Thập niên 1970, Hoa Kỳ với chính sách của Henry Kissinger và Nixon, Xô Viết là kẻ thù, đế quốc đỏ cần bị đánh sập, chính sách ấy nuôi dưỡng Trung Quốc lớn mạnh để chận sự bành trướng của Liên Bang Xô Viết. Đến thời Ronald Reagan, Tổng thống Cộng Hòa thách đố TBT Gorbachev đập bức tường Bá Linh nhưng tiếp tục chính sách cũ. Qua đến T. T. George H.W. Bush, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh thương dân Trung Quốc nghèo khổ tiếp tục nuôi chính quyền Cộng Sản Trung Quốc.
Con rồng Trung Quốc lớn mạnh bành trướng thế lực quân sự và kinh tế thế kỷ 20 với “Con đường lụa” mới “một vòng đai một con đường” trên biển và đất liền từ Đông sang Tây, từ Tây qua Đông. Đe dọa của chính sách “Thiên triều, triều cống” từ ngàn năm trước của Trung Quốc dẫn đến thời kỳ chánh sách mới của Hoa Kỳ với tổng thống Donald Trump. Chính sách ngăn chận của T. T. Trump nhằm chận Trung Quốc của Tập Cận Bình bằng quân sự và kinh tế. Trên biển, thời kỳ mới “Chiến lược mới Ấn – Thái Bình Dương” nhằm chận bành trướng quân sự của Bắc Kinh trên Nam Hải. Biển Đông đang là hý trường của hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. (Ấn Độ - Thái Bình Dương thay cho Nam Hải (South China) danh từ này đã được Hoa Kỳ dùng từ năm 2001 với ngoại trưởng Hillary Clinton người mà T. T. Trump ghét cay ghét đắng).
Chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương xem Ấn Độ và Thái Bình Dương là vùng biển quan trọng cho Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến tự do giao thông hàng hải, không thuộc về Trung Quốc. Chánh sách đã được sự hợp tác của bốn quốc gia trong vùng quan trọng nhất là Úc và Ấn Độ. Từ năm 2018, Trung Quốc tăng gia quân sự với các căn cứ quân sự trên các đảo tranh chấp và các dàn hỏa tiễn phòng không.
Tác giả chánh sách Hoa Kỳ thập niên 1970, Henry Kissinger nay lại tuyên bố: “Trung Quốc là thách thức mới cho chiến lược Hoa Kỳ”, sẽ đối phó như thế nào? Ông nghi ngờ “chúng ta không giỏi lắm vì chúng ta không hiểu lịch sử và văn hóa của Trung Quốc”! Hồ sơ tóm lược chánh sách quốc phòng của Hoa Kỳ năm 2018 nói rõ “Bắc Kinh đang theo đuổi tối tân hóa chương trình quân sự nhắm đến mục đích bá quyền ở vùng Ấn – Thái Bình Dương” Mục đích của Trung Quốc xa hơn: “Nhằm thay thế Hoa Kỳ trong vai trò bá chủ thế giới trong tương lai.” (sách của Peter Frankopan). Chánh sách kinh tế con đường lụa của Trung Quốc tạo ra một thế giới mới nhưng không phải là thế giới tự do, một thế giới lệ thuộc “Mô hình Trung Quốc” từ kinh tế, văn hóa đến chính trị, biến các nước như Việt Nam thành thuộc địa với chế độ triều cống, dâng đất cho Tàu trong 99 năm, xây dựng hạ tầng kiến trúc với hệ thống tín dụng mập mờ khổng lồ trong lịch sử thế giới kết qủa dẫn đến món nợ cho các quốc gia tham dự vào con đường lụa. Để chống lại chánh sách bành trướng kinh tế, song song với chánh sách quân sự chánh quyền Trump đang dùng chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia từ Âu sang Á. Với Trump và Tập Cận Bình thế giới đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ lịch sử khác hẳn với thời kỳ hậu cộng sản, và thời kỳ chiến tranh lạnh thế kỷ thứ 20.
