Hôm qua rất tình cờ khi nhận được mấy giòng chữ nhắn riêng từ một người trong nước qua FB, để nguyên không sửa, mời bạn ta đọc qua:
Cháu chào chú,
Những bài viết của chú về Công nương Masako, đã làm cháu thêm hiểu về những góc khuất của một người phụ nữ tài, sắc nhưng có số "tiến cung" từ một người phụ nữ u sầu thành đương kim hoàng hậu
Từ nay, tiếng nói của bà hoàng Masako đã có trọng lượng, lại thêm sự hỗ trợ của Nhật hoàng, người luôn ở bên cạnh và ủng hộ bà trong 26 năm qua sẽ làm cho bà tỏa sáng trở lại ạ
Báo chí trong nước phân tích không thể sâu sắc và cặn kẽ như chú đã viết, có lẽ vì lý do chính trị. Họ không dám viết về những hành động phản kháng của công nương Masako từ những việc như nuôi dạy, giáo dục con gái kiểu Mỹ, không đi tham dự sự kiện nhưng lại ngày ngày đưa đón con đi học hay cầm túi xách Fendi :)))
Cháu cảm ơn chú rất nhiều ạ
Tưởng rằng đã quên khi tìm thấy nụ cười rồi bước sang một vận hội mới, nhưng nghĩ đi nghĩ lại nên nói lại một lần cho xong dù là “Dư Hương....Cay Đắng”. Mời bạn ta đọc thêm 2 bài viết để thấy thêm một góc khuất của hoàng hậu Masako trong lúc âu sầu vào thời gian mấy chục năm về trước. 2 Bài viết đã được viết vào 9 năm trước:
-------------
Ijime!
(Tháng 4/2010)
Ăn hiếp hay bắt nạt (tiếng Nhật gọi là “ijime”) là một từ ngữ - một hành động không lạ gì với người Việt, lớn ăn hiếp bé, mạnh bắt nạt yếu.... xảy ra tại khắp nơi có bóng người... hiện diện. Đối với người Việt nhất là giới học sinh thường có 2 lựa chọn: hoặc tránh xa những kẻ ăn hiếp đúng với tinh thần... “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, hoặc kết vây kết cánh nhất định “ăn thua đủ”, chứ hình như không một học sinh Việt Nam nào lại có cái tư tưởng lạ kỳ không thể nào hiểu được như một số học sinh Nhật khi bị ăn hiếp: tìm cái chết sau một bức tâm thư..... tạ tội đấng sinh thành: “cám ơn bố mẹ đã nuôi con, nhưng con không thể sống vì chả còn niềm vui mà chỉ có nỗi ê chề khi đến lớp”.
Tình trạng ăn hiếp ở học đường đưa đến việc không dám đến trường hoặc tìm cái chết đã và đang là một vấn nạn của xã hội Nhật mà các nhà trách nhiệm đang phải đau đầu giải quyết. Hết ủy ban này, hội tâm lý kia từ dân tới quan họp hành liên tiếp với không biết bao nhiêu là đối sách cũng chỉ giải quyết được một phần.
Câu chuyện “ijime” này dịp gần đây lại nở rộ khi nạn nhân lại chính là người của hoàng tộc Nhật: công chúa Aiko, con của hoàng thái tử Naruhito và công nương Masako.
Sự việc này nổ lớn vào ngày 5/3 khi phát ngôn nhân của bộ hoàng cung là ông Nomura Kazunari trong một cuộc họp báo định kỳ cho biết: công chúa Aiko 8 tuổi (đang học lớp 2 tại trường Gakushuin(学習院- Học tập viện) dạo gần đây đã trở về nhà với vẻ mặt lo âu. Hôm 1/3, công chúa Aiko nói là bị đau bụng và không muốn đến trường, gặn hỏi thêm thì cô bé thố lộ: cô bị các nam học sinh cùng lớp “đối xử thô bạo”, và cô không muốn đến trường. Ông phát ngôn nhân này không hiểu vì lý do gì cũng rất ấm ớ không chịu giải thích rõ “đối xử thô bạo” là đối xử thế nào, chỉ nói chung chung là đáng tiếc và đã thông báo sự việc cho nhà trường.
Một ngày sau, đại diện ban giám đốc trường là ông Higashisono Motosama đã họp báo gọi là tường trình sự việc. Ông cho biết: ngay khi nhận những phàn nàn từ hoàng cung, sau khi tìm hiểu, trường đã tạm tìm ra nguyên nhân: “những đối xử gọi là thô bạo” trực tiếp đến công chúa Aiko thì hoàn toàn không, chỉ có màn “đấm đá chút chút” giữa những nam sinh trong lớp với nhau, còn những nghịch ngợm của đám nam sinh “quậy” cùng lớp như quăng cặp, rượt đuổi nhau rầm rập trong hành lang với khuôn mặt đằng đằng sát khí thì rất thường. Vì thế, có thể công chúa Aiko mang tâm trạng sợ hãi khi phải chứng kiến những khuôn mặt “nhất qủy nhì ma thứ ba học trò này”, hình ảnh mà công chúa chưa bao giờ gặp.
