Hôm qua, tôi được mời để cùng tham dự một buổi tiệc nhỏ thân mật, do Hội Y Sĩ Brisbane khoản đãi Bác Sĩ Trần Xuân Ninh, nhân chuyến ông thăm viếng gia đình của ông tại Úc . Buổi tiệc diễn ra vô cùng ấm cúng với 20 người tham dự, đa phần là các vị Bác Sĩ đồng môn với ông, hoặc thế hệ trẻ sau ông, ở bệnh viện nhi đồng Sài Gòn trước năm 1975. Bác Sĩ Trần Xuân Ninh nguyên là bác sĩ chuyên khoa giải phẩu nhi đồng, đặc biệt là trẻ sinh ra không có hậu môn, do dị tật bẩm sinh. Ngoài lãnh vực chuyên môn là bác sĩ chuyên khoa về giải phẩu nhi đồng, bác sĩ TXN còn là một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền được nhiều người Việt biết đến qua các hoạt động của ông. Ông cũng được các tổ chức hoạt động thế giới biết đến và mời để diễn thuyết về tình hình chính trị Việt Nam, kể từ năm 1978, năm mà ông và gia đình đã vượt thoát ra khỏi Việt Nam cho đến nay. Ông đã được đại học Berkely của Mỹ bốn lần mời diễn thuyết về nhân quyền, cũng như nói chuyện trước hàng ngàn sinh viên của đại học này. Bác Sĩ TXN hầu như đã dành trọn thời giờ của mình cho công việc đấu tranh, thời gian hiếm hoi còn lại ông dành cho nhu cầu sinh hoạt đời sống gia đình, qua vai trò bác sĩ chuyên khoa. Cuộc trò chuyện vui vẻ giữa những người bằng hữu với nhau thật tương đắc. Những mẫu chuyện xoay quanh về kỷ niệm thời thơ ấu của bác sĩ Ninh cùng với người em trai của ông, bác sĩ Trần Xuân Dũng. Chuyện chính trị nước Mỹ, chuyện thời sự Việt Nam. Cá nhân chúng tôi thì âm thầm để ý đến sức khỏe của ông, rất mừng khi thấy được ông vẫn khỏe mạnh, tình thần minh mẫn, vẫn những nhận định sắc bén về chuyện thế sự, mặc dù ông đã bước qua tuổi 80. Vẫn với tinh thần dân tộc (cực đoan) chỉ tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh dân tộc.
Tôi có được vinh dự và hân hạnh được quen biết ông vào năm 1984, năm đã xảy ra cuộc khủng hoảng nội bộ tồi tệ nhất của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Hàng loạt các cơ sở Mặt Trận trên toàn thế giới bị đông lạnh và tê liệt hoàn toàn vì biến cố này. Đoàn viên MT vào thời điểm này đã chán nản và rủ áo ra đi hầu như toàn bộ. Cơ sở T 75 , tỉnh bộ Victoria của chúng tôi cũng không là ngoại lệ, cũng hoang man, bối rối không biết phải làm gì.......cơ sở họp để lấy quyết định chung là nên tiếp tục hay tan rả, đường ai người đó đi. Cuộc họp mang nhiều nước mắt của anh em chúng tôi, quyết định chung cuộc , đại đa số anh em quyết định ra đi, chỉ còn lại vài anh em im lặng không nói gì vì đã có quyết định ngay từ đầu: bất cứ giá nào vẫn phải tiếp tục sinh hoạt để yểm trợ tối đa cho những người bên trong. Cá nhân chúng tôi đã quyết định ở lại cùng với vài anh em khác.
