Sau khi đến Đức tham dự cuộc hội họp Bild 100 của Bild, một tờ báo được mệnh danh là con khủng long của truyền thông Đức và gặp gỡ ngoại trưởng Đức vào ngày 10 tháng 9 năm 2019, Hoàng Chí Phong, tổng thư ký của đảng đấu tranh Dân Chủ (Demosistō) Hong Kong đã có hai cuộc phỏng vấn dài 8 và 9 phút trên đài DW, một cơ quan truyền hình công chúng tại Đức. Nội dung là về cuộc đối đầu giữa người dân Hồng Kong với bà Carrie Lam, nhà lãnh đạo Hong Kong do Bắc Kinh bổ nhiệm. Qua 2 cuộc phỏng vấn này, người xem đã được nghe, và thấy một Hoàng Chí Phong tự tin, trả lời trôi chẩy, và hùng biện trước các câu hỏi khó khăn của hai phóng viên dẫn chương trình. Như: 1/ anh nghĩ thế nào về sự bạo động của những người biểu tình? 2/tại sao người biểu tình vẫn tiếp tục đấu tranh, kể cả bạo động mà không đi vào đối thoại với bà Carrie Lam cho dù bà đã tuyên bố hủy bỏ đạo luật dẫn độ? 3/Anh nghĩ gì về việc Hong Kong là một phần lãnh thổ của Trung Quốc trong chuyến đi vận động tuần tới tại Hoa Kỳ? 4/Tình hình Hong Kong có gì tương đồng với Bá Linh? Vân vân. Với thái độ bình thản, vững vàng lập trường, Hoàng Chí Phong đã chiếm trọn tình cảm của những người theo rõi.
Tóm tắt, một số những câu trả lời đáng chú ý của Hoàng Chí Phong gồm có:
Thứ nhất, dĩ nhiên, không ai muốn nhìn thấy hình ảnh bạo động trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong, nhưng trước những tấn công hung bạo của cảnh sát thì những gì mà người biểu tình làm chỉ là sự tự vệ cần thiết, mà cũng là để tạo áp lực lên nhà cầm quyền thân Trung Quốc khiến họ phải chùn tay, lắng nghe theo ý dân, mà đi vào sự đối thoại thật sư.
Thứ hai, việc mà bà Carrie Lam tuyên bố ngưng dự luật dẫn độ và kêu gọi người dân đi vào đối thoại vào ngày mùng 4 tháng 9 năm 2019 thật sự là một xảo thuật, bởi vì cho đến nay, bà ta chưa bao giờ chính thức qua văn bản, trả lời cho những yêu cầu đi vào đối thoại của những người đấu tranh gởi đến bà từ ngày 1 tháng 7 năm 2019.
Thứ ba, những gì mà người Hong Kong đang đòi hỏi, chỉ là yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng sự ký kết của Bắc Kinh về quy chế “Một quốc gia, hai thể chế” dành cho Hong Kong khi Hong Kong được Anh Quốc trao trả về cho Bắc Kinh vào năm 1997. Theo quy chế này, người Hong Kong được giữ quyền tự do bầu cử, tư do ứng cử và được chọn người lãnh đạo Hong Kong.
Thứ tư, mọi người dân Hong Kong, Hoàng chí Phong nói, đều hiểu rằng Hong Kong là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không yêu cầu sự tách rời của Hong Kong ra khỏi Trung Quốc mà chỉ muốn Trung Quốc đồng ý Hong Kong là một định chế tài chánh có vị thế quan trọng trên thế giới và để cho Hong Kong được phát triển trong dân chủ.
Cuối cùng, trong hoàn cảnh đứng giữa sự đàn áp tàn bạo bởi chính quyền độc tài thân Bắc Kinh và tinh thần yêu chuộng dân chủ tự do, Hong Kong ngày nay là một Bá Linh của quá khứ. Hong Kong xứng đáng có được sự ủng hộ và quan tâm của thế giới cho quyền tự quyết dân chủ.
Sinh vào ngày 13 tháng 10 năm 1996 và được chẩn đoán với chứng bịnh loạn chức năng đọc (dyslexia), từ nhỏ Hoàng Chí Phong đã được cha mẹ hướng dẫn theo đức tin của giáo hội Luther. Sự quan tâm đến vấn đề xã hội của Hoàng Chí Phong đã đến từ phụ thân của anh, người đã hay đưa anh đến thăm những khu phố thuộc vào giai tầng chót của xã hội Hong Kong từ khi còn là một trẻ nhỏ.
Ngày 29 tháng 5 năm 2011, ở tuổi 15, Hoàng Chí Phong đã cùng một bạn học là Ivan Lam Long-yin thành lập nhóm Học Giả (Scholarism - Chinese: 學民思潮) như là một nhóm học sinh hoạt động ủng hộ dân chủ trong các lãnh vực giáo dục, đổi mới chính trị, tuổi trẻ, vân vân. Khởi đầu nhóm đi từ những hoạt động đơn giản như rải truyền đơn chống đối lề lối sinh hoạt trong hệ thống giáo dục quốc gia. Chẳng bao lâu nhóm của Hoàng Chí Phong đã phát triển lớn mạnh về số lượng cũng như tầm ảnh hưởng. Đến năm 2012 nhóm của Hoàng Chí Phong đã trở thành một tổ chức được chú ý vì có khả năng triệu tập.
