Chớm vào thu, sáng sớm đi làm trời đã bắt đầu trở lạnh. Trong cơn gió thổi những chiếc lá úa vàng lặng lẽ bay, chia tay với thân và cành, để đi sang một thể trạng mới, một thể trạng hòa nhập với thiên nhiên đi vào cát bụi, nhường chỗ những mầm xanh mới đi vào cuộc sống.
Gần cuối tháng 8, năm nào cũng thế gần đến ngày giỗ của các chiến hữu tiên phong, những kháng chiến quân thuộc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN), lòng tôi lại rung động lạ thường. Tuổi trẻ của tôi tại hải ngoại sau ngày định cư tại Hoa Kỳ là những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm với những hình ảnh gần gũi thân thương của những con người áo nâu trên toàn thế giới vào những thập niên 80s và 90s. Những người áo nâu này là những đoàn viên của MTQGTNGPVN, là những thuyền nhân đã vượt thoát được chế độ cộng sản Việt Nam sau 1975. Họ thuộc mọi thành phần trong xã hội, trí thức, lao động, cựu quân nhân VNCH. Họ là những người đã định cư tại hải ngoại từ trước năm 1975 với nhiều lý do như du học, tu nghiệp, lập gia đình, hay đi làm cho cơ sở ngoại quốc. Nhưng dù với lý do nào, trên đất nước người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, nam nữ, lão ấu, họ đã đến với nhau trong giao điểm của tình dân tộc, không quên đồng bào trong nước, không chấp nhận chế độ độc tài, bạo ngược của cộng sản Việt Nam. Cho nên ngay khi có sự xuất hiện của tổ chức MTQGTNGPVN, họ đã sớm hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, tham gia vào, hay ủng hộ Mặt Trận cách này cách nọ để cùng nhau đấu tranh cho quê hương.
Đầu thập niên 1980s, thay cho lời nói, một số những người áo nâu tại hải ngoại đã đi vào khu chiến cùng với chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Chủ Tịch MTQGTNGPVN, như Ngô Chí Dũng, Võ Hoàng, Trần Thiện Khải, Nguyễn Trọng Hùng, Lê Hồng, Phùng Tấn Hiệp, Trần Hướng Việt, Lưu Minh, Trương Ngọc Ni, Huỳnh Văn Tiến, vân vân. Những áo nâu này là những con người có khả năng đủ để sống yên ổn thoải mái tại nước ngoài. Nhưng các anh đã khẳng khái chọn con đường ra đi, quyết định trở về nước đấu tranh trong tâm nguyện: * "Đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa. Một là giải phóng Tổ Quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng Tổ Quốc Việt Nam."
Hôm nay đi
Mọi người mọi tuổi
Như ngàn ngàn con suối nhập vào sông
Như ngàn ngàn con rồng tuôn ra biển
Bước chân rầm rập bưng biền
Lan ra khắp ba miền đất nước
Ngàn yêu thương trải dài từ thủa trước
Triệu bàn tay ôm đất nước đâng lên
Kìa xa xa
Tiếng hát vang rền
Người ngẩng đầu lên
Tràn theo đường kháng chiến.
(Trích trong bài thơ “Đường kháng chiến đi qua” 1985, của KCQ Võ Hoàng)
Trong không khí hào sảng chung này, tôi không khỏi tự hào vì thời đại của tuổi trẻ chúng tôi đã được sống thực hơn thời của bài Tống biệt hành Thâm Tâm, thời khoảng chỉ có những con người âm thầm, lẻ tẻ đi làm việc lớn.
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thẫm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Môt giã gia đình, môt dửng dưng.
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Những ngày tháng đó của tôi rất bận rộn, với thời gian mỗi tuần được chia đều cho những việc học, việc làm, việc cùng tham gia đấu tranh với các anh chị em cùng lý tưởng. Ngày thường thì đi học đi làm. Cuối tuần thì hội họp, công tác và hoạt động, chẳng hạn những người áo nâu chúng tôi cuối tuần đã đi ra ngoài đường phố hải ngoại phổ biến tài liệu kháng chiến, hay tham gia vào những buổi sinh hoạt văn nghệ kêu gọi ủng hộ những chiến hữu đi về nước đấu tranh. Rất bận rộn nhưng tinh thần anh chị em chiến hữu chúng tôi lại tràn ngâp sự lạc quan và hy vọng cho một ngày mai tươi sáng của Việt Nam. Bài nhạc “Người Em gái Áo Nâu” của nhạc sĩ Nguyên Chương đã dược viết ra trong thời điểm đó.
Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu
bởi có em trong chiếc áo nâu
em phát những tờ truyền đơn...
Em chào người mẹ đã già
mẹ ơi giặc chiếm quê ta
nhưng chúng con quyết tâm giành lại
giành lại quê cho mắt mẹ vui
giành lại quê cho môi mẹ cười, mẹ ơi.
