Báo Ăng Lê The Guardian ngày 16 tháng 8/2018 loan đi một tin cho biết rằng quân đội Do thái vừa cho phép chuyển giao 10,5 tấn rưỡi thư tín và bưu phẩm từ nước Jordan đến cho dân Palestine sống ở miền Tây ngạn sông Jordan. Người ta biết rằng miền Tây ngạn sông Jordan, giải đất Gaza và phía đông Jerusalem thuộc Palestine đã bị Do Thái chiếm đóng từ năm 1967. Năm 2005, Do Thái đã rút quân ra khỏi giải đất Gaza. Nhưng trên thực tế giải đất này vẫn nằm trong vòng khống chế của Do Thái, vì tiếp giáp với Do thái ở hai mặt bắc và đông, còn phía tây là biển Địa trung Hải thì Do Thái phong tỏa, phía Nam thì Ai Cập là đồng minh của Do Thái trấn giữ. Một hiệp ước năm 2016 cho phép dân Palestine ở trong vùng chiếm đóng của Do Thái được nhận bưu phẩm từ Jordan nhưng đã bị trì hoãn không thi hành, vì lý do an ninh. Việc chuyển bưu phẩm này là lần đầu tiên và độc nhất mà Cơ quan Điều hợp các hoạt động trong vùng chiếm đóng của Do Thái (The Coordinator of Government Activities in the Territories (COGAT) gọi là để “xây dựng tin tưởng” (confidence building). Những bưu phẩm này có thứ bị giữ tới 8 năm. Các nhân viên bưu chính Palestine ở Jericho vùng Tây ngạn cho biết là phải mất chừng 2 tuần mới soạn ra hết để phân phát. Có nhiều thứ bị hư hại. Ngoài thư từ, hình ảnh người ta thấy còn có thuốc men, và một cái xe lăn gửi từ Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 3 năm.
Bình thường ra người sống ở các nước Tây phương sẽ thấy rằng chuyển bưu phẩm thư từ chậm trễ như vậy là không thể nào tưởng tượng nổi, nhất là khi Do Thái được nghe nói là nước tự do dân chủ văn minh chẳng thua gì Mỹ ở Trung Đông. Trong thời toàn trị VC, người Việt hải ngoại gửi thư về cho gia đình mà mất một hai tháng thì kể là bình thường, và chấp nhận như thế, bởi coi chế độ VC như là “hết ý”, không có gì để nói. Trong trường hợp Do Thái và Palestine thì một bên là quân chiếm đóng, một bên là dân bị trị, nghĩa là thù địch với nhau. Do đó, việc giữ thư từ bưu phẩm và để cho hư hại không giao, chẳng phải là điều bất thường lắm.
Khi nhìn vấn đề như vậy, thì hiểu được rằng “xây dựng tin tưởng” mà cơ quan Điều hợp các hoạt động trong vùng đất chiếm đóng của Bộ quốc phòng Do Thái là một biện pháp để cho thấy rằng đây là một củ cà rốt của người đánh xe Do Thái đưa ra cho con ngựa Palestine. Cũng tương tự như việc mới cho phép một xe chở hàng được đi vào giải đất Gaza từ vùng biên giới phía Nam tiếp giáp với Ai Cập để đáp ứng lại việc tổ chức Palestine Hamas cai quản Gaza chịu nhận đình chiến với Do Thái, nghĩa ngưng pháo kích và ngưng các cuộc biểu tình ở biên giới Gaza Do Thái đòi quyền trở về vùng Do Thái chiếm đóng. Những cuộc biểu tình này do Hamas kêu gọi, kéo dài từ tháng 5/2018 nhân dịp 70 năm Do Thái chiếm đóng đất Palestine đã bị lính Do Thái trấn áp, giết chết chừng 150 người và chừng 2000 người bị thương. Số thương vong này so với dân số Gaza chừng 750,000 người cho thấy một cách rất tổng quát tâm trạng dân Palestine đối với tình trạng chiếm đóng.
