Thế là ngày Tết Kỷ Hợi đã qua đi, nhẹ nhàng dễ dàng đối với tôi và đối với rất nhiều người Việt Nam hải ngoại chưa mất thói quen truyền thống ăn Tết. Bỏ một ngày cuối tuần ra chợ, mua gạo nếp, đậu xanh, bánh chưng, bánh tét, trà, mứt, kẹo, giò, chả, hương, hoa, và trái cây các loại, sửa soạn bàn thờ để đón ông bà, cúng giao thừa… Nghĩ tới thời còn nhỏ ở Việt Nam, ngày tết đậm đà ấn tượng hơn nhiều, ít nhất là đối với gia đình tôi, mà sự lo tính sửa soạn đón Tết của Mẹ tôi đã làm cho tôi cảm thấy nôn nao dù chỉ là ở tuổi thiếu niên chưa biết lo lắng. Nhà đông anh em, nhiều con gái, mẹ tôi năm nào vào những ngày cận tết cũng thức khuya may quần áo mới cho lũ con gái chúng tôi mặc, để đón giao thừa mừng năm mới.
Tôi rất thương Ba Mẹ tôi, nhưng mỗi khi nghĩ về ba mẹ, thì hình ảnh của Mẹ tôi lúc nào cũng xuất hiện nhiều trong trí tưởng của tôi hơn là Ba tôi, mặc dầu đối với gia đình khi ba tôi còn sống, tôi luôn là cô con gái được ba tôi cưng chiều nhất. Có lẽ vì hình ảnh tảo tần cực khổ của mẹ tôi đã gần gũi trong tâm tưởng của tôi hơn, nhất là khi tôi đã khôn lớn và có sự hiểu biết.
Dạo còn bé mỗi khi có tiệc tùng của ba tôi với các bác các chú, tôi lúc nào cũng là đứa trẻ duy nhất được có mặt trong buổi tiệc đàn ông đó, và được ngồi trong lòng ba tôi để nghe các câu chuyện về đời hoạt động hay về công việc của các ông, mặc dù khi đó tôi còn bé lắm, chưa đủ trí khôn hay kiến thức để hiểu hoàn toàn những điều ba tôi nói. Nhưng qua những câu chuyện giữa gia đình và qua các lời trao đổi từ họ hàng thân quyến thì ba tôi là một vị sĩ quan thanh liêm, can đảm trong trận mạc, trọng đạo lý, được cấp trên tin tưởng, và cấp dưới kính trọng yêu mến. Sau khi vào Nam năm 1954, ông có nhiều cơ hội tiến thân do sự nâng đỡ của các đàn anh, nhưng ông đều từ chối. Ông chỉ muốn sống một cuộc sống trầm lặng, yên tĩnh, không ganh đua với cuộc đời có nhiều danh, quyền lợi, nhiều thị phi. Hình ảnh tôi có nhiều nhất với ông là những buổi tối được ông dùng quạt nan quạt cho mát để dễ ngủ, hay những buổi sáng được ông lái xe đưa đến quán cóc gần sở ông làm và được ông gọi cho một lát bánh mì với một đĩa xíu mại và thêm ly cà phê sửa nóng nhỏ trước khi đưa tôi tới trường học. Hay là những cuối tuần, tôi được ba tôi dắt lên phố dạo chơi, được ông dắt đi ăn kem Phi Điệp, ăn mì Hải Ký có những đĩa gỏi đu đủ chua chua ngọt ngọt, được thợ chụp cho những tấm hình trên phố tôi mặc bộ đồ thủy thủ tóc cắt cao, ngây thơ nắm tay bố mĩm cười. Hay hình ảnh những người hàng xóm đến nhà, nhờ ba tôi xem cho vết thương của họ hay con cái họ, do bị phỏng hay do bị té. Những lúc đó các anh em tôi đã ngồi chung quanh xem ba tôi làm việc với hàng xóm. Có những vết thương mà ông sẽ mở tủ thuốc tây ở nhà, lấy thuốc ra bôi, hay rắc lên vết thương, băng bó, cho thuốc để uống. Hay có những vết thương, ông chỉ làm sạch chỗ bị thương và rồi hướng dẫn các vị hàng xóm trên nên ra y tá hay bác sĩ hay đến nhà thương để được cứu chữa đúng cách. Tôi rất yêu và gần gũi với hình ảnh ba tôi ân cần giúp đỡ những người hàng xóm và hình ảnh những người được giúp nhìn ba tôi với ánh mắt tôn trọng tin tưởng. Một điều nữa mà tôi được biết sau này khi lớn khôn là bản tính nghiêm nghị, tôn trọng quy củ, hay giúp đỡ người chung quanh của ba tôi là do ảnh hưởng bởi truyền thống gia đình của ba tôi. Ông nội tôi là một vị Lương y và bà nội tôi là một bà Mụ.
