Trong một chương trình dự báo thời tiết mấy ngày trước của một đài TV Nhật, ngày mà Tokyo (11/1/2019) có lất phất vài ngọn tuyết, đang ngon trớn thuyết minh thì người dẫn chương trình kéo cái kim chỉ nhiệt độ của hàn thử biểu xuống dưới số 0 vài nấc và nói:
Quan hệ Nhật-Hàn đang ở trong tình trạng đóng băng rồi bắt đầu giải thích:
- Hôm 28/12, Bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công bố đoạn băng chụp hình ảnh một tàu khu trục của Hàn Quốc hướng radar kiểm soát hỏa lực vào một máy bay tuần tiễu của Nhật Bản khi đang bay trên Biển Nhật Bản hôm 20/12 và cho đây là một hành động khiêu khích và buộc Hàn Quốc phải làm rõ sự thật, mấy ngày sau Hàn Quốc cũng công bố một video tương tự nhưng nhìn từ một góc đô khác và nhất định là không có ý định như thế, mà chỉ dùng radar để tìm cứu một ghe Bắc Hàn đang gặp nạn, lời qua tiếng lại chả đâu vào đâu cả.
- Hôm 8/1, Một tòa án của Hàn Quốc đã chấp thuận lời yêu cầu tịch thu tài sản của Nippon Steel & Sumitomo Metal, một công ty sản xuất thép khổng lồ của Nhật Bản, theo một phán quyết của tòa án tối cao Hàn Quốc trong vụ kiện về hành vi cưỡng bức lao động thời thế chiến thứ hai. Được biết, vụ khởi kiện này đã được phía nguyên đơn là 4 người dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động, với số tiền là khoảng 350,000 mỹ kim.... Chính phủ Nhật cũng phản đối vì việc “truy thu” không có cơ sở này, và lẽ dĩ nhiên là Hàn Quốc cũng đáp lại: đó là... ý dân, chính phủ không dính dáng, và chuyện cũng tùm lum tà la chả biết bao giờ mới dứt.
Đó là những nguyên nhân gần, chúng ta cùng tìm hiểu thêm vài nguyên nhân xa cho.... “có anh có chị”.
------------------------------
Mối thù…. truyền kiếp
Mỗi ngày vài lần, vào buổi sáng hay buổi chiều, một vài chương trình các đài TV của Nhật thế nào cũng có một trường thiên kịch của Hàn Quốc. Quanh quẩn trong bán kính khoảng 500m mà tâm điểm là nhà ga thì ít nhất cũng có 2 hay 3 tiệm “yakiniku” (thịt nướng kiểu Hàn quốc). Những năm gần đây, Tokyo lại có thêm phố Hàn, nằm trong khu Hyakunin-cho thuộc quận Shinjuku, dọc theo con đường kéo dài từ nhà ga ShinOkubo đến ga Okubo toàn là tiệm bán đồ “made in Korea”. Hỏi một bà “xồn xồn”: giới nghệ sĩ bà thích ai? thì ít nhất trong 10 bà cũng có 1, 2 bà…. thích tài tử Hàn, Bae Yong Joon, Lee Byung Hun v.v…, hỏi người trẻ hơn một chút thì thế nào cũng có em nhắc đến nhóm nhạc của 12 cô gái IZ*ONE, 9 chàng trai “Exo”“ v.v…. Sang đến Seoul thì thế nào tên tuổi của những nhóm nhạc như Smap, AKB48, Arashi, Exile…. nổi danh của Nhật sẽ được nhắc hàng đầu. Cách đây 8 năm (10/2011), Nhật Bản có một phim kịch rất ăn khách: Kaseifu no Mita (Người giúp việc tên Mita) do nữ diễn viên Matsushima Nanako thủ vai chính, có nội dung nói về một thiếu phụ trẻ, sau cái chết thật thảm thương của chồng và đứa con trai đã trở nên “vô cảm” biến thành “người máy” chỉ biết làm theo lệnh chủ. Phim kịch này rất được ưa chuộng lan qua cả Hàn Quốc, khiến một đài truyền hình của Seoul mua lại bản quyền và chuyển sang tiếng Hàn, một nữ tài tử nổi danh của Hàn là Choe Ji-u đã đóng vai người giúp việc Mita. Vì thế có thể nói văn hóa xứ Hàn đã xâm nhập khá sâu vào đời sống dân Nhật và ngược lại, chứng tỏ giao tình 2 dân tộc thật là khắng khít.