Chánh sách mới của T. T. Trump đánh vào Liên Hiệp Âu Châu đang là thử thách mới cho các nước dân chủ Tây Phương ngoài Nga luôn luôn là kẻ thù. Tám năm sau ngày Đồng Minh đổ bộ lên Normandy giải phóng Âu Châu ra khỏi sự thống trị của Hilter năm 1952 thủ tướng Anh Winston Churchill cảnh cáo “bức màn sắt” đang phủ xuống một nửa Âu Châu và T. T. Harry Truman cảnh cáo nguy hiểm xâm lăng đến từ Xô Viết. Trong 40 năm sau, các quốc gia Tây Phương đoàn kết thành một khối chọn dân chủ, chống độc tài, kinh tế tư bản thay cho kinh tế xã hội chủ nghĩa, chống cộng sản, chống Phát Xít và Nazi. Nên dân chủ Tây Phương dựa trên luật pháp, nhân quyền, tự do bình đẳng giống như Hoa Kỳ. Ổn định là châm ngôn. Hệ thống tư bản đứng vững nhờ lòng yêu hòa bình. Các nước Tây Âu lập ra qũy tiền tệ thế giới IMF năm 1950, khối quân sự NATO năm 1949, thị trường chung Âu Châu năm 1957.
Đoàn kết về kinh tế và quốc phòng trong 30 năm từ 1940 đến 1970 được Pháp gọi là thời kỳ vinh quang phát triển. Kinh tế phát triển đi đôi với nền y tế cho mọi người, giáo dục miễn phí trong khi đó Đông Âu là một thất bại dưới các chế độ cộng sản qua nhiều cuộc khủng hoảng năm 1956, 1968 và 1981.
Kinh tế Tây Âu trái lại chỉ bị lung lay sau khủng hoảng đầu thập niên 1970, sinh viên biểu tình ở Pháp, công nhân đình công ở Anh, khủng bố ở Ý và Đức. Huyền thoại Âu Châu thập niên 1970 đã khiến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bỏ chế độ độc tài theo dân chủ và gia nhập các tổ chức Tây Âu ngay cả Anh do dự nhưng rồi cũng tham gia thị trường chung Âu Châu.
Người Mỹ luôn luôn nhớ công của T. T. Reagan và T. B. T. Gorbachev, nhờ sự cộng tác của hai nhà lãnh đạo “bức màn sắt” vĩnh viễn của Stalin sụp đổ năm 1989, mà quên đi vai trò quan trọng của sức mạnh dân chủ của nền văn minh và kinh tế Tây Âu năm 1989.
Ba Lan đã bỏ phiếu chống chế độ Cộng sản tháng 6 năm 1989. Dân Đông Đức đua nhau đập đổ bức tường Bá Linh và bước qua Tây Đức bất chấp sự tàn sát và đàn áp của lính biên phòng. Dân Tiệp biểu tình ở quảng trường Wencelas để họ “được trở thành một người bình thường” không còn là con người cộng sản. Dân chủ là ước muốn của dân Đông Âu không trở ngại nào có thể cản trở. Thập niên hậu cộng sản 1990 và 2000 các nước Đông Âu đua nhau gia nhập vào các tổ chức kinh tế chính trị và quân sự Tây Âu.
Trong vòng mười năm, 90 triệu người Đông Âu chấp nhận sự thay đổi lớn trong khi dân ở các nước Cộng Sản Á Châu như Việt Nam vẫn chấp nhận bức màn sắt sau thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc ngày 4 tháng 6 năm 1989. Chính quyền dân sự thay cho chánh quyền quân sự, dân kiểm soát quân đội như điều kiện của NATO, tư pháp độc lập với hành pháp. Luật nhân quyền ra đời cùng các điều kiện, luật lệ về kinh tế. Các nước Trung Âu và vùng Balkan cũng theo các điều kiện này để gia nhập NATO và thị trường chung Âu Châu.
