Cuối tháng 7, trời Houston nóng không gió, tháng chờ đợi những trận bão lụt như Harvey tháng 8 năm ngoái trong khi bên miền Tây, trận động đất khủng khiếp ở tiểu bang California dự đoán không xảy đến nhưng cháy rừng trở thành nạn, thường xuyên xảy đến ở các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ mỗi năm.
Thời tiết mỗi năm mỗi nóng, năm 2018 là năm thứ 4 độ nóng cao liên tiếp sau những độ nóng kỷ lục từ ba năm 2015, 2016và 2017. Giáo sư Michael Mann đại học Penn State cho biết nhiệt độ năm 2018 sẽ cho thấy những kỷ lục về sức nóng, độ ẩm, lụt, hạn hán, cháy rừng, nhiệt độ trên đất lẫn trên mặt biển cũng lên cao vì thán khí gia tăng.
Cháy rừng không phải là vấn đề mới lạ, từ xưa cháy rừng đã xảy ra giống như Đại Hồng Thủy ghi trong thánh kinh. Giáo sư địa chất Andrew Scott, đại học London, qua các cuộc nghiên cứu đã cho thấy trên 400 triệu năm trước khi địa cầu ở thời kỳ Silurian đã có cháy rừng, các bằng chứng còn để lại trong các hóa thạch. Cháy rừng lan rộng nhất lần đầu tiên trên thế giới xảy ra vào cuối thời kỳ Devonian, 350 triệu năm trước. Dựa trên hóa thạch, ông Scott phân biệt hai loại hỏa hoạn một loại cần nhiều dưỡng khí một loại ít dưỡng khí. Trong 45 triệu năm nay quả địa cầu trải qua những hỏa hoạn ít dưỡng khí. Con người khi bắt đầu đi bằng hai chân, Homo erectus, đã biết đốt lửa 2 triệu năm trước. Lửa dùng nấu ăn, đuổi thú dữ và kẻ thù khi đêm xuống, dùng trong nông nghiệp, đốt rừng làm rẫy, lửa ban đêm giúp con người sinh hoạt cộng đồng (giống lửa trại Hướng Đạo!). Khi con người trên quả địa cầu biết dùng than, dầu, hơi đốt, thế giới nóng hơn và dễ cháy hơn.
Theo giáo sư Scott, 66 triệu năm trước, thời kỳ Cretaceous/Paleogene, một hòn đá cuội (Asteroid) đâm vào bán đảo Yucatan đã gây ra một trận hỏa hoạn lớn và tiêu diệt hết giống khủng long.
Giống như lịch sử, những cuộc cháy rừng trong thời đại này xảy ra vì thiên tai và vì con người. Khí hậu thay đổi đã đưa đến những mùa hè dài hơn, nóng bức hơn cộng thêm hạn hán khiến rừng và cỏ dễ cháy. Những năm gần đây các loại côn trùng như con bọ (beetle) sống trên câu thông núi có cơ hội sinh sản trong những rừng rậm bị hạn hán, gần đây nhất là các con bọ sống trong vỏ cây đã phá hủy hàng tỷ cây ở 14 tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ và vùng Tây Gia Nã Đại. Các cây chết dễ bắt lửa cháy lớn. Các loại khác như cây ngải trắng vùng Great Basin (6 tiểu bang rừng núi miền Tây) biến đổi vì cỏ dại (weed) loại Bromus tectorum dễ bốc cháy với mỗi chu kỳ 5 năm. Cây ngãi trắng mọc lại chậm nên các cỏ dại sinh sản nhanh đe dọa các loại cây cổ thụ Joshua ở California.
Thời tiết thay đổi, quả địa cầu nóng hơn thấy rõ ở Bắc Cực và Bắc Băng Dương ngoài những thay đổi về rừng. Giáo sư Mark Serrese, giám đốc nghiên cứu môi sinh NSIDC, đại học Colorado ở Boulder, nghiên cứu băng ở vùng Bắc Băng Dương từ năm 1983 đã thấy rõ sự thay đổi từ mùa hè 2007, các tảng băng bao phủ vùng Bắc Băng Dương càng ngày càng ít. Năm 2012 ông nhận thấy băng từ vùng biển lên Bắc Cực ít hơn so với thập niên 1980 khi băng đá bao phủ khắp vùng Bắc Hoa Kỳ. Băng đá năm 2012 chỉ bao phủ 46% vùng Bắc Băng Dương, mùa hè năm 2012 nước đá toàn vùng Greenland bắt đầu tan, cuối tháng 12 năm 2015 nhiệt độ vùng Bắc Băng Dương cao hơn nhiệt độ đông đặc. Tháng 2 năm 2018, cơ quan nghiên cứu của ông ghi nhận làn sóng nóng đẩy đến Bắc Băng Dương làm nhiệt độ tăng lên lần thứ 4 kể từ năm 2015(như nhiệt độ hè tăng 4 năm từ 2015) Năm 2018, nhiệt độ do làn sóng nhiệt cao nhất 43 độ F (6.112 độ C). Vùng Greenland, 440 dặm cách Bắc Cực, băng đá xuống thấp nhất, có thể từ năm 2018 đến 2030 Bắc Cực không còn nước đá!
