Ngày 8 tháng 11/2019, sư tranh đấu Thích Trí Quang từ trần. Đài BBC tiếng Việt đã cho chạy một bài có thể kể là điếu văn của Cao Huy Thuần, một trí thức thiên cộng sống ở Pháp. Mở đầu là “Thầy tôi, Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, vừa thị tịch hôm qua, 8/11/2019. Di huấn để lại: không bàn thờ, không bát nhang, không báo tang, không phúng điếu, không vòng hoa, không đưa đám. Tôi chỉ xin phép Thầy thắp một nén nhang tưởng niệm”. Bài viết dài trên 5000 chữ ngoài sự ca tụng đề cao là những hình ảnh và tóm lược thành tích của người chết. Trò ca tụng thầy là thường, nhất là khi trò nhận thầy là người “khai sinh mở đạo” cho mình như trường hợp Cao huy Thuần. Nhưng đối với người Việt nói chung đại đa số là “đi lương” nghĩa là thờ cúng tổ tiên, và tôn kính Trời Phật một cách không cuồng tín, không nhắm mắt tin rằng cái áo làm nên thầy tăng, thì Thích Trí Quang chỉ là một người đầu trọc áo cà sa, nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam với những động thái chính trị trái nghịch khó hiểu, mà dân thường không đoán được là cán bộ VC hay là nhân viên CIA ( tức là trung ương tình báo Mỹ). Có thắc mắc như vậy vì tuy ông là lãnh tụ Phật giáo đấu tranh quyết liệt, nhưng lại được cho vào tòa đại sứ Mỹ ở Sài gòn tị nạn, khi chính phủ Ngô đình Diệm truy nã.
Tang lễ của TTQ đã được nhà nước VC cử hành một cách quy mô trọng thể, với đông đảo sư mô tham dự mặc dầu lời TTQ để lại là không đưa đám theo như Cao huy Thuần viết. Diễn tiến đám táng được máy bay thu hình từ trên cao để làm phóng sự truyền đi rộng rãi. Người ta biết rằng VC có thể dùng, hay ca tụng, những thân hào nhân sĩ và trí thức mà Lenin gọi chung là thành phần “ngu xuẩn hữu ích”, nhưng không dễ dàng phủ lên những hào quang rực rỡ lúc chết. Sự kiện này cho thấy TTQ có công lớn với chế độ VC.
Để hiểu rõ ngọn ngành tự sự và rút kinh nghiệm, tưởng nên nhắc lại vắn tắt hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Giáo hội được thành lập tháng 1/1964, tức là hai tháng sau khi ông Ngô đình Diệm bị lật đổ, sau những thảo luận giữa 13 tổ chức Phật giáo toàn miền Nam lúc đó. Lãnh đạo gồm: hòa thượng Thích Tịnh Khiết, là tăng thống; tổng thư ký viện tăng thống là thượng tọa Thích Trí Quang, ở chùa Ấn Quang được chọn là nơi sinh hoạt giáo hội; viện trưởng viện hóa đạo, là thượng tọa Thích Tâm Châu ở chùa Từ Quang. Tuy ở tư thế điều hành hàng giáo phẩm nhưng Thích Trí Quang không hài lòng vì không chính thức ở vị trí điều động được quần chúng Phật tử như viện trưởng viện hóa đạo. Thực tế thì Trí Quang nắm chắc những tăng ni ở chùa Ấn Quang và Phật tử ở Huế, do gốc gác ở chùa Từ Đàm mà như Cao huy Thuần nói ra là “nơi đã khởi đầu và tạo nội dung, hình hài, ngọn lửa cho cuộc tranh đấu Phật giáo”.
Phải nhắc lại cho rõ rằng một nguyên nhân quan trọng của cuộc đảo chánh ông Diệm, là cuộc đấu tranh Phật giáo, bắt đầu từ vụ 8 người bị chết trong cuộc biểu tình của Phật tử trước đài Phát thanh Huế ngày 8 tháng 5/1963.
