Phong trào Đông Kinh nghĩa thục của cụ Phan bội Châu đưa khoảng 200 thanh niên VN ưu tú sang Nhật học hỏi vào năm 1906 đến 1908; tức thời Minh Trị Thiên Hoàng. Phong trào này tan rã sau khi Pháp ký hiệp ước với Nhật để giải tán phong trào.
Thời Đại Chính chỉ 14 năm, từ 1912 đến 1926, không có gì đặc biệt.
Tuy nhiên đến Chiêu Hòa (1926-1989) có thể nói là thời Thiên Hoàng Hirohito có những biến cố lịch sử gắn bó với Việt Nam nhiều nhất như khoảng thời gian ngắn Nhật cướp chính quyền từ Pháp, gián tiếp gây ra trận đói năm Ất Dậu 1945. Sau năm 1954 Nhật bồi thường chiến tranh cho miền Nam với những nhà máy lắp ráp điện tử, nông cơ hiện đại, xây cất thủy điện Đa Nhim, viện nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt v.v... đặc biệt là tiếp nhận đợt sinh viên ưu tú từ miền Nam Việt Nam đi du học, có thể coi như là Phong trào Đông Du lần thứ 2 với số lượng gấp 4 lần đầu. 850 người.
Rất tiếc biến cố 1975 đã khiến cho lực lượng trí thức ưu tú này phân rã thêm lần nữa vì ý thức hệ Tự do và cộng sản. Có những con người chọn cách hợp tác với chính quyền mới, có những người cương quyết không công nhận, đứng lên thành lập tổ chức tìm con đường trở về thay đổi chế độ VN; có những người lặng lẽ trở thành công dân Nhật với những đóng góp không hề nhỏ cho dân bản xứ.
1979, Chiêu Hòa 54, thêm một thành phần từ Việt Nam đến đất nước Nhật. Số lượng khá đông với khung 10.000 người thuyền nhân tị nạn trong vòng 10 năm, tức cho đến khi chấm dứt thời đại Chiêu Hòa (Showa 64).
Tôi may mắn là 1 trong số 10.000 người này. Và bọn thanh niên chúng tôi lúc đó, tuy không ưu tú như các bậc đàn anh Đông Du, nhưng cũng không đến nỗi hèn hạ là đến đất nước này để tìm miếng ăn. Chính vì thế quanh tôi đã có những người anh, người bạn sẵn lòng quay về cùng với lớp sinh viên yêu nước nhằm mưu cầu mục đích cao cả hơn cho dù phải hy sinh đến tính mạng.
Thời đại Bình Thành đánh dấu sự hiện diện của người Việt, tuy nhỏ nhưng không kém phần quan trọng đề hình thành một cộng đồng ngoại quốc rất khác với người Hàn quốc, Triều Tiên đã định cư từ lâu trên xứ sở này. 15 năm đầu là những nỗ lực trong hãng xưởng; 15 năm sau là giáo dục lớp trẻ kế thừa. Bên cạnh đó, làn sóng người Việt Nam thực tập (lao động), du học, bảo lãnh gia đình ồ ạt tràn sang khiến xã hội Nhật thêm nhiều vấn nạn phải đối phó. Tuy nhiên đã là “xã hội” thì phải chấp nhận. Bên cạnh những tiêu cực thì không ít những tích cực do làn sóng mới này đem tới như lớp lực lượng lao động trẻ, lớp chất xám làm việc bên ngành công nghệ thông tin, khoa học ngày càng nhiều.V.v...
Một điển hình về ngành mới như y tá, điều dưỡng mà trong kỳ thi quốc gia 2019 vừa qua đã có một thống kê khá kinh ngạc như sau:
-423 người ngoại quốc gồm Việt Nam, Indonesia và Phillipine tham gia dự thi lấy chứng chỉ y tá quốc gia Nhật Bản. Chỉ có 69 người đậu, tức 16%; trong đó Việt Nam chiếm tới 23 người trên tổng số 48 thí sinh Việt Nam đi theo diện EPA (Hiệp định đối tác kinh tế) ngành y tá tham gia kỳ thi này. 48%, Một tỉ lệ cao nhất so với các nước khác.
Nếu tính luôn ngành điều dưỡng chăm sóc người già thì có tới 89 người đậu trong niên khóa 2018-2019. Cũng là tỉ lệ cao nhất so với những ngày đầu của chương trình này cách đây 10 năm, 200 ứng viên EPA của Indonesia sau 3 năm chỉ có 2 người đậu.
Tôi chỉ muốn nêu những con số để cho thấy, thời “Lệnh Hòa” từ tháng 5 năm nay, chưa biết tốt xấu như thế nào, nhưng sẽ là một thời đại mà Việt Nam có ảnh hưởng nhiều đối với xã hội Nhật.
Đối với người Nhật, họ tin tưởng niên hiệu Lệnh Hòa sẽ là một khởi đầu cho một tương lai mới xán lạn hơn, người Việt chúng ta cũng mong sẽ có ngày đón mừng như vậy.
Có khá nhiều bạn không tên tuổi thường vào comment những bài viết liên quan đến người lao động ở Nhật với thái độ tiêu cực là -tới nước người ta cũng chỉ để làm “cu li” chứ làm gì.
Đối với tôi làm “culi” (mà tôi đã từng trải qua) hay làm gì đi nữa không quan trọng bằng tiếp thu những kiến thức và nhất là cách sống trong một xã hội dân sự như Nhật Bản, sẽ giúp mình thay đổi Việt Nam thế nào trong tương lai.