Hôm nọ viết cái status cảnh báo vụ Visa lao động kỹ năng (Tokutei) cho những ai chưa từng đi Nhật mà bị dụ dỗ đóng tiền để theo chương trình Tokutei của một số trung tâm môi giới VN; không ngờ được share rộng và nhận nhiều phản ảnh. Trong đó có cái như sau: “Biết thì thưa thớt ,không biết thì câm họng .viết lên mạng xh không phải chuyện đơn giản đâu ,làm cái gì và viết gì nghĩ rồi hãy viết .ai tin cái loại mày”...
Mới quên là chưa giới thiệu bản thân để bị thiên hạ chửi. Thật tình không muốn nói là người trong nghề lâu năm, nhưng cũng phải đành cho biết cụ thể đôi chút; người viết tới Nhật 38 năm, đang là thành viên quản trị tổ hợp tư vấn lao động gồm nghiệp đoàn quản lý, công ty tư vấn bảo hiểm, lao động; Ban giám đốc Công ty hỗ trợ đăng ký Visa Tokutei. Như vậy chuyện biết trước luật sau luật cùng những mặt trái mặt phải là chuyện đương nhiên vì phải tham gia các khóa tham luận của Jitco, Cục quản lý xuất nhập cảnh, Cục quản lý Thực Tập Sinh (TTS) OTIT, Phòng công thương nghiệp thành phố v.v... (Ngoài ra, tuổi đời cũng xấp xỉ với tân Thiên Hoàng nên sau này lỡ có bị chửi thì hy vọng cũng tránh được chữ “mày”).
Thật sự ngoài một số trung tâm thất đức, vẫn có nhiều em từng ở Nhật và trở về làm việc ở một số công ty phải cử uy tín. Hàng ngày các em phải liên lạc hàng chục, hàng trăm công ty, nghiệp đoàn ở Nhật để kiếm từng đơn hàng tử tế cho lớp đàn em. Tôi rất trân trọng công việc của các em, thỉnh thoảng trao đổi để làm sao tránh được những công ty củ chuối.
Kinh nghiệm đầy mình như thế nhưng tôi cũng không ngờ được chiêu đòn hồi mã thương quá độc của chính phủ Nhật. Tiến trình đệ trình dự luật Tokutei, không ai nghĩ là họ sẽ sử dụng lao động ngoại quốc để làm việc dọn dẹp phóng xạ tại hiện trường nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Vì nếu biết được, các đảng phái đối lập sẽ phản đối tới cùng. (Trước đó có công ty xây dựng cho thực tập sinh Việt Nam đi dọn trong khu vực ấy bị báo chí lên tin khiến công ty này không được tiếp nhận TTS, đồng thời cơ quan quản lý TTS cũng đưa ra tờ cam kết bắt tất cả các công ty tiếp nhận ký không cho TTS đi dọn ô nhiễm phóng xạ).
Nhưng các chính trị gia cầm quyền liên quan đến việc lập dự luật dường như đã ngấm ngầm chuẩn bị từng bước; Cho phép nhận lao động 14 ngành nghề, không được bắt người lao động trả phí môi giới, ngành xây dựng và đóng tàu còn hưởng qui chế kỹ năng loại 2 là gia hạn lâu dài tại Nhật, bảo lãnh được gia đình. Nói chung là rất đẹp.
Tới khi dự luật thành luật, được áp dụng vào đầu tháng 4 thì chính phủ bật đèn xanh cho công ty điện lực Tokyo (Tepco) “quyết định tiếp nhận lao động người nước ngoài để làm việc tại hiện trường nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trong cuộc họp ngày 28 tháng 3, nội dung này đã được thông báo đến các nhà thầu và các công ty có liên quan”.
Theo dự đoán của tôi, những công ty hỗ trợ đăng ký Visa Tokutei sẽ được các nhà thầu đặt hàng với giá cho mỗi nhân công từ khoảng 5000 Đô để làm thủ tục cho những lao động ngoại quốc đủ điều kiện đi đơn ngành xây dựng. Với số tiền này, họ sẽ trích ra nhờ bên VN tuyển người và quảng cáo đi lao động Nhật với chi phí cực rẻ. (Như tôi đã trình bày ở status trước). Và những ai đã lỡ đăng ký đi Tokutei mà chờ các ngành mình mong muốn dài cả cổ nhưng không tới lượt, sẽ được tư vấn đi “Xây dựng là lẹ nhất, tiền nhiều nữa”.
Đặc thù ngành xây dựng là làm ở công trường, do đó khi ký kết mình cũng chưa biết phải làm ở công trường nào. Qua đây, công ty phái đi đâu thì phải đi đó. Khác với TTS có Hiệp hội quản lý bảo vệ quyền lợi (là số ít những nghiệp đoàn tốt có nhân viên VN giúp đỡ, chứ phần đông vì lợi nhuận họ cũng để cho TTS cha chết mặc bay), các công ty hỗ trợ đăng ký Visa họ chỉ làm thủ tục ban đầu để người lao động tới Nhật, về công ty xong là hết trách nhiệm. Chuyện gì xảy ra, chính người lao động đó phải tự bương chải. (Vì thế mà điều kiện đòi hỏi lao động Tokutei phải có N4 để có thể nghe- nói- hiểu, nhưng có cỡ này thì chỉ mới: “tôi đau bụng” thôi chứ chưa thể trình bày cảm giác “Cháu cảm thấy nôn nao, ruột gan muốn lộn tùng phèo”).
Mà đã thành luật rồi thì các công ty nó cứ thế mà làm, không sợ bị kiểm tra sái luật như thực tập sinh. Tôi cảm giác sẽ có một “thảm trạng lao động Tokutei” hay “thảm trạng lao động VN tại Nhật” vì không ai tranh đấu cho quyền lợi các em sau khi Nhật Bản và Việt Nam thông qua hiệp định lao động này.
Riêng tôi thì đã gặp chủ tịch tổ hợp công ty để nêu nguyện vọng là cho dù nhìn thấy một năm đem về lợi nhuận cho công ty 50 triệu yen tôi cũng không làm. Ông biết tôi từ cái ngày còn là thằng tị nạn khố rách áo ôm nên phán: -Cậu có toàn quyền quyết định không làm dịch vụ giới thiệu lao động dọn dẹp phóng xạ này.
Nhưng đó chỉ là chỗ tôi. Osaka sắp có trên dưới 200 công ty hỗ trợ đăng ký Visa; cả nước sẽ khoảng 1000. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng nhào vào như những con kên kên chực mổ trên xác người. Nếu là người Nhật bị nhiễm phóng xạ sau 10 năm hay 20 năm thì chính phủ có bổn phận chữa trị bồi thường. Còn sau 5 năm trở về, có chuyện gì... chúng ta phải tự giải quyết như phải tự bương chải trong thời gian ở Nhật.
Tiếng kêu của tôi cũng sẽ chỉ như của một con cú...
Cảm thấy bất lực! Đỡ không nổi!
(Hình cắt từ báo Asahi, Công trường nhà máy điện hạt nhân bị nhiễm phóng xạ Fukushima và dòng chữ: - Lò nguyên tử Fukushima -người lao động ngoại quốc, công ty Toden (Tepco) tiếp nhận "Kỹ năng đặc biệt")