LGT: Thụy Khuê là bút hiệu của Vũ thị Tuệ, sinh năm 1944, người Nam Định. Di cư vào Nam năm 1954, tức là lúc 10 tuổi. Sang Pháp du học năm 1962, lúc 18 tuổi. Ở tuổi này mà sống ở nước Pháp cởi mở và tự do tất nhiên chịu ảnh hưởng nhiều của tin tức không thiện cảm với miền Nam vì những lộn xộn chính trị (đảo chính ông Diệm, những thay bậc đổi ngôi và tranh quyền trong giới tướng lãnh Việt nam, chính sách chống miền Nam và chống Mỹ của tổng thống Pháp Charles de Gaulle vân vân…) Cũng trong thời gian này đã có nhiều học sinh sinh viên du học lớp tuổi Thụy Khuê từ miền Nam trở thành thiên tả, thân Hà nội, do ảnh hưởng của những trí thức VN nổi danh ở Pháp thời đó thán phục Hồ chí Minh và cách mạng tháng 8 được thêu dệt thành huyền thoại, vì không thực sống trong hoàn cảnh khốn cùng của quần chúng miền Bắc bị trấn áp bởi chuyên chính vô sản Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những trấn áp này họ đều biết nhưng tự dối mình bằng ngụy luận rằng trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập thì phải chấp nhận hy sinh (họ chấp nhận vì họ không phải gánh). Đó là tâm trạng của những thành phần thiên tả sống ở ngoại quốc hồi đó và bây giờ. Trong cái não trạng đó, Thụy Khuê đã viết bài về chuyến trở lại quê hương khiến Nghiêm Nguyễn có ý kiến. Mời quý vị xem bài của Nghiêm Nguyễn.
---------------
Thụy Khuê, khi con tim không còn giữ được định tính
Nghiêm Nguyễn
Thụy Khuê không phải là một cái tên xa lạ trong giới văn học nghệ thuật. Bà là một nhà báo, một nhà biên khảo và phê bình văn học. Những bài tiểu luận phê bình văn học, biên khảo của bà được nhiều người mến mộ, đánh giá cao, nhất là quyển "Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc" do Tủ Sách Tiếng Quê Hương in và xuất bản là một công trình biên soạn khá công phu. Tuy nhiên gần đây với loạt bài "Quê Hương ngày trở lại" được viết sau khi bà về thăm Việt Nam khiến không ít người đọc mang tâm trạng hụt hẫng, thất vọng vô cùng về bà. Đọc loạt bài này người ta có cảm tưởng tác giả là một cán bộ CS hay một "dư luận viên" chứ không phải là một nhà phê bình có tầm vóc và uy tín trong văn đàn.
Trong bài viết thứ 3, "Quê Hương ngày trở lại, Nha Trang", bà ấy viết:
"Trước khi về nước, tôi đã được đọc những bài báo mạng vô cùng khẩn cấp báo động việc người Tầu đang chiếm miền Nam, họ đã chiếm hết Nha Trang rồi, có một “phóng viên tại chỗ” chụp hình những cửa hàng trên bờ biển Nha Trang 100% là Tầu, y hệt như ở Hồng Kông hay Thượng Hải, vị “phóng viên” này còn cho biết, Nha Trang hiện đã cho tiêu tiền Trung Cộng. Ngoài những thông tin giật gân này lại còn có bài báo (vẫn trên mạng) mô tả chuyện người Hoa ăn thịt người, với chứng cớ đầy đủ: chụp hình mâm cỗ thịt người có món xào, món rán, món nấu ninh rựa mận, kèm bên cạnh là ảnh cô kiểu mẫu chân dài tóc mượt, mắt bồ câu, trước khi bị chặt làm cơm."
Bà là một nhà biên khảo không biết tại sao lại tìm đọc những thứ vớ vẩn, tầm phào đó. Nếu bà về thăm lại quê hương mà chỉ cốt để chứng minh cho mọi người thấy rằng Tàu không tràn lan khắp các thành phố Việt Nam, không có chuyện xẻ thịt một cô gái mắt bồ câu ra làm bảy món và vân vân, thì thật phí công, tốn của một cách không đáng. Nhưng bài viết không dừng lại ở đó, bà hoan nghênh chuyện nhiều du khách người Tàu đến Việt Nam, nhờ họ mà bây giờ Nha Trang được phát triển, tiến bộ, tạo một số công ăn việc làm cho các phụ nữ.
