Lần đầu tiên tôi biết về đạo Công giáo là qua một câu chuyện tiếu lâm, được nghe lúc ngồi hóng chuyện người lớn, thời Pháp thuộc, cách đây trên nửa thế kỷ, lúc dưới 10 tuổi. Chuyện kể rằng có ông cố đạo người Tây, mắt xanh mũi lõ, râu xồm quai nón, người to lớn mập mạp, đi về làng nọ. Lũ trẻ con thấy lạ chạy theo xem, chỉ chỏ. Bỗng có đứa nói lớn “ông cố đạo không có mồm!”. Nào ngờ ông cố đạo biết nói tiếng Việt. Mới đưa hai tay lên vén râu xồm ra cho thấy miệng ông và mắng lớn lũ trẻ “Không có mồm thì là …cái của mẹ chúng mày đây à?” Lũ trẻ con hoảng hồn chạy tán loạn. Lần thứ hai biết người đi đạo là lúc gia đình chạy loạn về quê, tá túc ít ngày trong một nhà người Công giáo ở Điền Hộ gần vùng Bùi Chu Phát Diệm. Thấy gia đình rất tử tế, 5 giờ sáng cả nhà đã thức dậy ra nhà thờ đi lễ, đến chiều lại ra nhà thờ cầu nguyện, buổi tối trước khi đi ngủ lại ời ợi đọc kinh nhiều lần. Và hầu như nói gì cũng bắt đầu đại khái bằng mấy chữ Jesus Maria lậy chúa tôi. Lần thứ ba cá nhân tôi đi nhà thờ là lúc học lớp nhất ở Hà nội, có người bạn thân cùng lớp đi đạo, con nhà kể là khá giả mà tôi phục lắm. Bởi vì anh ta đã được ăn trong khách sạn Phú Gia to nhất ở ngay bờ Hồ Hoàn Kiếm và được ăn “súp công sô mê“rất ngon trong khi tôi chỉ là một đứa nhà quê mới ra tỉnh, không biết súp là gì, và ba chữ “công sôm mê” lại càng lạ. Người bạn này có lần chủ nhật rủ tôi đi nhà thờ. Tôi đi theo cho biết. Vào qua cửa, nhìn lên thấy nhà thờ cao rộng, cửa sổ kính mầu rực rỡ, không khí âm u, phía cuối là bàn thờ đèn nến sáng choang. Mọi người dừng lại ở cửa chờ đến lượt cho tay vào chấm nước thánh khụy chân xuống và bôi lên trán. Bạn tôi cũng làm như vậy. Tuy trong đầu còn đang có câu hỏi nước là nước gì và tại sao gọi là nước thánh, hiệu quả ra sao nhưng tôi vẫn bối rối làm theo và thấy xấu hổ trong lòng vì không biết khụy chân nào cho phải. May mà không ai để ý. Rồi cứ thế theo anh bạn tôi đi vào trong nhà thờ, đứng trong đám đông bổn đạo. Bỗng một tiếng chuông lớn vang lên lôi tôi vào cái không khí thành kính của bổn đạo và líu ríu bắt chước bạn tôi quỳ xuống hàng ghế trong nhà thờ.
Hoàn cảnh sống khiến tôi tiếp tục có những liên lạc giao tiếp với những thầy giòng, những linh mục đáng kính nể. Được cho đọc thánh kinh và biết về đức Mẹ đồng trinh. Tôi phục nhất là lời giải thích tại sao đức Mẹ đồng trinh mặc dầu rằng đã sinh ra con là chúa Jesus, khi đức Mẹ được ví von như tấm kính và ánh sáng mặt trời xuyên qua không làm gì hư hại, là ân sủng của Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ thụ thai và sinh chúa Jesu. Tôi suýt nữa đã xin rửa tội vì những lời tốt đẹp về đạo, về lòng thương người vô bờ bến của đức Chúa, sẵn lòng tha thứ cho mọi tội lỗi con người. Dù rằng phạm tội nhiều lần, miễn là phạm tội xong thì xưng tội và xin chừa. Tôi đã hỏi một vị thầy dòng tôi quý nể rằng nếu biết thế, tôi cứ làm xấu hoài và chờ trước khi chết mới xin rửa tội thì có được tha không. Thầy trả lời “được”. Và còn nói thêm để thuyết phục tôi rằng không phải ai cũng có thể biết trước lúc nào chết để mà xin rửa tội cho kịp.Thế là tôi quyết định không rửa tội vì cái sự bất công không giải thích được ở trong đầu tôi là tha tội ngay cho kẻ trọng phạm. Ngoài ra cái đầu óc hay phân tích và xoi xét thực tế của tôi còn có nhiều câu hỏi về chúa để mà không tin. Thí dụ như chúa Jesus là người Do Thái thì làm gì mà biết đến vô số người châu Phi châu Á để mà hiểu ngôn ngữ của những lời cầu lời xin của vô số các dân tộc khác nhau này mà gọi là để thương xót cứu giúp. Tóm lại, tôi đã nghĩ rằng tôn giáo chỉ do chính con người tạo ra để giải thích những điều huyền bí không giải thích được, Vì thế, Người Đông Á thì có đạo Khổng đạo Lão đạo Phật. Người Nam Á, Trung Á thì có đạo Hồi, đạo Ấn độ…vân vân
Nói khác đi thì tôi có tâm thức của một người Việt nam đi lương, chịu ảnh hưởng của tam giáo Khổng Lão Phật kết hợp với tình yêu đất nước biểu lộ ra bằng sự thờ phụng tôn vinh anh hùng dân tộc. Cái tâm thức “đi lương” này hàm tính dung chứa, không mang tính cuồng tín độc thần của Hồi giáo hay các tôn giáo Do Thái và Thiên chúa giáo Tây phương hay Cộng sản giáo Mác Lê.
