Sự ra đi của Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng tại Úc Châu đã cho tôi nỗi cảm xúc và trân trọng. Cảm xúc vì một lần nữa tôi lại cảm nhận được ý nghĩa của hai chữ Vô Thường. Mọi sự đến rồi đi không có gì là ngoại lệ. Cái tồn tại lại nơi lòng người chỉ là nhân cách sống của một con người khi tại thế đã đóng góp cho nhân quần xã hội thế nào. Tôi đã gặp bác sĩ Hoàng trong một dịp sang Brisbane để ra mắt đặc tập Tâm Thức Việt Nam cùng Bác sĩ Trần Xuân Ninh. Chúng tôi đã được Bác sĩ Hoàng và chị của Bác sĩ Hoàng là Bạch Phượng phỏng vấn và đãi ăn. Bác sĩ Hoàng đã để lại nơi tôi những ký ức cảm mến và sự trân trọng về sự chân thành và dấn thân không mệt mỏi của anh cho lý tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ dân tộc. Anh đã theo dõi website Tâm Thức Việt Nam của Bác sĩ Trần Xuân Ninh, (mà nay là Bức Tranh Vân Cẩu,) đã đóng góp bài viết, cũng như đã có lần nhanh chóng thông báo cho website những trở ngại kỹ thuật trên website, để chúng tôi kịp thời điều chỉnh. Cũng xin nói cho rõ là sự cảm mến và trân trọng của tôi đối với chị Bạch Phượng và bác sĩ Hoàng không phải vì đã tiếp đãi cho chúng tôi ăn và phỏng vấn, mà vì cái phong cách của hai vị đã toát ra cái nhiệt tâm vì việc chung, vì đất nước. Điều này khiến cho chúng tôi dù ở cách xa cả nửa vòng trái đất và môi trường khác nhau mà “vẫn từng theo rõi những bước anh đi”.
Sự ra đi của Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng khiến tôi liên tưởng tới những sự ra đi khác của con người, trong quá khứ và hiện tại với nhiều ý nghĩa và sự cảm nhận khác nhau trong lòng người.
Chẳng han, có những sự ra đi đã bị con người nguyền rủa hay vui mừng, trong trường hợp của các lãnh đạo Việt Cộng. Một trong những câu chuyện được viết lại trên sách đã xuất bản của nhà văn Vũ Thư Hiên là chi tiết về ngôi mộ của Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã bị người dân làng ra phóng uế trên đó. Hay cuộc đời “cha già dân tộc” Hồ Chí Minh sau khi chết đã bị người dân đem ra đàm tiếu, phỉ nhổ. Không phải chỉ vì những sai lầm chính trị, nhà chính trị nào cũng có thể phạm phải, hoặc to hay nhỏ, mà về những cung cách ứng xử vô nhân, tàn độc khó dung thứ. Như khi mở đầu chiến dịch cải cách ruộng đất, Hồ đã cho giết bà Nguyễn thị Năm là người giầu có hết lòng cưu mang giúp đỡ họ Hồ và các đệ tử ruột, cũng như ra lệnh tố khổ, tiêu diệt nhiều nhà “có máu mặt” yêu nước khác ủng hộ Việt Minh mà tên tuổi tình tiết bây giờ dần dần lộ ra, không nêu lên ở đây vì quá dài. Chỉ xin nhắc thêm thảm kịch người phụ nữ chất phác Nông Thị Xuân bị giết để ém chuyện vợ chồng với họ Hồ, không khác gì chuyện Ngô Khởi giết vợ cầu quan ngày xưa.
Hay chuyện chủ tịch Trần Đại Quang khi còn sống đã đóng góp nhiều vào các việc hối lộ thần thánh để giảm tội lỗi, và khi chết thì ông ta lại bị người dân Việt Nam đem ra đàm tiếu vì gia đình của ông ta đã cho xây lăng tẩm trên vùng đất nông nghiệp tại làng ông ta để chôn cất và thờ phượng ông ta. Hoặc chuyện gần đây nhất là cái chết của Nguyễn Thị Thu Phó Bí Thư Ủy Ban Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh, người đã ký văn thư cho phép UBND Quận 1 thực hiện việc cẩu đỉnh hương của Đức Thánh Trần tại khuôn viên thành phố Hồ Chí Minh đem về an trí tại ngôi đền thờ Đức Thánh Trần trên đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định Quận 1. Văn thư ký ngày 15 tháng 2 năm 2019, đến ngày 17 tháng 2 năm 2019 thì Bí thư UBND Quận 1 là Trần Kim Yến cho quây xe rác, dựng bao cát, kẽm gai chắn tượng đài, và cẩu đỉnh hương đi mà không làm lễ niệm hương cho việc di chuyển đó. Ba ngày sau, ngày 20 tháng 2 năm 2019 thì Nguyễn Thị Thu qua đời. Trong dân đã tràn ngập lời dị nghị bàn tán về cái chết này!
Trong khi có những cái chết bị người dân đem ra sỉ mạ như trên hay chưa chết mà vẫn bị đem ra nguyền rủa như trường hợp đảng và lãnh đạo Việt Cộng đang tại vị, thì có những cái chết lại được các con cháu và những đời sau ca tụng kính trọng. Như trường hợp của những tiền nhân xa xưa đã xả thân bảo vệ tự do độc lập cho đất nước và giống nòi, như Đức Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, vua Quang Trung, vân vân. Hay cận đại với Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Bá, kháng chiến MTQGTNGPVN với những Hoàng Cơ Minh, Ngô Chí Dũng, Võ Hoàng và còn nhiều nữa, chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa dân tộc. Trong đó có cả những người Việt ở trong và ngoài nước trong nhiều năm qua đã âm thầm hay trực diện, đóng góp vào công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ dân tộc mà không cần ai biết tên nhận mặt.
Ngày nay một trong những sự ra đi đó đã được biết đến và tưởng nhớ là bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng tại Brisbane, Úc Châu. Những đóng góp cho việc chung cũng như hướng sống vì lý tưởng của anh sẽ được các bằng hữu và những người chung lý tưởng với anh luyến tiếc và trân trọng. Anh hãy ngủ yên, công cuộc đấu tranh cho đất nước và đồng bào vẫn sẽ được tiếp tục trên khắp nẻo đường thế giới với những người Việt có tinh thần dân tộc.
Lời hứa và mong mỏi “Mai này chúng ta sẽ trở về Việt Nam,” của bạn tôi và của những người Việt Nam yêu giống nòi, một khi Việt Nam không còn độc tài Cộng Sản, vẫn sẽ mãi mãi ở trong trái tim của những người Việt tha hương. “Mai này chúng ta sẽ trở về Việt Nam.” Ngày đó chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại tình người và tính nhân bản trên một đất nước Việt Nam thịnh vượng, phú cường và hạnh phúc.
Tuệ Vân
Ngày 22 tháng 2 năm 2019