Chả biết thực hư thế nào vì cả 2 bên trường-bộ hoàng cung đều có những giải thích khác nhau. Những ngày sau đó, công nương Masako đã phải đích thân dẫn con đến trường nhưng 1 ngày chỉ học 1 tiết. Hôm 16/3 Aiko chỉ có mặt trong một giờ học nhưng lại không tham dự nghi thức chấm dứt niên học.
Vài ngày sau, Nhật hoàng và Hoàng thái hậu khi được báo cáo đã tỏ vẻ lo lắng khi cháu nội mình bị.... ăn hiếp còn Hoàng Thái Tử thì “xót xa” tuyên bố: Tôi rất đau lòng khi nghe chuyện này, mong mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt đẹp và yên thắm.
Tưởng cũng nên biết thêm, hoàng thái hậu hiện tại vốn xuất thân từ hàng dân giả nên bà chủ trương cho con cái đi học ở trường ngoài ngay từ lúc còn bé. Vì thế hoàng thái tử và hoàng tử, công chúa hiện tại đều là những “daisempai” (大先輩- tiền bối) xuất thân từ trường mà công chuá con Aiko (後輩- hậu bối) đang bị.... ăn hiếp.
Có nhiều nguyên nhân được bàn tới bàn lui nào là:
- Nhật Bản là một xã hội thuần nhất, mọi người cảm thấy an toàn nếu bản thân mình có những điểm tương đồng với những người xung quanh, vì thế sự “không giống ai” sẽ mang lại nhiều trở ngại, chẳng hạn như một học sinh cứ kém mãi một môn nào đó thì rất dễ cho những học sinh khác xúm vào ăn hiếp.
- Việc số bà mẹ rời bỏ bếp núc giao hết việc giáo dục cho nhà trẻ để đi làm mỗi lúc một tăng, cũng đã là một nguyên nhân gián tiếp hình thành tệ nạn ăn hiếp, vì công việc bận bịu và đầy căng thẳng không có nhiều thì giờ trò chuyện, khiến trẻ cảm thấy thiếu sự chia xẻ trở nên yếu đuối. Hoặc ngược lại. có những bà mẹ lại tận tình lo lắng cho con từ A đến Z, làm và nghĩ hết mọi việc thay con mà không cần biết con mình muốn gì. Kết quả là trẻ chỉ biết làm theo một qui trình định sẵn và dễ hùa theo tệ nạn “ijime”.
- vân vân và vân vân
Hy vọng rất mong manh là chuyện công chúa Aiko lần này sẽ là một động cơ trực tiếp để các nhà trách nhiệm động não triệt để hơn trong việc tìm ra đối sách thích hợp hầu ngăn chận những manh nha của hành vi “ijime” trước khi xảy ra chuyện đáng tiếc.
Ai bảo cháu vua là khổ, thì.... !
(Tháng 6/2010)
Trong bài viết của tháng 4/2010 có nhắc đến câu chuyện “ijime” (ăn hiếp), mà nạn nhân là công chúa AI, cháu nội Nhật Hoàng, con gái rượu Hoàng Thái Tử. Xin tiếp tục báo cáo cùng quí vị những sự kiện mới xảy ra về chuyện “ijime”.
Từ năm ngoái (2009), công chúa Ai đã bị một nhóm hay một học sinh nổi tiếng “quậy” cùng trường trực tiếp hay gián tiếp “ijime”, đến nỗi cô phát sợ tìm đủ mọi cách thối thác đến trường, lúc thì than đau bụng, lúc thì nói là bị cảm v.v... Phát ngôn viên của Hoàng Cung đã phải họp báo .... công bố sự thật và đặt vấn đề với trường học, lẽ dĩ nhiên phía trường học cũng bối rối tìm cách chống chế cũng như tìm ... đối sách. Đã gần 3 tháng trôi qua, tưởng đâu là việc sẽ phải được giải quyết tạm êm để nỗi âu sầu của Nhật Hoàng, của Hoàng Thái Tử vơi dần.... theo năm tháng, nhưng lại không phải vậy. Theo một bài viết đăng trên Tuần San Tân Triều (週刊新潮) số đề ngày 10 tháng 6 thì:
Dạo này, công chúa mẹ Masako rất ít khi xuất hiện, hầu như vắng mặt tại những nơi cần phải có mặt chẳng hạn như phải ở cạnh Hoàng Thái Tử trong những buổi tiếp tân, trong những chuyến công du ngoại quốc hoặc những lần thăm .... dân cho biết sự tình. Nghe nói công chúa mẹ bị stress vì.... chuyện công chúa con, vì thế hầu như mấy tháng gần đây thì con đi đâu .... mẹ theo đó, có nghĩa là công chúa mẹ.... theo công chúa con đến trường ngồi chờ con học xong rồi cùng về nhà. Thường thường, 1 ngày có từ 4 giờ học trở lên, nhưng công chúa con chỉ có mặt từ giờ thứ hai đến hết giờ thứ ba, buổi trưa ở lại trường, cũng như các học sinh khác, công chúa con lãnh phần cơm do trường cung cấp, thay vì vào lớp ăn chung như mọi khi thì lại cùng công chúa mẹ vào một phòng đặc biệt khác dành riêng cho hai mẹ con... vừa ăn trưa vừa nói chuyện... đời.
