Mặc dầu cuộc thảm sát tại Thiên An Môn xảy ra đã 30 năm qua, nhưng hàng năm, cứ vào ngày mùng 4 tháng 6, nguời dân Đài Loan đều làm lễ tưởng niệm những người dân Trung Quốc đã bỏ mình vì tranh đấu cho nền tự do, dân chủ của Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền TQ lại luôn né tránh, và không cho giới truyền thông trong nước được đả động hay nhắc nhở gì tới sự kiện Thiên An Môn.
Cuộc thảm sát ở Thiên An Môn là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc cận đại. Chính quyền đã dùng quân đội, xe tăng, và súng đạn, thay vì để bảo vệ tổ quốc, lại dùng để tàn sát nhân dân mình một cách man rợ!
Ngày 4 tháng 6, năm 1989, chính quyền Trung Quốc, do bí thư Đảng Cộng Sản là Đặng Tiểu Bình đã dùng quân đội, xe tăng, và súng đạn để trấn áp cuộc biểu tình qui tụ cả triệu người dân Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, giết chết gần 3,000 người và làm bị thương khoảng 10,000 người, đã làm chấn động dư luận quốc tế.
Cuộc biểu tình Thiên An Môn là cuộc biểu tình bất bạo động, khởi xướng bởi giới sinh viên TQ, ngay sau tang lễ của ông Hồ Diệu Bang, cựu Bí Thư Đảng CS Trung Quốc, một nhà cải cách chinh trị và kinh tế theo đường lối tự do và dân chủ. Ông Hồ Diệu Bang đã bị buộc phải từ chức, vì bị kết tội đã đi ngược lại đường lối của đảng CS TQ. Đám tang của ông được rất đông người dân TQ đưa tiễn, và kết thúc là những người trẻ đi dự đám tang, đã cùng tụ tập ở quảng trường Thiên An Môn, cùng nhau lên tiếng đòi hỏi một thể chế dân chủ. Những người biểu tình tọa kháng, tuyệt thực, giăng các biểu ngữ đòi hỏi dân chủ cho đất nước, đồng thời đòi quyền được tự do ngôn luận, tự do báo chí, và chống tham nhũng. Lúc đầu, giới sinh viên chỉ tụ tập quanh tượng Nữ thần dân chủ, trước quảng trường Thiên An Môn, nhưng sau đó, vì số người tham dự tăng lên rất cao và rất nhanh, không riêng ở thủ đô Bắc Kinh, mà lan rộng tới 400 thành phố lớn, khắp TQ. Người ta ước tính số người biểu tình lên tới đỉnh điểm khoảng 1 triệu người, chiếm hết quảng trường, và khí thế rất dũng mãnh!
Cuộc biểu tình Thiên An Môn còn được gọi là "Phong trào dân chủ 89" hay "sự kiện ngày 4 tháng 6".
Ngày 20 tháng 5, chính quyền TQ tuyên bố thiết quân luật và huy động 300,000 quân tới Bắc Kinh. cuộc biểu tình vẫn kiên trì, và ngày 4 tháng 6, xe tăng và quân đội tiến vào Thiên An Môn, đâm thẳng vào đám đông biểu tình đang tụ họp đông đảo. Mọi người hoảng loạn, trở tay không kịp. Kết quả là gần 3,000 người bị chết và và khoảng 10,000 người bị thương. Nhiều nhân chứng đã mô tả bánh xe tăng cán qua đầu người, gây nên những tiếng nổ "lốp, bốp" không ngừng, như những tiếng bong bóng nổ, rất ghê khiếp.
Tiếp theo cuộc thảm sát là tới màn công an lục lạo, bắt bớ, tra khảo, tù đầy những người bị cho là đã khuyến khích, hô hào và lãnh đạo cuộc biểu tình, tạo nên bầu không khí bất an và bất ổn tại TQ.
Năm nay, 2019, ngày 4 tháng 6, tại Đài Loan, lễ tưởng niệm thảm kịch Thiên An Môn đã được cử hành long trọng với sự tham dự của Tổng Thống Thái Anh Văn.
