Thành kính ghi nhớ công đức tổ tiên.
Mùa Thu năm 2016, trong khi tra cứu và thu thập các ghi chép trong sử sách xưa về lịch sử thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, chúng tôi thấy được công trình biên khảo của nhà nghiên cứu người Tàu, Le P. Mathias Tchang, S.J.*, tu học thành một giáo sĩ Jésuite (Jesuits): Chronologie Complète et Concordance avec L’ère Chrétienne, de toutes les dates concernant l’histoire de l’Extrême-Orient (Chine, Japon, Corée, Annam, Mongolie, etc.) – (2357 AV.J.-C.– 1904 APR.J.-C.), par Le P. Mathias Tchang, S.J.- Variétés Sinologiques No.24, Synchronismes Chinois - Chang-Hai, Imprimerie de la Mission Catholique, Orphélinat de T’ou-se-Wì, 1905. Sách được biên soạn rất kỹ lưỡng, công phu, tác giả kê cứu và đối chiếu với dương lịch mọi niên biểu, niên hiệu…. những triều đại của các nước miền Viễn Đông. Các tài liệu tham khảo được liệt kê gồm 166 văn bản cổ sử Tàu, trong số đó có các bộ sử cổ được xem trọng nhất ở bên Tàu - Nhị thập tứ sử - và nhiều bộ cổ sử hiếm khi được thấy nhắc đến, ghi chép về sử Việt thượng cổ:
Chúng tôi tra cứu đoạn văn ghi chép về thời Hai Bà Trưng trong biên khảo kể trên, xin trích nguyên văn kèm thêm chú thích như sau:
Theo ghi chép của Le P. Mathias Tchang, S.J., có mấy điều quan trọng cần lưu ý:
1. Bà Trưng khởi nghĩa vào khoảng năm 30 tây lịch, vì Thái Thú Tô Định (Sou Ting) cai trị dân Việt quá khắc nghiệt.
2. Nhà Hán đã lập tức phái Mã Viện đem quân đến chống lại lực lượng khởi nghĩa vào khoảng năm 32, nhưng gặp sự kháng cự mãnh liệt đến độ Mã Viện phải rút quân, bỏ ý định đánh chiếm lĩnh thổ Giao Chỉ.
3. Tác giả ghi năm 39 là năm thứ nhất của triều đại Trưng Vương. Như vậy, cuộc khởi nghĩa đã kéo dài gần 10 năm, từ năm 30 đến năm 39.
Giáo sĩ Le P. Mathias Tchang, S.J. là người Tàu gốc, hẳn tinh thông cổ văn Tàu nên đã tham khảo đến 166 bộ cổ sử Tàu, hoàn thành công trình nghiên cứu theo phương pháp khoa học Âu Tây, như vậy biên khảo có mức độ khả tín đáng trọng. Tuy nhiên, vì những điều trích dẫn trên đây khác hẳn với những ghi chép trong các văn bản sử liệu của các sử quan, văn gia Tàu cũng như Việt đã được lưu truyền từ thế kỷ V đến ngày nay, nên chúng ta cần phải thận trọng kiểm chứng, hầu mong có thể tìm lại được sự thật về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng.
* * *
Vào thế kỷ thứ I, trong khoảng 20 năm sau thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, từ năm 58, Ban Cố (班固- Ban Gu/ Pan Ku (đọc theo Wade-Giles)) khởi công biên soạn bộ Hán thư ( 漢書/ 汉书 - Hànshū - Hán sử), đến năm 82 thì bị gián đoạn. Sau khi Ban Cố (32-92) qua đời, em gái là Ban Chiêu (班昭) cùng Mã Tục tiếp tục hoàn thành việc biên soạn và hoàn tất vào năm 111, tức là vào khoảng 70 năm sau thời Hai Bà Trưng. Hán thư ghi lại những sự việc từ thời Tây Hán, từ năm 206 trước tây lịch đến khi hết loạn Vương Mãng vào năm 23 (Wang Mang 王莽, 45 trước tây lịch – 23, nổi loạn năm 9), vì thế đã không ghi chép gì về triều Đông Hán (khởi đầu năm 25). Điều đáng lưu ý là tuy các tác giả bộ Hán thư sống vào thời Đông Hán nhưng họ đã không ghi chép gì về lịch sử thời Đông Hán, trong thời gian đó có cuộc khởi nghĩa ở Giao Chỉ và miền Lĩnh Nam.
Trong suốt khoảng 400 năm tiếp theo thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, không thấy có bộ chính sử nào của Tàu được hình thành và còn lưu truyền lại đến nay. Tương truyền là trong thời kỳ này đã có những bộ du ký địa lý và thần thoại (còn gọi là ký (ji)), ghi lại những truyện truyền khẩu phổ thông trong dân gian hoặc truyện dã sử thần thoại. Các bộ ký còn được nhắc đến là: Giao Châu Ngoại Vực ký (交州外域記- Jiao Zhou Wai Yu ji, thế kỷ III-IV, không rõ tác giả), Quảng Châu ký (廣州記, tác giả Bùi Uyên 裴淵), Nam Việt chí (南越志, không rõ tác giả), nhưng vì đã tuyệt bản từ lâu, nên các truyện ký này chỉ còn được thấy trích dẫn trong các chính sử hoặc dã sử biên soạn vào đời Đường, đời Tống trở về sau. Nay chẳng có cách nào để kiểm chứng mức độ khả tín của các truyện ký này.
Mãi cho đến khoảng 400 năm sau thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, các sự kiện về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà mới thấy được ghi lần đầu tiên trong bộ Hậu Hán thư (後漢書 -Hou Han shu), tác giả là 范曄 (Fan Yeh - Phạm Diệp (Việp), 398-446), viết vào khoảng năm 432 và hoàn tất năm 445 (vào thời Lưu Tống (Liu Song, 420-478)). Hậu Hán thư tuy là bộ sách sử cổ xưa thứ ba trong Nhị thập tứ sử của Tàu nhưng là bộ cổ sử đầu tiên viết về giai đoạn triều Đông Hán (từ năm 25 đến năm 220).
Theo tác giả Linh Mục Nguyễn Phương (Việt Nam thời khai sinh-Phòng nghiên cứu sử, Viện đại học Huế, 1965) đoạn chính văn trong bộ Hậu Hán thư, trang 747/3, ghi chép rất vắn tắt về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà như sau:
Phiên âm: "Hựu Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc, cập nữ đệ Trưng Nhị phản, công đầu kỳ quận, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, man di giải ứng chi, khấu lược Lĩnh Ngoại lục thập dư thành. Trắc tự lập vi vương".
Tạm dịch nghĩa: Ở Giao Chỉ có người nữ tên Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá quận, người Man di ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng, cướp chiếm hơn 60 thành ở Lĩnh Ngoại. Trắc tự lập làm vua.