Mười năm trước, khủng hoảng kinh tế tài chánh thế giới 2008 – 2009 đã làm nền kinh tế Âu Châu kiệt quệ, dân thất nghiệp, các công ty phá sản, dân Âu Châu mất lòng tin vào Hoa Thịnh Đốn và Frankfurt nhưng nền kinh tế Âu Châu cũng như Hoa Kỳ hồi phục và nền dân chủ vẫn đứng vững không trở lại các chế độ độc tài Phát Xít dù Nga vẫn là mối đe dọa cho Âu Châu và thế giới. Sử gia Tony Judt cảnh cáo Nga đã hiện đại hóa quân sự trở lại thói quen thời Cộng Sản Xô Viết, nhúng tay vào chính trị Âu Châu, tấn công bằng chiến tranh mạng trước là Georgia và sau đó là Ukraine, dùng cùng chiến thuật nhằm thay đổi các cuộc bầu cử ở Âu Châu. Bị đe dọa từ Nga, Âu Châu đồng thời bị các đe dọa khác đến từ Trung Đông, Syria, Yemen, Iraq.
Khủng bố ở Nice, Paris, Berlin và Manchester đưa đến các phong trào chống Dân Chủ, chống các đảng chánh trị, chống các nền tảng đã được thiết lập từ Anh, Pháp, Đức, qua Hung Gia Lợi, Ba Lan, Estonia dưới nhiều dạng chống Mỹ, thân Nga, cực hữu hay cực tả. Phong trào Brexit kéo Anh ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu mà trong thập niên 1970 Anh đã do dự gia nhập.
Thế hệ trẻ có vẻ đã quên các chế độ Phát Xít, cộng sản, độc tài, quên hết chuyện thế giới thời chiến tranh lạnh và mất niềm tin bảo đảm cho khối NATO của Hoa Kỳ của các tổng thống trước thời Trump.
Bộ mặt thế giới còn biến đổi vì chủ nghĩa Dân Túy (populism) đang lớn rộng trên các nước từ Âu sang Á.
Chủ nghĩa Dân Túy (Populism) là chủ nghĩa đang được áp dụng trong thế giới chánh trị mới. Chánh trị như con cắc kè đổi màu sắc trong thế kỷ 21 không còn rõ ràng Dân Chủ Tư bản và Cộng sản. Nga với các tập đoàn tư bản (oligarch) quyền lợi tập trung trong tay V. Putin, Trung Quốc với Tập Cận Bình tập trung quyền hành trong chế độ kinh tế tư bản với định hướng xã hội chủ nghĩa dùng đảng cộng sản áp đặt cai trị. Chủ nghĩa Dân Túy đang đi lên trên các nước tư bản nhờ phe cực hữu, mang cùng tên như trong một gia đình chánh trị nhưng có mục đích quốc gia khác nhau và mang nhiều bộ mặt khác nhau: Hung Gia Lợi với thủ tướng Victor Orban, Thổ Nhĩ Kỳ với tổng thống Erdoga, Ba Lan với thủ tướng Kaczynski, Hoa Kỳ với T. T. Trump, Phi Luật Tân với tổng thống Duterte, Ấn Độ với thủ tướng Modi, Do Thái với thủ tướng Netanyahu, Ba Tây với tổng thống Bolsonaro.
Các nhà lãnh đạo quốc gia đi khác hướng tùy quyền lợi quốc gia nhưng có cùng chiến lược: chia xẻ khuynh hướng độc tài dựa trên chủ nghĩa quốc gia cực đoan, có giọng điệu quá khích, có màu sắc kỳ thị chủng tộc màu da, đảng cầm quyền được yêu cầu trung thành tuyệt đối, dùng kinh tế như vũ khí để củng cố quyền lực chánh trị.
Khác với chủ nghĩa quốc gia cực đoan và Phát Xít ở thế kỷ 20, mặc dù đôi khi dân lầm với độc tài Phát Xít, chủ nghĩa Dân Túy không phát động quân sự hóa xã hội không tổng động viên chỉ gây hận thù với dân thiểu số bắt đầu từ các nhà lãnh đạo cấp trên. Các nhà lãnh đạo này không vi phạm nhân quyền trắng trợn nhưng không đặt nhân quyền lên hàng đầu như các nước dân chủ thế kỷ 20. Chánh sách chia để trị được dùng dưới các khẩu hiệu tuyên truyền như các chánh quyền cộng sản: Người Thổ thật, người Hung thật , người Ấn Độ thật, người Mỹ thật Mỹ trên hết, chỉ có dân nước ta là nhất! Cũng giống như các chế độ độc tài các nhà lãnh đạo với chủ nghĩa Dân túy có khuynh hướng dùng quyền lực, chánh trị để làm giàu cho chính mình và gia đình.