Vào tháng 6 năm 2014 nhóm Học Giả của Hoàng Chí Phong cùng phong trào Dù Vàng với chủ trương tranh đấu cho quyền dân chủ tại Hong Kong đã đưa ra một kiến nghị thúc đẩy việc cải tổ hệ thống bầu cử tại Hong Kong và sự tôn trọng chính sách “Một quốc gia hai thể chể” tại Hong Kong của Bắc Kinh. Sư vận động thay đổi trong hệ thống bầu cử của nhóm Hoàng Chí Phong bao gồm việc cho phép người dân được tự do ứng cử vào vai trò lãnh đạo cuộc bầu cử năm 2017 của Hồng Kông (Hong Kong Chief Executive Election 2017). Là một trong những lãnh đạo chính của phong trào Dù Vàng, vào năm 2014 Hoàng Chí Phong chỉ là một sinh viên 18 tuổi.
Cũng vào ngày 27 tháng 9 năm 2014, trong một cuộc biểu tình chiếm giữ lớn rộng kéo dài 79 ngày, chống lại quyết định cải cách bầu cử của Bắc Kinh, với hàng trăm sinh viên tại quảng trường Dân Sự (Civic Square) trước Quần thể Trung Tâm Chính Quyền (Central Government Complex,) Hoàng Chí Phong cho biết đã bị cảnh sát đánh đập và cố ý gây thương tích cho anh khi anh bị bắt giữ cùng 78 sinh viên khác.
Vào tháng 4 năm 2016, sau khi giải tán nhóm Học Giả, Hoàng Chí Phong cùng các sinh viên thuộc nhóm Học Giả bao gồm Agnes Chow, Oscar Lai và các nhà hoạt động thuộc nhóm Dù Vàng đã thành lập đảng Đấu Tranh Dân Chủ, với chủ trương tranh đấu cho quyền tự chủ của lãnh thổ Hong Kong sau khi Hiệp Ước cơ bản về Hong Kong “một quốc gia, hai chế độ,” được ký kết giữa nước Anh và Trung Quốc hết hạn vào năm 2047. Trong vai trò tổng thư ký của đảng, Hoàng Chí Phong đặt kế hoạch để tham gia vào cuộc tranh cử Hội Đồng Lập Pháp vào năm 2016. Tuy nhiên đến thời điểm đó Hoàng Chí Phong chỉ mới 19 tuổi và theo luật hiến định thì ứng cử viên phải là 21 tuổi. Lý do này đưa đến việc Hoàng Chí Phong vào tháng 10 năm 2015 đã nộp đơn yêu cầu hệ thống Tư Pháp (Judicial) Hong Kong xem xét lại về luật bầu cử.
Qua tháng 8 năm 2017 Hoàng Chí Phong và hai sinh viên hoạt động dân chủ Nathan Law và Alex Chow đã bị tòa kết án từ 6 tới 8 tháng tù cho các vai trò của họ trong cuộc biểu tình chiếm giữ 79 ngày với hàng trăm sinh viên tại quảng trường Dân Sự (Civic Square) vào năm 2014. Bản án này đã ngăn chặn ý định tham gia giòng chính của họ, vì họ không được phép ứng cử vào các chức vụ công quyền trong vòng 5 năm.
Sang đến tháng giêng năm 2018, Hoàng Chí Phong lại bị tòa án Tối Cao của Hong Kong xử giam ba tháng tù vì lý do Hoàng Chí Phong xem thường quyết định của tòa trong tháng 10 năm 2017.
Tháng 5 năm 2019, Hoàng Chí Phong tiếp tục bị xử hai tháng tù do sự tham gia của anh trong sự cố ngày 26 tháng 11 năm 2014 tại Mong Kok, qua đó những người biểu tình thuộc phong trào Dù Vàng đã chống đối lại cảnh sát.
Hoàng Chí Phong đã được trả tự do vào ngày 17 tháng 6 năm 2019 sau khi anh đã hội đủ hai tháng tù giam, tính gộp toàn thể thời gian anh ở trong tù vào năm 2018.
Ngày 29 tháng 8 năm 2019 Hoàng Chí Phong bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ trước giờ Hoàng Chí Phong đáp máy bay sang Đức theo lời mời của báo Bild để dự buổi hội họp 100 nhân vật quan trọng tại Đức. Hoàng Chí phong đã được trả tự do ngày hôm sau đó với lời giải thích là do sự nhầm lẫn trong việc thi hành trát tòa án. Việc gặp gỡ giữa Hoàng Chí phong và Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức vào đầu tháng 9 năm 2019 đã bị Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc gọi là “Một sự xem thường chủ quyền của quốc gia Trung Quốc và là một sự xen lấn vào công việc nội bộ của Bắc Kinh. (“disrespectful of China’s sovereignty and an interference in China’s internal affairs”.)
Với tiểu sử phát triển, nhân cách và quá trình hoạt động như trên, chẳng trách Hoàng chí Phong, chàng sinh viên mà đến ngày 13 tháng 10 sắp đến mới tròn 23 tuổi, đã trở thành một biểu tượng cho người dân và giới trẻ Hong Kong cùng hướng theo. Không những thế, Hoàng Chí Phong hiện đang ở trong sự quan tâm của thế giới và trong sự thán phục của những người đang đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ, cùng học hỏi nơi anh ý chí quyết tâm và sự dấn thân cho đất nước.
Tuệ Vân
Ngày 16 tháng 9 năm 2019.