Ghi chú và Khảo luận về đoạn chính văn trích dẫn từ Hậu Hán thư:
Theo một số các tác giả khác, phần đầu của đoạn chính văn có khi được chép khác đi đôi chút: … 交 阯 女 子 徵 側 及 其 妹 徵 貳 … …giao chỉ nữ tử trưng trắc cập kì muội trưng nhị …
Một số điều chúng ta cần để ý là:
- chữ 側 (âm trắc) trong câu văn Tàu có nghĩa không tốt, nên khi dịch nghĩa thì đành theo sát nguyên văn chữ Tàu. Nhưng khi nhắc đến danh tính Bà Trưng, để tỏ lòng tôn kính, nên ghi là Trưng Chắc. (xin xem bài: Danh tính của Hai Bà Trưng và vị anh hùng tên Thi- Đỗ Hoàng Ý, 2018)
- chính văn Hậu Hán thư không thấy ghi Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm nào và bà Trưng Chắc lên làm vua năm nào?
- Hậu Hán thư không ghi rõ quê của Hai Bà ở nơi nào trong địa phận Giao Chỉ, và cũng không ghi rõ là Giao Chỉ Bộ hay Giao Chỉ Quận (xin xem thêm bài Đất nước Việt thời thượng cổ trong vùng Đông Á, Đỗ Hoàng Ý, 2015- về sự khác biệt giữa Giao Chỉ Bộ và Giao Chỉ Quận).
- trong chính văn Hậu Hán Thư, Giao Chỉ được ghi là: 交阯 *chữ chỉ 阯 (dị thể của chữ 址 với bộ thổ 土),dùng với nghĩa: nơi, chỗ, địa điểm (địa chỉ) *chứ không phải là chữ chỉ 趾 (với bộ túc 足 ), thường được hiểu là ngón (chân)(túc chỉ)
- chính văn Hậu Hán thư không thấy nhắc đến “chồng” của bà Trưng Chắc, không thấy nói gì đến thái thú Tô Định và cũng không ghi nguyên do của cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà.
Trong nhiều thế kỷ qua, đã có nhiều biên khảo dẫn câu văn được ghi là trích từ Hậu Hán thư như sau: …. 交 阯 太 守 蘇 定 以 法 繩 之 側 忿 故 反 …. giao chỉ thái thú tô định dĩ pháp thằng chi trắc phẫn cố phản…
Tạm dịch nghĩa: Thái thú Giao Chỉ Tô Định lấy luật pháp trói buộc, nên Trắc tức giận, làm phản.
Nhưng theo tác giả Linh Mục Nguyễn Phương (Việt Nam thời khai sinh-Phòng nghiên cứu sử, Viện đại học Huế,1965) thì câu này không phải là chính văn Hậu Hán thư (thế kỷ IV) mà là câu chú thích của Lý Hiền* (thế kỷ VII).
Những câu chú được in chung trong bản văn Hậu Hán thư, nhưng được in bằng khổ chữ nhỏ hơn (bản in của Nghệ Văn Ấn Thư Quán, Hương cảng, 1952).
*Ghi chú:
Vào thế kỷ VII, khoảng năm 675-680, trong thời gian bị Võ Hậu (Võ Tắc Thiên) đày ra vùng quan ngoại, Chương Hoài Thái tử Lý Hiền (654-684) (con thứ sáu của vua Cao Tông và Võ Hậu nhà Đường (唐朝 - 618-907), đọc lại các sách sử, đã ghi chú thích. Có tài liệu ghi là Hoàng Thái tử Giám quốc Lý Hiền, sai Trương Ðại Yên và Lưu Nạp Nguyên chú giải Hậu Hán Thư của Phạm Diệp (398-446). Điểm cần lưu ý là câu chú thích của Lý Hiền không ghi Tô Định sát hại chồng bà Trưng Chắc.
Chính văn Hậu Hán thư ghi:… Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, man di giải ứng chi, khấu lược Lĩnh Ngoại lục thập dư thành. Trắc tự lập vi vương.
Theo ghi chép này: Lực lượng khởi nghĩa đã chiếm đoạt lục thập dư thành, vì sự việc đã xảy ra từ 2000 năm trước nên nay chúng ta không thể biết rõ được hơn 60 thành ấy rộng lớn và vững chắc như thế nào. Vào thời ấy, rất có thể thành được dùng để chỉ các khu vực dân cư tụ tập sinh sống, có hào lũy chiến đấu bao quanh để phòng vệ. Theo Quận quốc chí (trong Hậu Hán thư) thì Nam Hải (khoảng Quảng Đông ngày nay) có 7 thành, Thương Ngô (khoảng Quảng Tây) 11 thành, Uất Lâm (Quảng Tây) 11 thành, Hợp Phố 5 thành, Giao Chỉ 12 thành, Cửu Chân (khoảng Quý Châu ngày nay) 5 thành, Nhật Nam (khoảng giữa Vân Nam, Quảng Tây) 5 thành, như vậy là 56 thành*. Nếu cộng với 12 thành ở Dương Châu và Kinh châu thì được hơn 60 thành, như thế mới đúng với số lục thập dư thành mà quân khởi nghĩa đã chiếm được.
*danh sĩ Ngô Thì Sĩ ghi thuộc địa Giao Chỉ bộ gồm bảy (7) quận, 56 thành. danh sĩ Lê Quí Ðôn ghi 65 thành, nhưng chỉ liệt kê 56 thành (như theo Hậu Hán thư). Điều này chứng tỏ cuộc khởi nghĩa của các tộc Việt thời Hai Bà đã thành công trong khắp miền Lĩnh Nam, bao gồm các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, là sự kiện lịch sử khá chắc chắn .
Hơn thế nữa, có những biên khảo cho biết đến cuối thế kỷ XX vẫn còn nhiều đền, miếu thờ các vị tướng của cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà quanh vùng hồ Động Đình và trong vùng Lĩnh Nam. Như thế, rất có thể cuộc khởi nghĩa đã lan rộng lên phía bắc Ngũ Lĩnh, đến các vùng hồ Động Đình, Kinh Châu và Dương Châu.
Tuy nhiên, vì đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy hình ảnh nào được trưng dẫn về các đền, miếu thờ ấy, nên các sự kiện kể ra trong bản tóm lược sau đây còn cần được kiểm chứng.
Theo Hậu Hán thư, phần chính văn ghi rất vắn tắt:
… Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, man di giải ứng chi, khấu lược Lĩnh Ngoại lục thập dư thành…
nhưng cũng đủ rõ cho thấy là tác giả Hậu Hán thư đã quan niệm rặng Ngũ Lĩnh được xem là giới hạn phía Nam của đất nhà Hán, nên ghi là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà ở Lĩnh Ngoại, bên ngoài rặng Ngũ Lĩnh.
Đối với sử quan Tàu, miền bên ngoài rặng Ngũ Lĩnh chính là bên phía Nam rặng Ngũ Lĩnh: miền Lĩnh Nam. (xin xem bài Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh - 南還至五嶺, tác giả là sứ thần Nguyễn Thực (1554-1637), làm bài thơ này trong khi đi sứ bên Tàu).
