Lời Giới Thiệu: Viết một bài thơ để diễn tả tâm trạng hay để kể một câu truyện có hồn hay ý tưởng, thường là không đơn giản, và đòi hỏi một sự tập trung hay đôi khi cần đến sự xuất thần nhập vai nhân vật của tác giả. Viết thơ để kể chuyện lịch sử dân tộc lại càng khó thực hiện nếu người viết không mang một hoài bảo hay mong ước, khát khao đóng góp cho nền văn hóa nước nhà tại hải ngoại. Những giòng sử viết bằng thơ lục bát là thể thơ thuần tuý của người VN đã được thể hiện qua ngòi bút của Nguyễn Sơn Đảo, với sự học hỏi về cách gieo vần trong ca dao, trong Kiều của cụ Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, và thể lục bát chấm xuống dòng của ông Bút Tre.
Bức Tranh Vân Cẩu kính mời quý vị độc giả cùng thưởng thức những giòng thơ sử Việt Nam của tác giả Nguyễn Sơn Đảo.
Kỳ 4:
Dân đen bất hạnh rã rời
Cộng thêm trí thức cuộc đời buồn tanh
Học hành đỗ đạt tinh anh
Không cho bổ nhiệm công danh như Tàu
Mãi hơn một thế kỷ sau
Đến triều Linh đế bên Tàu mới ban
Một người bản xứ làm quan
Là ông Lý Tiến quận Giao Chỉ mình
Ông bèn viết sớ lên trình
Ta và Tàu có sự bình đẳng nhau
Bổ làm quan ở Trung châu
Nhưng Linh đế duyệt sớ tâu phán liền
Mậu tài và đậu hiếu liêm
Chỉ làm lại thuộc quanh miền đất Nam
Lý Cầm túc vệ chẳng cam
Rủ vài Bách Việt vào toan giập đầu
Kêu cầu thảm thiết vua Tàu
Mới ưng phê thuận sớ tâu khiếu nài
Hiếu liêm hoặc đỗ mậu tài
Được làm quan lệnh trong ngoài các châu
Hạ Dương, Lục Hợp xanh màu
Đến Trương Trọng thái thú châu Kim Thành
Làm thân nô lệ phận đành
Chim lồng cá chậu đấu tranh nước mình
Cuối đời đông Hán tình hình
Bốn phương loạn lạc triều đình bó tay
Dân Giao Chỉ bộ vận may
Có ông Sĩ Nhiếp đức dày mưu cao
Họp anh em ruột bảo nhau
Giữ yên các quận binh đao tạm thời
Vua giờ tợ thể áo tơi
Gian thần nhiếp vị mím môi nhún nhường
Sử than Đổng Trác dọc đường
Thấy dân chúng hội Lạc Dương rước thần
Trác bèn sai bọn quan quân
Là nam giết sạch nữ phân nô tỳ
Lôi về tướng sĩ tuỳ nghi
Để làm nô lệ bán đi mặc tình
Mới hay giặc giã nảy sinh
Nổi lên cướp bóc hoành hành xấu xa
Vào năm Hiến đế thứ ba (203)
Trương Tân, Sĩ Nhiếp cùng hoà sớ tâu
Cải Giao Chỉ bộ Giao châu
Vua đông Hán duyệt sớ tâu thuận là
Đa phần ngòi bút sử gia
Thường khen văn học của nhà Việt ta
Khởi từ ông Sĩ Nhiếp ra
Nhưng e không vững ý đà khác sau
Hán sang Giao Chỉ đã lâu
Trải ba thế kỷ chữ Tàu học hay
Dân rày có lắm mậu tài
Hiếu Liêm những tháng ngày dài Bắc phương
Chắc là cần dụng hiền lương
Thì ông Sĩ Nhiếp chủ trương hợp quần
Mở mang nhân trí trong dân
Nên nhà viết sử tri ân cạn lời
Tổ tiên Sĩ Nhiếp xưa rời