Sau khi ông Diệm bị lật đổ, nghĩa là sau khi chính sách biệt đãi Công giáo kỳ thị Phật giáo chấm dứt, Thích Trí Quang còn viết cho tờ báo Lập Trường ngày 23 tháng 5/1964 của nhóm sinh viên thiên Cộng Cao Huy Thuần, trong “Thư về Huế”, nhân dịp giỗ đầu những người bị chết trong cuộc biểu tình trước đài phát thanh Huế ngày Phật đản 1963. Rằng "Tôi, cho đến bây giờ, vẫn không sao nguôi ngoai được tâm trạng của một người nhìn thấy đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường, xương thịt máu huyết của những kẻ thân yêu mới cười nói với mình trước đó không quá 10 phút! Biết bao giờ, hay sẽ không bao giờ, con người bớt tàn bạo, biết xấu hổ vì tội ác của mình, để con người đừng kinh hãi vì con người". Đọc đoạn này, người ta biết rằng TTQ ở trong đám biểu tình vì đã nói chuyện với những người trong đám biểu tình bị chết.
Sự khích động căm thù, không cần có, hiển lộ rõ ràng trong mấy giòng này, và theo kiểu tuyên truyền VC như hình ảnh đứa bé “bò lên vú mẹ bú giòng máu tươi” vì người mẹ đã bị trúng đạn địch vào ngực mà chết. Bởi vì người dân miền Nam biết rằng không thể có chuyện “đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường” như TTQ nói, vì ai cũng biết là người chết, vì bom đạn hay tai nạn, ở các thành phố miền Nam thì đều có xe cứu thương tới chở mang đi.
Trong cái tình hình chính trị bất ổn sau khi đảo chính ông Diệm, vì các tướng tá tranh đoạt quyền hành, nhóm thiên cộng Cao huy Thuần với tờ Lập Trường, cho ra đời Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ở Huế, và tiếp theo lẻ tẻ ở một vài nơi khác miền Trung, mà Cao huy Thuần gọi là “tự động đẻ, tự phát, tự phất”. Nhưng thực chất thì người ta dư hiểu rằng là được khuyến khích thúc đẩy ngầm và bởi bài khích động của TTQ trên tờ Lâp Trường, mà chính Cao huy Thuần cho hiểu trong bài điếu văn. Cho nên miền Trung, khởi đầu từ Huế với TTQ, dần dần trở thành một vùng chính trị ly khai, vì sự do dự thời cơ của một số chỉ huy quân đội và dân sự dưới áp lực hay hùa theo Phật Giáo TTQ.
Trong khi tình hình chiến sự sôi động vì các áp lực quân sự VC, thì TTQ đòi chấm dứt chiến tranh, và bầu cử quốc hội lập hiến. Yêu cầu này có nghĩa đầu hàng VC nên không thể được chấp nhận. Thủy quân lục chiến được gửi ra giải quyết tình trạng ly khai này. TTQ phản ứng lại bằng cách ra lệnh cho quần chúng Phật tử cuồng tín mang bàn thờ ra đường cản lối. Chuyện đem tượng Phật ngăn đường này chẳng có tác dụng gì đối với những quân nhân chỉ biết tuân lệnh tiến lên chiếm lại vùng mất kiểm soát, dẹp bỏ hay không bàn thờ tùy trường hợp. Đối với đa số quần chúng, phản ứng này như một trò hề. Kết quả là TTQ bị bắt về Sải gòn. Cao Huy Thuần kể rằng TTQ tuyệt thực không ăn không uống 100 ngày, và thực hiện theo hai nguyên tắc mà TTQ nêu ra với Cao Huy Thuần, là:
“Một là phải có một tâm thức thanh thản, không buồn, không giận, không cầu hồ gì. Không cầu chết cũng không sợ chết, tiếp cận hoàn toàn với đức hỷ xả của Phật. Hai là tuyệt đối không ăn, dĩ nhiên, cũng không uống, không chích bất cứ thứ gì".
Chỉ có những kẻ cuồng tín mới nghe lọt tai. Bởi không ai sống nổi 100 ngày không có nước. Thực sự là TTQ ở dưỡng đường Duy Tân của bác sĩ Nguyễn Duy Tài, được sang nước biển, và thuốc bổ. Sau 1968 thì TTQ lặn và sau 30 tháng 4/1975 thì hoàn toàn yên. Chỉ còn có băng âm thanh của TTQ đọc “Công phu khuya” buổi tối được truyền đi trong dúm đệ tử trung thành.