* Theo Thủy Kinh (水經 - Shui-ching,tác giả chưa rõ là Tang Khâm hay Quách Phác, khoảng thời Tam quốc phân tranh, 220-265TL) và Thủy Kinh Chú ( 水經注 -Shuiching zhu- chú giải về Thủy Kinh, tác giả Lịch Đạo Nguyên (Li Dao-Yuan (466 (472?) – 527), đời Bắc Ngụy), Ngũ Lĩnh gồm 5 rặng núi hợp thành, theo thứ tự từ Tây sang Đông như sau:
Việt Thành lĩnh (Yuechengling - 越 城嶺 )
Đô Bàng lĩnh (Dupangling - 都龐嶺)
Manh Chử lĩnh (Mengzhuling - 萌渚嶺)
Kỵ Điền lĩnh (Qitianling - 騎田嶺)
Đại Du (Dữu) lĩnh (Tayuling -大 庾 嶺)
*Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục có ghi: Theo Nam Khang ký (tác giả Đặng Đức Minh), Ngũ Lĩnh gồm:
Đài lĩnh ở đất Đại Dũ
Kỵ Điền ở đất Quế Dương
Đô Bàng ở đất Cửu Chân
Manh Chử ở đất Lâm Hạ
Việt Thành ở đất Thủy An
*Theo Quảng Châu ký, tác giả Bùi Uyên, Ngũ Lĩnh gồm: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương,Yết Dương trong địa phận Quảng Đông và Quảng Tây. * Theo Sử ký 史记 (tác giả Tư Mã Thiên 司馬遷 Ssu-ma Ch'ien, hoàn thành khoảng năm 91-97 trước Tây lịch), trong Tần Thủy Hoàng bản kỷ có đoạn ghi: “Thủy Hoàng … chiếm lấy đất Lục Lương, đặt làm Quế Lâm, Tượng quận, Nam Hải”. Dưới chữ Tượng quận có chua sáu chữ nhỏ: “Vi Chiêu viết, kim Nhật Nam”, nghĩa là theo Vi Chiêu: Tượng quận đời Tần là Nhật Nam (theo: Sử thuyết họ Hùng, những điều mới biết- Nhất Nguyên, nguồn internet, 2010). * Theo Hán thư 漢書: Nhật Nam là Tượng quận đời Tần (về phía tây của Quảng Tây ngày nay) (trích dẫn từ Thủy kinh chú sớ, quyển XXXVI, trang 365) * Thủy Kinh chú, quyển 36, có trích dẫn những chi tiết sau đây từ Giao châu ngoại vực ký:
*Theo Thái Bình Hoàn Vũ ký*:
- Ái Châu tức Cửu Chân, phía nam giáp quận Nhật Nam, phía tây giáp quận Tường Kha (miền nam của Hồ Nam), phía bắc giáp Ba Thục, phía đông giáp Uất Lâm (vùng Quế Lĩnh, Quảng Tây ngày nay). Theo như thế, Cửu Chân gồm khoảng phía bắc Quý Châu và phần phía tây bắc của Quảng Tây (ngày nay).
- Nhật Nam ở về phía nam của Cửu Chân, phía tây của Uất Lâm. Theo như thế, Nhật Nam gồm khoảng phía nam Quý Châu và phần phía tây nam của Quảng Tây (ngày nay).
*(Thái Bình Hoàn Vũ ký (Taiping huanyu ji- 太平寰宇記) tác giả Nhạc Sử, đời Tống (960-1279), triều Tống Thái tông (976-997), được vua Tống ngự lãm (duyệt), gồm 200 quyển được in năm Quang Tự thứ 8, đời nhà Thanh (1882)).
* Trong An Nam chí lược 安南志略 , bộ sách sử viết bằng văn xuôi chữ Tàu do Lê Tắc biên soạn khi sống lưu vong bên Tàu (vào khoảng năm 1307), có ghi những câu sau: ….Mạnh Hạo Nhiên có câu thi: "Đồng trụ Nhật Nam đoan", nghĩa là cột đồng đứng đầu đất Nhật Nam…
Ghi chú: Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740) tên Hạo, tự Hạo Nhiên, người huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc), ở ẩn nhiều năm trong vùng núi Chung Nam ( 終南山- Chung Nam sơn, là một nhánh của dãy núi Tần Lĩnh, ở Thiểm Tây). Khoảng năm 730, Lý Bạch hẹn gặp Mạnh Hạo Nhiên ở lầu Hoàng Hạc (黄鹤楼- Hoàng Hạc lâu) bên bờ Trường giang (Dương Tử) tại Giang Hạ (nay là Vũ Hán). Đấy là lần Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Dương châu) chốn đô thị phồn hoa bậc nhất đời nhà Đường. Thuyền đi, Lý Bạch đứng bên bờ sông ngóng thuyền của bạn khuất bóng trên dòng Trường giang hùng vĩ, Lý Bạch xúc động làm bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (黄鹤楼送孟浩然之广陵). Theo như thế, cuộc đời Mạnh Hạo Nhiên tuy sống trong vùng phía bắc của Trường giang, mà biết đến Nhật Nam có đồng trụ (Đồng trụ Nhật Nam đoan) thì chúng ta có thể hiểu là Nhật Nam ở cách vùng Trường giang không xa.
….Cuối đời nhà Hán, có người trong ấp*giết huyện lệnh, tự lập thành nước, gọi là Lâm-ấp. Trong xứ ấy, núi trùng-điệp, cho nên Liễu-Tử-Hậu** có câu thơ rằng:"Lâm-ấp đông hồi sơn tợ kính" nghĩa là: "từ phía đông quanh lại xứ Lâm-ấp, núi dựng như cây giáo"…..
Ghi chú : Theo ghi chép trong An Nam chí lược thì *ấp/ huyện đây là huyện Tượng Lâm (nhưng theo Thủy kinh chú thì cho đấy là huyện Lâm Ấp). Theo Liễu Tử Hậu: Lâm-ấp đông hồi sơn tợ kính, nghĩa là nước Lâm Ấp phía đông giáp với núi cao, nhọn và trùng điệp, chứ không giáp biển, nên phải là ở sâu trong đất liền.
**Liễu Tông Nguyên (773-819), tự Tử Hậu, người Hà Đông, nay thuộc huyện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây (bên Tàu), nên còn được gọi là Liễu Hà Đông, là một trong Đường Tống Bát Đại Văn Gia.
Khoảng năm 805, họ Liễu bị giáng chức từ Lễ Bộ Viên ngoại lang xuống làm Tư Mã trấn nhậm ở Vĩnh Châu (địa phận tỉnh Hồ Nam ngày nay). Năm 1815, được bổ làm Thứ sử Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, vì thế còn được gọi tên là Liễu Liễu Châu, sau mất ở Liễu Châu năm 819, khi 46 tuổi.
Liễu Tông Nguyên sống trong vùng Hồ Nam 10 năm, làm Thứ Sử Liễu Châu 4 năm, hẳn biết rõ hình thể địa lý vùng Quảng Tây và chung quanh Quảng Tây. Như thế, câu thơ của họ Liễu tả địa thế Lâm Ấp (Lâm Ấp đông hồi sơn tợ kính) rất đáng tin.
