Nói Donald Trump làm lịch sử thì có người cho rằng là người viết thuộc loại “mê cuồng” Donald Trump. Nhưng trước mắt thì chuyện Trump đọc diễn văn “Chào Hoa kỳ” nhân ngày lễ độc lập 4 tháng 7/2019 ở đài kỷ niệm Abraham Lincoln trong khi cho phi cơ tối tân bay lượn trên đầu, mặc dầu những chống đối là tốn phí của các nhà chính trị , sẽ đi vào lịch sử là vị tổng thống đầu tiên làm như vậy. Trong bài diễn văn ca tụng lịch sử oai hùng Hoa kỳ Trump đã cương ẩu rằng quân đội thời chiến tranh chống Anh quốc đã chiếm các “phi trường”, trong khi lúc đó chưa có máy bay vì máy bay chỉ được sáng chế ra hơn một thế kỷ sau (!). Cũng là làm lịch sử, khi vào sáng ngày hôm sau thứ sáu ông Trump bào chữa với các phóng viên ở Bạch cung, đổ tội cái sai của mình cho cái máy chiếu diễn văn bị hư vì mưa lớn “ngay giữa câu”, ông Trump giải thích, “Đúng, cái máy nhắc diễn văn bị tắt. Nhưng cũng chẳng ngần ngại khoe rằng “tôi rất thuộc bài diễn văn và tiếp tục, dù rằng không còn máy nhắc diễn văn”!
Nhìn lại tổng quát các hành động của Trump từ năm 2016 thì có thể kết luận một cách công bình là Trump làm lịch sử thật. Trump là tổng thống đầu tiên dùng tweet để tranh cãi mọi vấn đề từ to đến nhỏ và thông báo quyết định bổ nhiệm nhân sự cũng như chủ trương đường lối, rộng rãi đến mọi người. Với chính sách này, truyền thông giòng chính không còn là thành phần đầu tiên đưa tin từ Bạch cung nữa. Trump đã thắng Hillary Clinton, là một chính trị gia từng giữ nhiều trách nhiệm quan trọng trên chục năm và được truyền thông cũng như cơ chế chính trị o bế để chắc chắn là trở thành nữ tổng thống đầu tiên. Thế mà Trump đã thắng cử mặc dầu tác phong bặm trợn, ăn nói kiểu lái trâu. Trump là tổng thống đầu tiên gặp tổng thống Nga Putin, thảo luận tay đôi ở Helsinki, bất chấp mọi chống đối. Trump cho cháu gái hát tiếng Tầu và ngâm thơ Tầu cho vợ chồng Tập Cận Bình nghe trong đại yến ở Bắc Kinh, mà gọi vợ chồng Tập là “ông” với “bà”. Tuy các tổng thống Mỹ và chính trị gia Mỹ đều ủng hộ Do Thái, nhưng Trump là tổng thống đầu tiên nhận thủ tướng Netanyahu là bạn thiết, và bài diễn văn trước đại hội đồng Liên hiêp quốc không khác diễn văn của Netanyahu, trừ một điều là ngôn từ kém chải chuốt hơn. Trump cũng làm lịch sử khi công nhận Jerusalem, một vùng tranh chấp Palestine Do Thái từ lâu chưa giải quyết mà Do Thái chiếm, là thủ đô của Do Thái. Trump công nhận cao nguyên Golan Heights Do Thái chiếm của Syria là thuộc Do Thái, và do đó Do Thái lấy tên Trump đặt cho một làng ở đó. Tính chất lịch sử của tất cả những chuyện này là Trump đã tùy tiện lấy tư thế lãnh đạo một nước lớn đem một nước nhỏ hay một phần nước nhỏ cho một nước khác và trao quyền cho các tù trưởng hay lãnh chúa theo ý thích của mình, như là đã từng xảy ra trong lịch sử Đông Tây. Từ đó tạo ra những mâu thuẫn xã hội chính trị là những nhân tố thúc đẩy tranh chấp chém giết nhau không ngơi.