Cuộc chiến tranh Do thái Palestine ở Trung Đông đứng từ ngoài mà nhìn, xem ra khó mà giải quyết. Do Thái thì cho rằng mình có quyền chiếm lại tất cả những đất của Palestine mà theo lịch sử cách đâu mấy ngàn năm đã là đất Do Thái. Palestine thì chống lại tình trạng đang ở bị Liên Hiệp quốc quyết định giành cho Do Thái. Có những người đã vào các trại tị nạn, hay các nước lân cận hoặc tập trung vào vùng Tây ngạn sông Jordan và Gaza tạm cư chờ ngày trở về và sống trong tình trạng tạm dung từ bấy đến nay. Có những người sống ở dưới sự cai trị của Do Thái, và trở thành một loại công dân hạng hai. Có những người đã tập hợp lại thành tổ chức Palestine Liberation Organization (PLO) hoạt động chống Do Thái tích cực thời chiến tranh lạnh, với sự hỗ trợ của Liên Sô. Tổ chức này đã bị Tây phương coi là tổ chức khủng bố. Sau nhiều cuộc điều đình bí mật với sự vận đông của Na Uy và bảo trợ của Mỹ, hai bên Do Thái và PLO năm 1993 đã ký hòa ước Oslo, công nhận một chính quyền Palestine Authority do Yasser Arafat cầm đầu và được viện trợ bởi Mỹ với Do Thái. Chính quyền này sẽ điều đình chi tiết với Do Thái để có sống chung hòa bình hai nước Do Thái và Palestine. Việc kéo dài, mặc dầu những cuộc biểu tình quần chúng “nổi dậy” (Intifada) cho đến khi Arafat bị chết bất ngờ tháng 11/2004 mà dư luận cho là bị ám sát. Mahmoud Abbas, một tay em của Arafat chủ trương hòa dịu được bầu làm chủ tịch chính quyền Palestine Authority. Năm sau 2006, trong cuộc bầu quốc hội, đa số dân cử thuộc phe Hamas cứng rắn thắng, nhưng Mỹ và Do Thái không công nhận cuộc bầu cử này và Hamas chỉ kiểm soát giải Gaza, trong khi Abbas giữ Tây ngạn sông Jordan. Abbas tiếp tục điều đình với Do Thái với sự bảo trợ của Mỹ, không kết quả, trong khi Do Thái liên tiếp dựng các khu định cư Do Thái ở những địa điểm chiến lược quan trọng trong vùng Tây ngạn, nối kết với nhau bằng những xa lộ chiến lược và những hàng rào ngăn cách cấm dân Palestine vượt qua. Abbas trên thực tế trở thành bù nhìn và chỉ còn đòi tự chủ bằng miệng. Với tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái, Palestine rút lại chỉ còn những thị trấn nhỏ èo uột rải rác, trong đó có Gaza quyết liệt đấu tranh, nhưng xem ra có vẻ không tương lai, vì như đã thấy hoàn toàn bị phong tỏa kín mít.
Trong tình trạng này, một biện pháp “xây dựng tin tưởng” là cho nhận bưu phẩm được Do Thái đưa ra. Tin tưởng ở điều gì? Phải chăng là tin tưởng ở giải pháp sẽ có một nước Palestine độc lập sống chung với Do Thái hòa bình? Làm sao có được khi như đã thấy dân Palestine bị chia cắt ra ở tản mạn thành từng vùng èo uột? Vả lại thủ tướng Do Thái Netanyahu đã từng tuyên bố dẹp bỏ giải pháp hai nước sống chung cạnh nhau, thì ai là chính trị gia Do Thái sẽ thực sự muốn trở lại với thỏa ước Oslo đã bị bỏ từ lâu. Hay là tin tưởng rằng Do Thái sẽ đem lại đời sống bình thường cho dân Paletine, ví dụ như được nhận bưu phẩm và thư tín, nếu chịu để cho Do Thái trách nhiệm việc này? Có thể lắm, nhưng mấy ai sẽ đồng ý? Bảy mươi năm mất đất, mất nhà vẫn chưa đủ cho dân Palestine chấp nhận ngồi yên.
Việc đời xem ra có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Ai nói trước được rằng đầu thế kỳ 20 người Do Thái còn bị kỳ thị đối xử ngay tại Mỹ mà nay trở thành nhân tố quyết định đời sống chính trị và xã hội Mỹ? Ai nghĩ rằng Trung Cộng từ cuối thập niên 1980 còn lạc hậu nghèo đói mà nay trở thành cường quốc giầu đứng xấp xỉ với Hoa kỳ?
Nói thế chẳng phải là bảo tin tưởng vào số mệnh hay tin tưởng vào người ngoài. Nếu có tin tưởng thì chằng phải vì ai có thể xây dựng tin tưởng cho mình. Tin tưởng kiểu này chỉ là hoang tưởng, nghĩa tin tưởng vào một điều gì không có.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 17 tháng 8/2018