Thêm nữa, trên bản đồ Hua Yi tu (華基图 ) khắc lên đá vào năm 1136, tuy không đúng tỉ lệ như bản đồ Âu Tây vào thế kỷ XIX –XX như chúng ta thường quen thấy, nhưng có khắc những hàng chữ cho biết vị trí của Lâm Ấp ở sâu trong đất liền và ở về phía tây và tây nam của quận Giao Chỉ. Những ghi chép trong các văn bản sử cổ của Tàu từ khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ IX-X (đời nhà Đường, nhà Tống), như trong Giao Châu ngoại vực ký, Nam Khang ký, Thái Bình Hoàn Vũ ký, đến các câu thơ của Mạnh Hạo Nhiên, của Liễu Tông Nguyên (tự Tử Hậu)…, đã được biên soạn và sáng tác từ trước khi nước ta có những bộ quốc sử đầu tiên*, cho chúng ta thấy mấy điều quan trọng cần đặc biệt lưu ý về Cửu Chân, Nhật Nam và Giao Chỉ (quận) là:
1. Cửu Chân ở vùng Đô Bàng lĩnh (một trong năm rặng núi thuộc dãy Ngũ Lĩnh), phía tây bắc giáp Ba Thục (chứ không giáp Giao Chỉ như hầu hết các sử liệu Việt đã ghi). Nhật Nam ở phía nam của Cửu Chân, và phía tây của Uất Lâm (Quảng tây ngày nay). Theo như thế thì chính các vua quan, văn gia Tàu từ đời Hán đến đời Đường vẫn nhìn nhận Cửu Chân và Nhật Nam là hai quận trong lĩnh thổ Giao Chỉ (Giao Chỉ Bộ thời Hán) và cả hai quận đều ở phía bắc của quận Giao Chỉ.
*Ghi chú:
- Đại Việt sử ký, soạn giả Lê văn Hưu, hoàn thành năm 1272.
- Đại Việt sử lược (tác giả "khuyết danh" biên soạn vào đời nhà Trần, được hoàn thành trong khoảng những năm 1377-1388).
Nhưng từ bao thế kỷ nay, không rõ vì lý do nào và căn cứ vào đâu mà hầu hết các sử gia, các tác giả Việt xưa nay, tuy chưa có sự đồng thuận rõ ràng, lại đều nhận là: Cửu Chân ở khoảng các vùng Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nhật Nam là từ đèo Ngang, Quảng Bình vào đến Bình Định.
2. Vào đời Hán, Giao Châu ngoại vực ký* có ghi: *theo Aurousseau, tác giả có thể là Cố Vi, viết vào đời nhà Tấn (205-420) …….Tòng Nhật Nam quận nam khứ đáo Lâm Ấp quốc tứ bách dư lí…. (được trích dẫn trong Thủy kinh chú)
Tạm dịch nghĩa: Từ quận Nhật Nam đi về phía nam hơn 400 dặm thì đến nước Lâm Ấp…
Ghi chú: Theo Liễu Tông Nguyên thì Lâm Ấp ở sâu trong đất liền, nên đúng ra phải nói là: … từ quận Nhật Nam đi về phía tây nam hơn 400 dặm* thì đến nước Lâm Ấp….
*400 dặm Tàu bằng khoảng hơn 200km.
Hiểu theo các ghi chép kể trên, miền đất trải rộng hơn 400 dặm Tàu (khoảng 200km) ở giữa quận Nhật Nam (phía bắc) và nước Lâm Ấp (phía tây nam), không gì khác hơn, chính là lĩnh vực quận Giao Chỉ.
Nói một cách khác: Cửu Chân và Nhật Nam đều ở phía Bắc của quận Giao Chỉ. Nhật Nam ở giữa Cửu Chân và quận Giao Chỉ. Lâm Ấp ở về khoảng phía tây và tây nam của quận Giao Chỉ (đời Hán), khoảng vùng phía tây nam Vân Nam và vùng bắc Ai Lao sau này.
Khi định lại vị trí của các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố trong lĩnh thổ Giao Chỉ (xin xem bản đồ kèm theo), chúng ta thấy rất rõ ràng là cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng đã khởi phát trong vùng lĩnh thổ Giao Chỉ, lan rộng khắp miền Lĩnh Nam, chứ không phải là ở vùng đồng bằng sông Hồng (khi ấy cũng vẫn chưa thành hình rõ rệt như được ghi vẽ trên các bản đồ từ thế kỷ XV đến nay). (Xin xem thêm các bài: Đất nước Việt thời thượng cổ trong vùng Đông Á - Đỗ Hoàng Ý, 2015, Đồng bằng sông Hồng ngày xưa, Đỗ Hoàng Ý, 2016).
Khoảng gần 500 năm sau thời Hai Bà khởi nghĩa, tác giả 酈道元 - Li Daoyuan / Lịch Đạo Nguyên (466 – 527) biên soạn Thủy kinh chú (水經注- Shuijing zhu/ Shui-ching zhu – chú thích về Thủy kinh) trong khoảng những năm 515 – 524. Nhiều bài biên khảo dẫn đoạn văn được ghi là trích từ Thủy kinh chú như sau: 後朱䳒雒將子名詩索麊冷雒將女名徵側為妻。側為人有膽勇 將詩起賊 (案近刻訛為妻) 攻破州郡 服諸雒將 皆屬徵側為王 治麊泠縣 (quyển 37, tờ 62 a).
Phiên âm:
Hậu chu diên lạc tướng tử danh thi sách my linh lạc tướng nữ danh trưng trắc vi thê。 trắc vi nhân hữu đảm dũng tương thi khởi tặc. (Án cận khắc ngoa vi thê) công phá châu quận phục chư lạc tướng giai chúc* trưng trắc vi vương trị my linh huyện.
*nhiều bản phiên âm là… giai thuộc
Tạm dịch nghĩa: Sau con trai Lạc tướng ở Chu Diên tên Thi hỏi cưới (lấy) con gái Lạc tướng My Linh tên Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người can đảm, dũng lược, cùng Thi khởi loạn.
(Khảo xét: gần đây khắc sai thành “thê”), công phá châu quận, quy phục được các Lạc tướng khác, họ đều tôn Trưng Trắc làm vua, đóng đô ở huyện My Linh. (trích từ nguồn internet, cần kiểm chứng thêm)
Trong biên khảo Lịch sử Lạc Việt (L.M. Nguyễn Phương, Bách Khoa Thời Đại, Sàigòn-1965) tác giả trích dẫn đoạn văn ghi chép khác hẳn, nhưng cũng ghi chú là trích từ Thủy kinh chú, quyển 37, tờ 62 a:
Phiên âm: Châu Diên Lạc tướng tử, danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ, danh Trưng Trắc, vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc. Mã Viện tương binh thảo. Trắc, Thi tẩu nhập Cấm Khê….
Tạm dịch nghĩa: con trai Lạc tướng huyện Châu Diên, tên là Thi, đi hỏi con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ, Trắc là người có can đảm và dũng lược, cùng với Thi nổi lên làm giặc. Mã Viện đem quân đánh đuổi. Trắc, Thi chạy vào Cấm Khê. Theo đoạn văn này, Thủy kinh chú không nói gì đến thái thú Tô Định, không ghi gì về nguyên do của cuộc khởi nghĩa, không nhắc đến bà Trưng Nhị, không ghi bà Trưng khởi nghĩa năm nào và xưng Vương năm nào. Đoạn văn cũng ghi rõ ràng là khi bà Trưng khởi nghĩa thì ông Thi vẫn còn sống, cùng chiến đấu chống Hán, rồi cùng lui chạy vào Cấm Khê.
