Sau khi tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai ngày 10 tháng 1/2019, đã xẩy ra nhiều cuộc biểu tình lai rai chống đối gian lận và độc tài. Mỹ và các nước Âu châu và nhiều nước châu Mỹ La tinh cũng cho rằng là bầu cử không có tự do và công bình, vì thế đã không công nhận kết quả. Sau hai ngày biểu tình đông đảo ở thủ đô Caracas và một số thành phố, mà con số loan đi là từ hàng trăm ngàn tới hàng triệu người, tùy nguồn tin, đã có 14 người bị thiệt mạng vì bị lực lượng an ninh chính phủ trấn áp. Ngày thứ ba 22 tháng 1/2019, quốc hội Venezuela ra một tuyên bố rằng Maduro là một “kẻ chiếm đoạt quyền hành”. Ngày thứ năm 24 tháng 1/2019, Juan Guaido, một kỹ sư 35 tuổi tốt nghiệp đại học George Washington, lãnh tụ đảng Ý Dân (Popular Will) và là chủ tịch quốc hội từ ngày 5 tháng 1/2019, đã ra tuyên bố nhận trách nhiệm tổng thống lâm thời để chấm dứt tình trạng “chiếm đoạt quyền hành”. Guaido đã ngay lập tức được công nhận bởi Mỹ Anh Canada, Brazil, Colombia và nhiều nước châu Mỹ La tinh khác tay chân của Mỹ, ngoại trừ Mễ Tây Cơ và Uruguay không tỏ thái độ vì nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ nước nào”. Liên hiệp Âu châu lên tiếng chung chung “phải đạo chính trị” rằng “tiếng nói của dân chúng không thể bỏ qua”.Tổng thống Thổ nhĩ Kỳ đã điện thoại cho Maduro bày tỏ sự ủng hộ, và khuyến khích rằng “hãy đứng thẳng” .
Maduro đã cương quyết đối phó với tình hình. Ký sắc lệnh tuyệt giao với Mỹ và cho các nhân viên ngoại giao Mỹ 72 tiếng để ra khỏi Venezuela. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo phản ứng tuyên bố rằng sẽ không đóng cửa tòa đại sứ mà tiếp tục ở tại chỗ theo như khuyến cáo của tân tổng thống Guaido mà Mỹ công nhận. Chưa biết là Maduro sẽ ứng xử ra sao nếu mà nhân viên ngoại giao Mỹ không rút về. Cắt điện cắt nước làm khó dễ hay là bao vây bắt giữ làm con tin như Iran thời giáo chủ Khomeini? Và cũng khó đoán ông Trump sẽ có xử dụng quân đội hay không để bảo vệ Guaido, vì ông chỉ trả lời hiểu sao cũng được là “mọi biện pháp đều để trên bàn”, nhất là vì thời gian hai năm qua cho thấy ông là người không ngại nói dối hay bẻ queo. Mà người thích thì cho rằng là khôn ngoan giỏi điều đình trả giá,còn người ghét thì không ngần ngại mắng là nhổ rồi lại liếm. Còn phó tổng thổng Pence tuy mạnh mẽ tuyên bố rằng Mỹ sẽ dùng đủ mọi áp lực kinh tế và ngoại giao cần thiết để hỗ trợ Guaido thì cũng làm lên tinh thần nhà chính trị trẻ tuổi này, nhưng thực tế phải chờ thời gian trả lời. Bởi lẽ hiện nay, giao thương giữa Mỹ với Venezuela kể là rất giới hạn, ngoài lãnh vực dầu hỏa, mà biểu kiến ai cũng thấy là qua công ty săng Citgo, nhưng không phải là to lớn ghê gớm.