Vấn Dương - Lỗ đến Thương Ngô lánh nàn
Cha làm thái thú Nhật Nam
Cho ông theo đuổi học hành kinh sư
Sách chuyên Lã Thị Xuân Thu
Hiếu liêm đỗ đạt thượng thư lang đầu
Việc quan phải cách về sau
Mậu tài thái thú thấm sâu đất mình
Là người phấn chí công minh
Tận tình dẫn dụ dân sinh học đường
Tư văn làng nước mến thương
Tôn là học tổ Sĩ vương với đời
Khi nhà đông Hán mất ngôi
Bên Tàu tình thế khắp nơi rối bời
Bắc Tào Tháo chiếm thiên thời
Phía Nam địa lợi cơ ngơi Tôn Quyền
Nhân hòa Lưu Bị Tây Xuyên
Thế thành chân vạc nhắm miền trung nguyên
Giao châu thuộc đất Tôn Quyền
Tuy rằng Sĩ Nhiếp uy quyền bấy lâu
Vẫn theo lệ cống vua Tàu
Nay nhà Hán mục nát cầu đông Ngô
Làm quan đức độ dân nhờ
Quy tiên bính ngọ mập mờ Sĩ Huy (226)
Con trai Sĩ Nhiếp kiêu kỳ
Xưng làm thái thú lờ đi Tôn Quyền
Tôn Quyền ngồi đứng chẳng yên
Đất Giao châu cắt chia liền hai sau
Bắc ranh Hợp Phố, Quảng châu
Nam ra Hợp Phố, Giao châu vạch tường
Quảng châu Lữ Đại một phương
Giao châu thứ sử Đái Lương một vì
Và sai thái thú Trần Thì
Đi thay Sĩ Nhiếp kể gì Sĩ Huy
Đái Lương sánh với Trần Thì
Đến thành Hợp Phố Sĩ Huy cản đàng
Tức thời Lữ Đại tiến sang
Dàn quân áp đáo chiêu hàng Sĩ Huy
Bất tài không khéo tính suy
Cùng năm huynh đệ Sĩ Huy đầu hàng
Sĩ Huy, Lữ Đại chém ngang
Anh em bị tội gông quàng giải Ngô
Tôn Quyền trong bụng mở cờ
Quảng, Giao hợp lại cõi bờ một châu
Ban cho Lữ Đại công đầu
Chức quan thứ sử Giao châu góp phần
Đem binh mã đánh Cửu Chân
Gia phong châu mục trọng thần đông Ngô
Quan cai trị Hán hay Ngô
Thảy đều rặt giống tham ô bạo tàn
Dân lành đói khổ lầm than
Quặn lòng trai tráng tìm đàng dấn thân
Bấy giờ Nông Cống - Cửu Chân
Nữ anh kiệt Triệu mộ quân phất cờ (a)
Bồ côi từ thuở ấu thơ
Anh quyền thế phụ căn cơ đỡ đần
Cho bà tập võ học văn
Sáng dòng quan Lạc gót lân nảy nòi
Tuổi đôi mươi ước mơ đời
Thương dân mến nước lẻ loi dặm trường
Là người chí khí quật cường
Có nhiều mưu kế đảm đương binh quyền
Khi vào trong núi tụ hiền
Hơn ngàn tráng sĩ thề nguyền tử sanh
Người anh Quốc Đạt khuyên ngăn
Thì bà khảng khái muốn rằng tôi đây
"Cưỡi cơn gió mạnh tuông mây (b)
Bể đông đạp sóng dữ xoay chém kình
Cõi bờ quét sạch Ngô binh
Cứu dân thoát cảnh điêu linh giặc Tàu
Chứ không bắt chước cúi đầu
Cong lưng tỳ thiếp để hầu người ta"
Ba năm chuẩn bị trôi qua
Hai trăm bốn tám anh bà xuất quân (248)
Đánh thành Tư Phố - Cửu Chân
Bà đem quân đến giúp anh lấy thành
Quần hùng dưới trướng của anh
Thấy bà can đảm xứng danh anh hùng
Giáo dài gươm ngắn điệp trùng
Lưng voi nhung phục giáp vàng xông pha
Cổ cao ba ngấn nõn nà
