Trong mấy ngày gần đây, trên một số mạng giang hồ có nhiều bàn tán về ngày Mother’s day chủ nhật 12 tháng năm, và luôn tiện cả ngày Father’s day sắp tới. Cũng có người đưa ra những tình cảm sâu sắc thương cha nhớ mẹ. Có người tự khoe chống Tầu đã đưa ý kiến là tránh dùng tiếng Hán Việt để dịch tên hai ngày lễ này, mà trước kia Việt Nam cộng hòa không có. VÀ nên dùng chữ Việt thuần túy. Thí dụ như dùng mấy chữ Ngày Của Cha và Ngày của Mẹ. Những nhà hàn lâm Việt Nam vốn thích bẻ chữ làm tư không thấy lên tiếng rằng chữ “của” gợi ý cha và mẹ muốn “xí phần” lấy một ngày cho riêng mình làm của. Cũng không thấy có ai có tinh thần thực dụng của người Nhật là dùng luôn hai chữ nguyên thủy, đọc theo âm Việt chính cống: “ma-đơ-đây” và “pha-đơ-đây”, giữ được cái ý nguyên thủy một ngày lễ Mỹ. Và cũng tương tự như nhà lãnh đạo cao cấp hạng thứ nhất VC Nguyễn Xuân Phúc đã không ngần ngại dùng mấy chữ “ma-de in Việt Nam”.
“Ngày của Mẹ”được nói nhiều như vậy trong xã hội Mỹ nhưng có lẽ không mấy ai biết sự tích ngày Mother’s day, chỉ mới chính thức được công nhận 105 năm nay, và lý do chính là vì lý do thương mai . Chuyện rằng Ann Reeves Jarvis, ở tiểu bang West Virginia là một người đấu tranh cho hòa bình trong cuộc chiến Nam Bắc Mỹ cho nên đã tự nguyện chăm sóc cho quân lính cả hai miền Nam Bắc bị thương. Khi bà chết năm 1905, con gái bà, tên Ann Jarvis để vinh danh công việc của mẹ, đã vận động lập ra một ngày lễ hàng năm dành riêng cho các bà mẹ trên khắp nước Mỹ, vì bà tin rằng “Mẹ là người làm cho bạn nhiều hơn bất cứ ai trên thế giới”. Năm 1908, quốc hội liên bang đã bác bỏ đề nghị lập một ngày lễ cho Mẹ, với lý nếu thế thì phải lập ra “ngày mẹ vợ mẹ chồng” (Mother- in-laws day). Đến năm 1914, tổng thống Woodrow Wilson ra lệnh lấy ngày chủ nhật thứ nhì của tháng năm làm ngày chính thức vinh danh Mẹ cho cả nước Hoa kỳ. Chi dăm năm sau thì các hãng sản xuất thiệp như Hall Mark đã tung ra vô số thiệp ngày Mother’s day kiếm bộn bạc làm bà Ann Jarvis bực bội vì nghĩ rằng thương mại hóa như vây là không đúng.Vì ý nghĩa nguyên thủy của bà là đến ngày này thì con cái mỗi người phải để chút thì giờ viết tay hỏi thăm hay là bỏ công làm một cái gì cho mẹ, chứ không phải vắn tắt mua một cái thiệp[ vất vào thùng thư bưu điện. Bà đã đứng ra vận động chống chuyện này và đã bị bắt vì làm mất trật tự.
Bà Ann Jarvis bị bắt là phải vì làm trở ngại cho sự làm tiền, là chủ trương cốt lõi của nước đại tư bản Hoa kỳ. Bây giờ, mở các trang mạng điện tử ra, người ta sẽ thấy đầy rẫy các quảng cáo bữa ăn trưa-sáng (brunch) cho ngày Mother’s day. Chỉ tiếc là không thấy quảng cáo “to go” cho những gói thực phẩm đưa tới cho Mẹ trong các nhà dưỡng lão.
