Cuộc biểu tình của sinh viên với sự tham gia đông đảo của quần chúng tại quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh kéo dài từ giữa tháng 4/1989 đã bị dập tắt ngày 4 tháng 6/1989, cách nay đúng 30 năm. Quân đội tính ra là cả 300,000 người trang bị đầy đủ võ khí và thiết giáp đã được đưa vào trung tâm Bắc Kinh để giải tán biểu tình. Số dân chúng bị thương vong tùy theo nguồn tin báo chí TC hay Âu Mỹ, mà thay đổi từ vài trăm tới vài ngàn người hay cả chục ngàn người. Ngày 4 tháng 6/2019 ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong khi công du Âu châu đã đúng vào lúc 0 giờ Bắc Kinh, 30 năm sau cuộc đàn áp Thiên An Môn, ra một thông cáo trong đó viết rằng “Mỹ đã hy vọng một Trung quốc khi hội nhập vào thế giới sẽ cởi mở và khoan dung hơn. Nhưng những hy vọng này đã bị xóa bỏ. Trung quốc với nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng ý kiến và xâm phạm nhân quyền khi cần phục vụ quyền lực chế độ”. Và “Mỹ kêu gọi nhà nước TQ công bố kết toán đầy đủ trọn vẹn số những người mất tích và chết, để đem lại an ủi cho nhiều nạn nhân của giai đoạn lịch sử đen tối đó”. “Chúng tôi vinh danh phong trào chống đối anh hùng của nhân dân Trung quốc đã chấm dứt ngày 4 tháng 6/1989 khi lãnh đạo đảng CS Trung quốc điều động xe thiết giáp đến quảng trường Thiên An Môn trấn áp bằng bạo lực những cuộc biểu tình hòa bình đòi hỏi dân chủ nhân quyền và chấm dứt tham nhũng tràn lan”.Và “Những sự việc xẩy ra cách đây 30 nằm còn làm chấn động lương tâm chúng ta và lương tâm những người yêu chuộng tự do trên thế giới”. Bản thông cáo còn phê bình chính sách đàn áp và xóa bỏ văn hóa người Uighur và trấn áp Hồi giáo ở Tân Cương của TC.
Phát ngôn viên tòa đại sứ TC tại Washington DC ngày 4 tháng 6/2019 đã đáp lại rằng “Tuyên bố của ông bộ trưởng ngoại giao là do thành kiến và ngạo mạn…Chính phủ và nhân dân TQ đã có ý kiến về sự kiện chính trị cuối thập niên 1980 này từ lâu rồi”. Cùng ngày, một phát ngôn viên bộ ngọai giao TC nói với các phóng viên ở Bắc Kinh trong cuộc họp báo thường nhật rằng “những lời nói bứa bừa điên rồ và vô nghĩa của ông bộ trưởng chỉ sẽ đi vào sọt rác của lịch sử”. Và “thông điệp của ông Pompeo là một “can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ TQ”, “một lăng mạ nhân dân TQ” và “vi phạm những nguyên tắc căn bản bang giao quốc tế”.
Trong khi phát ngôn viên tòa đại sứ TC chỉ phản bác vừa phải thì quan điểm từ bộ ngoại giao TC rõ ràng là coi thường và khinh miệt ông Pompeo. Nó không khác gì chuyện tổng thống Phi luật tân Duterte mắng tổng thống Obama là chó đẻ (son of a bitch) khi ông Obama nói đến vấn đề xúc phạm nhân quyền và nhu cầu nghiêm chỉnh thi hành các thủ tục pháp lý để phê bình chính sách thẳng cánh diệt trừ ma túy của ông Duterte. Những lời qua tiếng lại châm chích chính trị giữa TC và bộ ngoại giao Mỹ chẳng qua chỉ là phản ảnh sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ TC mà ông tổng thống Trump đã mở ra. Rồi nó sẽ qua đi, nếu hai bên tìm ra được một thỏa thuận ổn thỏa. Nhân tuyên bố của ông Pompeo về vụ quảng trường Thiên An Môn, thì cũng có người nghĩ rậng mà cho rằng bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là hai người có nhiệm vụ nói ra những quan điểm ngoại giao cần cho dư luận biết, để tranh thủ quần chúng, mà ông Trump không thể truyền đạt qua những câu tweet có tính cách “lái trâu” chỉ tạo chú ý và phản ứng. Những người mê ông Trump vì nghĩ rằng ông chống Cộng nói chung và chống Tầu nói riêng sẽ nhân dịp này mê ông Trump hơn nữa. Nhưng đối với đa số người Mỹ cũng như dân chúng thế giới thì không mấy ai nghĩ đến mấy chữ quảng trưởng Thiên An Môn hay biết vụ Thiên An Môn là một sự kiện lịch sử Tầu xẩy ra từ thế hệ trước, nếu ông Pompeo không nhắc tới. Thực vậy, duyệt qua các báo chí thế giới, không có mấy báo nhắc đến Thiên An Môn. Trừ có tờ The Guardian của Ăng Lê đưa hình ảnh sinh viên Hồng Kông tập hơp thắp nến tưởng niệm và bức ảnh gây xúc động của một người đàn ông tay không đứng chắn trước đoàn xe thiết giáp tiến vào quảng trường. Tại Nhật, tờ Japan Times có một bài ngắn không phải để ca tụng sự đấu tranh của người dân Tầu,hay là chỉ trích biện pháp trấn áp của chính phủ Tầu, mà là để nói đến lập trường khác biệt thực dụng của Nhật đối với TC trong vụ Thiên An Môn, nếu so với Mỹ.