Oai phong dáng dấp tiên nga mỹ miều
Ba quân tin tưởng kính yêu
Tôn làm chủ gọi Nhụy Kiều tướng quân
Được tin khởi nghĩa lớn dần
Ngô sai Lục Dận đích thân dẹp loàn
Dẫn quân tăng viện tám ngàn
Thái sơn áp noãn dốc toàn lực công
Binh uy tả hữu xây vòng
Tiếng la át tiếng trống đồng Cửu Chân
Hai bên từng bước tranh phân
Đánh ba mươi trận Ngô quân chết nhiều
Chua cay Lục Dận làm liều
Mục tiêu đức hạnh Nhụy Kiều tướng quân
Bắt quân lính cởi áo quần
Xua vô chiến trận đụng quân cố cùng
Giở trò tiền sử hung hăng
Thế bà Triệu thẹn tránh đàng hiển nhiên
Lui quân tới xã Bồ Điền
Thì bà tuẫn tiết giữ tuyền đoan trinh
Cùng anh giong ruổi chiến chinh
Hai mươi ba tuổi quên mình vì dân
Nhớ ơn trung dũng tiền nhân
Về sau Nam đế sai dân miếu thờ
Phong là "Trinh nhất phu nhân (c)
Tài năng xuất sắc hiến thân cho đời
Võ công giúp nước tạo thời
Cương cường oanh liệt rạng ngời non sông"
Đến nay Triệu Lộc núi Tùng
Hãy còn di tích phần lăng mộ bà
Ngày hăm mốt tháng hai ta
Hàng năm làm giỗ nhớ bà Triệu ơn
Thắng quân Lệ Hải Bà vương
Quan đông Ngô vẫn thói thường tham lam
Người Giao châu tụ tập bàn
Giết Ngô thái thú đi hàng Ngụy vương
Hai trăm sáu bốn đoạn trường (264)
Các vua Tàu vốn lo lường dã tâm
Ngô Tôn Hạo lấy Uất Lâm
Thương Ngô, Nam Hải chia làm Quảng châu
Thật là mưu kế cao sâu
Phận nô lệ phải cúi đầu mà cam
Còn thì Hợp Phố, Nhật Nam
Cửu Chân , Giao Chỉ lấy làm Giao châu
Đặt Phiên Ngung trị Quảng châu
Long Biên châu trị Giao châu mỗi rường
Nước Nam Việt Triệu Vũ vương
Từ đây đôi ngả lụy phường Bắc phương
Vào năm ất dậu Tấn vương (265)
Cướp ngôi nhà Ngụy lấn đường Giao châu
Sáu năm Ngô, Tấn đánh nhau
Hai trăm bảy mốt thua đau Tấn về (271)
Đất lành cây trái sum sê
Chim kêu ríu rít bờ đê ngõ làng
Chức Giao châu mục giần sàng
Lọt tay thứ sử Đào Hoàng đông Ngô
Tới năm hai tám zéro (280)
Vận nhà Tấn thịnh nhà Ngô mạt tàn
Quan Giao châu mục Đào Hoàng
Nghe lời Tôn Hạo xin hàng Tấn vương
Được vua Tư Mã Viêm nương (d)
Cho lưu chức cũ quan trường xứ ta
Sau khi thống nhất sơn hà
Thấy nhà Ngụy mất chính là thế cô
(còn tiếp)
(a) Bà Triệu có các tên:
- Tầu gọi bà là Triệu Ầu, giặc Ngô
phong cho bà là Lệ Hải bà vương.
- Người Việt gọi là Triêu Trinh nương,
Triệu Thị Trinh. Quân sĩ tôn là Nhụy
Kiều tướng quân.
(b) "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp
đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở
bể đông chứ không thèm bắt chước
người đời cúi đầu cong lưng để làm
tỳ thiếp cho người ta"
(c) "Bật chính anh liệt hùng tài trinh
nhất phu nhân"
(d) Vị vua thành lập nhà Tấn, sau
thời kỳ tam quốc (220-280).