Ghi chú: Thiên Nam ngữ lục* cho rằng vị anh hùng “Thi Sách” có tham gia khởi nghĩa với Bà Trưng và tử trận trước khi cuộc khởi nghĩa thành công.
*Thiên Nam ngữ lục, tên gọi đầy đủ là Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ, đến nay không rõ tên tác giả, sáng tác vào cuối thế kỷ 17. Tập sách diễn ca lịch sử Việt từ Kinh Dương Vương đến đời Lê Trung Hưng, gồm 8136 câu thơ lục bát, 31 bài thơ chữ Hán và 2 bài thơ Nôm.
Điểm đáng lưu ý là sách được sáng tác vào cùng thời kỳ khi bộ Đại Việt sử ký toàn thư được khắc bản in (bản Nội Các Quan Bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, triều Lê Hy tông (1697)), nhưng lại có nhiều điều ghi chép khác với Đại Việt sử ký toàn thư.
Ghi chú và Khảo luận về đoạn văn trích từ Thủy kinh chú :
Vào thế kỷ VI, Lịch Ðạo Nguyên là tác giả đầu tiên ghi tên chồng của bà Trưng Chắc vào sử: Phiên âm: … chu diên lạc tướng tử danh thi sách my linh lạc tướng nữ tử danh trưng trắc vi thê trắc vi nhân hữu đảm dũng tương thi khởi tặc…
Tạm dịch nghĩa: Con trai của lạc tướng Chu Diên tên (là) Thi, hỏi (sách) con gái lạc tướng My Linh tên (là) Trưng Trắc làm vợ... Trắc là người can đảm, dũng lược, cùng Thi nổi loạn… Dựa theo câu trên đây của Thủy kinh chú, thái tử Lý Hiền đời Ðường (thế kỷ VII) chú thích vào Hậu Hán thư thành câu: … 徵 側 者 麊 泠 縣 雒 將 之 女 也 嫁 為 朱 䳒 人 詩 索 妻 甚 雄 勇 …
Phiên âm: ….trưng trắc giả my linh huyện lạc tướng chi nữ dã giá vi chu diên nhân thi sách thê thậm hùng dũng...
Tạm dịch nghĩa: … trưng trắc (là) con gái lạc tướng huyện my linh được gả làm vợ cho người (huyện) chu diên (tên là) thi sách rất hùng dũng….
Trong Hán văn xưa, văn viết không có chấm, phẩy, tên họ người không viết chữ hoa, lại thêm vì cách đặt chữ của Lý Hiền trong chính câu văn này… nên đã gây hiểu nhầm, chữ “sách” được hiểu là một phần của “ tên người”. Vì dựa theo câu chú của Lý Hiền, từ bao năm nay, hầu hết các sử sách Việt đã ghi sai nhầm tên của vị anh hùng tên Thi là Thi Sách, như trong:
- Việt Điện U Linh Tập - 越甸幽靈集 Tác giả “khuyết danh”, người đời nhà Lý. Đến đời nhà Trần, Lý Tế Xuyên viết nối thêm vào, hoàn thành tập sách khoảng năm 1329 (theo học giả Dương Quảng Hàm đọc thấy từ bài Tựa của Gia Cát thị viết năm 1774).
- Đại Việt Sử Lược - 大越史略 Tác giả "khuyết danh" biên soạn vào đời nhà Trần, được hoàn thành vào khoảng năm 1377. Trải qua bao nhiêu nạn binh đao vì quan quân Tàu xâm lăng, tàn phá nước ta, Đại Việt Sử Lược bị thất truyền không rõ là tự bao giờ. Đến thời Càn Long (1736 – 1795) nhà Thanh, quan nhà Thanh Tiền Hy Tộ dùng sách này để tra cứu và bổ túc cho phần ngoại truyện của Tống sử và Nguyên sử, đã tiến hành hiệu đính, cho khắc in, rồi nạp sách vào Khâm định tứ khố toàn thư của triều Thanh. Trước khi khắc in, Tiền Hy Tộ đã đổi tên sách là Việt sử lược, trong sách thì đổi danh xưng Đại Việt nước ta là An Nam.
- Lĩnh Nam chích quái - 嶺南摭怪 Tương truyền tác giả là Trần Thế Pháp, người đời nhà Trần (thế kỷ XV) (theo ghi chép trong các tác phẩm Vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú).
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư -大越史記全書, được hoàn thành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479). Tác giả Ngô Sĩ Liên biên soạn trên căn bản hiệu đính,bổ sung hai bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên soạn vào đời nhà Trần.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục - 欽定越史通鑑綱目 Quốc Sử Quán triều Nguyễn được vua Dực tông nhà Nguyễn (Tự Đức) chỉ đạo biên soạn vào năm Tự Đức thứ 8 (1856), giao cho Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên). Bộ sách được hoàn thành vào năm 1859, sau đó trải qua các lần "duyệt nghị" (1871), "duyệt kiểm" (1872), "phúc kiểm" (1876), "duyệt định" (1878), "kiểm duyệt" (1884). Đến đời vua Giản tông nhà Nguyễn, năm Kiến Phúc thứ 1(1884), thì được khắc in và ban hành. Đúng ra, câu chú của Lý Hiền: ….. 嫁 為 朱 䳒 人 詩 索 妻 甚 雄 勇 …. Giá vi chu diên nhân thi sách thê thậm hùng dũng Nên hiểu là: …Lấy người (ở) chu diên (tên) thi (hỏi) cưới (người) vợ rất hùng dũng.
Ghi chú: chữ 索 (sách) thường được dùng với nghĩa: đòi hỏi, đòi lấy, cầu mong có được,... thí dụ như trong các chữ: yêu sách, sách nhiễu, yêu cầu…. Vào thế kỷ 18, học giả Zhao Yiqing (趙一清 - Triệu Nhất Thanh (1709- 1764)) soạn Thủy kinh chú thích (水經注釋 Shuijing zhu shi - chú thích Thủy kinh chú ), đã ghi rõ: cho chữ “sách” là một phần của “ tên người” là nhầm lẫn. Zhao Yiqing chú thích: …… 索妻 (sách thê) cũng giống như 娶婦 (thú phụ). Sau đó, học giả Hui Dong (惠 棟 - Huệ Đống (1697-1758)), có chú thích như sau: ….Cứu Triệu Nhất Thanh viết sách thê do ngôn thú thê*… tạm dịch là: …tra cứu theo Triệu Nhất Thanh thấy ghi “sách thê” là cưới vợ…. *nhà sử học L.M.Nguyễn Phương đọc thấy chú thích của Huệ Ðống ở phần “Phụ lục” quyển 54 của Hậu Hán thư trong bản in của Nghệ Văn Ấn Thư Quán, Hương Cảng, 1952. L.M. Nguyễn Phương đã công bố điều này trong tác phẩm Phương pháp sử học (Viện Ðại học Huế xuất bản năm 1964) và trong bài Lịch sử Lạc Việt (Bách Khoa Thời Đại, Sàigòn - 1965).