Đứng trước viễn cảnh cơ cấu hải ngoại của MT có thể sẽ phải sụp đổ qua biến cố rối loạn này, lãnh đạo MT đã quyết định phải có nhu cầu chấn chỉnh nhân sự Tổng Vụ Hải Ngoại. Bác sĩ Trần Xuân Ninh trong vai trò Vụ Trưởng vụ Tuyên Huấn lên đường sang Úc châu thực hiện công tác này. Công việc của những anh em còn lại là phải tổ chức một buổi nói chuyện cùng đồng bào, đặc biệt là các Ủy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến để cho bác sĩ Ninh trình bày và giải tỏa thắc mắc cùng đồng bào, cá nhân chúng tôi được giao nhiệm vụ là liên lạc với các cơ quan truyền thông chính mạch của Úc để ông trình bày về nổ lực kháng chiến của người Việt.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về bác sĩ Ninh là câu trả lời của ông dành cho phóng viên của báo Herald Sun. Khi được hỏi là tổ chức của ông có bao nhiêu quân? Ông đã trả lời rằng : “ nếu quan niệm quân là những người lính hiểu theo nghĩa quân đội, thì chúng tôi không có ai cả, nhưng nếu quân được hiểu là những người chiến sĩ tranh đấu cho sự tự do thì chúng tôi có nhiều, rất nhiều “ từ câu trả lời đó của bác sĩ Ninh, tôi đã hiểu thêm về quan niệm đấu tranh giải phóng. Sau biến cố rối loạn này, Tổng Vụ Hải Ngoại của MT đã bằng hết sức mình cố gắng nhắm đến mục tiêu phát triển và củng cố, củng cố và phát triển. Cùng với thời gian trôi qua, MT đã lớn mạnh về nhân lực và tài lực để có thể tự túc, tự cường thực hiện sách lược đấu tranh dài hạn trường kỳ kháng chiến, dựa vào chính nghĩa và sức mạnh của dân tộc, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ước mơ giải phóng Việt Nam để canh tân đất nước chưa được thành tựu thì tổ chức mang đại tang. Tháng 8 năm 1987 toàn bộ lãnh đạo tiên phong của tổ chức đã hy sinh ở biên giới Việt - Lào cùng với hàng trăm các kháng chiến quân của MT. Tin tức về cuộc tổn thất này của tổ chức đã rất khó để kiểm chứng, ngoài những nguồn tin do địch tung ra. Phải mất đến một thời gian dài sau này, tổ chức mới xác định được về việc này. Biến cố đau thương này đã đặt Tổng Vụ Hải Ngoại vào một tình thế khó xử. Xác nhận hay phủ nhận, nguồn tin về sự hy sinh của chiến hữu chủ tịch MT cùng với các chiến hữu lãnh đạo khác?
Sau nhiều lần đắn đo cân nhắc, vì sự tồn vong của tổ chức, vì cần phải giữ vững tình thần của đoàn viên các cấp để tiếp tục tiến hành đấu tranh, biến đau thương thành hành động, tổ chức quyết định phủ nhận nguồn tin tổn thất lãnh đạo. Bác sĩ Trần Xuân Ninh một lần nữa, trong vai trò Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hải Ngoại của MT, đã lấy danh dự và uy tín của một vị bác sĩ để đi khắp nơi phủ nhận về nguồn tin tổn thất này. Tất cả chỉ vì đại cuộc , cá nhân ông đã trở thành nhỏ bé trước đại cuộc. Cũng vì điều này mà bác sĩ Trần Xuân Ninh đã phải gánh chịu búa riều của dư luận, sau khi tổ chức đã quyết định công khai về sự hy sinh của chiến hữu Chủ Tịch MT vào năm 1991. Nổi niềm này chỉ có ông và các chiến hữu của ông mới cảm nhận được . Nhưng rồi sóng gió không chỉ ngừng lại ở đây........
Năm 2004, trang sử mới của tổ chức sang trang, MTQGTNGPVN đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó, để mở đầu cho việc công khai hoá Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng hay còn được gọi là đảng cách mạng Việt Tân. Nhưng cũng kể từ đó, sách lược đấu tranh đường dài cốt lõi với tiền đề đấu tranh giải phóng Việt Nam để canh tân đất nước do đã bị lãnh đạo kế thừa của Việt Tân thay đổi mà không thông qua đại hội toàn đảng, việc này đưa đến tình trạng bất đồng ý kiến trong sách lược đấu tranh trong nội bộ Chính Trị Bộ, cơ quan lãnh đạo tối cao của Việt Tân, bác sĩ Trần Xuân Ninh cùng với nhiều chiến hữu khác đã bị ép ra khỏi đảng Việt Tân, sau gần 30 năm, ông đã gắn cuộc đời mình vào VT, để bảo vệ tổ chức, để góp phần đấu tranh, chỉ vì ông và các chiến hữu của ông quyết đi theo sách lược đấu tranh đường dài mà chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh đã vạch ra.
Dẫu biết rằng, không ai đem thành bại ra để luận anh hùng. Nhưng trong công cuộc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài cộng sản VN, để canh tân đất nước. Phải công tâm mà nói, bác sĩ Trần Xuân Ninh đã có một vị thế xứng đáng để đứng vào hàng ngũ những người yêu nước ưu tú của Việt Nam.
Kính chúc ông, bác sĩ Trần Xuân Ninh thân tâm an lạc.
Brisbane 30/9/2019.
Đào Minh Tri.