"Những khách sạn và những resort mọc lên như nấm. Tất nhiên nhiều người không thích vì cho rằng đã triệt tiêu quang cảnh cũ. Hoặc chê là làm bậy phá hoại môi trường. Tôi không rõ lắm về vấn đề sinh thái nhưng thấy rõ ràng những khách sạn, những resort này cung cấp công ăn việc làm, cho bao nhiêu thiếu nữ, không còn phải nhúng chân xuống ruộng bùn đầy đỉa cấy lúa dưới nắng mưa, cũng không phải chạy sang Hồng Kông, Ma Cao kiếm chồng. Họ làm việc trong phòng lạnh của các khách sạn đắt tiền, thường thường mỗi em làm hai job, ở hai khách sạn khác nhau, lương đủ sống".
Trong khi các cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện.... còn rất thiếu thốn, ở những làng mạc xa xôi lớp học là những mái trường xiêu vẹo, tồi tàn, những đứa trẻ đi học quần áo rách rưới, không có được một đôi dép để mang, các bệnh viện bị quá tải, 2,3 người nằm chen chúc trên một giường thì có cần "những khách sạn, resort mọc lên như nấm" chỉ để phục vụ du khách và một thành phần thiểu số trong nước thừa tiền, lắm bạc. Hầu như ai cũng biết vì sự tham lam và ngu dốt của các quan chức CS, các nhà tư bản đỏ mà tài nguyên, hệ sinh thái quốc gia, cảnh sắc thiên nhiên, mỹ quan của các thành phố đã bị tàn phá, hủy hoại một cách nặng nề bởi những khai thác, xây cất bừa bãi, tùy tiện, vô trật tự. Công ăn việc làm của một số người có đánh đổi được những sự tổn hại này hay không. Chẳng lẽ một người giàu kiến thức như bà Thụy Khuê không hiểu được điều này?
Bà còn lên án hành động chống Tàu của người dân Việt Nam.
"Tôi thật không hiểu từ đâu phát xuất sự căm thù người Tầu hiện nay. Nói rằng từ vụ Hoàng Sa, Trường Sa ư? Chắc không hẳn thế. Tôi có người bạn quen biết đã hơn bốn mươi năm, anh vẫn thường chuyển cho tôi những thông tin giật gân, kiểu miền Nam đã bị Tầu xâm chiếm, trong nước bây giờ họ bán gạo plastique, Tầu đã chiếm xong Nha Trang, về nước ăn xoài thấy ngọt, hoá ra bên trong hột bằng plastique, đừng có dùng nước mắm Phú Quốc, làm toàn cá thối Formosa, phải ăn nước mắm Thái Lan; chớ ăn bún, bánh tráng của Việt Nam bây giờ làm bằng plastique... "
Và biện minh cho hành động xâm lăng của Tàu một cách ấu trĩ, nông cạn
"Dĩ nhiên ta không quên việc người Tầu chiếm Hoàng Sa, nhưng một vùng có dầu hoả thì làm sao cản được lòng tham của con người? Côn Đảo chỉ có vị trí chiến lược và hải sản quý mà còn bị Anh chiếm. Hiện nay, ta không có phương tiện làm một cuộc chiến với Tầu, vậy phải tìm cách khác, tức là khai thác khả năng tiêu dùng của những du khách rủng rỉnh đến từ lục điạ Trung Hoa. Người Pháp đã làm và dường như Nha Trang cũng đang nhìn thấy khiá cạnh ấy, ta nên khuyến khích hơn là đạp đổ, tẩy chay."
Chẳng rõ bà có giả bộ ngây thơ không biết rằng người dân Việt Nam chống Tàu không phải vì một vài lý do vớ vẩn như chuyện thực phẩm giả được chế biến từ plastic, nuớc mắm làm từ cá thối Formosa…. Người dân Việt Nam chống Tàu vì những hành động hung hăng, ngang ngược ở biển Đông, vì những uy hiếp, dã tâm thôn tính Việt Nam của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong khi chính phủ CSVN lại tỏ ra yếu hèn, nhu nhược. Dân chúng có thái độ bài bác người Tàu do những hành vi hống hách, vô văn hóa của những du khách Tàu khi sang Việt Nam. Không biết những lợi lộc, nguồn ngoại tệ thu được của các du khách đến từ Trung Hoa lục địa được bao nhiêu, nhưng những tác hại, những tệ nạn họ mang đến cho đất nước Việt Nam thật vô kể.
Trong bài "Quê Hương ngày trở lại, Huế", bà Thụy Khuê không tiếc lời mạt sát thậm tệ các giáo sĩ Tây Phương, đổ lỗi là họ đã dẫn đường cho Pháp xâm chiếm VN.
"Do đó có thể nói, chính sách xâm lược nước ta, là sự kết hợp giữa chính quyền thực dân và giáo hội La Mã, bắt đầu từ thời Alexandre de Rhodes."
