Macau, ngày nay, cũng giống như Hồng Kông (còn gọi là Hương Cảng) là một trong hai đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trước đây vào năm 1557, triều đình Nhà Minh đã cho Bồ Đào Nha thuê Macau để làm cảng giao thương. Đến năm 1887, Macau trở thành một thuộc địa của đế quốc Bồ Đào Nha. Ngày 20 tháng 12 năm 1999, Bồ Đào Nha đã chuyển giao chủ quyền đối với Macau cho Trung Quốc. Tuyên bố chung Trung-Bồ và Luật cơ bản Macau quy định rằng Macau có quyền tự trị cao độ ít nhất là đến năm 2049, tức 50 năm sau ngày chuyển giao.
Theo chính sách "một quốc gia, hai chế độ", chính quyền Trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chịu trách nhiệm về các vấn đề quốc phòng và ngoại giao của lãnh thổ, trong khi Macau duy trì hệ thống riêng của mình trên các lĩnh vực luật pháp, lực lượng cảnh sát, tiền tệ, hải quan, nhập cư. Macau tham gia nhiều tổ chức và sự kiện quốc tế không yêu cầu các thành viên phải là các quốc gia có chủ quyền.
Macau nằm ở mặt tây của đồng bằng châu thổ Châu Giang, giáp với tỉnh Quảng Đông ở phía bắc và nhìn ra Biển Đông ở phía đông và phía nam. Macau nằm cách 60 kilômét (37 mi) về phía tây nam của Hồng Kông và cách Quảng Châu 145 kilômét (90 mi). Macau có 41 kilômét (25 mi) đường bờ biển, song chỉ có 310 mét (1.000 ft) ranh giới trên bộ với Quảng Đông. Macau gồm bán đảo Macau cùng hai đảo Đãng Tử (Taipa) và Lộ Hoàn (Coloane), song hai đảo này ngày nay đã được nối với nhau thông qua một vùng đất lấn biển được gọi là Lộ Đãng Thành (Cotai).
Bán đảo Macau được thành hình từ cửa sông của Châu Giang ở phía đông và Tây Giang ở phía tây. Macau giáp với đặc khu kinh tế Chu Hải tại Trung Quốc đại lục. Cửa khẩu chính giữa Macau và phần còn lại của Trung Quốc là Portas do Cerco (Quan Áp) ở phía Macau, và cửa khẩu Củng Bắc bên phía Chu Hải.
Bán đảo Macau nguyên thủy là một hòn đảo, song về sau đã xuất hiện dải cát nối với lục địa và nó dần phát triển thành một eo đất hẹp, biến Macau thành một bán đảo. Hoạt động cải tạo đất trong thế kỷ XVII đã biến Macau thành một bán đảo với địa hình bằng phẳng, mặc dù vùng đất ban đầu vẫn có rất nhiều đồi dốc. Điệp Thạch Đường Sơn (疊石塘山)/Alto de Coloane là điểm cao nhất tại Macao, với cao độ 170,6 mét (559,7 ft). Với mật độ đô thị hóa dày đặc, Macau không có đất canh tác, đồng cỏ, rừng hay đất rừng.
Nền kinh tế của Macau phụ thuộc vào các kỹ nghệ sòng bài hay đánh bạc và du lịch, ngành sản xuất cũng tồn tại nhưng chỉ là một phần yếu.
Tương tự như Hong Kong xưa kia vốn là thuộc địa của Anh Quốc, do yếu tố là thuộc địa của Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI vào thời Nhà Minh, Macau đã được sớm phát triển với kiến trúc Âu Châu. Sau khi Macau được Bồ Đào Nha giao trả về Trung Quốc vào năm 1999, do nhu cầu phát triển, các tòa cao ốc thương mại mới đã được tiếp tục xây dựng. Hình thể tại Macau ngày hôm nay là kết qua của một sự pha trộn chật hẹp giữa các cao ốc xây dựng mới và cũ.
Có vẻ người Macau ưa chuộng vàng ròng (24k) hơn là vàng trắng (18k hay 14k) cho các món nữ trang, bởi vì người ta có thể tìm thấy quanh các khu phố Macau, các món nữ trang bằng vàng ròng to, dầy, nhiều karat được trưng bầy tại các quầy hàng chính của các tiệm nữ trang.
Từ đảo Kong Kong, du khách có thể đi xe điện đến nhà ga, và từ đó đáp phà một tiếng qua đảo Macau. Tại nhà ga chuyển từ Macau đến các trung tâm thắng cảnh, du khách sẽ được mời đón với các người hướng dẫn du lịch với những giá cả chênh lệch khá lớn như từ 800 đồng Macau cho một người, đi bằng xe van, đến chỉ là 250 đồng cho một người đi bằng xe bus. Tiền đồng Macau tương đương với tiền đồng Hong Kong, và tại Macau người dân chấp nhận trả bằng tiền Hong Kong. Đi xe bus thì thích hơn vì xe bus tiện nghi, sạch sẽ, vả chúng ta có thể quan sát đường phố và quang cảnh một cách chậm rãi, lại có thể xuống trạm tại ngay chỗ thắng cảnh muốn đi, và chi phí thì có thể được tiết kiệm để dùng cho những việc mua sắm quà lưu niệm.