Thấy thế, nhưng lại không phải thế. Dân với dân thì không có vấn đề, nhưng nếu dính đến mấy “quan” của hai bên và giới truyền thông thì lại khác, họ sẵn sàng làm khó nhau khi có dịp mà đa phần là từ phía Hàn Quốc. Chỉ cần một cái cớ, chẳng hạn như việc một vài quan lớn Nhật đi viếng đền Yasuguni (đền tử sĩ của Nhật) thì thế nào “lửa” cũng bật ra, nào là “Nhật đang âm mưu trở lại tình trạng quân phiệt”, nào là “thói hung hăng của người Nhật vẫn chưa bỏ” v.v…..
Nhìn lại quá khứ, Nhật và Hàn Quốc có 3 vấn đề chính mà theo “ngôn ngữ Việt Nam” ngày nay gọi là: “nhạy cảm”:
1/Chuyện xâm lược, bắt người Triều Tiên làm nô lệ
2/Chuyện lính Nhật bắt phụ nữ Hàn Quốc làm “gái giải sầu”.
3/Chuyện tranh chấp hòn đảo Takeshima (Hàn quốc gọi là Độc Đảo).
Từ lúc hai nước có bang giao (1965), biết bao phiên họp và bao nhiêu bản ký kết đã ra đời để giải quyết những chuyện trên. Tuy thế, giải quyết đã xong hay chưa xong lại còn tùy cách nhìn của 2 phía.
Theo phía Nhật thì đối với chuyện 1, Nhật đã bao lần xin lỗi vì những hành động trong quá khứ. Việc xin lỗi, tạ tội này kéo dài hết nội các này sang nội các khác. Đối lại thì phía Hàn Quốc thì vẫn cho rằng cách xin lỗi của Nhật là cách xin lỗi ỡm ờ, nói cho xong chuyện chứ không thực tình.
Sang chuyện thứ hai thì vào thời chính phủ của Thủ tướng Murayama (6/1994 ~ 1/1996), một văn bản chính thức gọi là “Konno Danwa” (Bản tuyên bố Konno - Konno là tên vị ngoại trưởng thời đó) được công bố rộng rãi. Nội dung bản Danwa là chính phủ Nhật chính thức xin lỗi về những đối xử tàn bạo của quân Nhật đối với các phụ nữ Triều Tiên trong chiến tranh. Năm 1995, nội các Murayama đã thành lập một quĩ có tên “Quĩ phụ nữ Á Châu” dùng để bồi thường cho những phụ nữ này. Nhưng chỉ có một số ít nhận bồi thường, còn hầu hết thì không “dám”, nếu nhận sẽ bị coi là tiếp tay cho “giặc”, vì theo lối nhìn của Hàn Quốc “vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để”. “Quĩ phụ nữ Á Châu” vẫn để đó chưa biết bao giờ mới tiếp tục.
Dù cúi đầu cả chục lần, nhưng vẫn chưa được chấp nhận, chịu không nổi, Nhật phàn nàn:
- Thực ra thì chuyện bồi thường đã được giải quyết tận gốc sau hiệp ước “Tài sản và quyền đòi hỏi bồi thường” ký năm 1965. Theo hiệp ước này thì Nhật đã viện trợ (một hình thức bồi thường) cho Hàn Quốc 500 triệu mỹ kim và Hàn Quốc sẽ không được quyền đòi hỏi thêm gì nữa.
- Sang chuyện “gái giải sầu”, Nhật tuyên bố: sau khi truy cứu tất cả tài liệu của quân đội thì không thấy có một bằng chứng nào nói quân đội Nhật chủ trương lập kế hoạch “gái giải sầu”, những bằng chứng nêu ra từ phía Hàn Quốc chỉ là việc tự phát của một vài đơn vị lẻ tẻ. Cả hai bên đều thật cả. Hàn quốc thì đưa ra người thật, việc thật, còn Nhật thì trình ra văn kiện thật, giấy tờ thật…. Chả biết ai có lý hơn ai, chỉ biết là ai cũng… có lý.