Nhìn lại các sự kiện như vậy thì ai cũng thấy rằng Trí Quang là một cán bộ VC sảo quyệt, mà tướng tinh đã được đệ tử Cao Huy Thuần chỉ ra rõ ràng, để ca tụng. Là “Mắt Thầy sáng quắc, dữ. Sau 1963, quần chúng thần tượng hóa lãnh tụ, kháo nhau "mắt Thầy có điện". Cặp mắt ấy quyến rũ tôi ngay từ phút đầu, không phải vì "có điện" mà vì nó trở nên hiền hòa ngay khi Thầy cười. Hai con mắt Thầy cùng cười với miệng, cái dữ biến đi đâu mất”. Và chỉ suy nghĩ thêm một chút thì phải thấy rằng tiếng vậy, nhưng Thích Trí Quang quá lắm là khuấy đảo được tình hình chính trị Việt Nam Cộng hòa, mà đặc biệt là tại Huế với vài tỉnh miền Trung, nhưng thật ra không làm sụp đổ miền Nam, nếu nhìn lại toàn cảnh. Một cách khách quan thì phải nói rằng sự sụp đổ miền Nam là có nhiều nguyên cớ, mà các chính trị gia cũng như các nhà lãnh đạo chính quyền phải chịu trách nhiệm.
Có người đã cho rằng nếu không có đàn áp Phật giáo thì ông Diệm không sụp đổ . Ông Diệm không sụp đổ thì miền Nam không rơi vào tay CS mà sẽ phát triển mạnh. Nói thế vì không biết rõ vụ gọi là đàn áp Phật giáo nhân ngày Phật đản 1963 ở đài phát thanh Huế ra sao. Chi tiết về vụ chết người này được mô tả khác nhau, không thống nhất. Và cũng không ai để ý chi tiết là lúc đó tin truyền miệng đi trong giới Phật tử Huế là nhân ngày Phật đản, thượng tọa TTQ sẽ đọc một bài diễn văn trên đài phát thanh về chính sách đối xử với Phật giáo của ông Diệm. Vì không có bài diễn văn truyền đi nên Phật tử được khích động đến đài phát thanh hỏi nguyên do, và chúng ta biết là có TTQ trong đó, tức là dẫn đạo. Do đó mới sinh ra biểu tình. Rõ ràng là một việc làm có dụng ý tạo rối loạn, mà đầu mối là TTQ trên đám Phật tử. Lý do làm chết người thì thông thường là bị đạn bắn, nếu do lực lượng giải tán là an ninh cảnh sát, nhưng tin có loan đi là do chất nổ plastic. Và như thế thì rất có thể là do VC dùng để khủng bố gây rối loạn. Về sau này, còn có giả thuyết là chất nổ do tình báo Mỹ dùng để gia tăng bất mãn với chinh phủ ông Diệm nhằm tạo điều kiện tâm lý quần chúng thuận lợi cho việc đảo chánh ông Diệm mà bây giờ người ta biết rõ là Mỹ chủ trương.
Luận cứ cho rằng ông Diệm không bị lật đổ thì miền Nam vững mạnh thêm và không mất vào tay CS cũng không hẳn đúng. Bởi vì ông Diệm tuy đã làm cho miền Nam ổn định và phát triển nhanh chóng, nhưng có những sai lầm chính sách quan trọng trong lãnh vực tôn giáo. Chính sách này tuy không thể gọi là chính sách đàn áp Phật giáo, nhưng phân biệt đối xử, biệt đãi Công giáo thì là điều rõ ràng. Nhiều người biết thời đó mọi người được khuyến khích theo Công giáo, ít ra là để giữ chức hay lên chức. Vì thế, lúc đó nẩy ra mấy chữ có tính cách coi thường là “thành phần đạo theo”. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì ông Diệm là người sùng đạo trong một gia đình đạo gốc. Tự đáy lòng ông tin rằng muốn chống VC hiệu quả thì chỉ có Công giáo. Bởi vì Công giáo là đạo có tổ chức, có tín đồ đủ niềm tin mạnh mẽ, sẵn sàng chết vì đạo để chống CS vô thần. Phật giáo thì không có tổ chức, và tuy có những tăng ni chống Cộng, nhưng có thể có CS trà trộn đóng vai sư sãi. Và thực tế là có phần như thế.
