Đọc xong những tường thuật đầu tiên về cuộc gặp gỡ giữa ông Trump tổng thống Mỹ và Putin tổng thống Nga thì có mấy thành ngữ tiếng Việt đột nhiên hiện ra là “kẻ cắp bà già”, “mạt cưa mướp đắng” “vỏ quýt dầy móng tay nhọn” để tóm tắt. Nhưng mấy chữ “Vỏ quýt dầy móng tay nhọn” là không đụng chạm gì hết đến các đối tượng. Cho nên được dùng ở đây.
Người ta biết ông Trump trong mấy kỳ họp với các lãnh đạo đồng minh đã là người đến chậm. Gần đây nhất là hội nghị G7 ở Quebec và NATO ở Brussels. Không phải rằng ông học được thói tục của người Việt nam trong các bữa tiệc hay hội họp. Bởi vì người ta biết là ông không biết tiếng Việt, lười đọc sách báo và không mấy chịu nghe. Để mà biết rằng trong những buổi hội họp hay tiệc tùng người Việt, thông thường giờ mở đầu thực tế thì luôn luôn là phải nửa tiếng hay một tiếng sau giờ chính thức mới khai mạc được. Cho nên mới có câu “không ăn bean không phải là người Mễ, không đến trễ không phải là người Việt Nam”.
Cuộc họp hai lãnh đạo Nga Mỹ đã bắt đầu rất chậm, vì Putin đến Phần Lan muộn 50 phút khiến ông Trump phải ngồi chờ trong khách sạn. Có người cho rằng Putin láu cá, không muốn bị lâm vào tình trạng chờ ông Trump như các lãnh đạo Âu châu, nên cố tình cho máy bay đến muộn. Không có giải thích chính thức về sự chậm trễ này. Buổi họp đã diễn ra ở dinh tổng thống Phần Lan, bắt đầu lúc hai người chụp hình trong một phòng lộng lẫy. Rồi ngồi xuống ghế và tiếp theo mỗi người có một phát biểu ngắn. Sau đó mới bắt tay nhau.
Khai mạc như thế kể như là bất thường, bởi vì không có hình ảnh người nọ tiến đến người kia chào hỏi bắt tay. Nhưng suy nghĩ thêm thì hai người đều là khách phương xa, cho nên như thế cũng là phải, vì không có phân ngôi chủ khách.
Ông Trump, trước khi đến họp đã tweet rằng “Bang giao của chúng ta với Nga chưa bao giờ xấu hơn vì nhiều năm cuồng dại và ngu xuẩn của Mỹ và bây giờ là vì cái chuyện “Săn phù thủy lừa lọc”. Ý là ông nói đến chuyện điều tra quanh vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Ông cũng nói rằng "Sau cùng thì chúng tôi sẽ có một giao tình phi thường. Và "Tôi thực sự nghĩ rằng thế giới muốn chúng tôi giao hảo với nhau". Người ủng hộ ông Trump thì sẽ căn cứ vào phát biểu này để giải thích rằng vì thế mà ông Trump đã bỏ qua, không chấp sự chậm trễ của Putin.
Hai người, ông Trump và Putin đã họp riêng tay đôi với nhau trên hai tiếng đồng hồ chỉ có thông ngôn. Sau đó thì đã có một cuộc họp báo chung. Trong cuộc họp báo Putin nói ông Trump đã nêu vấn đề gọi là “len lấn” vào cuộc bầu cử Hoa kỳ mà ông ta bác bỏ. Như sau: “Tôi đã phải nhắc lại những điều tôi đã nói nhiều lần trong quá khứ, ngay cả những lúc gặp nhau riêng, là nhà nước Nga đã không bao giờ can dự và sẽ không bao giờ can dự vào những vấn đề nội bộ Hoa kỳ, kể cả trong diễn trình bầu cử”. Và “bất cứ một tài liệu đặc thù nào, nếu có, chúng tôi đều muốn cùng nhau phân tích chung”. Putin cũng nói rằng Nga sẵn sàng hợp tác với các giới chức Mỹ trong một nhóm làm việc về an ninh mạng. Putin cũng bày tỏ hy vọng tình trạng cải thiện bang giao hai nước sẽ tiếp tục, và “chiến tranh lạnh là chuyện quá khứ”.
