Tân Tây Lan là tên Hán Việt phiên âm từ hai chữ New Zealand là một nước nhỏ ở gần Úc, mà những khách đi từ Mỹ sang Úc có khi phải ghé qua để đổi chuyến bay. Ở Việt Nam người ta còn thỉnh thoảng được nghe những chuyện tiếu lâm riễu người Tân Tây Lan hà tiện. Ấn tượng chung về Tân Tây Lan là một nước nhỏ yên bình xuất cảng len và các chế phẩm từ sữa, và có nhiều địa điểm thiên nhiên trong lành để du lịch. Nhưng ngày thứ sáu 15 tháng 3/2019, Tân Tây Lan đã trở thành nổi tiếng thế giới vì một vụ nổ súng giết người tàn bạo của một thành viên chủ nghĩa da trắng siêu việt (white supremacist). Hung thủ là một thanh niên da trắng, 28 tuổi, người Úc tên là Brenton Tarrant, bay từ Úc đến Christchurch, một thành phố dân số chừng 400,000 người ở trên đảo lớn phía Nam Tân Tây Lan để thực hiện vụ tàn sát. Trong bản cương lĩnh 74 trang trình bày chủ nghĩa da trắng siêu việt mà y có gửi cho thủ tướng Tân Tây Lan và một số nhà chính trị cũng như truyền thông, tổng thống Donald Trump được coi là “biểu tượng mới của dân da trắng có cùng một mục đích chung”.
Theo lời của những nhân chứng, Tarrant mang một khẩu súng bán tự động vào nhà thờ Hồi giáo Masjid Al Noor lúc 1.45 chiều, bắn vào mọi người đang hành lễ. Rồi đi ra ngoài, bắn vào những người trên lề đường và lên xe lấy một khẩu súng khác quay trở vào nhà thờ bắn nữa. Tiếp theo y thị lái xe đến nhà thờ Hồi giáo thứ hai Linwood Masjid, cách đó vài dặm, xông vào tấn công tương tự, làm thiệt mạng 7 người. Tổng cộng là 49 người chết tại chỗ ở hai nhà thờ Hồi giáo và nhiều người bị thương nặng. Hung thủ đã thâu băng hình các hành động bắn giết của y và cho lên mạng điện tử để phổ biến rộng rãi sớm sủa. Những hình ảnh giết chóc rùng rợn trên video do Tarrant truyền đi trên mạng đã khiến nữ thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern phải lên tiếng yêu cầu các chủ mạng như facebook và You Tube lấy đi, vì không muốn để cho chủ nghĩa kỳ thị siêu việt da trằng được tuyên truyền rộng rãi trên mạng. Bà nói các công ty mạng “không phải là làm công việc của người đưa thư mà là “cơ quan phát hành” có nghĩa là biết nội dung các tài liệu trên đó. Bà đã điện thoại cho thủ tướng Anh Theresa May đề nghị cần có nỗ lực toàn cầu trong chuyện ngăn chặn tuyên truyền cho chủ nghĩa kỳ thị da trắng siêu việt. Bộ trưởng nội vụ Anh quốc cũng kêu gọi các công ty kỹ thuật mạng ngưng phổ biến các hình ảnh giết chóc này.
Trong bài diễn văn đầu tiên đọc trước quốc hội sau vụ thảm sát, nữ thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern mở đầu bằng lời chào bằng tiếng Ả Rập “as-salaam Alaikum”, đã tuyên bố rằng “ngày thảm sát này sẽ khắc sâu vào ký ức tập thể của chúng ta”. Bà hứa sẽ không nhắc đến tên kẻ sát nhân này. Và đề nghị dân Tân Tây Lan thay vào đó là nhắc đến tên những người đã chết. Bà nói “Có thể họ là những di dân, nhưng họ chọn nơi này để sống thì đây là nhà của họ, họ là chúng ta”. Và bà hứa hẹn rằng trong vòng mười ngày sẽ có luật lệ mới về sở hữu võ khí. Không khí chung của các chính trị gia Tân Tây Lan có vẻ như cũng đồng tình. Nhưng người ta còn chờ xem sức mạnh của nhóm vận động chính trị của kỹ nghệ súng ra sao. Hay rút cuộc thì kết quả cũng không khác gì tình trạng bên Mỹ sau các cuộc nổ súng giết người tương tự. Hy vọng sẽ không là như thế.
Vào chiều thứ hai các học sinh từ những trường khác nhau khoảng 1,000 người đã tập họp lại trong một công viên trước nhà thờ Hồi giáo Al Noor để bày tỏ sự liên đới với những nạn nhân bị bắn chết. Trong buổi hoàng hôn, các học sinh cầm những ngọn nến dơ cao và hát nhạc cổ truyền của thổ dân Maori.
