Trưa nay lướt trên mạng thấy có một bài báo viết về phát biểu của một du học sinh Việt Nam được giới thiệu là đang học ở đại học Stanford, California, Mỹ Quốc. Cô ấy nói rằng có 4 lý do cô không thích ở Mỹ. Một là: Ở Mỹ không sướng. Hai là: Đi lại bất tiện. Ba là: Chính sách nhập cư không thân thiện. Bốn: Tiền học đắt đỏ. Cả 4 lý do này có thể cô nói đúng trong phạm vi cá nhân cô, nhưng có thể cũng không đúng với những người Việt khác đang sống trên đất Mỹ. Cô sinh viên này tuy nhiên cũng đã xác nhận như thế: “Nước Mỹ rộng lớn và đa dạng như vậy, tất cả những nhận định về nước Mỹ đều mang tính tương đối. Những lý do tôi kể trên đây có thể đúng ở nhiều khu vực, nhưng không đúng ở khu vực khác”.
Là một người qua Mỹ vượt biển tỵ nạn cộng sản thời thập niên 1980s, nhân bài viết trên, tôi cũng xin được đưa lên những nhận định của tôi về sự phát triển của một cá nhân tại Hoa Kỳ.
Là một đất nước tư bản, sự cạnh tranh để phát triển sung túc và giầu có, từ cá nhân cho đến thương nghiệp là một điều đương nhiên trong xã hội Hoa Kỳ. Xã hội Hoa Kỳ sẽ không là nơi đem đến hạnh phúc và sự hài lòng đối với những ai sống ỷ lại và không có khả năng vươn lên. Nhưng xã hội Mỹ vẫn tạo cơ hội cho những ai có sức lao động và chấp nhận làm những công việc bình thường đủ cho họ có cuộc sống ổn định.
Cho một thí dụ, là một người thuyền nhân sang Mỹ với hai bàn tay trắng, khởi đầu tôi đã xin làm những công việc lao động để đủ trả tiền ăn và một chỗ ở trong một garage tức là nhà để xe đậu, nơi mùa hè thì nóng như thiêu đốt, mùa đông thì lạnh thấu xương. Ban đêm phải đi học để lấy văn bằng GED tức là văn bằng tốt nghiệp phổ thông để nộp đi học lại đại học, tuy ở Việt Nam tôi đã học qua đại học, nhưng khi vượt biên tôi không đem theo một giấy tờ chứng minh gì. Khi vào được đại học, tôi vừa đi học toàn thời, vừa đi làm thêm hai công việc bán thời, buổi tối và vào cuối tuần. Đêm thì chong đèn học khuya để bài vở được hoàn tất và cũng để giữ điểm hạng cao, hầu lấy được học bổng trong mỗi khóa học. Vất vả như thế nhưng tôi vẫn đã vượt qua và tồn tại, dù đôi khi đã ứa nước mắt với hoàn cảnh khó khăn so với thời ở Sàigòn chỉ có việc đi học còn mọi sự đã có bố mẹ chu tất. Trước khi ra trường tôi đã thi đậu vào một hãng nghiên cứu hóa học lớn ở Texas. Những năm sau đó với sự nỗ lực trong việc làm và sự cố gắng của bản thân, tôi đã bảo lãnh được gia đình anh em các cháu 18 người sang Mỹ. Nói như thế để cho thấy một người trắng tay, lạ nước lạ cái, phải xây dựng tất cả từ đầu như tôi mà cũng thành công trong sự tạo lập cuộc sống nơi xứ người. Điều này chẳng qua là nhờ vào sự quyết tâm và ý thức gia đình, vào ý niệm hạnh phúc là do chính mình tạo ra.
Về yếu tố kỳ thị. Điều này, bản chất chỉ là phản ứng tự vệ tự nhiên dưới nhiều dạng thái của nhiều sắc dân đối với người xa lạ. Nước Mỹ cũng không khác. Tuy nhiên, nước Mỹ từ thập niên 60, sự kỳ thị bị coi là vi luật. Nước Mỹ ngày nay yếu tố kỳ thị tuy vẫn còn nhưng không mang tính chất hiển lộ bao trùm. Với tôi nước Mỹ hiện nay là một xã hội khá bình đẳng với những ai có tài và có khả năng. Điển hình là trên đất Mỹ hiện đang có nhiều người Việt Nam đủ lứa tuổi có những công việc khá tốt và ngay cả quan trọng, trong các công ty, hãng xưởng lớn hay trong chính quyền của Mỹ, cấp quận hạt, tiểu bang hay liên bang.
