Trên trang Tễu blog, một trang blog với những bài viết châm chích tình hình tệ mạt thời sự xã hội Việt Nam, ngày 11 tháng 2/2019 mới xuất hiện một bài gây chú ý. Nhan đề “Bà Nguyễn Thị Bình: phải sòng phẳng với lịch sử”. Đối với những người trưởng thành sau cuộc chiến bành trướng Cộng sản tàn phá Việt nam do Hồ chí Minh khởi động năm 1960 và chấm dứt năm 1975, không mấy ai biết tên Nguyễn thị Bình. Sống ở trong nước, giỏi lắm thì biết Nguyễn thị Bình là phó chủ tịch nhà nước Cộng Sản từ 1992 đến 2002. Bởi vì dưới chế độ toàn trị VC, chức phó chẳng mấy quan trọng, chẳng mấy khi được nói tới. Ngược lại, những người sống ở miền Nam Việt nam thì biết rằng bà Bình là cháu ngoại cụ Phan chu Trinh, lớn lên ở Nam Vang Cao mên, học trung học ở Sài gòn, gia nhập đảng Cộng sản năm 1948, tập kết ra Bắc năm 1954, rồi được cho làm ủy viên trung ương Mặt Trận Giải phóng miền Nam. Năm 1968 bà Bình được cử làm trưởng đoàn đàm phán của Mặt Trận Giải phóng miền Nam ở hội nghị Paris về Việt Nam, và đại diện cho Mặt Trận giải phóng ký vào hiệp định Paris năm 1973 bốn bên gồm VNCH, Hà Nội, Mặt Trận giải phóng và Mỹ. Sau 1975, bà Bình được làm đại biểu quốc hội, và giữ một số chức vụ mờ nhạt không quan trọng không ai để ý dưới chế độ toàn trị VC mà mọi sự là do “trên” – nghĩa là tổng bí thư đảng hay thủ tướng chính phủ- chỉ đạo. Năm 1992 Nguyễn thị Bình được cho làm phó chủ tịch nhà nước CS mà căn bản là một địa vị hình thức tượng trưng, tới 2002, thì về hưu. Từ 2002, được cho chức chủ tịch Quỹ Bảo Trợ Trẻ em Việt Nam, rồi Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam mà không ai biết đến là làm gì.
Cho tới bây giờ thì viết một bài về Lịch sử cuộc chiến tranh với Tầu năm 1979, được đưa lên trang Tễu Blog, bắt đầu bằng câu “Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù”. Tiếp theo là: “chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong lịch sử Việt Nam Trung Quốc. Dầu vậy nó vẫn là lịch sử. Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ.” Và “Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17 tháng 2 năm 1979, ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra; ngày mà hàng ngàn con em chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.
Bà Bình nói rất đúng là “phải nhìn nhận lịch sử với sự thật đầy đủ”. Nhưng khốn thay, bà chỉ nói một phần sự thật. Bà bỏ qua lý do tại sao cuộc chiến đã nổ ra. Vì thế ở đây xin nói đến cái phần bà bỏ qua, vì vô tình hay hữu ý.
Chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra, mà Đặng Tiểu Bình, bí thư Cộng đảng Trung Quốc đã nói thẳng rằng là để cho Việt Nam một bài học về sự vô ơn bạc nghĩa, ăn cháo đá bát, của lãnh đạo Cộng đảng Việt Nam. Vô ơn bạc nghĩa ở chỗ nào? Bây giờ thì người ta biết rằng là mọi sách vở tài liệu Tây phương cũng như TC đều đã cho thấy rằng cố vấn và lực lượng quân sự TC đã tham dự vào cuộc chiến chống Pháp để Võ Nguyên Giáp chiếm được Điện biên Phủ năm 1954, dẫn đến hiệp định Geneve chia đôi VN cho Hồ chí Minh và Cộng đảng giữ miền Bắc. Và cũng rõ ràng TC là nước đã đóng vai trò viện trợ cho VC để thắng cuộc chiến gọi là giải phóng miền Nam mà Hồ chí Minh mở ra năm 1960, và bà Bình là người đóng vai cầm đầu Mặt Trận Giải phóng. Nhưng sau khi chiếm được Sài gòn năm 1975, thì lãnh đạo đảng Cộng sản VN đã theo Liên sô, chống TC, cụ thể là xâm lăng Cao Mên vào hạ tuần tháng 12/1978, với chiêu bài tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot để cứu dân Cao mên. VC đã tung vào cuộc chiến này 150,000 quân, tức là 13 sư đoàn, với đầy đủ đại pháo yểm trợ cho nên chỉ trong hai tuần, tức là ngày 7 tháng giêng năm 1979 là chiếm được Nam Vang, thành lập chính phủ liên hiệp thân Hà nội. Vì Pol Pot là tay chân của TC, cho nên Đặng Tiểu Bình cho quân tiến vào VN ở biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2/1979 để gọi là trừng phạt VC mà cũng là để giảm áp lực của VC vào Pol Pot. Khách quan mà nói thì lãnh đạo VC đã mở ra cuộc chiến Cam bốt không phải chỉ vì lý do Pol Pot, mà là còn vì muốn nắm vững miền Nam, cho nên bắt thanh niên miền Nam đi lính hết, mà VC gọi là đi nghĩa vụ quân sự, để giảm áp lực thanh niên thất nghiệp đói ăn nổi loạn, mà cũng để thi hành cái gọi là nghĩa vụ quốc tế, bành trướng đế quốc Cộng sản Liên sô. Với sự viện trợ của Liên sô, VC đã chiếm giữ được Cam bốt 10 năm mặc dầu mọi áp lực của phía Tây phương và Trung Cộng. Sau chót thì Hà nội đã phải rút lui trọn vẹn tháng 10/ 1991, theo hòa ước Paris. Con số lính chính thức thiệt mạng là 15,000 và 30,000 bị thương, nhưng hệ quả nặng nề của cuộc xâm lăng thì lớn hơn nhiều, về mọi mặt.
Bà Bình đã bỏ qua cái lý do căn bản VC mở ra cuộc chiến Cam bốt bằng sự lu loa cường điệu viết rằng “Có thể nào nghĩ rằng Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và đứng trước vô vàn khó khăn lại có thể khiêu khíchTrung Quốc, một nước lớn, một nước xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ và giúp đỡ mình trong cuộc chiến tranh cứu nước vừa qua?” Nói thế là chỉ cho những người không biết gì khác hơn là chúi vào kiếm ăn để sống sót hay là cắm cổ “đi bão”, mừng thắng giải đá bóng hạng nhì, hoặc nhậu nhẹt chìm trong bia rượu quên đời.
Nhân tiện thì nhắc lại rằng Liên sô chính thức chấm dứt tồn tại ngày 25 tháng 12/1991. Cho nên Cộng đảng Hà nội mất chỗ dựa hoàn toàn và phải quay lại thiên triều, sau cuộc xâm lăng Cam bốt, với một lô hiệp ước nhượng đất nhượng biển chuộc tội qua các cuộc họp ở Thành đô, phải giữ bí mật cho tới nay vì nói ra thì nghe kỳ quá. Không nói ra được, nhưng không thể chống lại những biện pháp thi hành hiệp ước của Tầu khẳng định quyền sở hữu của ngư trường, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa và khí đốt cũng như quân sự hóa những vùng đã sang nhượng. Vì thế, từ những năm đầu thế kỷ 21, truyền thông cũng như chính giới VC đã phải im lặng, hay quá lắm là nói cho có nói, về những điều rõ ràng là xâm phạm chủ quyền lãnh hải VN của Tầu, như phá ngư thuyền hay bắt bớ bắn giết ngư dân, hay là cấm đánh cá hàng năm để dưỡng hải sản. Mới gần đây thì phát ngôn viên của Tầu đã tuyên bố rằng những hành động của Tầu đã làm trên biển chỉ là thi hành luật pháp của Tầu mà đảng và nhà nước ta đã im thin thít. Và rất sung sướng để mà nhanh chóng hoan nghênh điều mà TC mớm cho, là hai bên cùng hợp tác khai thác tài nguyên trên biển. Nói khác đi là giữa chúng ta chẳng có gì tranh chấp nữa, kể cả việc mà anh khai thác dầu hay bắt cá trong biển mà người dân hiểu là trong lãnh hải của đất nước tôi!