Cái tính chất đi lương dung chứa này khá là phổ quát. Vi thế, vào dịp Noei cuối năm, nhiều người Việt Nam dù không đi đạo cũng đã gửi thiệp giáng sinh cho nhau những lời chúc tốt lành
“Một GIÁNG SINH vui tươi, đầm ấm và đầy ý nghĩa
Một NĂM MỚI An khang, Hạnh Phúc và May Mắn”.
Hay là nhận được những email ghi lại những chuyện tình giáng sinh với lời người bạn xưa, không đi đạo, kèm theo rằng
“Để nhớ Những Đêm Giáng Sinh đông nghẹt ở Nhà Thờ Đức Bà tại Saigon trước 1975 ...
Những Mùa Giáng Sinh tuổi học trò”.
hay là những bài nhạc tình giáng sinh:
“Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường.
Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu.
Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh vang cầu.
Nhìn nhau không nói nên câu
vì biết nói nhau gì đâu”.
Nhưng có một lần đã lâu, lúc sang Mỹ du học tôi đã bị “quê” vì cái tinh thần đi lương gửi thiệp giáng sinh cho một đồng nghiệp Mỹ tôi không biết là gốc Do Thái. Và không biết rằng người Do Thái không tin chúa Jesus, mà chỉ tin chúa Trời nguyên thủy Do Thái. Lúc đó tôi cũng không biết nhiều người Do Thái tích cực vô thần, chưa kể rằng là chống đạo Chúa Jesus. Tôi không biết điều này cho tới một hôm sau chuyến nghỉ hè người bạn Mỹ Do Thái này du lịch sang Ý về, tôi hỏi thăm có đi Vatican và có dịp dự thánh lễ của Giáo hoàng ở công trường Thánh Peter ở Vatican hay không. Thì anh trả lời có. Và từ tốn thêm rằng, lúc đó anh bỏ tay vào túi quần, kèm theo nụ cười hóm hỉnh. Mãi về sau này khi sang sống ở Mỹ sau chuyến vượt biển suýt chết, vì không chấp nhận chế độ bạo ngược Việt cộng, tôi mới có dịp đọc trên báo chí Mỹ những bài viết bài bác chuyện nhạc giáng sinh liên tục trong các khu thương mại dịp Giáng Sinh và chống việc cảnh chúa Jesus nằm trong máng cỏ bầy trên các công trường trước các Công sở. Với luận điệu mà tôi đã được nghe quản giáo VC nói vào dịp lễ giáng sinh đầu tiên trong trại cải tạo tập trung, là các anh có quyền mừng lễ nửa đêm giáng sinh, nhưng không được ồn ào vì còn nhiều người không tin chúa cần được yên lặng nghỉ ngơi để hôm sau lao động.
Ngày nay ngẫm lại chuyện tiếu lâm ông cố đạo Tây rậm râu không có miệng thời Pháp thuộc và cái tâm thức đi lương dễ dãi dung chứa của người Việt, và các yêu cầu đấu tranh chống bạo lực ngoại xâm của người Việt, tôi hiẻu thêm được rằng nếu người Việt mà có những biểu hiện chống tôn giáo thì chỉ là bởi vì tôn giáo trong nhiều trường hợp đã bị sử dụng bởi các thế lực ngoại bang và phi dân tộc, mà VC là một - trong âm mưu khống chế, khuất phục người Việt. Đó là một lý do của sự bùng nổ phát triển số chùa và số sư sãi ở trong nước cũng như ở hải ngoại, khai thác tinh thần dễ dàng nói chung của người Việt cho rằng cứ đầu trọc, áo vàng hay áo xám và ê a tụng kinh gõ mõ thì là sư là sãi, nói gì cũng nghe. Nhìn ở một góc ít lạc quan hơn, tiêu cực hơn, nghĩa là coi sự đóng góp của cải công sức vào chùa của những kẻ có tiền có thì giờ chỉ là một cách “hối lộ Phật” bằng chùa to tượng lớn để được lên niết bàn sau khi chết, hay để được tha tội tàn ác vô nhân cướp đoạt tài sản đồng loại, người ta có thể giải thích được hiện tượng những kẻ hành nghề sư thất bại, như trường hợp chùa Linh sơn có nguy cơ bị siết nợ ở Melbourne Úc châu.
Tôn giáo đã là địa chỉ người ta tìm đến để được an ủi khi thất bại hay để cầu xin thành công, tùy trường hợp, do đó Karl Marx đã viết “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Và những người CS đã khai thác câu này để đàn áp tôn giáo trong quá khứ. Nhưng tôn giáo cũng là phương tiện hiệu quả để kìm kẹp nhân dân, và hiện nay VC đã dùng tôn giáo như vậy qua các tổ chức tôn giáo mà chủ trì là những kẻ đã được mua chuộc hay là những cán bộ được huấn luyện để lôi kéo dân chúng bằng dụ dỗ và khai thác cảm tính. Chính sách này chỉ thành công khi con người không tin ở chính mình, ở chính khả năng của mình nữa. Và chỉ thành công nếu khẳng định dân tộc và đạo pháp găn liền là đúng. Cũng may rằng đó chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền của một giai đoạn, vì tâm thức “đi lương” của người Việt dễ dàng dung dị mà không bị trói vào một đạo như ý thức tín đồ du nhập từ Tây phương.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 25 tháng 12/2019