Chỉ là một vài chuyện loanh quanh của đời sống thấy ngay trước mắt, chuyện này dọ sang chuyện kia chả đâu vào đâu, vội ghi ngay lại chứ không thì đầu óc sẽ .... loanh quanh rồi lạng quạng. Bạn ta chịu khó đọc, nếu thấy khó chịu thì cứ “vô tư” mà lướt qua. Bảo đảm không phiền hà gì cả.
Nhân chứng
Cách đây một tuần thì phải qua chung cư Phay, tôi đọc được lời giới thiệu ngắn, kêu gọi mọi người đến tham dự buổi ra mắt quyển hồi ký “tình yêu, ngục tù & vượt biển” của Dương Phục & Vũ Thanh Thủy, hai phóng viên chiến trường của làng báo Việt Nam trước 75, chắc cũng cùng thời với ông anh Lê Thiệp. Lời giới thiệu rất khéo của một cô giáo cũng là ca sĩ ở xứ “chuột túi” đã khiến tôi phải tìm lại quyển này mà ông anh Cả Uyên Thao (tủ sách Tiếng Quê Hương) đã gửi 2 năm trước. Đọc lại mà vẫn chưa xong, tôi đang đọc tiếp. Tối hôm đó lại thấy cô giáo xuất hiện trong chương trình ra sách này mà một “dáng huyền” khác đã kể lại: “..... sự diễn xuất cũng như cách chuyên chở bài nhạc, cô có thể làm cho khán giả rung cảm theo từng lời nhạc. Và trong đêm trình diễn, cô đã làm cho bao nhiêu người rơi nước mắt trong có có tôi”. Tiếc là không có video để nghe tiếng cô giáo, để thấy những rung cảm của khán giả. Bài cô giáo hát có tên “Nhân Chứng” không biết của tác giả nào. Xin mời bạn ta nghe tạm link dưới đây nhé:
https://www.youtube.com/watch?v=VNymN1W-iLs
“Nhân Chứng”
Tôi đã làm nhân chứng đám tang mẹ già
Đám tang không kèn trống không có một đóa hoa
Hải tặc là phu đám, biển xanh là mộ sâu
Những con người kêu khóc
Trời cao nào thấy đâu
Tôi đã làm nhân chứng cho cái chết oan khiên
Bùa rìu chém tới tấp trên đầu người thanh niên
Chàng chết chưa kịp thấy vùng đất hứa tự do
Mắt hãy còn mở lớn đại dương đã là mồ
Tôi đã làm nhân chứng cho xót xa tủi nhục
Bầy quỷ dữ gào thét
Ôi thân phận đàn bà
Nàng nghiến răng nhắm mắt máu ứa trên khoé môi
Gọi tên chồng lần cuối
Ôi ngọc nát vàng phai
Họ lôi được tôi ra dưới gầm tàu trôi giạt
Những dòng máu đã khô trên con tàu tan nát
Mẹ ơi ..Mẹ ơi ..Anh ơi
Tôi đã làm nhân chứng cho cái chết oan khiên
Bùa rìu chém tới tấp trên đầu người thanh niên
Chàng chết chưa kịp thấy vùng đất hứa tự do
Mắt hãy còn mở lớn đại dương đã là mồ
Tôi .. tôi đã làm nhân chứng cho xót xa tủi nhục
Bầy quỷ dữ gào thét
Ôi thân phận đàn bà
Nàng nghiến răng nhắm mắt máu ứa trên khoé môi
Gọi tên chồng lần cuối ...
Ôi ngọc nát ...vàng phai ...
Nghe như tiếng nấc, nức nở, tha thiết, khóc than trong tuyệt vọng khi chứng kiến những điều xảy ra trước mắt. Lặng người.
Cũng thật tình cờ, tối hôm đó tôi lại được đọc một bài viết của tác giả tên Nguyễn Nhân Chứng kể lại cảnh hãi hùng, tang thương, khủng khiếp, chết chóc của 130 người, đấu tranh với sóng gió, với sự tàn bạo không nương tay của một bọn phi cầm phi thú, cuối cùng chỉ còn vài người sống sót đến được bến bờ tự do.
Vợ của người bạn thân cũng lênh đênh sau 40 ngày trên biển, ngày nào cũng thủy táng vài người cho đến khi được vớt, hình hài không phải là con người nữa. Mẹ cháu nhà tôi cũng là dân vượt biển, chuyến đi cũng kinh hoàng, thương đau, nhưng may mắn chỉ lênh đênh 5 ngày và được vớt đưa vào Nhật. Một chuyến ghe khác đã đi nhưng không tới bờ tới bến, trong đó có em trai mẹ cháu.... Đây chỉ là một vài câu chuyện trong cả ngàn chuyện thương đau của thảm họa vượt biên mà tôi được biết.