"Nhưng những điều mà học sinh được học về Minh Mạng, đã bị lọc qua lăng kính sử gia thuộc điạ, kể cả những người như Trần Trọng Kim và Phan Khoang cũng đều nhất loạt cho rằng: vì Minh Mạng giết đạo và bế quan toả cảng nên nước ta mới lạc hậu và sau này bị Pháp xâm chiếm, là hoàn toàn sai."
Nếu chịu khó đọc lịch sử thì chúng ta biết rằng từ thế kỷ 15 chủ nghĩa thực dân đã được thành hình, những cường quốc châu Âu tiến hành xây dựng các thuộc địa của mình tại các lục địa khác, Theo đà phát triển về kinh tế, công nghiệp, chủ nghĩa này càng lúc càng bành trướng, các nước kém phát triển ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á lần lượt trở thành các thuộc địa của các cường quốc Âu Châu. Cho nên có hay không có các giáo sĩ Tây Phương, Pháp vẫn xâm chiếm Đông Dương bao gồm Việt Nam thực hiện chủ nghĩa thực dân của họ. Chính sách bế quan tỏa cảng và cấm đạo của các vua triều Nguyễn khiến Pháp có cái cớ để thi hành chương trình xâm lược này. Do cái nhìn hẹp hòi, thiển cận của các vua, quan triều Nguyễn mà bắt đầu từ vua Minh Mạng đã đẩy Việt Nam thành một quốc gia chậm tiến, lạc hậu, lỗi thời không theo kịp đà tiến triển văn minh của các nước tư bản phương Tây. Trong khi đó nước Nhật cũng ở hoàn cảnh tương tự như Việt Nam: kém phát triển, lạc hậu. Tuy nhiên nhờ có cái nhìn sáng suốt, sớm thức thời mà Minh Trị Thiên Hoàng đã biết canh tân, cải cách đất nước, đưa nước Nhật thành một quốc gia hùng cường.
Không những thế bà Thụy Khuê còn hằn học phê phán, chỉ trích, chê bai các học giả thời đó như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ.... đã có thái độ thân Pháp hay tiếp tay cho thực dân Pháp.
"Người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã buộc tội và mạ lỵ Minh Mạng nặng nề, vô cố nhất là học giả Trương Vĩnh Ký trong cuốn Giáo trình Lịch sử AnNam (Cours d' Histoire Annamite) (Saigon Imprimerie du Gouvernement, 1875, bản điện tử). Đến năm 1897, ông lại "xác định" thêm rằng Olivier de Puymanel và Le Brun, hai người lính Pháp vô học đã "xây" thành Gia Định bằng câu: "Vua dạy [bảo] ông Olivier, ông Le Brun coi xây thành Gia Định", mà không đưa ra bằng chứng nào."
"Hồi trẻ, tôi được học về Nguyễn Trường Tộ, tôn sùng ông một cách quá đáng, học rằng: ông đã đưa ra hơn 50 bản điều trần mà vua Tự Đức và triều đình ngu muội không nghe.
Nay già rồi, tôi đọc lại những bản điều trần của ông, không thấy điều gì đáng phục cả:
Những bản điều trần của ông, lập luận thiên Pháp rõ rệt, đệ lên vua sau khi nước ta đã mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, mà ông vẫn chưa tỉnh ngộ, ông vẫn tin tưởng vào "lòng tốt" của người Pháp, tin rằng chỉ biếu họ vài miếng đất và để họ tự do giảng đạo là xong. Ông khuyên vua nên "hợp tác" với Pháp, dùng giáo sĩ trong việc nội trị. Ông có ngây thơ quá không?"
Đọc những đoạn kết án trên người ta tưởng là của một cán bộ văn hóa CS. Mà biết đâu thật sự bà đã xanh vỏ, đỏ lòng. Những luận cứ mà bà đưa ra không biết có phải lấy từ tư liệu hay từ những lời tuyên truyền của CS hay không. Ngoại trừ vài cán bộ CS như Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Liệu… đã viết bài chỉ trích cho đúng theo chính sách của đảng, hầu như không ai phủ nhận những công lao to lớn mà học giả Trương Vĩnh Ký đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Ông là người đi những bước tiên phong trong công cuộc hoàn thiện, truyền bá chữ quốc ngữ rộng rãi. Ông đã góp phần đào tạo cho đất nước hàng ngàn trí thức trẻ và để lại cho kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại hơn 120 tác phẩm về nhiều chuyên ngành: ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, pháp luật, kinh tế, chính trị, sinh học, văn học v.v… Những công trình này đã có tác dụng khai sáng cho thế hệ trẻ, mở mang sự hiểu biết: hiểu biết thiên nhiên, hiểu biết xã hội, hiểu biết con người.