Đến đầu thế kỷ XX, Yang Shoujing (Dương Thủ Kính) và Xiong Huizhen (Hùng Hội Trinh) soạn Thủy kinh chú sớ (水經注疏 Shuijing zhu shu - chú thích kỹ lưỡng về Thủy kinh chú), trong sách có dẫn rằng cổ thư Thái Bình hoàn vũ kí (太平寰宇記 Taiping huanyu ji ) từ thế kỷ X, ghi “sách” là tiếng được dùng ở vùng Giao Chỉ với nghĩa là “hỏi cưới (vợ)”.
Đến hơn 1800 năm sau thời Hai Bà khởi nghĩa, Le P. Mathias Tchang, S.J. biên soạn và ghi chép về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà khác hẳn với những ghi chép trong các văn bản sử liệu của các sử quan, văn gia Tàu cũng như Việt đã được lưu truyền từ thế kỷ V đến ngày nay:
Trích dẫn từ Chronologie Complète et Concordance avec L’ère Chrétienne, de toutes les dates concernant l’histoire de l’Extrême-Orient (Chine, Japon, Corée, Annam, Mongolie, etc.) - (2357 AV.J.-C.– 1904 APR.J.-C.), par Le P. Mathias Tchang, S.J.- Variétés Sinologiques No.24, Synchronismes Chinois - Chang-Hai, Imprimerie de la Mission Catholique, Orphélinat de T’ouse-Wì, 1905.
Khảo luận về ghi chép trong biên khảo của Le P. Mathias Chang, S.J:
Theo Đại Việt Sử lược, trong mục “Quan thủ nhậm qua các thời đại” (của Giao Chỉ), có một khoảng thời gian 80 năm- từ năm 48 trước tây lịch đến khoảng năm 28- 29 khi Tô Định được triều Đông Hán cử làm thái thú Giao Chỉ (theo Le P. Mathias Chang, S.J.) - không thấy ghi có ai làm “quan thủ nhậm” Giao Chỉ.
Như thế chúng ta có thể hiểu là các Lạc tướng và dân các tộc Việt đã khởi nghĩa, thành công trong việc giải thoát Giao Chỉ khỏi ách đô hộ của Tàu: Giao Chỉ được độc lập, tự trị từ khoảng năm 48 trước tây lịch đến khoảng năm 28-29* khi triều Đông Hán cử Tô Định đem quân đi trấn nhậm Giao Chỉ.
*Nhiều biên khảo ghi là Tô Định được cử làm thái thú năm 34.
Đại Việt sử lược (thế kỷ XIV) không ghi rõ Tô Định được cử làm thái thú năm nào.
Điều này dẫn đến nghi vấn là: Vua quan Đông Hán đã khiến Tô Định đem quân đi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa hầu mong chiếm lại được Giao Chỉ để có đất mà trấn nhậm.
Theo ghi chép của Le P. Mathias Chang, S.J:
Tô Định (Sou Ting) đã là thái thú Giao Chỉ từ khoảng năm 28- 29 và tác giả chỉ ghi vì Tô Định cai trị dân Việt quá khắc nghiệt nên bà Trưng Chắc phẫn nộ, hô hào dân chúng nổi dậy, khởi nghĩa chống nhà Đông Hán, thành công trong việc đánh đuổi được Tô Định.
Điều này phù hợp với câu chú trong Hậu Hán thư (thế kỷ V): …. 交 阯 太 守 蘇 定 以 法 繩 之 側 忿 故 反…. …. giao chỉ thái thú tô định dĩ pháp thằng chi trắc phẫn cố phản…. Ghi chú: đây là câu chú thích của Lý Hiền (thế kỷ VII).
* bà Trưng Chắc khởi nghĩa vào khoảng năm 30*, thành công trong việc đánh đuổi được Tô Định, tự lên ngôi vua Giao Chỉ (…se fit proclamer reine de Kiao-tche…).
*Ghi chú: Điều này khác hẳn với những ghi chép trong hầu hết các văn bản sử liệu của các sử quan, văn gia Tàu cũng như Việt, đã được lưu truyền từ thế kỷ V đến ngày nay.
Đối chiếu các ghi chép kể trên, ta có thể thấy diễn biến tuần tự hợp lý là:
- năm 30, võ quan Tô Định bị đánh thua phải bỏ chạy khỏi Giao Chỉ.
- qua năm 32, cuộc khởi nghĩa lan đến Cửu Chân, văn quan Nhâm Diên biết sức mình, đành mau lo chạy “thoát được thân mình mà thôi”! (theo Hậu Hán thư, trích từ Nhìn lại sử Việt, từ tiền sử đến tự chủ- Lê Mạnh Hùng, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 2011).
*Vua Hán thấy tình thế nguy cấp, lập tức cử ngay Mã Viện đem quân đi chống lại bà Trưng (… envoya immédiatement contre elle, Ma Yuen 馬援 …) vào khoảng năm 32. Nhưng quân khởi nghĩa đã kháng cự mãnh liệt đến độ Mã Viện buộc phải rút quân, bỏ ý định đánh chiếm lĩnh thổ Giao Chỉ (…Mais la reine résista aux troupes chinoises, de sorte que Ma Yuen fut forcé de lui abandonner le territoire.)
Hiểu theo như thế thì rõ ràng là quan quân Hán đã thất bại, không chiếm được Giao Chỉ
Điều Le P. Mathias Tchang ghi phù hợp với ghi chép theo tác giả Le P. Le Grand de la Liraye (1819-1873): Các cổ sử Tàu cho biết cuộc chiến kéo dài tám năm (… les annales chinoises nous disent que cette guerre dura huit ans, jusqu’à la bataille de Lâm hương…) (trích từ Notes Historiques sur la Nation Annamite, par Le P. Le Grand de la Liraye, Théophile Marie,1866). Tiếc là Le P. Le Grand de la Liraye đã không kể tên các annales chinoises, không ghi chú địa danh Lâm hương theo chữ Tàu để người đời sau có thể kiểm chứng!
Ghi chú: cách Nhạc Dương khoảng 40km về phía đông bắc có địa danh 臨 湘. (ngữ âm: Lin hsiang, có thể đọc là Lâm Hương hay Lâm Tương). Chữ 湘 thường để chỉ tên sông Tương, khởi nguồn từ Quảng Tây, chảy qua địa phận Hồ Nam rồi đổ vào hồ Động Đình. 湘 cũng có khi được dùng để gọi tắt tên tỉnh Hồ Nam.
Tổng hợp các ghi chép của Le P. Mathias Chang và Le P. Le Grand de la Liraye cho thấy cuộc chiến giữa Mã Viện và các lực lượng khởi nghĩa thời Hai Bà đã kéo dài từ năm 32 đến năm 39.
Suy xét kỹ thì thấy rằng sự kiện Mã Viện phải rút quân, bỏ ý định đánh chiếm lĩnh thổ Giao Chỉ, phù hợp với truyền thuyết Mã Viện dựng trụ đồng xem đấy là biên giới cực Nam của đất nhà Hán, giáp ranh với lĩnh thổ Giao Chỉ:
Địa Hán Mã Viện thực đồng trụ dĩ biểu Hán 地漢馬援植銅柱以表漢 (Theo chú thích trên bản đồ Hua yi tu 華基图 khắc lên đá vào năm 1136).
