Cuộc biểu tình đòi hủy bỏ 'Luật Dẫn Độ" tại Hồng Kông, đã bùng nổ, và lên tới đỉnh điểm vào ngày Chủ Nhật 16 tháng 6. Hai triệu người dân Hồng Kông, với trang phục màu đen, đổ ra ngoài đường phố, đông như một đàn kiến, biểu thị sự phẫn nộ với chính quyền Hồng Kông, đại diện là bà Carrie Lâm, hay Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đặc Khu trưởng Đặc Khu Hồng Kông, người mà theo họ là: "cánh ta nối dài của đảng Cộng Sản Trung Quốc". Nguyện vọng của họ được thể hiện rõ ràng trên các biểu ngữ: "bãi bỏ luật dẫn độ", "Carrie Lam phải từ chức", "Trả tự do ngay cho những người bất đồng chính kiến", " Hãy tôn trọng nền tư pháp độc lập của Hong Kong"
Tham dự cuộc biểu tình có đầy đủ mọi thành phần của Hổng Kông, ngoài giới trẻ như sinh viên, học sinh, còn có mặt các doanh gia, các luật gia, các giáo sư đại học, các nhóm tôn giáo, các diễn viên điện ảnh nổi tiếng như Châu Nhuận Phát, Vương Hỷ..., và các bà nội trợ cùng với trẻ em đủ mọi lứa tuổi, được các bà bồng bế theo. Để trả lời câu phỏng vấn của một phóng viên ngoại quôc, một bà, trong đám biểu tình đã phát biểu: " Tôi sinh ra, và lớn lên tại Hông Kông đã trên 60 năm nay, tôi chỉ lo làm ăn, và không bao giờ chú ý tới chính trị! Nhưng ngày 12 vừa qua, thấy con cháu tôi đi biểu tình ôn hòa, vì muốn bày tỏ nguyện vọng, về một dự luật liên quan tới ...số mệnh của người dân Hong Kông, đã bị nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp,... Tôi thấy không thể ngồi yên mà nhìn, nên phải xuống đường, để nói lên sự đồng thuận của nhưng người già chúng tôi...." Đám biểu tình tuần hành qua các trung tâm thương mại, và dân cư đông đúc Causeway Bay và Wanchai, rồi dừng lại bên ngoài cơ quan lập pháp Hong Kong.
Kết quả của làn sóng cuồn cuộn những phẫn nộ, của người dân Hông Kong, chính quyền đã nhựơng bộ. Bà Carrie Lam đã tuyên bố trên hệ thống truyền thông là sẽ "đình hoãn vô hạn định dự luật dẫn độ", đồng thời lên tiếng xin lỗi người dân Hong Kong. Bà nhận trách nhiệm đã gây ra những cuộc tranh cãi, xung đột, và âu lo trong xã hội. Tuy nhiên, bà mong muốn được tiếp tục làm việc hết sức mình, trong 3 năm tới, để phục vụ những nguyện vọng của người dân Hong Kong..." Cùng ngày, anh Hoàng Chí Phong, 22 tuổi, lãnh đạo cuộc biểu tình dù vàng năm 2014, để đòi phổ thông bầu phiếu, được bất thần trả tự do, sớm hơn quy định một tháng..
Vừa ra khỏi trại giam, Hoàng chi Phong đã có cuộc phỏng vấn bởi các phóng viên quốc tế. Anh đã khẳng định rằng: "đồng bào Hong Kong cần mạnh tiến thêm nữa, để đấu tranh cho bằng được việc hủy bỏ luật dẫn độ. Bà Carrie Lam, không làm đúng nhiệm vụ đại diện cho người dân Hong Kong, cần phải từ chức." Và anh đe dọa: " nếu cuộc biểu tình này không giải quyết được các yêu cầu, thì chính quyền hãy chờ xem số người đi biểu tình vào ngày kỷ niệm 22 năm, Hong Kong được chuyển giao cho Trung Quốc, sắp tới đây."
Cuộc biểu tình của người dân Hong Kong, phản đối "dư luật dẫn độ" khởi sự từ ngày 9 tháng 6, và lớn dần lên, theo sau những lời tuyên bố đầy "thách thức" của bà Đặc khu trưởng, Carrie Lam: " Tôi vẫn cương quyết tiếp tục đưa "luật dẫn độ" ra trước quốc hội để thảo luận và biểu quyết vào ngày 12 tháng 6 tới đây", và theo dự đoán, luật này sẽ được thông qua vào ngày 20 tháng 6, và chính thức được ban hành trước tháng 7.