Ngoài ra thì tuy việc hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu là do TTQ chủ trương, như đã nói với Cao huy Thuần, và hình ảnh trên các phim truyền đi cũng cho thấy có người đổ săng vào TQĐ để đốt, chứ không phải chính TQĐ châm lửa. Nhưng quần chúng chẳng ai để ý đến chi tiết này mà chỉ xúc động vì một nhà sư tự thiêu. Tình hình đã trở thành tồi tệ hơn vì những tuyên bố phi chính trị tạo khó chịu của bà Nhu trong chuyến đi sang Mỹ gọi là “giải độc”, khi gọi chuyện này là “barbecue”, tức là “nướng thịt”.
Hơn nữa còn có những toan tính tranh giành quyền lực của giới chính trị đảng phái, thường trực chỉ trích ông Diệm là gia đình trị. Không mấy ai bình tĩnh mà nghĩ rằng người cầm quyền có toàn quyền chọn lựa nhân sự tin cẩn để dùng. Và không có luật nào cấm kỵ dùng người trong gia đình. Những tranh giành quyền lực này đã biểu hiện ra bằng vụ ném bom dinh Độc lập ( năm 1962) bởi Nguyễn Văn Cử là Đại Việt quốc dân đảng và Phạm phú Quốc là bạn của Cử bị Nguyễn văn Cử lôi kéo, khiến bà Nhu bị thương nhẹ. Trước đó là vụ đảo chính thất bại 11/11/1960 do Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng và Nguyễn chánh Thi thực hiện. Ngoài Nguyễn Triệu Hồng bị trúng đạn chết trong cuộc đảo chính, Vương Văn Đông và Nguyễn chánh Thi trốn sang Cao mên. Muốn cho đầy đủ thì còn phải kể đến những tham vọng quyền lực cũng như những hiềm khích cá nhân dẫn đến những đồn thổi tiêu cực về chính phủ ông Diệm và ông Nhu, bà Nhu. Bắt nguồn từ việc ông Diệm khi bắt đầu làm thủ tướng chỉ có một mình và một số các nhân vật thân cận đếm trên đầu ngón tay, một lực lượng quân sự là Bảo an đoàn chẳng có mấy ngoe, và một số cha xứ trông coi các vùng dân Công giáo di cư. Vi nhu cầu củng cố quyền hành ông Diệm đã phải loại bỏ sự chống đối của nhiều nhân vật giáo phái do Tây lập ra, những tướng tá ít nhiều trung thành với Pháp và cả một hệ thống quan liêu phong kiến của Tây xử dụng để cai trị Sài gòn và miền Nam. Nhìn ra như vậy, thì phải thấy cái khó của ông Diệm ban đầu và hiểu được chính sách biệt đãi Công giáo tiếp theo của ông. Nó đã giúp ông thành công giai đoạn nhưng cũng đã làm ông thất bại. Ông Diệm ra đi có thể là hơi sớm và đáng tiếc, nhưng miền Nam xuống dốc chính là vì những người tiếp nối trách nhiệm không ra chi, mà đầu lãnh trong quân đội cũng như chính trị đều cùng một ruộc. Kể tên ra không ích gì mà làm cho nhiều người buồn phiền không cần thiết. Trong chuyện ông Diệm ra đi, người Mỹ đóng vai trò chủ chốt khuyến khích các tướng lãnh. Tại sao? Trả lời thì sẽ ra ngoài đề cho nên xin để dịp khác.
Bài học kinh nghiệm chung là tôn giáo do con người lập ra để giải quyết các vấn đề tâm linh của con người. Nhưng tôn giáo cũng nhiều phen trong lịch sử thế giới đặc biệt là Tây phương được dùng như những phương tiện chính trị để chiếm đoạt quyền hành, hay khống chế, lũng đoạn, sát hại lẫn nhau. Âu cũng là điều nên suy nghĩ.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 16 tháng 11/2019)