Hiện nay hơn 10 triệu người Mỹ đang sống trong vùng dễ bị nạn cháy rừng vì những khu nhà mới xây gần rừng. Theo thống kê của sở kiểm lâm hiện nay số ngày cháy rừng dài hơn năm 1970 là 78 ngày. Cháy rừng gây thiệt hại gấp đôi so với 30 năm trước (tính theo mẫu), nhiều nhất từ năm 2000. Đa số cháy rừng gây thiệt hại nhà cửa gây ra bởi người như cắm trại, nướng thịt ngoài vườn, cưa cây làm xẹt lửa, máy cắt cỏ chảy xăng bốc cháy cỏ, dây điện bị sét đánh hay bị chim đậu. Xe hơi, xe gắn máy và hút thuốc cũng là những nguyên nhân gây hỏa hoạn. Ký giả Michael Codas năm 2017 đã nhận xét cay đắng: “Trong thế kỷ vừa qua, nhà nước cố kiểm soát nạn cháy rừng nhưng ngày nay cháy nhà gần rừng do người gây ra lên hàng đầu”.
Chúng ta đang bước vào thời Đại hỏa hoạn (Megafire) theo định nghĩa là cháy rừng hơn 100,000 mẫu. Cháy càng ngày càng lớn, nhanh hơn nóng hơn, gây thiệt hại nhiều hơn và khó chữa hơn. Đầu tháng 7 năm nay có hơn 29 trận cháy rừng không chận được trên toàn nước Mỹ vì mùa đông và mùa xuân khô hơn những năm trước nhất là ở miền Tây nước Mỹ, cuối tháng 6 ở California số rừng và đất cháy đã gấp 3 lần so với đầu năm 2017. Ở vùng Woodland và UCLA nhiệt độ đã lên đến 111-117 độ F. Cháy rừng ở San Diego và biên giới Oregon lan tràn đã khiến Thống Đốc Brown đóng cửa xa lộ 5.
Cháy ở California nay thành lệ giống như lụt, bảo ở Houston và các tiểu bang vùng vịnh Mễ Tây Cơ. Cháy ở California ngoài các lý do khí hậu thay đổi, người gây ra hỏa hoạn còn những yếu tố đặc thù California. Dân số California tăng gấp 4 lần từ năm 1950. Nhà cửa xây cất nhiều và nhanh hơn các tiểu bang khác đáp ứng theo dân số. Các khu nhà và ngoại ô xây gần bìa rừng. Năm 1961, hỏa hoạn ở khu Bel Air thiêu hủy 500 căn nhà, đa số là nhà tài tử và triệu phú trong đó có nữ tài tử Zsa Zsa Gabor và Burt Landcaster. Luật xây nhà mấy năm gần đây ấn định khu nhà phải cách bìa rừng ít nhất 300 m, nhưng cũng như ở Houston sau cơn lụt Harvey, chính quyền khám phá là luật không áp dụng nghiêm chỉnh phần vì thiếu kiểm soát phần vì lý do tranh cãi chính trị.
Khí hậu California khô hơn, nóng hơn các năm trước.
Mưa và tuyết kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3, mùa hỏa hoạn cao nhất là mùa hè vì cây cỏ chết và khô. Ở Nam California, hỏa hoạn xảy ra vào mùa thu vì ngọn gió Santa Ana thổi từ đất khô về bờ biển. Ở Los Angeles mùa hỏa hoạn nay kéo dài đến tháng 12 giống như trận hỏa hoạn cuối năm 2017 ở Nam Cali kể cả hỏa hoạn Thomas ở quận Santa Barbara, lớn nhất trong lịch sử tiểu bang với 43 người chết và 10,000 tòa nhà thiệt hại hơn hẳn cháy Carr đang xảy ra ở vùng Bắc California, Redding và thung lũng Yosemite.
Các đường giây điện ở Bắc California đóng phần lớn vào lý do gây ra 12 trận cháy rừng ở Bắc California tháng 10 năm 2017. Biện pháp giảm bớt đường giây điện và cắt điện bị dân phản đối. Các công ty Pacific gas và San Diego gas muốn thay đổi bị phản ứng vì lý do chính trị và tài chính thay các đường giây điện hiện thời ở Bắc California tốn đến 100 tỷ Mỹ Kim.