Tại Hong Kong, tiếp theo lễ tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn, là cuộc biểu tình vĩ đại của người dân Hồng Kong, để phản đối dự luật "dẫn độ" sẽ được đưa ra Quốc hội bàn thảo ngày 12 tháng 6, và dự kiến sẽ thông qua vào trước tháng 7 này.
Người dân Hong Kong lo ngại, nếu luật dẫn độ được thông qua, thì những nhà đối kháng ở Hồng Kong sẽ bị bắt và đem sang Trung Quốc xét xử. Họ không tin tưởng vào sự minh bạch và công bằng của nền pháp lý TQ.
Cuộc biểu tình ở Hông Kong ngày càng quy tụ thêm đông đảo. Tới ngày 9 tháng 6, người ta ước tính có khoảng một triệu người dân Hong Kong tham dự. Ngoài các khẩu hiệu phản đối dự luật dẫn độ, còn có nhiều biểu ngữ đòi hỏi đặc khu trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, phải từ chức, vì theo họ, bà làm tay sai, thi hành những mệnh lệnh từ Trung Quốc. Nhiều sinh viên Hong Kong đã tự xích 2 tay, đứng thành hàng dài trước văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hong Kong, để chứng tỏ sự cương quyết đấu tranh, không sợ tù đầy của họ.
Hệ thống pháp lý độc lập của Hong Kong được bảo đảm theo luật quản trị, khi Hong Kong được Anh trao trả cho TQ vào năm 1997, theo thể chế một đất nước, hai chế độ vẫn còn trong thời gian hiệu lực. Ngày nay, nhiều người dân Hong Kong đã cho là sự độc lập về tư pháp ở Hong Kong ngày càng bị sói mòn, do các nhà lãnh đạo Hông Kong chỉ lo phục vụ cho chính quyền TQ, thay vì bảo vệ quyền lợi cho người dân Hong Kong. Cuộc biểu tình dù năm 2014, đã chứng tỏ người dân Hong Kong đã một lần bất mãn với chế độ CS.
Về phần bà Carrie Lam, cũng cứng rắn tuyên bố trên truyền thông, là bà không làm theo mệnh lệnh của ai cả. Dự luật này đã được sọan thảo từ lâu, nay mới đem ra quốc hội bàn thảo, và bà vẫn tiến hành.
Chính quyền Hong Kong đã huy động hơn 2,000 cảnh sát để đối phó với cuộc biểu tình, và một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra đêm ngày 9 tháng 6, trước trụ sở Quốc hội. Nhiều người biểu tình đã bị bắt giữ. Theo China Daily, tờ báo xuất bản tại TQ, cuộc biểu tình này là do các thế lực thù địch từ hải ngoại giật dây, để chống phá TQ.
Tại Úc, một cuộc biểu tình của những người Hong Kong đã được tổ chức, để ủng hô công cuộc tranh đấu ở quê nhà.
Tình hình Trung Quốc hiện đang rối rắm như một mớ bòng bong: thù trong, giặc ngoài. Chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ còn đang tiếp diễn, đưa tới cảnh nhiều hãng xưởng ở TQ phải đóng cửa, nhân công thất nghiệp, đồng nhân dân tệ xuống giá , và chứng khoán rớt điểm dài dài. Hậu quả là những cuộc biểu tình của người dân Thượng Hải, đòi hỏi chính quyền phải có biện pháp cải thiện kinh tế và đời sống. Ngoài biển Đông, tàu chiến của các nước tư bản thong thả ra vào đường lưỡi bò, vùng Trung Quốc tự nhận có chủ quyền. Tại Đài Loan, Tổng Thống Thái Anh Văn đã lên tiếng thách thức, vì được sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Cùng một lúc, cuộc biểu tình khổng lồ tại Hong Kong lại đang tiếp diễn. Chưa biết TQ sẽ giải quyết ra sao, tuy nhiên chắc chắn một điều, là TQ không dám lập lại sự đàn áp như ở Thiên An Môn, vì vị thế của Hong Kong là một trung tâm tài chính quốc tế, thể chế của Hong Kong là một đất nước hai chế độ, và người dân Hong Kong đã quen với nếp sống tự do dân chủ, không dễ gì đàn áp như người dân ở Bắc Kinh.
Hoàng Thế Hiển
06/2019