Sự thanh liêm của ba tôi tuy nhiên cũng khiến mẹ tôi đôi khi phải phiền toái vì bị ông la rầy. Mẹ tôi kể, ở ngoài Bắc, có một lần những người dân quê nhân ngày Tết đã gánh quà đến nhà ba tôi để chúc Tết. Mẹ tôi không hiểu chuyện nên nhận hết những món mà người dân đem đến tặng. Những món quà trong đó đã bao gồm những gói thuốc lá mà ở bên trong là quấn tiền thay vì thuốc lá mà mẹ tôi vô tình đã không để ý. Khi ba tôi về, nghe câu chuyện và thấy quà tặng ông đã nổi giận lôi đình. Ông ra lịnh cho mẹ tôi và người nhà phải tìm cho ra những người dân làng đem quà đến tặng ông đó để đến gặp ông. Cũng may những người dân quê đó, họ lên thành phố nhân ngày Tết nên vẫn còn dạo chơi ớ các phố xem hàng nên mẹ tôi đã mời họ trở lại nhà tôi để gặp ba tôi. Khi gặp những người dân làng này bố tôi đã yêu cầu những người này phải đem hết các món quà tặng về nếu không ông sẽ bắt họ về tội hối lộ. Ông cho họ biết việc ông đã giải quyết cho họ là vì họ đúng chứ không phải để mong được họ báo đáp hay để nhận quà, vốn là điều ông tối kỵ.
Cũng có một câu chuyện trong nhiều câu chuyện khác mà tôi đã được nghe kể về ba tôi, là đã có lần ba tôi đã đem tính mệnh của ông ra để bảo đảm sự an toàn cho những người dân làng đã bị người Pháp bắt giam vì bị nghi oan hoạt động ủng hộ Việt Minh. Khi những người dân này được thả ra họ đã lôi kéo lại được những người dân đã bỏ trốn do bị Việt Minh tuyên truyền để trở về khu vực tự do. Vì thế ông được người dân trong khu vực rất quý mến, tin tưởng và hợp tác cho nên không có chuyện Việt Minh quấy phá mất an ninh. Tôi yêu ba tôi và chịu ảnh hưởng nhiều bởi những điều ba tôi đã làm.
Có một người chủ gia đình có danh mà không có lợi như ba tôi, quả là mẹ tôi đã thật vất vả trong sự một mình đương đầu, tảo tần gồng gánh lo gia đình từ ngày ở ngoài Bắc cho đến khi di cư vào Nam. Khi tôi khôn lớn ở miền Nam, đã có những đêm tôi thấy mẹ tôi khóc vì nhà gần hết gạo mà tiền thì chưa có để đong gạo mới.
Mẹ tôi là một người hiền đức, như tên của bà: Nguyễn thị Phúc. Khi còn nhỏ, tôi đã từng chứng kiến cảnh mẹ tôi tìm đến nhà người đã quỵt tiền buôn bán của bà, nhưng khi nghe người đó khóc và kể cảnh ngộ khốn cùng, vợ gần sanh, gia đình túng quẫn, thì bà lại xin bãi nại tha tội cho người phạm lỗi cho dù hoàn cảnh gia đình của mẹ tôi lúc đó cũng đang gặp khó khăn tài chánh. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, chung quanh tôi từ những họ hàng thân thuộc đến những người xóm giềng, tôi chỉ nghe những tiếng khen tặng về đức hạnh của mẹ tôi. Mẹ tôi chưa bao giờ từ khước lời yêu cầu được giúp đỡ của một ai, cho dù bản thân bà cũng không giầu có gì mà chỉ là một người phụ nữ khiêm nhượng, bình thường trong cuộc sống. Bà chỉ nhờ quen biết nhiều và có nhiều người có danh quyền, có tài chánh, sẳn lòng giúp đỡ bà. Tôi không bao giờ quên được nụ cười của mẹ tôi khi bà nói: “Giúp được người thì nên giúp” và “Trời sinh voi thì trời sinh cỏ.”
Ký ức tôi đầy ắp những khó khăn của gia đình nhưng cũng có nhiều điều đáng nhớ vì may mắn bất ngờ. Mỗi lần gặp những bế tắc tưởng không có cách nào giải quyết thi lại bỗng nhiên có người xuất hiện để giúp đỡ. Mà người xưa gọi là quý nhân phù trợ. Tôi không có cách nào giải thích ngoài sự nghĩ rằng có lẽ nhờ vào phúc đức của ông bà và của bản thân phụ mẫu, mà gia đình ba mẹ tôi đã luôn vượt qua những khó khăn nghịch cảnh để nuôi nấng anh chị em chúng tôi mười một người có thể lớn lên đủ sức đương cự với cuộc đời đầy sóng gió.
Ngày xuân trong căn nhà nhỏ bé, nhìn vào cái bàn thờ với hoa trái thực phẩm đơn giản mừng xuân đón tết và tưởng nhớ ông bà, tôi không khỏi cảm tạ công sinh dưỡng của bố mẹ và tự hứa sẽ tiếp tục đem tình thương yêu và cách sống có đạo lý đến dậy dỗ cho các con luôn đối xử với những người chung quanh bằng trọn tấm lòng.
Đầu Xuân Kỷ Hợi 10 tháng 2, năm 2019
Tuệ Vân