Trong năm 2018, tình hình Việt Nam và quốc tế có nhiều biến động. Những điều đáng chú ý nhất là:
1. Cuộc hội đàm giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa 2 lãnh tụ của 2 quốc gia thù địch đã lâu năm. Cuộc hội đàm diễn ra vào tháng 6 năm 2018, tại Singapore. Mấy năm gần đây, Bắc Hàn đã liên tiếp thử các võ khí hạt nhân, có tầm xa, đe dọa đến an ninh của lãnh thổ Hoa Kỳ. Tổng Thống Donald Trump đã từng nhiều lần đe dọa là sẽ dùng vũ lực để phá tan Bình Nhưỡng. Cuộc gặp gỡ lịch sử này hình thành được, là nhờ sự trung gian sốt sắng, và khéo léo của Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae- In. Tuy cuộc hội đàm đầu tiên giữa 2 lãnh tụ Hoa Kỳ và Bắc Hàn, chỉ có những lời hứa hẹn chung chung, và chưa có biểu hiện thực tế, nhưng cũng mở đầu một bước tiếp cận đầy triển vọng. Bắc Hàn hứa sẽ phá hủy những vũ khí hạt nhận và Hoa Kỳ hứa sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Bắc Hàn. Tuy nhiên, cho tới nay, những lời hứa hẹn vẫn chưa được hai bên thực hiện. Bắc Hàn chưa đưa kế hoạch cụ thể chương trình phá hủy các vũ khí hạt nhân, và Mỹ vẫn duy trì lện cấm vận về kinh tế với Bắc Hàn. Mới đây, tòa án Hoa Kỳ còn ra phán quyết bắt Bắc Hàn phải bồi thường 501 triệu cho gia đình một sinh viên Mỹ, bị Bắc Hàn bắt và thả ra trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ. Anh đã từ trần vài ngày sau khi về tới Hoa Kỳ. Hành động này của Mỹ, khiến nhiếu người lo ngại sẽ làm leo thang căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Khác với sự liên hệ giữa Bắc Hàn và với Hoa Kỳ, tiến trình hòa giải giữa Nam và Bắc Hàn ngày càng trở nên nồng ấm. Hai bên cùng tự nguyện phá bỏ những bãi mìn nằm giữa khu ranh giới Nam và Bắc Hàn. Ngoài ra, 2 bên đã thực hiện những động thái đoàn kết trong thể thao, như diễn hành chung trong lễ khai mạc các sự kiện thể thao quốc tế, và thành lập những đội thể thao hỗn hợp, tranh tài với các nước khác. Ngày 28 tháng 11 năm 2018, nhật báo Le Figaro của Pháp còn ca tụng hành động của Bình Nhưỡng và Seoul khi 2 bên cùng đệ đơn chung lên tổ chức Văn hóa, Khoa học, và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để xin ghi nhận môn đấu vật Ssireum của Hàn quốc.
2. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2018 đã trở thành tiêu điểm được toàn thế giới quan tâm, và gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn thế giới. Với lý do là cán cân thương mại, giữa Mỹ và TQ thiếu công bằng, ông Donald Trump đã áp đặt mức thuế 10% trên 200 tỷ hàng hóa nhập cảng của TQ, và đe dọa sẽ nâng lên mức 25% vào ngày 1/1/2019, nếu TQ không chịu hợp tác để giải quyết thỏa đáng những yêu cầu của Hoa Kỳ. Ngay lập tức, tại TQ, thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm xuống 25% so với mức đầu năm, và cuốn bay 2,3 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa thi trường.
Ngày 1 tháng 12, trong khi tại hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina, Tổng Thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đang cùng nhau thảo luận về "đình chiến thương mại 90 ngày", thì an ninh Canada đang tiến hành việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch kiêm CFO của tập đoàn viễn thông Huawei, Trung Quốc, tại phi trường Vancouver, trên đường bà đổi máy bay từ Hồng Kông đi Mexico.
Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là thể theo lời yêu cầu của Chính quyền Hoa Kỳ, với những lý do bà Mạnh đã vi phạm lệnh trừng phạt Iran, và hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Để trả đũa TQ đã bắt giữ một số doanh nhân Canada đang ở trên lãnh thổ TQ. Hiện nay, còn trong giai đoạn hưu chiến 90 ngày, hai bên đều đồng ý không leo thang các rào cản thuế quan và tạm ngưng việc tăng thuế với các mặt hàng đã bị áp thuế ở thời điểm hiện tại.
3. Ngày 26 tháng 11 năm 2018, Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine cùng với 23 thủy thủ tại eo biển Kerch, nằm ở giữa biển Azov và biển Hắc hải. Việc Nga bắt giữ 3 chiến hạm này, đã làm dấy lên những chỉ trích và lo ngại từ công đồng quốc tế.
Nga nói rằng các chiến hạm này đã vi phạm lãnh hải của họ trên biển Hắc hải, và đã tiến hành các hành động nguy hiểm, đồng thời không đáp lại sự hướng dẫn của ban quản lý biện giới của cơ quan an ninh liên bang Nga, khi hạm đội biển Hắc Hải yêu cầu họ dừng lại.