- Sang chuyện thứ ba về hòn đảo Takeshima. Gọi là tranh chấp chứ thực ra Hàn Quốc đã chiếm và đóng quân ở đó từ mấy chục năm nay rồi và bây giờ đang là một địa điểm câu khách du lịch. Nhật thách Hàn Quốc đem chuyện Takeshima ra tòa án quốc tế để xác minh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rất hung hăng: “Đừng làm ồn ào, ở đây không có việc thưa hay gửi vì nguyên thủy là của Hàn Quốc rồi”. Cũng vì hung quá nên hố nặng. Ngày 25/10/2013, trong cuốn phim do Hàn Quốc thực hiện được phổ biến khắp nơi nhằm chứng minh chủ quyền hòn đảo là của mình, Seoul lại vô tình “chôm” khoảng 20 giây khúc phim của đài NHK Nhật Bản được chiếu từ năm 2009 đến năm 2011 nói về cuộc chiến Nhật-Nga. Quê quá, Hàn Quốc đành muối mặt phải xin lỗi.
Thêm một chuyện “nhỏ” nữa: Để chuẩn bị cho Giải Túc Cầu thế giới tại Ba Tây 2014, hôm 14/11/2013 Nhật Bản cho trình làng bộ đồng phục mới. Hội Túc Cầu Nhật Bản đã giải thích mẫu design này là biểu hiện cho sự đoàn kết. Nếu từ trên cao nhìn xuống, khi các cầu thủ nối tay nhau thành vòng tròn, người ta sẽ thấy rõ một vòng tròn nối từ vai cầu thủ này sang cầu thủ khác trông rất ngoạn mục, đúng theo ý nguyện khi thực hiện “Thắt chặt sức mạnh toàn đội”.
Nhưng ngày 16/11/2013 thì tờ Trung Ương Nhật Báo của xứ Hàn, cộng thêm một số dân biểu lại giải thích chệch đi: “bên trái ngực áo, nằm dưới lá cờ Nhật và huy hiệu có 11 “vạch” kéo dài. 11 “vạch” này trông giống như….ánh mặt trời khiến “người nhìn” liên tưởng ngay đến lá cờ “quân phiệt” của Nhật” và quyết tâm “đánh quân phiệt Nhật tới cùng”. Đúng là không còn gì để nói!
Hậu quả đầu tiên là sau đó 1 năm đã không có trận đấu giao hữu Nhật-Hàn thường lệ như mọi năm tại Seoul. Báo chí Hàn quốc đã “nổi điên” khi đội Nhật “diện” bộ đồ này trong trận hòa với Hòa Lan (2-2) ngày 16/11/2013, và thắng Bỉ (3-2) ngày 19/11/2013 tại Belgique vừa qua.
Phản ứng của Nhật qua Hội Túc Cầu Nhật Bản rất…. từ tốn: “Chỉ là cách nhìn thôi, chúng tôi đã giải thích rồi khỏi cần giải thích lại”. Ngoài ra, hãng Adidas Japan (vẽ mẫu design) lên tiếng cho rằng họ đã trình bày về ý nghĩa của kiểu design mới rất rõ ràng: 11 vạch biểu tượng cho 11 tuyển thủ chứ không mang ý nghĩa chính trị gì cả. Xin đừng lôi chuyện chính trị vào.
Báo chí Nhật thì không nhắc nhở gì nhiều vì cho rằng “đây chỉ là việc vạch lá tìm sâu, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù!”
-----------------
“Mối thù truyền kiếp” này chắc hẳn còn mãi vì chủ trương của cả hai phía vẫn còn là đường thẳng song song kéo dài đến…. vô cực. Bà Tổng Thống ngày xưa, ông Tổng Thống bây giờ nhất định không nói chuyện với Nhật “vì một số lãnh đạo Nhật vẫn còn ngoan cố không nhận lỗi”. Người dân của hai nước tiếp tục giao lưu…. nhưng không lấy gì làm thoải mái. Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể dễ dàng quên được những dã man, nhọc nhằn trong quá khứ mà mình phải gánh chịu, tuy nhiên nếu đối thủ đã thật tình “cúi đầu xin thứ tha” thì cũng nên nghĩ lại.
Nói thì nói thế, chứ tình hình cũng chẳng có gì thay đổi được với cách nhìn từ 2 phía, một bên thì rất thụ động, cũng có khi cứng rắn cho có lệ là Nhật Bản, còn bên Hàn Quốc sẽ thay đổi lập trường tùy theo chủ trương của người lãnh đạo mà họ gọi là thực hiện theo ý dân!
Bang giao Nhật-Hàn đang đi vào tình trạng bế tắc. Bó tay.
Đến đây đã đủ, hẹn bạn ta kỳ tới sẽ nói rõ về chuyện ngôi đền Yasuguni.
Vũ Đăng Khuê