Có người đã nói đúng rằng thời Việt Nam Cộng Hòa xưa không nghe nói đến ngày của mẹ. Nhưng mà có một ngày tương tự trong số những người theo Phật giáo, là ngày lễ Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên thỉnh các tăng sĩ thập phương cầu kinh giải thoát cho mẹ, vì ác nghiệp mà phải đọa làm ngạ quỷ. Thập niên 60 sau khi đi Nhật tu nghiệp mà được biết về tục lệ tặng hoa Cẩm chướng của người Nhật nhân ngày Mother’s day, sư Thích Nhất Hạnh viết tùy bút Bông Hồng cài áo đưa ra ý kiến ngày Vu Lan Phật tử còn mẹ đeo hoa hồng đỏ, Phật tử mất mẹ đeo hoa hồng trắng. Ý kiến này khá được hoan nghênh thời đó trong giới đi chùa.
Không có ngày mother’s day cũng không phải người Việt nam không có lòng thương quý gì mẹ. Ca dao đã có câu “mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một, như đường mía lau”. Hay là “Mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá ngoài chợ”. Và mộc mạc nghèo nàn “Mẹ Việt Nam không son không phấn, Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn”.
Ngoài ra cũng không thiếu gì bài hát ca tụng mẹ, nói về Mẹ. Nào là Lòng Mẹ của Nhị Hà thời Việt nam Cộng hòa, và vô số những bài hát của Phạm Duy nổi tiếng về những tình cảm quanh bà Mẹ. Còn trong văn chương, thì những người thích thơ, không thể không biết hình ảnh đẹp với nét cười đen nhánh của Mẹ trong bài thơ Nắng Mới của Lưu Trọng Lư
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng ruợi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời
Lúc me còn sống tôi lên mười
Mội lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đò người đưa trước dậu phơi
Hình ành me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhanh sau tay áo
Trong bóng trưa hè trước giậu thưa
Tôi thích và nhớ bài này. Vì mẹ tôi cũng chết từ khi tôi lên mười. Và mẹ tôi cũng có nét cười đen nhánh như hạt na.
Cho nên, khi đến Mỹ, tôi không để ý gì đến ngày Mother’s day cộng đồng đã bị thương mại hóa. Vì lúc nào trong tâm tưởng tôi cũng có người mẹ tôi yêu thương quý trọng, không cần có một ngày để nhắc. Hơn thế nữa, tôi vốn đi lương theo đạo Ông Bà như đại đa số người Việt, cho nên hàng năm, đều có ngày giỗ kỵ của Mẹ. Cái tập tục này không chỉ vì mẹ, cho mẹ mà còn là để củng cố cho vững cái tinh thần gia đình, là chỗ nuôi dưỡng, giáo dục sửa soạn cho tuổi trẻ vào đời, mà cũng là nơi nương tựa khi thất bại sa bước đường cùng.
Cái tình cảm đối với người Mẹ Việt Nam của tôi càng vững chắc khi thấy trong số những nữ bệnh nhân lớn tuổi của tôi, đi không vững vì đau xương đau cốt, mà vẫn lủi thủi trời lạnh dưới 0 độ đi bộ đi xe buýt 5 bẩy bloc đường tới phòng mạch khám bệnh, trong khi con cái thì xe xịn hạng sang. Có người sống ở ngoại ô với con cách xa hơn tiếng đồng hồ lái xe, phải chờ dịp có người vào trong phố đi chợ trả năm chục đô la lấy từ tiền trợ cấp tuổi già để được đi ké vào gặp tôi mà mục đích là chỉ để xin thuốc ngủ. Bà còn bệnh cao huyết áp cần chữa mà tôi viết thuốc bà không chịu. Chỉ cười nhẹ nhàng nói cao huyết áp không làm bà khó chịu gì, tới bẩy chục tuổi rồi chết lúc nào cũng được. Chỉ cần xin thứ thuốc ngủ bà cho là tốt, uống vào mỗi đêm ngủ vài tiếng là đủ. Không có thuốc đó thì mắt trắng suốt đêm mệt chịu không nổi. Bà không nhờ con vì chúng mắc bận đi làm, ngày nghỉ để chúng nghỉ với gia đình con cái.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 3 tháng 5/2019