Còn ông Nguyễn Trường Tộ là một người suốt đời một lòng vì đất nước. Trước dã tâm xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, trong khi đất nước lại lạc hậu kém phát triển, ông nhiều lần gửi lên triều đình các bài điều trần giá trị, đề nghị chính quyền cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... Rất tiếc do đầu óc bảo thủ, nhãn quan thiển cận, các vua quan triều Nguyễn đã không nghe theo.
Kết thúc loạt bài, bà Thụy Khuê có vẻ hứng khởi, cổ võ cho chuyện về thăm lại quê hương Việt Nam, ngược lại bà tỏ ý mai mỉa cho những ai không muốn về.
“Tôi có ông bác, lúc còn sống ông luôn luôn giơ tay lên trời thề: Khi nào còn cộng sản là tao không về. Tôi thầm nghĩ cộng sản là một lý thuyết, một chế độ, nó có đầu mình chân tay gì đâu mà bác thề với nó làm chi mất công, làm sao nó nghe được lời thề lũng nhai của bác, nhưng tôi không dám nói. Năm tháng trôi qua, ông vẫn triệt để giữ vững lời thề… Khi trút hơi thở cuối cùng, ông thều thào hai tiếng Ngõ Trạm, Ngõ Trạm…
Tôi có bà bác rất giàu, sở hữu chín, mười căn hộ Paris, bà cũng không về nước vì sợ họ hàng con cháu xin tiền, dù sau này nhiều người bảo: Bây giờ chẳng ai xin tiền bác nữa đâu, họ còn bao mình đi ăn, đi chơi, là khác, nhưng bà không tin, bà vẫn sợ, rồi bà mất đi, cũng không mang theo được cái nhà nào cả. Trần Diệu Hằng có truyện ngắn rất hay: Chuyến xe về làng Đại Từ, kể chuyện một bà cụ di tản theo con cháu sang Mỹ, rồi bà bị Alzheimer, ngày ngày bà ra cửa gọi xích lô về làng Đại Từ… cho đến khi nhắm mắt.”
Thiết nghĩ về thăm VN hay không tùy theo ý thích, hoàn cảnh, lập trường của mỗi người, chúng ta nên tôn trọng, không nên bài bác. Xa quê hương ai mà không quay quắt nhớ, những người không muốn về hay không thể về có những lý do riêng, nỗi khổ tâm của họ. Tuy nhiên khi về thăm lại quê hương, xin đừng vì những đãi ngộ đặc biệt, những dụ dỗ, hứa hẹn huyễn hoặc, những lợi lộc riêng tư mà bị mờ mắt, quay ra xu nịnh, tâng bốc một chế độ đã và đang gây bao thống khổ, đau thương cho người dân. Thêm vào đó biện hộ cho những động thái hung hăng, ngang ngược của chính phủ Bắc Kinh trên biển Đông, những hành động vô văn hóa, vô pháp luật của du khách Tàu cũng như chỉ trích thái độ chống Tàu của người dân là chuyện khó có thể chấp nhận. Trong xã hội kim tiền trọng vật chất nhẹ về đạo đức tinh thần như xã hội VN hiện tại, việc giữ cho suy nghĩ, lập trường không bị chao đảo, định hướng đúng cho lối sống của mình không phải là việc dễ dàng ai cũng có thể làm được. Một nhà văn kỳ cựu, từng bị CS đày đọa, giam cầm vì lập trường chống Cộng quyết liệt khi được hỏi ý kiến về chuyện này đã chia sẻ cảm nghĩ của mình: “đó là một thói quen đã trở thành nếp sống nguy hại không dễ xóa bỏ của người Việt chúng ta. Theo nhận định chủ quan, nếp sống đó là sự dễ dàng đáp ứng các cảm xúc bất chợt nông cạn thường nuông chiều xu hướng tự mãn vừa ngây thơ vừa ngu xuẩn luôn nâng niu tính tự ái đần độn mà hầu hết đều không thể xóa bỏ “. Ông có thêm lời khuyên:” ...nỗ lực tự thắng mà mỗi người cần có để giữ vững định tính cho con tim và vun bồi mức trỗi dậy của huệ năng để hy vọng thoát vòng tối tăm hầu tìm nổi cách hành xử thích nghi đóng góp cho sự sống”. Có lẽ bà Thụy Khuê nằm trong số những kẻ mà con tim không còn giữ được định tính nữa rồi. Thật tiếc cho bà.
Nghiêm Nguyễn.