Trump làm lịch sử khi gặp Kim chính Ân thủ lãnh Bắc Hàn ở Singapore, ca tụng Kim là trẻ tuổi tài ba, nhanh chóng nhận Kim là bạn thân, dầu rằng cho tới lúc đó dưới mắt truyền thông Mỹ và thế giới không Cộng sản Kim là một bạo chúa, giết người không gớm tay, kể cả những cộng sự viên thân tin nhất, bằng những cách rùng rợn nhất. Cũng không ngần ngại khoe khoang rằng thông cáo chung ký với Kim về giải giới võ khí hạt nhân là một thành công chưa từng có, dầu rằng không có chi tiết nào hướng dẫn thực hiện, và cho tới nay sau 3 lần gặp gỡ bắt tay thắm thiết, mới đồng ý được một điều là các cấp chuyên viên hai bên sẽ họp bàn về lộ đồ thực hiện, chưa biết sẽ như thế nào. Tưởng cũng nên nói ở đây là
cuộc gặp thứ ba với Kim xẩy ra sau khi Trump đồng ý ngưng cuộc chiến thương mại và bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ bán hàng cho đại công ty diện tử TQ Hoa Vi (Hwawei), trong cuôc họp với Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Osaka Nhật Bản. Trump đã từ Osaka bay sang Hàn quốc để đến thăm vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm ngày 30 tháng 6 và ngỏ ý trên tweet muốn gặp Kim chính Ân, bắt tay ngắn ngủi cũng được. Kim đã đồng ý. Hai người đã đứng ở hai bên lằn ranh bắt tay nhau. Khi Trump hỏi Kim có bước sang đất Bắc Hàn được không thì Kim trả lời OK. Thế là Trump đã bước sang đó, tuyên bố “rất hân hạnh” được bước vào Bắc Hàn, rồi cùng Kim sóng đôi trở lại phía Nam Hàn. Sau đó hai người đã thảo luận với nhau gần một giờ đồng hồ, nội dung không công bố rõ ràng, trừ một điều là hai bên sẽ tiếp tục những cuộc họp bàn về giải trừ võ khí hạt nhân và ngưng các biện pháp chế tài, lây nhây chưa giải quyết xong từ khi Trump tuyên bố những cuộc họp với Kim là thành công to lớn.
Trump là tổng thống Mỹ duy nhất đơn phương hủy các hiệp ước giao thương giữa Mỹ với các nước ngoài và đòi điều đình lại, cũng như đánh thuế quan vào các hàng nhập cảng, vì lý do đơn giản là các thương ước không công bình đối với Mỹ. Trump đơn phương rút ra khỏi hiệp ước JCPOA (Joint Comprehensive plan of action) về hạt nhân mà Mỹ đã cùng 5 nước khác là Anh Pháp Nga TQ và Đức ký với Iran năm 2015, để thi hành ý kiến của Netanyahu là hiệp ước tồi tệ nhất cần phải dẹp đi. Sự gắn bó với Do Thái này đã làm nẩy ra trên truyền thông Iran mấy chữ “Hiệp chủng quốc Do Thái” (the United States of Israel). Mới đây, Trump tuyên bố rằng quân đoàn bảo vệ cách mang Hồi giáo Iran IRGC của Iran là khủng bố và ra các biện pháp chế tài với Iran để dùng kinh tế áp lực Iran phải điều đình với Trump. Iran từ chối. Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố Trump bị bệnh thần kinh. Và nói không muốn mở chiến tranh với Hoa kỳ nhưng đủ sức bảo vệ Iran quyết liệt. Tiếp theo, Iran đã hạ một máy bay do thám không người lái drone loại tối tân nhất của Mỹ trị giá 110 triệu đô la, vì vi phạm không phận Iran. Trump tuyên bố đã ra lệnh trả đũa oanh kích vào ba vị trí Iran nhưng ngưng lại vào phút chót vì muốn tránh không làm chết 150 nhân mạng. Trên báo The Guardian Anh quốc có bình luận cho rằng lý do này Trump nêu ra là “không thực”.
Kể thêm những thí dụ Trump làm lịch sử nữa thì chỉ mất thêm thì giờ cho những người không để ý đến Trump, mà con số này khá đông.
Sau chót, nếu không nói đến nhận định về Trump của người Việt Nam thì chắc chắn là thiếu sót. Với người VN, hải ngoại cũng như trong nước, Trump đã làm chuyện lịch sử. Trump đã khiến nhiều người chống Cộng và chống Tầu ở hải ngoại mê Trump tối đa, mặc dầu Trump ca tụng, o bế Kim chính Ân, Tập Cận Bình, Putin, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc! Bản chất là di dân, đến Mỹ vì muốn được sống đời tự do dân chủ, nhưng nhiều người VN bênh vực chủ trương thủ cựu kỳ thị chủng tộc mà Trump biểu lộ ra không ngần ngại. Dân trong nước cũng không thiếu người thích Trump dầu rằng Trump vừa tuyên bố là sau Tầu, Trump sẽ đánh thuế quan lên các hàng VN vì VN đã lạm dụng rất nhiều trong giao thương với Mỹ. Cũng không mấy ai quên rằng trong những cuộc biểu tình chống luật đặc khu ở Sàigòn năm ngoái có xuất hiện các hình Trump.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 7 tháng 7/2019)