at 7:11 AM
Chưa có quốc gia nào có chính sách tiếp nhận lao động rườm rà và phức tạp như Nhật Bản, Chính vì thế tôi cho đó như là một nồi lẫu.
Người Nhật ăn lẫu, họ sẽ cho từ từ từng thứ, từng thứ chứ không đổ ào vào một lúc. Vì thế mà chính sách lao động của họ, cứ thỉnh thoảng lại thêm một chút luật này, đổi một chút luật kia, ăn hoài không hết vì dở!
Kể từ khi tiếp nhận lực lượng nhỏ lao động ngoại quốc là người tị nạn Đông Dương đầu thập niên 80, tới một lượng lớn những người Nam Mỹ gốc Nhật đầu thập niên 90, rồi thực tập sinh những năm đầu 2000, kỹ thuật viên, du sinh chuyển việc từ 2010 và hiện tại là kỹ năng đặc định…. Vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm nào cho việc giải quyết nguồn lao động an định trong tương lai.
Căn bản, trước thập niên 80, nguồn lao động của Nhật còn dồi dào, người Nhật hầu như làm việc suốt đời ở một công ty; công việc nhiều khiến họ chỉ biết chúi đầu vào hãng xưởng. Do đó, khi người tị nạn đến Nhật, gần như không được hoan nghênh, gặp nhiều khó khăn khi hội nhập.
Tuy nhiên bắt đầu thời Heisei (Bình Thành 1989), Nhật bắt đầu phải đối phó vấn đề lão hóa và tình trạng gia đình 1 hoặc 2 con trở nên phổ biến. Nhật bắt đầu cần lực lượng lao động, đúng lúc những di dân gốc Nhật ở Nam Mỹ đời thứ 2 hay 3 gặp khó khăn do nền kinh tế trì trệ nơi cha ông họ sinh sống; thế là Nhật cho phép họ quay về cố hương để làm việc. Chúng ta thấy khu vực miền Trung như Hamamatsu, Nagoya, Shiga… tập trung số đông lực lượng này vì có rất nhiều công ty liên quan đến kỹ nghệ xe hơi và sản xuất máy móc nơi đây mà chủ lực là Toyota. Visa của họ không phải lao động mà là định trú, vĩnh trú đặc biệt. Nhật vẫn chưa chấp nhận nguồn lao động phổ thông ngoại quốc ngoài visa kỹ thuật hay chuyên môn.
Tuy nhiên số lượng trên cũng có hạn, giải pháp thay đổi luật “Tu nghiệp sinh” thành “Thực tập sinh” ra đời, nhưng vẫn không nhìn nhận visa lao động, mà vẫn là visa học việc. Thực tế chẳng khác gì lao động thực thụ với tiền lương thấp đáy.
Cái luật Tu nghiệp sinh ngày trước và Thực tập sinh bây giờ có thể coi như là nồi lẫu hỗn độn. Phải qua 5 tổ chức, 5 giai đoạn: 1) Phái cử bên Việt Nam (gọi là xuất khẩu LĐ); 2) nghiệp đoàn quản lý bên Nhật; 3) cơ quan quản lý TTS gọi tắt OTIT và cuối cùng 4) Cục xuất nhập cảnh rồi mới về được 5) công ty tiếp nhận (nơi làm việc).
Ở đây mình khoan trách móc bên nào với bên nào, vì tất cả đang bị cuốn vào một guồng máy; thiếu một, người lao động sẽ không thể nào đi làm việc. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh vào cái thể chế mâu thuẫn và vô lý của Nhật đặt ra để nhận lao động vào nước họ.
-Bên cơ quan phái cử ( tạm thời lấy Việt Nam là ví dụ vì ngoài VN còn các nước khác như Trung Quốc, Thái, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Phi v.v…) sẽ tuyển mộ người lao động đi với danh nghĩa Thực tập sinh, công ty tiếp nhận Nhật Bản phải gia nhập thành viên của nghiệp đoàn thì mới có quyền về VN tuyển, vì nghiệp đoàn sẽ làm toàn bộ mọi giấy tờ nhập cảnh vào Nhật.