Tạm bỏ sang bên dụng ý chính trị đánh vào TQ của ông Pompeo nhân dịp 30 năm Thiên An Môn, sẽ có thể là ích lợi cho những ai quan tâm muốn giải quyết tình trạng tham nhũng độc tài tràn lan trên đất nước VN hiện tại nếu suy nghĩ một chút rằng tại sao một phong trào quần chúng với cao điểm cả triệu người tham dự như Thiên An Môn mà lại bị nhanh chóng dẹp tan?
Không thể kể lại chi tiết quá trình phát triển vụ Thiên An Môn vì quá dài và phức tạp, chỉ xin tóm tắt rằng Thiên An Môn là một cơn sốt vỡ da của chế độ độc tài CS. Mà điểm khởi đầu, là Đặng Tiểu Bình, một người chính thức không có chức vụ gì trong đảng lúc đó, nhưng thực tế là người chỉ đạo trong suốt quá trình diễn biến. Đặng tiểu Bình từng là tổng bí thư đảng CS Trung quốc thập niên 1950’s trách nhiệm thi hành “kế hoạch nhẩy vọt” của Mao. Bị thanh trừng hai lần trong giai đoạn cách mạng văn hóa. Sau khi Mao chết, Đặng năm 1978 vượt qua Hoa quốc Phong là nhân vật được Mao chọn lựa kế nghiệp, và trở thành người nổi bật trong tầng lớp gọi là “lãnh đạo thứ hai” của đảng, chủ trương kết hợp chủ nghĩa xã hội với tự do kinh doanh. Khẩu hiệu là “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung quốc”. Nhờ thi hành dường lối này từ những năm đầu thập niên 80, tình hình kinh tế trở nên khá hơn, sự suy nghĩ trong giới lãnh đạo có phần cởi mở hơn, với những nhân vật như Hồ diệu Bang tổng bí thư, Triệu Tử Dương thủ tướng, bên cạnh Lý Bành thuộc xu hướng thủ cựu…Tuy nhiên lại cũng nẩy sinh ra những vấn đề xã hội khó giải quyết như chênh lệch giầu nghèo, tình trạng bè phái, gia đình, tham nhũng để thủ lợi. Phương cách giải quyết cũng như tốc độ thực hiện của lãnh đạo không thống nhất và hiệu quả, trước những đòi hỏi của các thành phần xã hội từ trí thức, đến sinh viên đến quần chúng. Các cuộc biểu tình của sinh viên đã xẩy ra sau cái chết bất ngờ ngày 15 tháng 4/1989 vì bệnh tim của Hồ diệu Bang là tổng bí thư đảng và kể là người đứng đầu phong trào đổi mới. Những đòi hỏi của sinh viên gồm 7 điểm đều hợp lý và không quá đang. Như khẳng định quan điểm của Hồ diệu Bang là đứng đắn, xác nhận chiến dịch chống tiểu tư sản là sai, công khai hóa tài sản lãnh đạo và gia đình cán bộ, cho tự do báo chí và ngưng kiểm duyệt, tăng ngân sách giáo dục và lương trí thức, bỏ giới hạn và cấm biểu tình ở Bắc kinh, cho truyền thông nhà nước loan tinh khách quan về sinh viên… Và đòi gặp đối thoại với lãnh đạo đảng. Các đòi hỏi này chỉ được thi hành một phần vì có những lo ngại cho quyền lực đảng. Tình hình trở thành khó khăn phức tạp vì có những tham dự và phá phách ở một số tỉnh. Do đó, lãnh đạo họp quyết định phải có thông báo giới hạn biểu tình để tránh rối loạn không kiểm soát được, Đặng Tiểu Bình đồng ý. Ngày 26 tháng 4 một bài xã luận trên tờ Nhân Dân nhật báo viết “cần có lập trường rõ ràng chống xáo trộn”. Sinh viên yêu cầu rút lại bài xã luận trên tờ Nhân Dân nhưng không được, Phản