Các tranh cãi chính trị cũng không có gì mới, năm 1910 cháy lớn Big Burn đã thiêu hủy 3 triệu mẫu đất và rừng ở các tiểu bang Idaho, Montana và Washington với 87 người chết đa số là lính cứu hỏa nhờ đó T. T. Theodore Roosevelt đã lập sở kiểm lâm sau đổi thành sở cứu hỏa. Cũng như thời nay sở kiểm lâm phải đứng giữa quyền lợi công ích và quyền lợi thương mại tư nhân. Luật của sở cứu hỏa thời đó là “luật 10 giờ sáng”. Các trận cháy rừng phải được dập tắt trước 10 giờ sáng ngày hôm sau, mục đích là để dân an tâm. Gọi là kiểm lâm nhưng mục đích của sở không bảo vệ các cây rừng. Năm 2000 sau trận cháy Cerro ở tiểu bang New Mexico (cháy 400 nhà, gần thiêu hủy trung tâm nghiên cứu Nguyên tử Los Alamos) bộ trưởng nội vụ Bruce Babbit đã ngưng tất cả chương trình đốt rừng để giảm số cháy rừng của chính phủ từ năm 1960.
Cháy rừng gây nhiều tai hại về thiên nhiên và y học. Rừng cháy khiến vùng Bắc cực nóng hơn, nước đá tan, các con gấu bị đói phải bỏ đi. Các trận cháy lớn ở Alaska và Bắc Gia Nã Đại xảy ra gần như hàng năm đã thổi khói than và bụi làm đen vùng Greenland gây băng giá tan nhanh hơn.
Rừng cây ban ngày thở ra dưỡng khí giúp người sống cạnh rừng, gần với thiên nhiên có sức khoẻ tốt. BS Tần Lý nghiên cứu cây cối ở Nhật cho thấy áp huyết của người đi vào rừng, sống gần rừng xuống thấp hơn con người ở thành thị, người bệnh nằm trong phòng bệnh nhìn ra cửa sổ có cây xanh bóng mát chóng bình phục hơn các bệnh nhân ở phòng khác.
Cây cháy khô phát ra chất than làm dơ bẩn môi trường. Than bùn chứa nhiều chất thủy ngân thải vào không khí sau khi bị cháy. Các đám mây hóa học (Pyrocumulus) từ các trận cháy lớn tạo ra thời tiết mới, sấm sét và mưa với tro tàn thổi mù mặt đất.
Theo nghiên cứu của đại học Johns Hopskin, số người già ở vùng Đông Hoa Kỳ phải nhập viện tăng vì khói cháy rừng Gia Nã Đại, năm 2002 khói đầy chất thủy ngân. Không khí ở Nữu Ứơc và Chicago thiếu lành mạnh vì các trận cháy rừng từ Gia Nã Đại. Các trận cháy rừng cũng làm tăng chất thủy ngân trong đất ẩm. Chất lượng nước ở Fort Mc Murray, Alberta kém vì các chất hoá học và bụi than. 88,000 người phải di tản sau trận cháy năm 2016. Tương tự nước ở Colorado sau trận cháy rừng lớn năm 2002 cũng bị ô nhiễm nhiều năm sau. Ở thành phố Libby, Montana, thành phố có mỏ bỏ hoang để lại chất Asbestos trong vỏ cây, khi cây cháy chất Asbestos đi vào không khí gây ra ung thư phổi cho dân trong vùng (công ty hầm mỏ Nga URALASBEST, một trong những công ty chế tạo Asbestos lớn nhất thế giới ngày 11/7/2018 đã dán nhãn hình T. T. Trump với giòng chữ: sản phẩm được T. T. Hoa Kỳ thứ 45 chấp thuận. Chất Asbestos trước đây được dùng trong xây cất nhà cửa nhờ có tính chất chống cháy nhưng gây ung thư phổi được y khoa kiểm chứng nên không dùng từ hơn 20 năm nay. T. T. Trump không tin khoa học gọi Asbestos an toàn 100%!)
Quả địa cầu đang nóng hơn, dễ bốc cháy nhưng chưa bùng nổ. Thời tiết thay đổi đã được các khoa học gia chứng minh. Ngày 12/9/2017, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke đã nói “phải có một suy nghĩ mới về cháy rừng nhưng ông không chú trọng đến thay đổi thời tiết toàn cầu và bảo vệ môi sinh. Đào mỏ dầu, hầm mỏ, đốn gỗ không bị giới hạn ở vùng Nam Utah và các vùng được xem là công viên quốc gia. Ông đi theo đường lối của T. T. Trump coi thường phế thải thán khí từ kỹ nghệ, rút khỏi hiệp ước môi sinh Paris và hủy bỏ chương trình năng lượng sạch của Obama.
Hy vọng với chính sách thay đổi như chong chóng của ông từ chiến tranh thương mại qua đến quân sự ở Bắc Hàn và Iran, T. T. Trump sẽ đổi ý, xem sức khoẻ của con người trên địa cầu quan trọng!
Việt Nguyên
1/8/2018