Cũng theo tin tức từ các “giới liên quan” (báo chí Nhật hay dùng nhóm từ này, nhưng chẳng ai biết và cũng chẳng ai cần biết “giới liên quan” là ai cả) thì bộ Hoàng Cung đã đau khổ và tích cực trong việc tìm “đối sách với những học sinh quậy”, một viên chức của bộ (ẩn danh) thố lộ: “thủ phạm” vụ ăn hiếp này là một cậu bé tên A (8 tuổi năm ngoái học cùng lớp với công chúa Ai) có thể bị mắc một chứng bệnh có tên ADHD (ATTENTION DEFICIT/HYPERACTIVE DISORDER) tiếng Việt tạm gọi là “mất chú ý và quá... hiếu động”, những trẻ em bị bệnh này thường không chịu ngồi yên, nóng nẩy, bứt rứt, lúc nào cũng chỉ chực leo trèo, phá phách.... Bộ đã đề nghị và trường đã kêu bố mẹ của “thủ phạm” khuyên nên đưa cậu đi khám bệnh, bố mẹ cậu cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Không thấy hiệu quả, nên bộ này lại dự định đưa thêm một chiêu nữa: “âm thầm pha thuốc trị bệnh ADHD vào phần ăn trưa của cậu”, nhưng “chiêu” này bị nhân viên nhà trường phản đối vì trong thuốc trị bệnh này có chất kích thích (một loại ma túy) muốn dùng phải có toa bác sĩ và phải được chẩn bệnh đàng hoàng. Câu chuyện không chỉ dừng ở trường học mà lại lan sang chỗ khác.
Cũng theo tin tức từ một ký giả kỳ cựu chuyên đặc trách hoàng cung bật mí: bộ này vận động ngầm với bộ ngoại giao tìm cách thuyên chuyển bố của cậu bé A sang một nước khác, vì nếu bố mẹ đi thì con cũng phải đi và như thế thì công chúa Ai hy vọng sẽ sống những ngày bình yên.... còn lại. Đề án này cũng bị phản đối vì “xứ này đâu phải .... Bắc Triều Tiên muốn đổi ai thì đổi”. Thêm một đối sách nữa cũng đã được nghiên cứu: chuyển trường, nhưng chả trường nào dám nhận. Có tin là công chúa mẹ định đưa công chúa con sang Thụy Sĩ, vì bố ruột của công chúa mẹ Masako sau khi hết nhiệm kỳ chủ tịch toà án quốc tế (International Court of Justice) tại Hague, Hoà Lan vào cuối năm nay sẽ nhận nhiệm sở mới tại Thụy Sĩ. Từ giờ đến cuối năm, mẹ ruột của công chúa mẹ sẽ sang Thụy Sĩ trước để thu xếp nơi ăn chốn ở cho cháu ngoại. Nhưng “đề án” này cũng không lấy gì là.... trọn vẹn nốt vì không lẽ con đi đâu... thì mẹ theo đó? còn Hoàng Thái Tử thì... bỏ cho ai? Bộ Hoàng Cung đang vò đầu bứt trán vì bao nhiêu là vấn nạn không biết phải giải quyết ra sao. Tội nghiệp nhất bây giờ là cô bé Ai, đến trường thì có mẹ kè kè ở cạnh bên, ai cũng ngại đâu ai dám đến gần.
Vài ngày sau khi tờ tuần san Shukan Shincho phát hành, bộ Hoàng Cung đã phủ nhận tất cả những “cáo giác” này và cho đây là một hành động làm thương tổn đến danh dự của hoàng tộc và vợ chồng hoàng thái tử, nhưng... lại không thấy yêu cầu phải đính chính. Còn phía tờ tuần san thì: “chúng tôi nói có sách mách có chứng mà.....”.
Nhớ lại một bài hát quen thuộc và xin sửa lại một vài chữ cho hợp tình hợp cảnh: “Ai bảo ...con vua là khổ thì.... người đó nói đúng”. Rõ khổ!
--------------------------------------
Thôi chấm dứt những dư hương cay đắng ở đây nhé. bạn ta.
Mấy hôm nay, vào những ngày bắt đầu cho niên hiệu Reiwa mới, đi đâu cũng thấy nàng cười, nàng đã trở lại con người thực của mình với một nụ cười trong sáng, không... nghi ngại. Chắc quân vương nhà ta vui lắm vì:
Từ ngày thấy em cười, nhà mình toàn ánh trăng thề.
Hoàng Hậu “Banzai” (Vạn Tuế), À quên Thiên Hoàng cũng “Banzai” luôn!
Tôi đây cũng “xin đem theo với tôi một nụ cười...không nghi ngại”.
Nghĩ thấy mà vui ghê!
Vũ Đăng Khuê