Tin 39 người Việt nhập lậu vào nước Anh chết ngạt trong xe thùng vận tải có máy đông lạnh khám phá ra ở vùng Essex phía Nam London ngày 23 tháng 10 đã làm dư luận Anh bàng hoàng. Nhất là khi trong số người chết có cô gái trẻ Phạm thị Trà My xinh sắn, với những lời nhắn gửi cuối cùng cho bố mẹ:
Các giới chức thẩm quyền ngay lập tức khẳng định sẽ điều tra cho ra tội phạm. Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhân viên cảnh sát địa hạt Essex cũng như người dân địa phương đã đến hiện trường, đặt hoa thắp nến, tưởng niệm cái chết của các nạn nhân và ra lệnh cho treo cờ rũ để chia buồn với gia đình các nạn nhân.
Về phía nhà nước Việt Nam, chờ đến ngày thứ 10, khi cảnh sát Anh ngày 2 tháng 11/19 chính thức xác nhận các người chết là VN Lê Thị Thu Hằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Nội mới lên tiếng: “Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này.” Kèm theo những ngôn từ khoe khoang thành tích tưởng tượng không thể kiểm chứng, là: “Ngay từ đầu vụ việc, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp trực tiếp với các cơ quan chức năng, các địa phương Việt Nam và Anh, cung cấp thông tin liên quan từ Việt Nam để hỗ trợ xác nhận quốc tịch nạn nhân, mở đường dây nóng, tiếp nhận thông tin và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã chuyển kết quả nhận dạng nạn nhân từ cảnh sát Anh cho các cơ quan chức năng Việt Nam để kiểm tra chéo”.
Lê thị Thu Hằng còn nói: ''Lên án mạnh mẽ các hành vi mua, bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua, bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự."
Người biết chuyện mà có suy nghĩ một chút thì hiểu ngay rằng phát biểu như vậy chỉ là hùa theo dư luận chung chung cho suôi. Bởi vì thực chất, đây không phải là một vụ buôn bán người mà chỉ là một vụ chở người nhập cảnh lậu vào Anh quốc. Nếu muốn nói đến buôn bán người thì phải kể ra dịch vụ quảng cáo bán vợ cho dân Singapore bằng tiếng Tầu và tiếng Anh, bảo đảm còn trinh, giá vài ngàn đô la, không đúng trả lại và sẽ thay thế. Hay là phải nói đến những màn tuyển vợ được tổ chức công khai trong nước cho các người Tầu, người Hàn quốc vân vân có tiền, mà các cô gái muốn dự phải khỏa thân lên sân khấu để những người cần mua xem xét ngắm nghía chọn lựa,.
39 người ra đi không may này tất cả đều là tự nguyện, bỏ tiền ra mấy chục ngàn bảng Anh để đi, không phải là bị ai ép buộc haylà bị mua đi bán lại. Những vụ di cư lậu này đã có từ lâu dưới chế độ VC. Hành trình qua nhiều chặng khác nhau, từ Việt Nam qua Trung quốc, Nga và các nước Âu châu, với giá từ 15 ngàn đô la đến 50,000 đô la, mà điểm đến là Anh quốc. Công việc không bảo đảm có sẵn. Đa số đi trồng cần sa hay làm móng, là hai nghề không đòi hỏi hiểu biết kỹ thuật và ngôn ngữ nhiều. Nói cụ thể thì những người ra đi đều gia đình khá giả để có thể vay tiền ngân hàng, hay cầm thế nhà đất để trả tiền chuyến đi.
Phạm Thị Trà My có em là Phạm Mạnh Cường làm dư luận viên nhà nước, là tay ăn nhậu nổi tiếng, biết uống rượu Tây, biết hút xì gà, có hình ảnh trên facebook, Trà My từng đi làm ở Nhật, có dịp đi Mỹ chụp hình dưới tượng Nữ thần Tự do ở New York. Chuyến đi Ăng Lê không hiểu là du lịch hay là đi làm trại cần sa hay móng tay, nhưng không may lại là chuyến đi cuối cùng của cô gái.
So sánh thái độ giới chức hai chính quyền, người ta thấy sự khác biệt trong tính nhân văn của hai xã hội. Một bên là cung cách đối xử bình thường của một nước Anh tự do ổn định với những con người có đủ thì giờ thoải mái để mà chia xẻ tình cảm trước những sự việc xẩy ra chung quanh, Một bên là đất nước Việt Nam, với một chính quyền độc tài thối rữa, đầy những trớ trêu nghịch cảnh, thường xuyên được mô tả giài thích theo quy luật lưỡi gỗ, Mà mục tiêu tối hậu chỉ là bênh vực, đề cao chế độ bất chấp thực tế.
Báo Nhân Dân online, tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 1/11 lên tiếng chỉ trích thái độ cộng đồng hải ngoại, với bài nhận định “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”. Xin trích dẫn một đoạn: “Trong khi các nạn nhân chưa được nhận dạng chính thức, chính quyền nước Anh và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực để xác thực về danh tính các nạn nhân, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước đón nhận thông tin một cách thận trọng, có lý có tình, thì một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam.” Bài báo còn ngụy luận về tình trạng di dân ở một số nước không nêu tên, không nghèo đói, để phủi trách nhiệm của chế độ trong chuyện người Việt Nam bỏ nước di cư. Như sau: “Nước có tỷ lệ người di cư trên dân số cao nhất ở châu Á không phải Việt Nam, không phải Trung Quốc, thậm chí không phải Ấn Độ hay Phi-líp-pin, mà là một nước phát triển có thu nhập bình quân theo đầu người trên 30 nghìn USD. Lý do vì đâu? Vì áp lực cạnh tranh cao, vì phải làm việc 70 giờ/tuần, vì thực phẩm, dịch vụ đắt như vàng cốm, và hỡi ôi, vì chật…(?) Nên lý do di cư là cực kỳ đa dạng, nhiều khi rất trời ơi, phụ thuộc vào nhu cầu kinh tế, mưu sinh của từng hoàn cảnh người, chẳng liên quan gì đến đất nước. Tranh thủ sự vụ để bôi xấu nước mình như là địa ngục trần gian thì chỉ thể hiện sự yếm thế, thiếu hiểu biết mà thôi”.