Về việc ở Mỹ không sướng. Quyền lợi khi đi làm. Tại miền Bắc của tiểu bang California khi đi làm tại các hãng xưởng tư hay các công việc thuộc các cấp liên bang, tiểu bang hay quận hạt, nếu là nhân viên chính thức, ai cũng có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm mắt và răng, có quỹ về hưu cá nhân như quỹ 401k, và quỹ về hưu nhà nước chi trả cho bạn từ sở xã hội. Ngày nghĩ thì một năm có mười mấy ngày nghỉ lễ, mười mấy ngày nghĩ bịnh, không tính ngày nghỉ thường niên từ 2 đến 3 hay 6 tuần tùy theo thâm niên làm việc hay do sự tích lũy các ngày nghỉ trong thời gian làm việc. Tất cả những ngày nghĩ trên đều được trả lương theo quy định.
Về sự bất tiện đi lại. Khi đi chơi trong những dịp nghỉ thì ra nước ngoài không phải là ước vọng mà người Mỹ nào cũng muốn, nhưng nếu đi, thì thời gian bay sang các nước Âu, Á cũng tương đương với thời gian bay đến Việt Nam. Để đổi lấy sự hài lòng thì mười mấy tiếng bay của một chuyến hành trình sẽ không lấy gì là quá khó khăn cho người muốn đi. Có nhiều người tuy nhiên chỉ thích đi những nơi kể là an toàn hay có những thắng cảnh và tiện nghi quen thuộc, thích hợp với họ, ngay trong nước Mỹ. Như Hawaii, Denver Colorado, Grand Canyon ở Nevada, Chicago ở Illinois, như New Orleans ở Louisiana, như Disneyland ở Florida hay Nam California, vân vân… Cá nhân tôi đã từng ăn sáng ở miền đông nước Mỹ, ăn cơm trưa ở bắc California, và buổi tối thì uống cà phê ở quân Cam, Nam California.
Về nợ nần đại học. Tiền học đại học ở Mỹ tuy đắt nhưng nếu biết tính toán thì các sinh viên tại Mỹ vẫn có thể học và ra trường. Nợ nần dần dần sẽ trả nếu không chi tiêu theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Những người không có hoàn cảnh theo những đại học lớn nổi tiếng thì vẫn có thể theo học hai năm đầu ở các đại học cộng đồng, hai năm cuối thì chuyển sang đại học 4 năm. Học đại học 4 năm hay đại học cộng đồng 2 năm, khi tốt nghiệp vẫn có thể có việc làm thích hợp với khả năng. Và dù là đại học nào thì chăm học và có hạng cao vẫn xin được tiền học bổng. Nếu học giỏi và lanh lợi thì khi ra trường dễ kiếm việc làm lương cao. Ở Mỹ văn bằng chỉ là chìa khóa để bước vào công việc. Nhưng khả năng cá nhân mới là yếu tố đưa đến sự thăng tiến. Không giống như ở Việt Nam, một bằng cấp bất kể giả hay thật, đủ bảo đảm cho một chỗ làm, ăn trên ngồi trốc, dù có làm được việc hay không, cho đến khi hết chỗ dựa.
Vài giòng vắn tắt như trên của một người đến lập nghiệp trên đất nước Mỹ từ hai bàn tay trắng, và ở nước Mỹ đến nay đã gần 40 năm. Mục đích là để cho những người chưa từng sang Mỹ, có một cái nhìn cụ thể về đời sống nước Mỹ, không giống cái nhìn từ một người sang Mỹ du học, có sẵn tiền ăn chơi và hay du lịch các nước ngoài nước Mỹ.
Tuệ Vân
Ngày 9 tháng 5 năm 2019