Mẹ hân hoan nhìn em, nước mắt,
tờ truyền đơn mẹ áp vào lòng...
Mẹ thương anh kháng chiến quân.
Chiều nay đường phố thêm đông thêm màu
bởi có em trong chiếc áo nâu
em phát những tờ truyền đơn...
Em chào người chị xinh tươi
chị thật ngoan trong chiếc áo dài
chị ơi, có anh kháng chiến rừng xa
tình của anh tô má chị xinh
tình của anh nuôi tóc chị dài, chị ơi.
Chị hân hoan cùng em góp sức
tờ truyền đơn chị phát, chị truyền...
Chị thương anh kháng chiến quân.
Nhà thơ, người đi kháng chiến Võ Hoàng, sống ở trong rừng, không thể có cái tiện nghi của xã hội Mỹ mà anh đã rời bỏ. Nhưng nơi chiến khu rõ ràng là anh đã sống những giờ phút vô cùng cảm khái, lạc quan, tràn đầy hào khí trên con đường về cứu nước:
“Sáng lên đồi nhìn mặt trời hồng
ngắm núi rừng
mà thẹn với non sông
Suối xa vang vọng bài đông tiến
vạt nắng vương vương lửa rực lòng
Ngó lên cao trời trời chất ngất
nhìn xuống chân đất đất mênh mang
nhục nhằn
nung nấu thép gang
dặm trường mấy bước
giang san mấy tầm?”
(Trích trong bài thơ Sáng Lên Đồi của KCQ Võ Hoàng)
Trong nỗi yêu thương ngút ngàn hướng về Tổ Quốc đó, KCQ Võ Hoàng và các chiến hữu trong đoàn quân Đông Tiến đã tự nhủ với chinh mình:
“Cất nỗi niềm riêng
Dong ruổI bước đường
Vươn cao tay theo tầm vóc quê hương
Ngày nắng đêm sương
Lừng lững giữa chiến trường”
(“Đường kháng chiến đi qua” 1985, KCQ Võ Hoàng)
Tội không có người yêu là kháng chiến quân, nên không có sự khắc khoải chia tay người thương. Nhưng cái tâm trạng thổn thức môt người đã phải bó buộc rời bỏ đất nước ra đi, để lại gia đình với mẹ và các anh em thân yêu ở lại Việt nam đã thăng hoa trong tôi, để trở thành tình cảm yêu thương và ước mong hội ngô với người kháng chiến quân không quen biết, ngày thành công trên đất nước Việt Nam.
Tóc em dài óng ả
Trong gió chiều lộng bay
Hương cỏ thơm nhẹ tỏa
Cho lòng anh ngất say
Anh nhìn em rung động
Nâng niu nụ môi trao
Má em hồng e thẹn
Con chim nhỏ bay cao
Em tuổi hồng thánh thiện
Tình yêu em thiên thần
Em dịu dàng bé nhỏ
Nhưng lòng em mênh mông
Em bảo em sẽ đợi
Vì quê hương anh đi
Yêu anh em chẳng ngại
Thời gian lỡ xuân thì
Anh thương em thật nhiều
Nhẫn cỏ anh kết trao
Trăm năm lời ước nguyện
Trọn giữ nghĩa tình sâu
Mai này anh sẽ về
Ngày đó mình có nhau
Hoa hồng tươi anh kết
Vương miện em đội đầu
Hoàng hậu cười rực rỡ
Xinh đẹp tựa như tiên
Lòng quân vương hớn hở
Đứng bên cô vợ hiền.
Tuy ở đời lạc quan và hy vọng có đem lại cho mình những thời khắc hạnh phúc, nhưng không nhất thiết đem lại kết quả thực tế như mình mong muốn. Võ Hoàng đã hy sinh như nhiều chiến sĩ Đông Tiến khác vào mùa thu năm 1987. Sự hy sinh này không mất. Vì nếu không có đề đốc Hoàng Cơ Minh và những kháng chiến quân Đông Tiến thì đã không có trỗi lên cái ý thức độc lập của cha ông, lấy sức mình giải quyết vấn đề của mình, tranh đấu giành lại những gì đã bị cưỡng đoạt, và hải ngọai sẽ chỉ có những người trốn chạy sự tàn bạo của Việt cộng, mang mặc cảm thất bại, không dám nhận cả cái bản chất Việt Nam của mình, nghĩa là vong thân, như đã thấy trong một giai đoạn ngắn sau tháng 4/1975. Và hải ngoại đã không thể như ngày nay, là vùng đất dung chứa được mọi thầnh phần dân tộc, tiếp tục góp phần vào công cuộc đấu tranh đa dạng đa diện cho một Việt Nam bất khuất.
Tuệ Vân
Ngày 23 tháng tám, 2019