Các nhà lãnh đạo với chủ nghĩa Dân Túy có khuynh hướng đứng trên pháp luật, hệ thống chánh trị là khí giới dùng sở thuế đàn áp đối lập như ở Hung Gia Lợi và ở Nga các công ty được đề nghị mua với giá không thể từ chối nếu từ chối sở thuế sẽ ra tay! Gia đình T. T. Trump bị báo chí tố cáo nhưng chưa đến mức như các tập đoàn của Putin hay các tập đoàn Mafia.
Chủ nghĩa Dân Túy nhắm phá những nền tảng hành pháp và chánh trị sẵn có như Steve Bannon muốn dẹp hẳn cơ quan bảo vệ môi sinh EPA và rút ra khỏi các ủy ban LHQ. Phe Dân Túy cực hữu cho rằng họ đại diện cho đa số thầm lặng, những dân thật đại diện quốc gia (Mỹ thật, Ấn thật v. v…) còn đối lập không đại diện dân (đối lập Trump là UnAmerican). Trong kỳ tranh cử tháng 5, 2016, ỨCV Trump: “đoàn kết dân Mỹ quan trọng nhất còn những tiếng nói khác không nghĩa lý gì!” Từ đó chính quyền kiểm soát báo chí và truyền thông quan trọng, dùng những khẩu hiệu như cộng sản, Stalin: “Báo chí là kẻ thù của nhân dân”.
Ở Hung Gia Lợi, tất cả các báo quận và tỉnh vào tay chánh quyền Orban chỉ còn các mạng lớn và truyền hình Đức được hoạt động. Ở Mỹ T. T. Trump muốn đài Fox là đài duy nhất, tiếng nói của đảng của tổng thống.
V. Putin là kiểu mẫu của các nhà lãnh đạo Dân Túy, bài học Putin dạy: Bọn đi biểu tình chống đối không đại diện cho dân. Cơ quan bất vụ lợi NGO là tay sai ngoại bang, các người đi biểu tình vì được trả tiền, dân thật sự yêu nước không đi biểu tình! V. Putin là mô hình kiểu mẫu của chủ nghĩa Dân Túy nên Trump không đụng đến V. Putin. Khi Nga can thiệp vào Venezuela với lính và phản lực cơ chiến đấu, T. T. Trump ngừng nói đến dân chủ để chánh quyền độc tài Mauro tiếp tục cai trị, chánh quyền độc tài Ba Tây được Trump ủng hộ vì Bolsonaro theo chủ nghĩa Dân Túy.
Đứng đằng sau lãnh tụ Dân Túy là các triết gia, sau lưng V. Putin là Alexander Dugin (Tây Phương gọi ông ta là triết gia nguy hiểm nhất thế giới) đằng sau T. T. Ba Tây là Carallo cựu chiêm tinh gia, sau T. T. Trump là Steve Bannon, người sát cánh với Orban thủ tướng Hung Gia Lợi.
Chủ nghĩa Dân Túy của T. T. Trump đang đụng với mô hình Trung Quốc của Tập Cận Bình. Chiến tranh thương mại đang gây hoang mang cho hầu như tất cả mọi người, một chiến thuật hư hư thật thật vừa cho kẻ thù vừa cho đồng minh vừa cho dân Mỹ đã làm thế giới mất lòng tin vào T. T. Trump. Mọi người ủng hộ chiến tranh thương mại nhắm đánh Trung Quốc về tội gián điệp mạng, ăn cắp kỹ thuật nhưng chánh sách tăng thuế hàng nhập cảng đang thất bại. Chánh sách không chỉ đánh Trung Quốc mà đánh tất cả các nước Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Âu Châu, Nhật, Đại Hàn đã gây thiệt hại cho nông dân Mỹ và giới trung lưu. Thị trường chứng khoán xuống, cổ phần các công ty xe Chrysler, GM, Ford, Boeing, GE, kỹ thuật mạng v.v… đã mất giá. Kinh tế là vũ khí cầm quyền có thể quay ngược lại nhắm vào T. T. Trump trong kỳ tranh cử sắp đến.
Viêt Nguyên.
06/06/2019