Tối trễ, mưa mang hơi lạnh đâu đó từ mấy vùng núi Thượng Việt Tam Sơn về ôm ấp cả thành Ruộng Mới. Một người mất nước đi dọc con đường nhỏ để về gác trọ, cảm giác nhớ quê hương có lẽ vì cảnh sắc ảm đạm mà thêm mấy phần man mác. Lâu lắm rồi, không nghe tiếng nhái bầu nhẽo nhẹt gọi nhau trong những đêm mưa, xứ sở này sau những cơn mưa đêm chỉ có cái lạnh và sự tĩnh lặng tịch mịch ngự trị.
Hương cỏ gấu từ đâu thoang thoảng trong không khí, sự dịu êm của ngày thơ dại sống dậy nơi tiềm thức. Có lẽ hương cỏ thơm đem tới chút bình yên và gần gũi với xứ người. Bất giác, mình mỉm cười, nhớ lại lúc ngồi với anh em toạ kháng, đàn ca những bài ái quốc, bên cạnh là cái cũi nhỏ mô phỏng nhà tù và có những cô chú anh chị đang tuyệt thực ngồi trong đó. Dễ thương, nhẹ nhàng, tươi trẻ, hy sinh, tâm huyết... từng người đều có một nỗi niềm và tư thế riêng khi đến ngồi xuống cạnh nhau, nhưng chắc chắn là đanh thép và vững mạnh kiên cường. Không riêng gì mình, mà có nhiều người cùng hy vọng vào một ngày tươi sáng, khi thấy giới trẻ và các vị tiền bối cùng vang một lời ca về Tổ Quốc.
Ấy vậy mà, khi cuộc toạ kháng bắt đầu, có người nói đây là chuyện vô bổ làm trò ăn vạ nước Nhật, khi cuộc toạ kháng kết thúc, người lại nói mấy kẻ chẳng làm gì chỉ biết ngồi ước mơ. Những sự hy sinh âm thầm của nhiều người, dịu hiền như bức thư ngỏ lời của học trò còn phong kín, đã bị những nét gạch dọc gạch ngang lạnh lùng phủ nhận. Nhiều người vì vậy mà bẽ bàng, không phải vì hối tiếc việc đã làm, nhưng buồn mang mang tự hỏi sự dấn thân vì lý tưởng sao lắm điều cay đắng?
Thực ra, khi dám dấn thân, có lẽ ai cũng lường được những điều sẽ đến, nhà tù hay dùi cui, bạn bè xa lánh hay thân nhân từ mặt, ảnh hưởng chuyện học hành hay công việc... vốn chẳng có gì đáng sợ. Việc tự hỏi, có lẽ là thêm một lần tái xác nhận về con đường mình đã chọn, những thứ tưởng như rất đáng sợ nói trên vốn chẳng có gì đáng sợ, thì những thái độ xấu xí hay lời nói ong ve vốn chẳng có nghĩa lý gì.
Nếu có ai đó hỏi con tằm:
- Này tằm ơi, em nhả tơ như vậy có ích gì? Một sợi tơ của em đâu có làm nên tấm vải đâu em! Tại sao em cứ làm chuyện phí công vô ích?
Tằm sẽ mỉm cười đáp lại:
- Để làm nên tấm vải, cần từ khung cửi cho đến người thợ dệt, việc của chúng em là nhả tơ, mọi tấm vải đều bắt đầu từ những sợi tơ riêng lẻ, không có sợi tơ nào là vô ích! Em hạnh phúc vì việc của mình!
Có lẽ người hỏi chuyện con tằm cũng chẳng còn gì để hỏi, mà nên quay sang tự chất vấn lương tâm mình khi đối diện với con tằm bé nhỏ. Những người dấn thân cho công bằng xã hội và đất mẹ ngày quang phục, có lẽ cũng giống như con tằm miệt mài nhả sợi tơ của cuộc đời mình, chẳng bận lòng ngọn gió cơn giông ngoài biển lớn. Ai công hầu ai khanh tướng, đều đã chết cả, chỉ còn những người âm thầm phụng sự là trường tồn qua nhiều thế hệ.
Ở quê mình cũng có cỏ gấu, nhưng chỉ khi nhổ cả cụm và đưa lên mũi thì mới nghe mùi hương phảng phất. Nhưng ở đây, mùi hương quyện cả không gian, có thể do khác về chủng loại nên hương đậm hơn, nhưng cũng có thể do nhiều cây cùng toả hương một lúc, nên tạo ra sức mạnh cộng hưởng, vô hình nhưng mạnh mẽ và không gì cản được.
Đêm lạnh xứ Đại Hoà
Có hương cỏ vương vương tiềm thức
Những bước chân
Cũng thoang thoảng mùi hương cỏ
Trong cơn gió
Có lời ru ai gởi từ nước Việt
Của những bà mẹ
Từ ngục tù ru say giấc nồng con trẻ
Của bà mẹ trong cơn hấp hối
Ru hồn con vững mạnh trước gông cùm.
Trong cái lạnh ửng hồng gò má
Của anh và của em
Những đứa trẻ con cùng mẹ Việt
Có hơi ấm tình người
Có tủi hờn vong quốc
Có tiếng nấc
Nghẹn ngào
Đau
...
Nhưng hãy lắng nghe,
Những mầm cây đang thức dậy
Những bông hoa ngọn cỏ toả hương
Trên con đường mồ hôi cha tưới đẫm
Có niềm hy vọng trổ sinh
Cho chúng ta và đàn em sau nữa
Bước giữa nắng vàng
Trong tiếng cười ngày trở lại
Xiềng xích nở hoa và nhà tù thành phế tích
Chỉ còn tình người
Ấm áp thương nhau!
Hải Lê