Khi người lao động trúng tuyển thì cơ quan phái cử sẽ phải tìm một “công ty phái cử” (chỗ này khó hiểu và ngay chính các em TTS cũng không biết) cùng ngành nghề trúng tuyển của người lao động, để đăng ký người lao động đã làm việc ở đây ít nhất trên 6 tháng thì mới đủ điều kiện thực tập tại Nhật theo luật thực tập. (Đúng ra thì phải tuyển người từ công ty đang làm cái ngành mà Nhật muốn về tuyển, nhưng như thế thì tìm đâu ra công nhân chịu học tiếng để đi). Sau đó phải xin giấy phép từ cục quản lý lao động nước ngoài (Dolab) thuộc Bộ Lao động thương binh xã hội cho người đó, gọi là giấy tiến cử; sắp xếp cho học ít nhất 160 giờ tiếng Nhật để đạt trình độ nghe hiểu khi sinh sống ở Nhật. Một đống giấy tờ được gởi sang nghiệp đoàn Nhật; nghiệp đoàn chuẩn bị thêm gần trăm trang giấy gồm hạch toán công ty tiếp nhận, giấy thuế, giấy kinh doanh công ty, giấy chứng minh nhân thân ban quản trị, lý lịch người chỉ đạo công việc, người chỉ đạo đời sống, lập kế hoạch 1 năm thực tập; chuẩn bị nơi học tập trung 1 tháng trước khi về công ty, giải trình nhà ở và tiền nhà hàng tháng sau khi về công ty v.v… xong nộp lên cho cơ quan quản lý Thực tập Otit xét từ 1 đến 2 tháng. Otit cho chứng nhận Thực tập thì lại vác chồng hồ sơ lên cục quản lý xuất nhập cảnh để xin chứng nhận cư trú (COE), mất thêm 1 tháng, có COE xong thì gởi về cơ quan phái cử để lên đại sứ quán hay lãnh sự quán xin Visa. Có Visa xong định ngày sang Nhật, vào trung tâm giáo dục định hướng 1 tháng rồi mới về công ty. Sau đó hàng tháng nghiệp đoàn phải có bổn phận ghé công ty check lương, công việc, đời sống để báo cáo cho Otit. Nghiệp đoàn đàng hoàng thì sẽ bảo vệ quyền lợi các em, nghiệp đoàn cà chớn (mà hầu như là nghiệp đoàn gốc Trung quốc vì trước khi nhận Việt Nam, họ đã nhận Trung quốc) sẽ bỏ rơi bỏ rớt, sống chết mặc bay. Tôi nhận nhiều phản ánh cần tư vấn từ các em TTS phần đông từ các nghiệp đoàn gốc Trung quốc mà chủ yếu là họ đưa vào các công ty ngành nghề xây dựng rất nguy hiểm, cực nhọc.
Xong 3 năm thực tập, trên nguyên tắc, các em phải về VN làm việc cho công ty đã đưa mình đi. Nhưng thực sự hầu như là công ty ma, có ai biết mà về làm đâu. Do đó sau này khai hồ sơ đi du học hay kỹ thuật viên, quên mất vụ về làm lại công ty cũ (hay ít ra, một công ty cùng ngành nghề, của Nhật càng tốt), nên bị đánh rớt COE. Chuyện khai công ty ma Nhật biết hết nhưng họ nhắm mắt làm ngơ; chứ không thì làm sao họ có đủ lực lượng lao động. Cái tức cười là nếu các nghiệp đoàn đi quảng cáo chế độ này khi kết nạp công ty thành viên: “Để giúp các công ty có nguồn lao động” -là sái luật ngay. Phải nói là: Chế độ giúp thực tập sinh thu thập kiến thức, kỹ thuật để về phục vụ cho đất nước!
Tuy nhiên, chế độ TTS này không giải quyết được nguồn lao động an định, do đó chính phủ Nhật thêm vào nồi lẫu cái món “Tokutei Gino”; kỹ năng đặc định. Cho phép Thực tập sinh xong 3 năm có thể chuyển sang Visa mới sau khi thi đậu bằng chuyên môn công việc đã làm.
Ngay chỗ này là đã thấy mâu thuẫn: -Luật thực tập là sau khi thực tập phải về cống hiến cho đất nước của mình bằng cách làm việc đúng ngành nơi đã đưa mình đi.
Giờ có thêm cái visa Kỹ năng đặc định kéo dài thêm 5 năm thì không khác gì phủ định ý nghĩa của chế độ thực tập.
Do đó, anh Nhật này cũng cứ giằng co cái vòng lẫn quẩn… Không chừng cái Kỹ năng đặc định cũng không thể sống dài lâu.
Mà thật ra để giải quyết vấn đề lao động kiểu như Hàn quốc có khó khăn gì đâu, chẳng qua Nhật quá thận trọng và lo sợ tình trạng nhập cư ồ ạt.
Để chấm dứt thì cũng xin báo các bạn đang có COE kỹ năng chút tin vui, không rõ là do bài viết của mình “Vấn đề xin Visa sau khi có COE kỹ năng đặc định” trước đó có ảnh hưởng gì hay không, nhưng chính một TTS có COE kỹ năng, trước đây cho các thông tin để tôi lên bài vì em không thể nộp COE xin Visa, và lo sợ trễ quá 3 tháng visa hết hiệu lực; thì em mới báo lại là Đại sứ quán đã tiếp nhận để xuống Visa. (Cũng có thể qua các đại lý chỉ định như đại sứ quán giải thích).
COE kỹ năng bên Nhật thì đang xuống rất nhỏ giọt vì chờ. Hy vọng cho tới cuối năm nay Việt Nam sẽ thông báo các cơ quan chỉ định được làm hồ sơ Tokutei, để giải tỏa sự chờ đợi của người lao động và để nhanh chóng giải tán tình trạng ôm nguồn.