Tổng kết về cuộc gặp gỡ, ông Trump ngày thứ ba 17 tháng 7/ 2018 nói rằng đó là một thành công lớn, hơn cả cuộc họp NATO. Từ suy nghĩ chủ quan của ông Trump thì quả là như thế thật, vì trong và sau cuộc gặp gỡ ông đã có dịp nhắc lại nhiều lần rằng không hề có âm mưu toa rập với Nga. Và người ta biết rằng đây là vấn đề ông bận tâm thường xuyên kể từ khi thắng cử. Điều này dễ hiểu. Bởi nếu là thế thực thì tối thiểu sự thắng cử của ông giảm giá trị. Mà tệ hơn nữa là ông sẽ mất cái ghế tổng thống. Về chuyện 12 người Nga bị ủy viên điều tra đặc biệt Mueller truy tố là đã xâm nhập vào hệ thống điện tử Ủy ban đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử 2016, ông đã không nhân đó kết tội Nga len lấn mà đổ lỗi cho chính phủ Obama lúc đó không làm nên chuyện. Tuy nhiên, truyền thông và các nhân vật chính trị Cộng hòa cũng như Dân chủ đã không hài lòng với sự né tránh này và hầu như nhất tề chỉ trích ông rất nặng nề, ngay cả dùng những chữ “đáng tởm” và "phản quốc". Trừ một người là thượng nghị sĩ Rand Paul thuộc tiểu bang Kentucky. Cho nên ngày hôm sau thứ ba ông Trump đã đọc một tuyên bố trước truyền thông ở Bạch cung rằng “Tôi công nhận kết luận của an ninh tình báo của chúng ta là Nga có len lấn vào cuộc bầu cử năm 2016”, Nhưng ông cũng thêm một câu là “có thể có người khác nữa. Có rất nhiều người trong đó”. Thượng nghị sĩ Rand Paul đã viết một bài nhan đề "Trump gặp Putin là phải" cho biết rằng trong vài tuần nữa chính ông sẽ sang Nga “để thảo luận với các giới chức lãnh đạo Nga làm sao để tránh gia tăng căng thẳng không cần thiết.” Và ông sẽ tham khảo với ý kiến của ông Trump trước khi ra đi. Rand Paul cũng viết rằng ông "cám ơn ông Trump đã một lần nữa đi ngược lại giới quyền lực chính trị Washington và giữ đường giây liên lạc với Nga". Nhận định về lời của ông Trump trong buổi họp báo rằng "thà chịu chấp nhận một mối nguy chính trị để theo đuổi hòa bình còn hơn nhận mối nguy hòa bình để đạt chính trị" Rand Paul viết trên tweet rằng "Tôi vui vì nghe câu nói đó". Lý do là ông Paul không theo chủ nghĩa Tân bảo thủ (neo-Conservatism) nhen nhúm từ thập niên 1970 bởi một số trí thức Do Thái, đã được nhập tâm bởi các nhà chính trị cơ chế cả Dân chủ lẫn Cộng hòa và cực thịnh từ thời tổng thống Bush con mở ra cuộc chiến Iraq 2003. Rõ ràng ông Rand Paul là một người Cộng hòa bảo thủ hiếm hoi, có thể nói là lẻ loi, không nhìn Trump dưới con mắt chống đối chính trị tới cùng, như các nhà chính trị cơ chế Cộng Hòa và Dân chủ. Paul đã coi vấn đề điều tra âm mưu với Nga là trò “săn phù thủy”. Và ông cho là chỉ tốn thì giờ tiếp tục trói Putin vào chuyện len lấn vào bầu cử. Bởi vì Mỹ cũng ảnh hưởng lên những cuộc bầu cử trên toàn thế giới.
Khi nói ông Paul tán thành quan điểm thiết lập giao hảo với Nga vì không theo chủ nghĩa tân bảo thủ không có nghĩa nhất thiết rằng ông Trump cũng cùng có một lập trường lý thuyết nền tảng như vậy. Bởi vì tự bản chất, ông Trump từ trước đến sau chỉ là một nhà thương lái, hành xử theo phương cách điều đình trả giá trong thương giới. Vì thế, trước những chỉ trích thậm tệ ào ạt, ông đã lùi trở lại, đảo ngược những lời ông đã nói trong cuộc họp báo chung. Mà mục đích là để cho mọi sự qua đi, trong cái tâm thế rằng ông không dính líu vào chuyện âm mưu với Nga trong bầu cử. Với chỉ kết quả đó thôi, ông đã có thể cho rằng, và đã tuyên bố là cuộc họp thượng đỉnh hai người thành công. Những phê bình ông không vững chãi lập trường, ông không biết ăn nói, ông không thể tin tưởng, không biết ông sẽ làm gì, không quan trọng bao nhiêu đối với ông trong trường hợp này tuy rằng đấy là những điều ông ghét và không ngần ngại bác bỏ. Như ông đã khẳng định hai lần rằng ông là môt “thiên tài đầu óc vô cùng ổn định”. Bởi vì cái đặc điểm người ngoài không biết ông ra sao, ông sẽ làm gì, chính là yếu tố để ông thắng, dù là chỉ thắng một chút nhỏ. Chút nhỏ này nếu cần sẽ được tô vẽ lên bởi những tay chân ông không thiếu vì ở địa vị có thể ban vô vàn ân huệ đủ loại. Bởi thế không lấy làm lạ rằng ông đã lớn tiếng cho rằng cuộc gặp gỡ với Kim Chính Ân là thắng lợi lớn, dù kết quả chỉ là một bản xác nhận chung tổng quát là phi hạt nhận hóa vùng bán đảo Triều Tiên. Cuộc họp NATO dù các nước gấu ó ra sao thì ông cũng đã kết luận rằng tất cả đều chấp nhận thì hành chỉ tiêu đóng góp 2% tổng sản lượng quốc gia, mà người hiểu chuyện biết rằng là con số đã được đồng ý từ năm 2014. Cuộc thảo luận với thủ tướng Theresa May mà ông chê bai thậm tệ trước khi gặp gỡ đã đưa đến sự giao thương chặt chẽ giữa Anh quốc và Hoa kỳ trong buổi họp báo chung và khen tặng bà May hết lời ngày thứ sáu 13 tháng 7/2018.
Tổng kết lại, trong ngành buôn bán, không có vấn đề nhân lễ nghĩa trí tín của Khổng tử. Chỉ có vấn đề lợi lộc được thua. Nghĩa là đối phó sao cho thích đáng. Trump chẳng phải là bồ bịch gì với Putin và ngược lại thì cũng thế. Kẻ cắp bà già, mạt cưa mướp đắng, hay là vỏ quýt dày móng tay tay nhọn là những thành ngữ các cụ ta dùng từ lâu có thể đem ra dùng một cách chính xác ở đây cho sự tiếp cận hai bên..
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 20 tháng 7/2018