Cảnh sát trưởng Mike Bush cho hay là khám phá thấy hai trái bom tự chế trên một chiếc xe hơi và đã bắt giữ 3 đàn ông và một đàn bà. Sau đó một người được thả. Người đàn bà bị bắt vì cho lên mạng điện tử những nội dung kỳ thị, gây chia rẽ. Tin tức tập trung vào Brenton Tarrant là tên hung phạm đã công khai tuyên bố kế hoạch tàn sát và tự nhận là người chủ trương da trắng siêu việt, kỳ thị chủng tộc, chống di dân. Tarrant cho biết rằng y đã chọn nơi hành động là Tân Tân Lan, để cho thấy rằng ở cái đất xa nhất thế giới này cũng có tình trạng di dân tràn ngập.
Luật sư Peters người được tòa án chỉ định bào chữa cho Tarrant đã cho biết rằng khi nói chuyện với nghi can thì ông thấy rằng hắn hành xử bình thường, sáng suốt, và ngỏ ý muốn tự bào chữa trước tòa. Có ý kiến cho rằng tòa sẽ không chấp nhận điều này nếu mà nghi can tính dùng tòa án để làm nơi tuyên truyền cho chủ nghĩa kỳ thị và siêu việt da trắng.
Sau cuộc tấn công khủng bố này, đại diện những băng đảng lớn như Mongrel Mob và Black Power đã đến bảo vệ các nhà thờ Hồi giáo khi làm lễ và cho biết rằng tất cả các băng đảng trên khắp nước đều ủng hộ cho cộng đồng Hồi giáo.
Duyệt qua diễn tiến sự việc, ấn tượng của người ở ngoài là có vẻ như cả nước Tân Tây Lan nhỏ bé 5 triệu dân đang tìm cách vượt qua những xúc động cảm tính để ổn định tình thế. và dường như không có một tâm thức sợ Hồi giáo (islamophobia) như ở nhiều nước Âu Mỹ khác.
Tổng thống Trump đã tweet rằng “Tôi gửi những tình cảm nồng ấm và chúc tốt đẹp nhất đến dân chúng Tân Tây Lan sau vụ tàn sát khủng khiếp ở các đền thờ Hồi giáo. 49 người vô tội đã chết vô nghĩa và nhiều người khác bị thương nặng. Nước Mỹ đứng cạnh Tân Tây Lan trong mọi chuyện có thể làm. Xin Chúa ban ơn cho chúng ta”. Trả lời câu hỏi liệu rằng đang có sự lan tràn phát triển chủ trương da trắng siêu việt hay không, ông Trump nói “không, chỉ là một nhóm nhỏ vài người”
Tại Mỹ, đã có vài ý kiến muốn ông Trump mạnh mẽ lên án chính sách kỳ thị và chủ trương siêu việt da trắng hơn nữa. Và lai rai trên truyền thông Mỹ thấy nhắc lại tuyên bố chung chung của ông Trump trong vụ đụng độ ở Charlottesville Virginia giữa những người bảo thủ và siêu việt da trắng và những người chống đối lúc ông mới nhận chức tổng thống năm 2017. Trước những nhận định này, rất nhanh chóng ông Trump tweet thêm “Truyền thông đang làm việc thêm giờ để đổ lỗi cho tôi trong vụ tấn công kinh khủng ở New Zealand”. Quyền Chánh văn phòng Bạch cung Mike Mulvaney nhận định trên đài Fox News chủ nhật rằng “Tổng thống không phải là một người theo chủ nghĩa siêu việt da trắng. Thật là không công bình nếu nói tên đó ủng hộ Donald Trump”. Bà Kellyann Conway Cố vấn kỳ cựu Bạch cung, người đã chế ra chữ “tin khác” để đối đầu với “truyền thông tin giả” đã biện luận dài dòng để bênh vực ông Trump cũng trên đài Fox and Friends. Bà nói phải đọc “toàn bộ cương lĩnh” của Tarrant để thấy “hắn không được gợi hứng bởi” ông Trump. Vì trong 70 trang cương lĩnh tên Donald Trump “chỉ được nói đến một lần”. Bà Conway còn thêm rằng Tarrant nói hắn gần với chủ nghĩa của Tầu. Hắn không phải là một người bảo thủ. Không phải là một tên phát xít. Tôi nghĩ rằng hắn tự mô tả là một người chủ trương môi trường tự nhiên, hay là một tên phát xít môi trường. Nghĩa là bà đá sang bên cái chủ trương da trắng siêu việt và kỳ thị chủng tộc của Tarrant. Để kết luận rằng “không thể kết tội ai ngoài tên quỷ dữ thù hận”. Nói khác đi là tạo ấn tượng cho hắn là một kẻ bất thường.
Phủ nhận như ông Mulvaney hay bào chữa dông dài như bà Conway không thể nào có tác dụng hiệu quả bằng một lên án ngắn gọn của ông Trump đối với chủ trương kỳ thị chủng tộc và chủ trương da trắng siêu việt mà tên sát nhân công khai biểu đạt. Tại sao ông Trump không làm như vậy? Có người nói rằng đó là “chủ thuyết ông Trump” (Trumpism). Giải thích Trumpism là gì thì phải có một lần khác nhiều thời gian hơn.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 20 tháng 3/2019)