Theo nhận xét trên đây, xin nêu nghi vấn:
1. Tuy truyền thuyết Mã Viện “nãi lập đồng trụ vi Hán cực giới” có đã lâu, nhưng các cổ sử Tàu ghi chép rất mơ hồ và mâu thuẫn nhau. Vì chỉ thấy được nhắc đến nhiều từ đời Đường nên thiển nghĩ khá chắc là vua quan và văn gia nhà Đường cố công ngụy tạo, biến “huyền thoại trụ đồng” thành sự kiện lịch sử, đã ghi chép, thêm thắt tùy tiện theo chủ đích riêng.
Khoảng đời Đường Hiến Tông (Lý Thuần, 806-820), An Nam Đô hộ Mã Tổng (Tống) dựng “hai trụ đồng ở chỗ cũ của nhà Hán” ở Mao lĩnh sơn* (nhưng không ghi rõ vị trí núi ở đâu) để ghi công đức của Mã Viện và để tỏ ra mình là dòng dõi của Phục Ba tướng quân (Mã Viện).
*Tương truyền trên Mao lĩnh sơn có mọc rất nhiều loại cỏ phân mao (分茅)- ngọn ngả theo hai hướng Bắc - Nam, tựa như ranh giới trời định. Do đó mà có tên Phân Mao Lĩnh.
Đồng trụ nếu có trên núi Phân Mao*, thì hàng chữ 銅柱折 交阯滅 (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt) khắc trên đồng trụ vừa là lời giao ước, vừa có ý hăm dọa: nếu các tộc Việt đánh lấn sang đất nhà Hán, làm gãy đồng trụ, thì Hán sẽ diệt Giao Chỉ!
Suy nghĩ và giải thích câu Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt như thế, thiển nghĩ nhiều phần hợp lý hơn là truyền thuyết kể rằng người Việt vì sợ đồng trụ vô cớ gãy nên mỗi khi đi qua đấy phải ném đá cho đồng trụ được vững, lâu ngày thành núi vùi lấp đồng trụ!. Vào cuối đời Đường, những đại thần Tàu như Lý Cát Phủ, tác giả Nguyên Hòa Quận Huyện Chí, cho là đồng trụ được Mã Viện dựng ở Khâm Châu, Đỗ Hữu (Hựu), tác giả Thông Điển còn cho là ở xa hơn nữa mãi tận nước Tây Đồ Di (?) ở phía nam của nước Lâm Ấp…
Đến đời Nam Tống, thế kỷ XII, Chu Khứ Phi, từng làm quan ở Quế Lâm (Quảng Tây), tác giả Lĩnh Ngoại Đại Đáp, ghi là đồng trụ được Mã Viện dựng ở khu hang động Cổ Sâm (Cổ Lâu), cách Khâm Châu khoảng ba lí về phía tây.
2. Đến các đời sau, sử quan, văn gia Tàu khi soạn các bộ Nguyên Nhất Thống Chí, Minh Nhất Thống Chí, Đại Thanh Nhất Thống Chí, đã theo các cổ sử từ những đời trước mà ghi là ở Khâm Châu có trụ đồng Mã Viện khắc sáu chữ 銅 柱 折 交 阯 滅“Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt ”. Theo Đại Thanh Nhất Thống Chí (大清一統志)* thì Phân Mao Lĩnh - 分茅嶺 - tọa lạc tại phía tây của huyện đường Khâm Châu, cách 300 lý và ở trên đường biên giới với Việt Nam. Ghi chú: *大清一統志 được khắc bản gỗ in năm 1764 theo lệnh của vua Càn Long nhà Thanh, hoàn tất năm 1789. Gabriel Devéria (1844-1899) dựa theo đấy biên soạn sách La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique (d’après les documents officiels chinois traduits pour la première fois), do Ernest Leroux ấn loát, l’École des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris, 1886.
Đến cuối thế kỷ XIX, Chiniac de Labastide, chủ tịch ủy ban phân giới Việt-Trung (1890- 1891) có ghi trong bản báo cáo:
…”riêng về Phân Mao Lĩnh thì quan trọng nhất cho việc xác định đường biên giới… hiện nay có thể xác quyết một cách chắc chắn rằng, không những núi này không có ở đây mà nó còn không hiện hữu trong toàn vùng biên giới mà Ủy Ban Phân Giới đã thám hiểm. Không có một trái núi nào có tên tương tự”
… Chiniac de Labastide còn ghi thêm: …“theo vài tác-giả, núi Phân Mao Lĩnh có thể ở cách Khâm Châu khoảng 360 lí, tức 140 Km… khi tôi cho ông Chủ Tịch Ủy Ban Phân Giới Trung Hoa biết là, mặc dầu bỏ nhiều nỗ lực tìm kiếm, tôi vẫn không tìm ra trái núi “Phân Mao Lĩnh”mà dưới chân nó có trụ đồng để đánh dấu biên giới của tướng Mã Viện. Núi này hoàntoàn không ai biết.
Ông này trước tiên im lặng, và vài ngày sau, ông chỉ cho tôi, ở trên bản đồ, không phải ở phía Ðông Nam mà ở phía Ðông Bắc của Bản Hưng, phía nam Pi-Lao, một trái núi nhỏ và cho đó là Phân Mao Lĩnh. Khi tôi la lớn về sự xác nhận phi lý này thì ông ta mới trả lời cho tôi, bằng một dáng điệu trịnh trọng, trái núi này không phải là Đại Phân Mao Lĩnh, nổi tiếng do nhờ trụ đồng của tướng Mã Viện, mà chỉ là một Tiểu Phân Mao Lĩnh”…Khoảng cách xa xôi của trái núi được chỉ định và cái miếu thờ Phục Ba tướng quân, miếu này cách trái núi 3 cây số, cho ta thấy người Tàu đã lường gạt chúng ta biết bao nhiêu; họ đặt tên, tùy theo sự cần thiết của họ, trái núi này hay trái núi kia, một cái tên lịch sử của một trái núi thuộc vùng khác và dựa vào đó để thiết lập chủ quyền của họ về đất đai.”
… (Trích từ: Thử nhìn lại một số âm mưu của người Hán đã dàn dựng nhằm lấn đất, giành hải đảo của Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến nay, Trương Nhân Tuấn, 2010).
Bản báo cáo của Chiniac de Labastide vào thế kỷ XIX cho thấy rõ ràng là vua quan Tàu đời Thanh đã gian trá bịa đặt tên núi “Mao Lĩnh”, theo ý họ, cho một ngọn núi vô danh ở vùng Khâm Châu xa tắp mãi tận phía Nam (tọa độ: khoảng Vĩ độ 21⁰ 50’, Kinh độ 108⁰ 25’), nhằm dựa vào đấy để lấn chiếm đất của Việt Nam.
Đồng trụ chưa chắc đã có, nhưng núi Phân Mao thực sự có thật.
Vào thế kỷ XVIII, khi danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) đi sứ bên Tàu năm 1793, có làm bài thơ Phân Mao lĩnh, ghi rõ ràng là trên đường đi đến Hoàng Mao* thì thấy núi Phân Mao**.