đối đã leo thang bằng tuyệt thực ngày 13 tháng 5 và dần dà lôi theo sự tham dự của quần chúng.. Cao điểm là cả triệu người vào cuộc (ngày 17-18 tháng 5). Quân đội, cảnh sát và cán bộ cấp dưới ở Bắc Kinh trong tình trạng thụ động hay là theo quần chúng. Những cuộc biểu tình lớn nhỏ xẩy ra ở 400 thành phố. Trước tình trạng này, Đặng nhận định không thể nào lùi, nếu không thì không kiểm soát được tình hình nữa. Ngày 18 tháng 5 Lý Bành lần đầu tiên gặp sinh viên nói chuyện, nhưng không kết quả. Ngày19 tháng 5, Đặng tuyện bố sai lầm chọn Hồ diệu Bang và Triệu Tử Dương. Và cách chức Triệu. Ngày 20 tháng 5; ra lệnh thiết quân luật. và kêu gọi 30 sư đoàn từ 5 trong 7 quân khu trên toàn quốc về can thiệp. Nhiều đơn vị bị dân chúng ra đường chặn lại thuyết phục không vào Bắc Kinh theo lệnh lãnh đạo. Về phía sinh viên thì các lãnh tụ sinh viên không thể thỏa hiệp để có một đối sách chung. Kết quả là sinh viên phân hóa không còn lãnh đạo. Tình hình dây dưa không dứt khoát. Sau cùng đến chiều ngày 3 tháng 6, lệnh từ trung ương đưa ra cho quân đội bằng bất cứ phương tiên nào phải dập tắt nổi loạn phản cách mạng. và có mặt tại quảng trường Thiên An Môn lúc 1giờ sáng ngày 4 tháng 6. Chuyện đàn áp bắn giết ngày 4 tháng 6 đã xẩy ra và được ghi lại trong nhiều hình ảnh tạo ấn tượng mạnh trong đó có hình người đàn ông tay không đứng trước đoàn xe thiết giáp.
Tóm tắt thì tình hình kinh tế chính trị xã hội bế tắc của chế độ CS độc tài toàn trị Cộng sản là rõ ràng, cần thay đổi. Gorbachev đã bắt đầu với chính sách Glassnost và Perestroika năm 1986. Lãnh đạo Công sản TQ cũng biết điếu này và thấy nhu cầu cần thay đổi, mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình. Cái khó căn bản là làm sao thay đổi mà không bị tiêu diệt, hay đúng hơn là còn giữ ít nhiều quyền lực. Đó là tâm thái lãnh đạo TC trong giai đoạn Thiên An Môn. Và cái khó cũng là làm sao có người đủ khả năng lèo lái tiến lui thích hợp. Nếu Liên sô người ta có thể nói là Gorbachev thì TC không ai khác hơn là Đặng Tiểu Bình, từ một tay Công sản sắt máu thành một người thay đổi và đủ cứng rắn cầm chịch. Nhưng một mình họ Đặng thì cũng chỉ như con én không đủ sức đem lại mùa Xuân, nếu không có những hoa lá râu ria như Hồ diệu Bang, Triệu tử Dương và những nhân vật cấp tiến khác, không chỉ trong thành phần lãnh đạo mà cả trong giới sinh viên với quần chùng. Và tất cả đều có chung một mục đích là kiến tạo một cuộc đời đáng sống trong một đất nước cần xây dựng.
Trong vụ Thiên An Môn, không thiếu gì tin tức và tên tuổi cũng như hình ảnh của những người hoạt động sinh viên được truyền đi trên các báo chí Âu Mỹ. Nói khác đi là không thiếu những “nhân viên” ngoại quốc. Nhưng điều đáng nói nhất là không thấy có những lời của những người hoạt động kêu gọi thế giới như Nga, Mỹ, Anh Pháp hay Nhật giúp tay để thay đổi.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 4 tháng 6/2019