Thứ trưởng ngoại giao Nga Ryabkov tuyên bố “chúng tôi sẽ đứng cùng với Venezuela trong việc bảo vệ chủ quyền, tự chủ, chống sự xâm phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ”. Chủ tịch hạ viện Nga nói việc Guaido tự xưng là tổng thống là “bất hợp pháp”. Điện Kremlin chính thức không lên tiếng, nhưng khi một phóng viên hỏi Nga có cho Maduro tị nạn chính trị không thì phát ngôn viên Peskov của tổng thống Putin đã trả lời rằng câu hỏi không thích hợp, vì Nga coi Maduro là tổng thống hợp pháp chính thức của Venezuela. Hàm ý chỉ rằng Maduro sẽ vững vàng tại vị. Về phía Trung quốc, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh chỉ nói nhẹ nhàng rằng TQ ủng hộ nỗ lực của chính quyền Venezuela bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định” và thêm rằng “Tôi muốn nhấn mạnh rằng các chế tài hay can thiệp ngoại quốc thường làm cho tình hình phức tạp hơn và không giúp giải quyết các vấn đề thực sự”
Không cần những cảnh báo này và không cần Maduro đặt câu hỏi trước quần chúng về Guaido, rằng muốn có một bù nhìn từ Washington cai trị Venezuela hay không, người có theo rõi tình hình Venezuela từ thập niên 1990 đến nay, ai cũng biết rằng các chính phủ Mỹ nối tiếp đã không lúc nào ngưng ý định ảnh hưởng vào chính quyền Venezuela, nghĩa là dẹp bỏ Hugo Chavez tiền nhiệm của Maduro và bứng Maduro đi bây giờ.Thực vậy cho tới cuộc bầu cử 1998 là năm Hugo Chavez nắm quyền, hơn nửa tổng số dân Venezuela sống dưới mức nghèo khổ, lạm phát 30%, các cấu trúc hạ tầng lạc hậu, hệ thống chính trị là đa đảng, thối nát, kinh tế tư bản. Hugo Chavez xuất thân gia đình nghèo, là một sĩ quan quân đội, làm đảo chánh thất bại bị bắt tù rồi được khoan hồng sau 2 năm. Tiếp theo là đi vào hoạt động chính trị lập đảng theo đường lối xã hội, giúp đỡ dân nghèo. Với chủ trương này Chavez khi cầm quyền đã bị chống đối đủ dạng từ đảo chánh đến đình công, tẩy chay vân vân, bởi các chính trị gia, các thương nhân và nhóm quyền lực muốn giữ nguyên trạng để tiếp tục ăn trên ngồi trốc. Trong tình hình như thế, Venezuela không thể nằm trong vòng tay của Mỹ như trước kia, và phải ngả sang phía Nga Tầu. Cả hai đã trở thành là nước đỡ đầu cho Venezuela về tài chính, bỏ tiền trả trước để mua dầu hỏa của Venezuela, cũng như ký kết các trao đổi thương mại khác. Theo như truyền thông Tây phương thì Maduro đã sang Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình năm 2017, được cho vay 3.8 tỷ bảng Anh và ký 20 giao kèo thương mại song phương. Riêng Nga thì ngày 10 tháng 12/ 2018 đã bầy tỏ sự ủng hộ tích cực bằng hành động gửi 2 chiếc máy bay oanh tạc tối tânTU160 có khả năng chở võ khí hạt nhân bay thẳng hơn 6000 dặm không ngừng từ Nga sang Venezuela. Chuyện này khiến ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tweet rằng “Dân Nga và dân Venezuela phải nhìn để thấy rằng: hai chính quyền tham nhũng phí phạm công quỹ, chà đạp lên tự do trong khi dân chúng đau khổ”. Sau đó, hai chiếc máy bay này cũng đã cùng một số máy bay chiến đấu khác bay tuần tiễu 10 tiếng đồng hồ trên vùng biển Caribean làm Mỹ lên ruột.
Tin mới nhất cho biết các nước Anh Pháp Tây ban Nha và Đức đã đòi hỏi phải tổ chức bầu cử tự do trong vòng 8 ngày nếu không thì sẽ công nhận Guaido là tổng thống lâm thời để đưa Venezuela tới tự do dân chủ. Xem ra thì phó chủ tịch Ủy ban ngoại giao thượng viện của quốc hội Nga cũng phần nào có lý khi nói rằng Mỹ tính dùng Guaido như một quân bài để dàn dựng một cuộc “cách mạng mầu” trước đây ở các nước Georgia, Urkraine vân vân trong Liên sô cũ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác biệt. Thí dụ như uy tín và tư thế của Mỹ bây giờ không bằng trước, trong khi ảnh hưởng Nga và Tầu thì sâu đậm từ cả hai thập niên cả về quân sự lẫn kinh tế.
Ngoài ra, cho dù Guaido có được Mỹ và đồng minh hỗ trợ tích cực đi nữa thì cuộc đảo chánh chính trị này cũng khó thể thành công, vì không thấy những dấu chứng cho thấy sức mạnh trấn áp (quân đội và công an) của Maduro bị lung lay rệu rã. Trừ trường hợp mà ông Trump thấy thực sự cần thiết mở ra một cuộc chiến kiểu Syria hay Iraq, với chiêu bài giúp người dân Venezuela thoát sư trấn áp tàn bạo của chính phủ. Tức là mở ra một cuộc chiến với sự tham dự của các nước tay chân trong vùng. Nhưng ngay cả như thế thì châu Mỹ Latinh không phải là Trung Đông và các nước tay chân của Mỹ không có nước nào giầu tiền bạc như các nước Ả Rập chỉ việc hút dầu hỏa lên bán lấy đô la để tiến hành chiến tranh theo sự chỉ đạo từ Washington DC.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh (ngày 26 tháng 1/2019)