Bà Bình khẳng định ngay từ đầu rằng “Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù” là vì thế. Bà phải nhắc lại cuộc chiến để cho lãnh đạo CSVN cái tư thế chủ động chống Tầu, trong khi thực tế hiện nay là hoàn toàn theo Tầu. Và ngay cả cuộc chiến như chúng ta vừa nhìn lại lịch sử với những dữ kiện “thật đầy đủ” như bà Bình nói, thì không phải là do Tầu mở ra xâm lăng miền Bắc, mà vì Tầu muốn cứu tay chân là Pol Pot ở Cao mên bị VC tấn công trong ý hướng theo Liên sô. Bà Bình đã phải nhắc lại cuộc chiến này vì trong mấy thập niên đảng và nhà nước quay trở lại với thiên triều, các nghĩa trang chôn những quân nhân thiệt mạng trong cuộc chiến với Tầu đã bị lơ là bỏ phế, gây nên những oán hận âm ỉ của quần chúng. Những bất mãn này có lộ ra lai rai trong những bài viết và hình ảnh trên mạng điện tử. Bây giờ đảng và nhà nước đã yên lòng trở thành con chốt của Tầu rồi, thì có cho thân nhân những người đã chết một số những lời an ủi chẳng mất gì. Nhưng quan trọng nhất là nhắc lại để khoác cho những chết chóc này một cái lớp sơn cứu nước mà thực tế như vừa nhìn lại ở trên chỉ là những nạn nhân chết oan vì chính sách thay chủ để củng cố quyền hành của lãnh đạo đảng. Và cũng quan trọng là ca tụng Trung quốc với “những bước phát triển thần kỳ” và đề cao chính sách mà bà Bình gọi là của bác Hồ “Dĩ bất biến ứng vạn biến” bà diễn giải ra là “giữ độc lập, tự chủ, nhưng linh hoạt mềm dẻo trong sách lược”.
“Linh hoạt mềm dẻo” là cho đảng và nhà nước yên ổn thi hành phương châm 4 tốt 16 chữ vàng, của chuyện buôn dân bán nước cho Tầu từ Thành Đô tới nay, mà trước mắt là chuyện đặc khu 99 năm Vân Đồn. Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Còn độc lập tự chủ thì chế độ VC đã liên tục nỗ lực từ lâu trên các cơ quan truyền thông trực tiếp nắm giữ hay gián tiếp ảnh hưởng và trên mạng điện tử. Để tạo ra ấn tượng Hà nội là một chính phủ độc lập, tự chủ, qua những phát biểu hay góp ý, kể cả chống đối của mọi thứ nhân vật. Dù là chính trị hải ngoại, hay bất đồng ý kiến trong nước, hay là những người được coi là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu v..v.. Bằng những câu hỏi đặt trên cái tiền đề là chế độ VC phải làm gì, nói khác đi là gán cho lãnh đạo VC vai trò mà họ không có, họ không muốn làm. Bởi vì thực chất họ chỉ là tay sai, hay là kẻ buôn dân bán nước, nếu có làm gì thì là làm trong tinh thần giữ quyền, lấy lợi.
Tóm lại, bài viết của bà Bình “Phải sòng phẳng với lịch sử” chỉ là xử dụng một phần một sự kiện lịch sử để cố tạo cho lãnh đạo VC cái tư thế của một chính phủ vì dân vì nước, nhưng cũng để giải thích cái kế hoạch lươn lẹo âm thầm thi hành ba đặc khu Vân đồn, bắc Vân phong và Phú Quốc, và những kế hoạch ôm chân các thế lực khác, không phải là TC, tức là làm tay sai cho mọi thế lực ngoại quốc để có thể nắm quyền thống trị người dân VN.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 15 tháng 2/2019)