Ghi chú: * Hoàng Mao trong vùng Hành sơn, tỉnh Hồ Nam
** Núi Phân Mao ở vùng Hành Châu phủ (Hành Dương ngày nay), phía nam Hành sơn).
Có vị sưu tầm và đăng lên internet bản chép tay bài thơ Phân Mao Lĩnh với lời chú thích:
Phiên âm:
1. Lộ thượng hữu biển đề: "Phân Mao Lĩnh", lĩnh sơn phân mao nam bắc hướng.
2. "Lễ - Vương chế": "Nam bất tận Hành sơn". Hành sơn giả, Sở chi vọng dã.
3. Hồi Nhạn phong tại Hành Tương giang ngạn, Tương giang bắc lưu, nhạn mao thu lạc, nghịch lưu nhi nam, phù vu than giang.
4. Động Đình chi nam hữu Trưng Trắc miếu, Trưng thị cự Mã Viện vu* Hồ Nam, tương trì song nguyệt, hậu dữ Viện giao phong, bại tích vu Tương âm nhi một. Kim hữu miếu, tục xưng Bà Trắc miếu, thậm giả linh dị."
*Ghi chú: vu có nghĩa là: khắp nơi. …vu Hồ Nam… ở khắp Hồ Nam….
Tạm dịch nghĩa:
1. Trên đường có biển đề: "Phân Mao Lĩnh" (núi Phân Mao), cỏ mao trên núi mọc rẽ về hai phía nam và bắc.
2. Thiên Vương Chế, sách Lễ Ký ghi: "Về phía nam đến Hành sơn chẳng hết". Hành sơn là chốn từ đất Sở hướng nhìn về phía xa vậy.
3. Đỉnh Hồi Nhạn bên bờ sông Hành Tương, sông Tương chảy về phía bắc, mùa thu lông chim nhạn rơi rụng, đi ngược dòng về phía nam, thấy trôi nổi khắp bãi sông.
4. Phía nam Động Đình (hồ) có miếu thờ Trưng Trắc, họ Trưng chống cự Mã Viện ở khắp Hồ Nam, chống giữ nghiêng ngửa trong đôi tháng, sau cùng Viện giao chiến, bị thua ở Tương âm* mà mất. Nay có miếu thờ, tục gọi là miếu Bà Trắc, rất là linh thiêng khác thường.
* mạn nam sông Tương.
Rất mong sẽ được các bậc cao minh kiểm chứng và xác nhận những lời chú thích kể trên đúng thực là của danh sĩ Ngô Thì Nhậm.
Nguồn: Internet Tổng hợp và chú thích: © 2017 ĐỗHoàngÝ & HồVĩnhHảo
Đối chiếu một số địa danh trên các bản đồ cổ của Tàu (thế kỷ XVIII) được nhắc đến trong bài thơ Phân Mao Lĩnh của danh sĩ Ngô Thì Nhậm, với những chi tiết trên các bản đồ vào thế kỷ XX, thì Mao Lĩnh sơn ở vào khoảng Vĩ độ: 26 ⁰ 30’, Kinh độ: 112⁰ 40’, cách Khâm Châu khoảng 400km về phía Tây Bắc, mãi tận vùng phía nam hồ Động Đình.
Vì người xưa chưa có ý niệm về đường biên giới, nên thường chọn một điểm thiên nhiên như dòng sông, ngọn núi để phân định ranh giới giữa hai vùng lĩnh thổ. Khi tổng hợp và đối chiếu những chi tiết theo các truyền thuyết …Địa Hán Mã Viện thực đồng trụ dĩ biểu Hán… Mã Viện nãi lập đồng trụ vi Hán cực giới… với bài thơ Phân Mao Lĩnh cùng các ghi chú của danh sĩ Ngô Thì Nhậm, chúng ta có thể thấy rõ ràng là điểm phân định biên giới cực Nam của đất nhà Đông Hán là núi Phân Mao trong vùng Hành Châu phủ (phía nam Hành sơn), tỉnh Hồ Nam, ở miền nam hồ Động Đình, và cách xa khoảng hơn 100km về phía bắc rặng Ngũ Lĩnh.
Nay tìm được thêm những ghi chép của Le P. Mathias Tchang, S.J., chúng ta có thể tin là:
* Vào thời Hai Bà Trưng, đất nước Việt thượng cổ vẫn còn bao gồm cả lĩnh thổ Giao Chỉ từ khoảng phía Nam trung lưu Trường giang, vùng hồ Động Đình, vượt qua vùng núi Ngũ Lĩnh, trải rộng khắp miền Lĩnh Nam, đồng bằng Việt giang (Tây giang, Châu giang), ra đến tận biển …
* Cuộc khởi nghĩa của các tộc Việt vào thời Hai Bà Trưng khởi phát đi từ lĩnh thổ Giao Chỉ, chứ không phải ở đồng bằng sông Hồng (Bắc Việt Nam ngày nay).
* Quân khởi nghĩa đã kháng cự mãnh liệt đến độ Mã Viện buộc phải rút quân, bỏ ý định đánh chiếm lĩnh thổ Giao Chỉ.
Vì Mã Viện không thắng nổi lực lượng khởi nghĩa của các tộc Việt nên đã phải giảng hòa, rồi giao ước lấy Mao Lĩnh sơn làm ranh giới giữa đất Hán và lĩnh thổ Giao Chỉ của các tộc Việt.
Mã Viện và quan quân nhà Đông Hán đã thất bại, không chiếm được Giao Chỉ, chưa đến được rặng Ngũ Lĩnh.
Vậy là đoàn quân do Mã Viện chỉ huy chưa hề đặt chân đến vùng đồng bằng sông Hồng.
* * *
Chúng tôi hy vọng bài viết này phần nào sẽ gợi ý người đọc nhận ra được những mâu thuẫn, suy xét những điều vô lý trong các sử liệu từ xưa đến nay, giúp mình thoát ra khỏi được các ngộ nhận về lịch sử Việt thượng cổ để không phụ công đức của tiền nhân đã hy sinh xương máu bảo vệ non sông gấm vóc trải rộng bao la dưới trời Đông Á.
Chúng tôi mong bạn đọc suy nghiệm những dữ kiện nêu ra trong bài, cùng nghiên cứu sâu rộng hơn để thẩm định lại các ghi chép trong cổ sử Tàu về lịch sử thượng cổ nước Việt.
Sự thật về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng cần được làm sáng tỏ, để chúng ta có thể đóng góp và lưu truyền nhiều thêm các dữ kiện chân thực của lịch sử, của văn hóa dân tộc Việt cho các thế hệ mai sau.
Đỗ Hoàng Ý Hoa Kỳ, tháng Ba năm 2018
Bài viết này là bản tóm tắt gồm một số đoạn trích từ biên khảo Lịch sử thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Đỗ Hoàng Ý, 2016-2018.
Xin đọc thêm các bài:
Đất nước Việt thời thượng cổ trong vùng Đông Á, Đỗ Hoàng Ý, 2015-2017
Đồng bằng sông Hồng ngày xưa, Đỗ Hoàng Ý, 2016-2017