Ukraine gọi việc bắt giữ của Nga là hành vi gây hấn, và nói rằng sự việc này đã vi phạm hiệp ước năm 2003 giữa 2 nước, theo đó, cho phép các nước tự do được sử dụng eo biển Kerch và biển Azov.
Theo sự nhận xét của báo Le Figaro của Pháp thì Tổng Thống Petro Porochenko của Ukraine đã cố ý thổi bùng căng thẳng để nâng cao uy tín, trong viễn cảnh một cuộc bầu cử đầy khó khăn vào tháng 3 năm 2019, khi ông có tham vọng được làm Tổng Thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Về phần ông Vladimir Putin của Nga cũng cần phô diễn quyền lực để tạo sự chú ý, hòng nâng cao uy tín của mình trong mắt người dân Nga, vì chỉ số tín nhiệm của ông từ vài tháng nay, đã suy sụp tới mức thấp nhất kể từ năm 2012.
4. Tại Việt Nam, trong Hội Nghị Trung Ương 8, được tổ chức tại Hà Nôi, từ ngày 2 tới ngày 6 tháng 10, toàn bộ Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng ngày 3 tháng 10 đã đồng thuận với tỷ lệ 100%, đề cử Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nhà nước, với phương án "nhất thể hóa" hai chức danh cao nhất của nhà nước Việt Nam, là Tổng Bí Thư Đảng, và Chủ tịch nhà nước.
"Nhất thể hóa" là đặt 2 chức vụ dưới sự điều hành của một người.
Theo quy tắc, sau khi Chủ Tịch Trần Đại Quang từ trần, Quốc Hội sẽ họp để bỏ phiếu chọn một Chủ Tịch mới thay thế. Nhưng lần này, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có sự đề cử từ Đảng, thì tất nhiên Quốc Hội phải thông qua, vì vị trí của Đảng cao hơn Quốc Hội, và hơn nữa, các nghị viên Quốc Hội đều là do đảng đề cử, thì việc bầu bán lần này, chỉ là vấn đề hợp thức hóa.
Ở Việt Nam, Đảng và chính quyền là hai hệ thống lãnh đạo song hành, từ trung ương tới địa phương, tận xã, ấp. Quyền lực của Đảng lấn áp cả chính quyền. Quốc hội chỉ là bù nhìn. Chính quyền thi hành theo nghị quyết của đảng. Hai hệ thống lãnh đạo vừa cồng kềnh, vừa tốn kém. Việc "nhất thể hóa" gom 2 chức vụ làm một, không phải là xấu, nếu biết áp dụng từ trung ương tới địa phương, thì có thể đơn giản hóa hệ thống cồng kềnh của chính quyền, và tiết giảm được những chi phí về nhân sự.
5. Ngày 10 tháng 6, tại Việt Nam, các cuộc biểu tình chống "Dự Luật đặc Khu" của toàn dân bùng phát, từ quốc nội tới quốc ngoại, từ thủ đô Hà nội tới thành phố Saigon và các tỉnh lớn nhỏ trên tòan quốc.
Đây là cuộc biểu tình do người dân chủ động và tự phát, lớn nhất trong vòng 73 năm kể từ khi CS có mặt trên đất nước VN. Những người tham dự biểu tình thuộc đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Có nhiều chị em tới từ các tỉnh. Họ tâm sự là cùng rủ nhau nghỉ buôn bán một ngày, hùn hạp thuê chung một chuyến xe 50 chỗ ngồi, lên Saigon biểu tình, để mong cứu vãn đại cuộc. Cuộc biểu tình mang khí thế hừng hực lửa căm hờn. Họ hăng hái tiến bước, bất kể công an và cảnh sát cơ động, bất chấp hàng rào kẽm gai bủa giăng khắp chốn. Họ hô to những khẩu hiệu đả đảo Trung Quốc và kết tôi nhà cầm quyền VN. Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc hứa hen sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, và tạm thời đình chỉ cuộc thảo luận của quốc hội về chủ đề các đặc khu.
Rất tiếc, đây chỉ là cuộc biểu tình tự phát, có tính cách ô hợp, không có tổ chức và người lãnh đạo, nên sau khi khí thế của cuộc biểu tình lắng xuống, ai về nhà nấy, thì chính quyền tới từng nhà bắt và cầm tù những người có nhiệt huyết
Ngay sau khi cuộc biểu tình về Đặc khu vừa lắng xuống, thì đạo luật "an ninh mạng" được Quốc hội khóa 14 biểu quyết bằng lối dơ tay, với tỷ lệ 86,86% thuận. Luật "an ninh mạng" được bộ Công an soạn thảo, nội dung dập khuôn như của Luật an ninh mạng của TQ, đã tước bỏ mọi quyền tự do tư tưởng, tự ngôn luận, của toàn dân trong nước.
Hoàng Thế Hiển
1/19