Chân thành cám ơn cô giáo, bạn tôi, mẹ cháu, những nhân chứng sống đã nhắc lại cho tôi những điều tưởng chừng đã quên. Mong bạn ta tiếp tục và sẽ mãi mãi là nhân chứng sống, thường xuyên nhắc nhở cho mọi người về một thảm trạng Việt Nam, bảo nhau giữ vững niềm tin tiến về phía trước
和牛hay WAGYU?
- Mấy hôm nay truyền hình Nhật chạy bản tin: hai người Nhật bị bắt vì tội mang “giống” bò Nhật sang Trung Quốc. “Giống” là gì? Có nghĩa là trứng thụ tinh của bò cái và tinh dịch của bò đực. Ông này khai được một người Trung Quốc nhờ với chút tiền thù lao. Những “giống” này được cho vào nhiều ống hút đựng trong hộp giữ lạnh, mang sang Thượng Hải bằng đường tàu từ Osaka, nhưng bị sở thuế bên nước “lạ” không cho phép mang vào, đành phải đem về Nhật, vào Nhật thì bị phát giác khi làm thủ tục quan thuế. Hai ông này bảo không biết chuyện này vi phạm luật.
Việc mang đi mang lại này là vi phạm luật phòng chống bệnh truyền nhiễm gia súc rất lỉnh kỉnh chỉ xin ngắn gọn:
Các loại “giống” trong thực vật, động vật thì được, nhưng phải có dấu kiểm nhận của bộ y tế. Nhưng đối với bò Nhật Bản thì cá nhân tuyệt đối không được mang sang vì nó là “quốc bảo”.
Đi sâu vào chi tiết thì thấy có những điều thú vị và bất ngờ. Bò Nhật Bản chính gốc (nuôi tại Nhật Bản) là 和牛 (Hòa Ngưu) đọc là WAGYU. “Giống” từ Nhật Bản đem sang “cấy” ở nước khác để thành bò cũng gọi là WAGYU. Ơ! Thế thì khác nhau thế nào? Cùng đọc như nhau mà? Khác chứ, ra siêu thị nếu thấy 和牛Hòa Ngưu viết bằng chữ Hán thì là bò Nhật, còn viết bằng Alphabet (WAGYU) thì là bò Nhật được cấy ở nước ngoài! Hèn chi! 和牛 ngon và đắt hơn WAGYU ! Nhưng cũng có nhiều siêu thị Nhật ghi rõ hơn: phía trước hai chữ和牛là tên quốc gia: 国産和牛(quốc sản)là bò Nhật, オストラリア和牛 (bò “cấy” tại Úc).
和牛được Hội Nông Nghiệp Nuôi Bò Nhật Bản gửi “giống” hay nguyên con, sang bên kia sẽ “kết hợp” với bò bản xứ thành“WAGYU”, còn “和牛” thì được nuôi nấng chiều chuộng ngay trên đất Nhật. Trông hình WAGYU và 和牛thì thấy chả khác nhau tí nào. Ngạc nhiên là phải. Mời bạn ta quan sát hình phía dưới để thấy sự có gì khác nhau không?
Tôi thì chả phân biệt được bò nào và bò nào, phải ăn mới biết thực hư, nhưng ăn rồi cũng không biết là chuyện.... quá bình thường. Có một điều mà tôi biết không sai là... thứ đắt sẽ ngon hơn thứ rẻ vì. “Tiền nào của đó”.
Trở lại chuyện đem nguyên “giống” sang Trung Quốc của hai anh chàng Nhật Bản, chắc đã nhiều lần lọt lưới, không biết bên đó có “cấy” được y chang như bên này hay không? Có câu nói rất là có lý: “Cũng giống quýt đó, nhưng trồng ở Giang Nam thì chua, trồng ở Giang Ðông thì ngọt”. Không biết thế nào 和牛hay WAGYU nhỉ? Mà thôi sao cũng được, để ý làm chi vì:
“Bò nào cũng là bò
Cả hai đều là bò...Nhật”!
“Em là gái bên song cửa”
“Anh là mây bốn phương trời”.
Cách đây hơn 1 năm, tôi có viết bài “Tin vui hoàng cung” khi Hoàng gia sắp sửa đón về một phò mã mới: học giỏi, đẹp trai, con nhà.... không giàu. Theo dự tính thì tháng 11/2018 đôi trẻ sẽ sum vầy, toàn dân đang chờ “ngày lành tháng tốt”, đột nhiên khoảng tháng 2/2018 bộ Hoàng Cung đưa ra một thông báo: tạm dừng ngày hôn lễ chuyển sang một thời điểm khác nhưng không nêu rõ lý do, có thể là khoảng năm 2020. Công chúa Mako cũng lên tiếng: “xin lỗi bà con vì chúng tôi chưa tìm hiểu nhau đến nơi đến chốn”. Nghe tin tôi “bần thần” và đã không thể tiếp tục câu chuyện, Hôm nay ngồi cố nhớ lại và xin có vài lời rất ngắn kể lại sự tình sau khi lược bỏ những chi tiết có cũng được và không có cũng chả sao.