Ngày 12 tháng 6, để ngăn cản dự luật được mang ra thảo luận trước quốc hội, 1 triệu người dân Hong Kong đã tràn ra đường phố, và gọi đây là "cuộc biểu tình cuối cùng". Trên 20 doanh nghiệp lớn, nhỏ đã tuyên bố đóng cửa để nhân viên đi biểu tình. Dưới sức nóng 32 độ C của mùa hè, nhiều siêu thị đã tình nguyện cung cấp nước uống, dù che nắng, nón đội đầu... Khí thế mạnh như vũ bão. Có một người họ Lương 35 tuổi, trèo lên dàn giáo của một cao ốc, để giăng biểu ngữ, đã té xuống đất, và tử vong, được người biểu tình lập bàn thờ, và ghi nhận, như một sự cống hiến đầu tiên cho nền dân chủ Hong Kong. Chính quyền, đã huy động trên 2,000 cảnh sát, với đầy đủ vũ khí dẹp biểu tình như: khiên, vòi rồng phun nước, súng bắn đạn cao su, và lựu đạn cay...
Cuộc sô xát kéo dài khoảng 30 phút đã xãy ra vào rạng sáng ngày 13 tháng 6 tại trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong, nhóm biểu tình ném gạch đá, chai, lọ và dùng rào chắn để tấn công cảnh sát. Nhóm cảnh sát dùng các vũ khí trong tay để đàn áp giới biểu tình. Cảnh sát chống bạo động sau đó được điều động. Và tới khoảng 2 giờ sáng, dưới một cơn mưa, cuộc biểu tình được giải tán. Có khoảng 80 người bị thương, trong đó có 20 cảnh sát, được đem vào bệnh viện điều trị, và nhiều người bị bắt giữ.
Cuộc biểu tình ở Hong Kong, tuy đem lại kết quả khả quan, nhưng chưa phải là hoàn toàn thắng lợi, như mục đích của những người biểu tình đòi hỏi: Bà Carrie Lam, không chịu từ chức, và chỉ hứa sẽ đình hoãn vô hạn định luật dẫn độ. Đó là đòn phép của các chế độ độc tài, hứa hẹn để câu giờ, chờ cho sự phẫn nộ lắng dịu, họ sẽ âm thầm tìm bắt những người lãnh đạo, đem ra tòa xử phạt. Các đạo luật ...nhạy cảm, như "luật an ninh mạng" ở VN, được đem ra Quốc hội bàn thảo một cách đột xuất và lấy ý kiến khẩn cấp bằng cách...bấm nút.
Dư luận thế giới hết lời khen ngợi cuộc biểu tình tại Hong Kong, là cuộc biểu tình rất quy mô, và được tổ chức vô cùng chu đáo, dù không biết người cầm đầu là ai! Có nhóm lo vệ sinh gồm những người trẻ đi nhặt rác rưới, xả trên đường phố, có những người đem nước uống, và đồ ăn, đưa tận tay các người biểu tình, có các nhóm phụ trách y tế, nhanh chóng giải quyết các vấn đề về sức khỏe, và khi có người bệnh nặng, thì những người lo về trật tự dẹp đường, để xe hồng thập tự tới tận nơi cấp cứu. Khi đỉện thoại di động hết pin, có nhóm chage điện sẵn sàng giúp, chỉ cần đưa điện thoại, tên tuổi, và hẹn giờ tới lấy. Các phóng viên ngoại quốc được cung cấp người thông dịch, vì họ muốn cuộc biểu tình được phổ biến ra toàn thế giới ....
Tờ "Hoàn Cầu Thời Báo'' của Đảng CS Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo chính phủ Hoa Kỳ đã giật dây, và kích động cuộc biểu tình tại Hong Kong, để làm áp lực cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang hồi leo thang. Đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn, khi được phỏng vấn, thì né tránh, nói là: "Đó là cuộc tranh chấp giữa nhân dân Hong Kong, và bà Đặc Khu trưởng Hong Kong. Trung Quốc không can dự."
Trả lời câu hỏi về uy tín và thái độ của Tập Cận Bình trước cuộc biểu tình tại Hong Kong, tờ Le Figarotz của Pháp, đã viết: "Lẽ dĩ nhên là cuộc biểu tình phản đối sự 'nhất thể hóa" tư pháp giữa TQ và Hong Kong đã làm Tập Cận Bình mất mặt với quốc tế, và mất uy tín với dân trong nước. Nhưng không dám mạnh tay đàn áp, vì không lẽ mặc bộ đồ veste đầy máu đi dự hội nghị G20 tại Nhật Bản vào ngày 28 va 29 tới đây sao?"
Một câu hỏi cũng cần được đặt ra là: "không biết giới trẻ ở Việt Nam có học được bài học gì, về cuộc biểu tình Hong Kong tháng 6/2019 này không?"
Giao Tiên
6/2019