Nhưng đáng nói hơn cả trong chuyên này là tở báo Tuổi Trẻ thuộc “lề phải, giòng chính”. Đưa ra luận cứ là: “thảm kịch 39 người nhập cư trái phép chết ở Anh không phải là trách nhiệm của chính phủ Việt Nam, cũng không phải từ gia đình họ, hay từ bọn buôn người mà là do “chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu” bởi vì việc người dân di cư từ nước này sang nước khác vốn là điều bình thường vẫn xảy ra ở các nước. Bài báo viết: “Chính việc ngăn trở mong muốn đó một cách bất hợp lý là gốc rễ của những bi kịch như ở Essex. Khi người ta không thể ra đi theo dòng chảy tự nhiên của nhu cầu lao động và thị trường một cách hợp pháp, đó sẽ là nơi các băng đảng buôn người lấp vào chỗ trống.” Và, “Những cái chết ở Essex không phải là tai nạn hay chỉ diễn ra một lần. Chúng là sản phẩm trước hết của một nền chính trị và chính sách nhập cư phi nhân tính hóa, và đối xử với con người và việc họ di cư (một quyền cơ bản) như những trục trặc xã hội.
Là văn công của nhà nước, thì viết bài phủi trách nhiệm cho nhà nước chỉ là chuyện phải làm, tương tự như công việc của những kẻ chửi thuê mắng mướn để kiếm sống. Nhưng mà sự cường điệu trong đoạn văn bất thành cú ở trên, kết tội chính sách chính trị và di trú của Anh là gốc rễ của 39 cái chết khám phá ra ở Essex, thì không khỏi làm cho người ta lắc đầu ngao ngán cho hiểu biết và nhận thức của những cây viết đào tạo bởi chế độ “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Những người nhạy cảm hơn thì phải “ghìm cơn mửa”, như một nhà bất đồng thời “cởi trói” Nguyễn Văn Linh đã than, trước tình trạng gian trá vô liêm sỉ tràn đầy chung quanh.
Bỏ sang bên mọi bàn tán cảm tính và chính trị thiên lệch, nhìn toàn cảnh tình hình Việt Nam từ sau khi VC chiếm được Việt Nam Cộng hòa, có thể nói rằng đã xẩy ra hai cuộc vượt thoát bỏ nước ra đi, Một là sau biến cô tháng 4/75, trong giai đoạn hậu bán thập niên 1970 tiền bán thập niên 1980. Những người ra đi này tuyệt đại đa số là những thuyền nhân, liều mình bỏ nước trên những chiếc thuyền mong manh, hy vọng lọt qua lửa đạn của những đơn vị công an quân đội biên phòng, sống sót bão tố và thoát tay hải tặc để tới những nước lân cận như Thái Lan, Mã lai Á, Phi luật Tân hay là Hồng Kong, vì thà chết tự do còn hơn sống không ra sống dưới sự trấn áp của chế độ chuyên chính vô sản VC. Từ đó cộng đồng hải ngoại hình thành, với lập trường chính trị rõ ràng, Hai là những người ra đi lai rai tiếp theo từ nửa sau 1980 tới nay, chủ yếu vì lý do kinh tế, chính thức, bán chính thức và đi chui đủ cách. Những người ra đi vì lý do kinh tế này thành phần phức tạp: một số nhỏ là những người giàu có lên hay đủ ăn đủ mặc từ sau khi VC biến thái, nhưng không tin tưởng ở chế độ và tương lai đất nước dưới chế độ. Môt số khác là nghèo đói nhưng có gia đình vượt biên từ trước, đời sống ổn định, bảo lãnh cho đoàn tụ. Một số là những cựu quân nhân VNCH được VC cho sang Mỹ vì mục tiêu nhân đạo, gọi là HO, qua ký kết từ thời tổng thống Reagan để được đổi lấy vị trí “không còn là thù nhưng chưa phải là bạn”. Một số khác nữa là lấy vợ lấy chồng ở ngoại quốc. Một số khác thì lầm lũi tan hàng tương tự như những người theo chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân công cán Nam Hàn mới đây.
Tuy nhà nước, qua phát ngôn viên và qua phương tiện truyền thông, thường trực phủi tay trốn trách nhiệm mọi sai trái, nhưng sau gần nửa thế kỷ độc quyền cai trị đất nước, với mọi khoe khoang thường trực thành tích, mà hiện tượng bỏ thoát ra khỏi đất nước tiếp diễn đủ cách, trong đó có những hình thái cực kỳ nguy hiểm tới mất mạng, và gồm không ít những thành phần đại gia, quyền thế thì rõ ràng là cần xét lại sự lãnh đạo của chế độ. Người bình dân chỉ đơn giản nói là: “đảng và nhà nước phải cút đi, trả lại quyền làm chủ đất nước cho dân!”
Tuệ Vân
(ngày 11 tháng 7/2019)