Sau ngày kết ước của hai người trước bá quan văn võ vào tháng 9/2017, thì 3 tháng sau, một tờ tuần san từ tháng 12/2017 đi loạt bài đặt “nghi vấn”: mẹ của phò mã tương lai quịt nợ hơn 4 triệu, đối tượng bị quịt là người tình của bà mẹ. Tin không vui được ông này kể lại đến tai hoàng cung và thông báo tạm dừng đã xuất hiện.
Tìm hiểu thêm thì được biết, khi bố của “chuẩn phò mã” Muro Kei này qua đời thì bà mẹ ở vậy nuôi con với một cuộc sống đơn giản nếu không nói là quá thanh bạch. Đến năm 2009 thì bà gặp ông và 2 người đã đính hôn. Ba người sống rất thuận hòa, ông chu cấp cho Muro đầy đủ suốt mấy năm đi học. Tuy nhiên, năm 2012 thì ông đã hủy giao ước đính hôn với bà vì qua cách đối xử, ông nghĩ là ông không được xem là một thành viên của gia đình, chẳng hạn như lúc Muro thành người lớn (20 tuổi), ông sắm cho chàng những đồ thượng hạng, đi ăn ở một khách sạn sang và lớn nhất Tokyo, nhưng khi chụp hình kỷ niệm gia đình, ông lại bị ra rìa... và còn nhiều nhiều nữa. Năm 2013, ông đòi lại số tiền hơn 4 triệu vì cho là tiền ông cho bà mẹ mượn, còn bà mẹ thì cho rằng đó là tiền bồi thường, tiền tặng cho bà vì hủy đính hôn. Tháng 11 năm ngoái, nhân ngày sinh nhật Hoàng Tử Akishino bố của công chúa đã đưa ra những “điều kiện”: Nếu nhất định thương nhau, lấy nhau thì Muro phải có những đối ứng thích hợp:
1/giải quyết phân minh chuyện nợ nần,
2/ phải có những giải thích để không những người của hoàng gia mà cả mọi người đều đả thông, xứng đáng với danh phò mã.
3/ Xây dựng một gia đình để bảo đảm cuộc sống.
Sau một thời gian im lặng, ngày 26 tháng 1 năm nay Muro đã gửi đến báo chí một bản thanh minh thanh nga:
"Mẹ tôi và hôn phu cũ của bà xác nhận mọi vấn đề tài chính đã được giải quyết"....
"Cháu rất cám ơn ông về sự hỗ trợ tài chính từ ông và sẽ nỗ lực để mong ông hiểu cho mẹ con cháu".
Nhưng qua báo chí, ông này vẫn nhất định là tiền bà nợ ông. Rối beng chả biết đâu vào đâu.
Được biết từ tháng 8/2018, Muro đã rời công việc ở Nhật sang Newyork lấy bằng luật sư, nhưng chỉ một tháng sau lại quay về Nhật vì không chứng minh được số tiền cần thiết như tiền học, tiền sinh sống trong 3 năm, khoảng 100 triệu yen theo luật nhập cảnh Hoa Kỳ khi xin visa du học. Sau đó, qua nhiều vận động không biết từ đâu, Kei Muro lại sang Newyork. Trên website của trường Luật (Fordham University School of Law) đã ghi rõ: “chàng được cấp học bổng toàn phần, trong 3 năm học” và chi phí sinh sống của Muro thì được văn phòng luật sư (nơi chàng làm việc) bảo trợ Sự thật ra sao thì chả biết. Mà thôi, như vậy là cũng được, đào bới thêm gì nữa ba cái ông báo chí lăng nhăng này.
Việc “xây dựng một gia đình để bảo đảm cuộc sống” chắc là không khó khăn lắm với công việc luật sư, nhưng chuyện 1 và 2 thì không biết chàng sẽ tính sao.
Nghĩ thấy thương cho “thân gái thì lẻ loi” còn “bóng chàng thì biền biệt”.
Họ vẫn liên lạc với nhau, vẫn còn thương nhau lắm, nếu không thì đã không có những điều kiện mà Hoàng Tử gọi là đối sách thích ứng. “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa” mà!
Thần dân như tôi rất mong là đôi trẻ sẽ sớm sum vầy, cầu chúc cả 2 sẽ vượt qua sóng gió. Chứ không thì buồn lắm.
Thôi tạm dừng đây để hôm khác tiếp tục.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê