BÂY GIỜ NƯỚC VIỆT SAO RỒI
OAI XƯA CÒN MẤT GIÓNG HỒI TRỐNG XEM @阮懐真
Lần này tôi may mắn được tham gia cuộc biểu tình ở Osaka cùng các bạn hữu, một chuyến đi xa mà gần, nhiều cảm xúc.
Chúng tôi bắt đầu chuyến đi từ đêm trước, sau khi dự một event của anh em sinh viên tranh đấu Hong Kong. Khởi hành từ Tokyo trên một chiếc xe cắm trại, mọi người chia nhau chỗ ngồi chỗ nằm, hát vang những bài ca ái quốc. Chiếc xe đi dưới ánh trăng hạ huyền trên đường cao tốc, núi rừng bàng bạc, tự nhiên hình dung ra cảnh sắc trong bài Trăng Chiến Khu... “Rừng ơi mang trăng sáng đến rung bao lòng, vì nước nên lìa mái gia đình yên ấm. Trăng hỡi theo ta về dưới mái nhà, nhắn ai chờ một ngày ta sẽ trở về...” Trong lòng miên man cảm giác phiêu bồng của những người làm cách mạng như các học sinh Đông Du hay các ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học của một thời chưa xa. Anh em trong xe hầu như ai cũng tỉnh như sáo vì ngọn lửa trong lòng thôi thúc, một ngọn lửa thiêng liêng bí nhiệm không tắt qua các thế hệ, trải dài từ thời Vua Trưng đánh Đông Hán đoạt lại sáu mươi lăm thành trì cõi Lĩnh Nam, thời vua Triệu Thị Trinh mười tám tuổi lên đỉnh núi Nưa dựng cờ tụ nghĩa đánh đuổi Đông Ngô, tới Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản tuổi trẻ cầm quân đánh mấy trận Hàm Tử - Chương Dương cho quân Nguyên kinh hồn bạt vía, cho đến thời hiện đại các anh các chị nghĩa sĩ đảng Quốc Dân dù trước đoạn đầu đài vẫn hô “Việt Nam vạn tuế!”, chưa bao giờ sờn gan trước giặc ngoại xâm. Chẳng nhận mình sánh cùng tiền nhân, nhưng tự đặt mình trong khuôn khổ của tiền nhân, chẳng chấp nhận cho quân giặc ngang nhiên trong bờ cõi.
Ghé một công ty của một chú từng là người tị nạn ở trại Okinawa, bây giờ hiên ngang thân phận một người làm chủ, cung cấp phụ tùng cho tàu cao tốc shinkansen. Tên công ty vẫn đường bệ chữ “Nam Việt” như lời dõng dạc tuyên xưng nguồn gốc. Cô chú dụng công tiếp đãi chúng tôi bằng sự yêu thương trân trọng. Mỗi đứa đều mang lòng cảm kích, như tích xưa Xiếu mẫu cho Hàn Tín chén cơm, dầu Hàn Tín nghiệp lớn có thành đáp đền ngàn vàng chẳng xứng.
Tới chỗ tập trung ở công viên Utsubo, mới hơn mười hai giờ trưa mà anh em đã í ới nhắn tin hỏi han nhau nơi đang đứng. Thời tiết đẹp dù có tin bão mạnh sắp đổ bộ Kansai, ấy vậy mà bão né Osaka, trời nắng nhẹ và gió mát, không oi bức nhưng cũng không ảm đạm, đúng là trời cũng thương. Nghe một người chị nói hôm nay trong lễ nhà thờ Hiroshima cũng có cầu nguyện cho cuộc biểu tình. Niềm tin thiêng liêng cảm động cao xanh hay tấm lòng vì nước của những người xa xứ làm đổi thay chuyện nắng mưa, tưởng cũng không có gì phân biệt. Mà hôm nay, có khá đông anh em tín hữu Công giáo cũng tham dự biểu tình sau khi đi lễ xong. Đi biểu tình ở cả hai miền Nhật Bản, thấy rõ một điều dân Công giáo Kansai đi biểu tình rất đông hơn nơi khác. Rõ ràng, những vị trưởng cộng đoàn ở đây đã nhập thế theo tinh thần Docat hơn hẳn, sống đạo đâu chỉ có ở loanh quanh trong sân nhà thờ, đâu chỉ có những bài múa hát, mà Chúa vẫn ở trong những anh em đau khổ, những ngư dân bị giết và gia đình khổ đau của họ, trong những nạn nhân của độc tài cộng sản.
Cuộc biểu tình bắt đầu lúc hai giờ chiều, khoảng một trăm người hàng ngũ chỉnh tề, biểu ngữ đả đảo tàu cộng, bắt chúng cút khỏi lãnh hải Việt Nam và ngừng giết hại ngư dân Việt Nam. Cảnh sát cũng dàn hàng bảo vệ đoàn biểu tình. Những khẩu hiệu được hô vang động nội thành Osaka. Những người Việt đi ngang cũng tự nhiên nhập đoàn làm cho số lượng tăng đột biến. Đến gần lãnh sự China, số người biểu tình đã tăng lên hơn hai trăm người. Ai nấy đều muốn hô cho vỡ toang lồng ngực, như lời khẳng định chủ quyền trước kẻ xâm lược, dù chúng có là kẻ mạnh đến đâu, đâu có vì vậy mà ta ngồi yên mặc cho quân giặc lộng hành. Thật nực cười khi có nhiều người hỏi rằng làm như vậy sẽ được gì, khi mà họ không thể đáp lời sông núi lúc giặc đến giết đồng bào. Ngược lại những người này cần trả lời câu hỏi khi giặc đến bản thân đã làm gì.
Khi đi hết lộ trình, mọi người ai nấy vẫn tiếc rẻ, cứ muốn đi thêm nữa. Bao nhiêu mà đủ cho lòng yêu quê hương đất nước? Trời đổ mưa, vẫn đứng trong công viên không muốn giải tán, chẳng muốn về, cứ đứng với nhau dưới mưa trò chuyện trong niềm hy vọng. Những người được phân công tới đọc kháng thư trước lãnh sự quán của quân thù cũng đứng dưới mưa, mặc cho chúng nó chỉa camera ra từ bên trong để lưu mặt mũi từng người.
Cái dũng của thánh nhân không phải là sự liều mạng, mà là sự điềm nhiên bất động trước cường bạo, dù biết địch mạnh vẫn chẳng hề run sợ, một lòng giữ chính đạo, hiên ngang làm việc nên làm. Trước quân tàu tàn độc có tiếng, vẫn dõng dạc đọc lời chính nghĩa, vạch mặt đảng cướp tham tàn, khiến cho chúng phải xấu hổ trước cộng đồng thế giới.
Nước Việt sao rồi? Oai xưa có mất có còn? Chỉ mượn lời anh Hoài Chân như đầu đề bài viết, gióng lên hồi trống để hỏi thăm oai linh nước Việt bây giờ ra sao?
Hải Lê.