Ngày thứ ba 19 tháng 6/2018, giới chức nội các tổng thống Donald Trump thông báo cho biết chính phủ Mỹ đã rút ra khỏi Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc (UN human rights council), bởi vì cái cơ quan quốc tế này không “xứng với cái tên của nó”. Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc bà Nikki Haley, bên cạnh có ngoại trưởng Pompeo, đã tuyên bố quyết định này. Bà Haley đã mạt sát Ủy ban là “một cái hầm cầu” (cesspool) chứa “sự thiên lệch chính trị” (political bias) và là một cơ quan “bảo vệ những kẻ chà đạp nhân quyền”. Bà lên án cơ quan này là “chính trị hóa và đem những nước có thành tích tốt về nhân quyền ra làm dê tế thần”. Vị đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc giải thích về quyết định này rằng “Chúng tôi đã có bước này là bởi vì cam kết của chúng tôi không cho phép chúng tôi là một thành phần của một cơ quan giả đạo đức phục vụ cho riêng mình và cười nhạo nhân quyền”.
Những người coi Ủy ban nhân quyền LHQ là một định chế thế giới đáng tôn trọng, giữ vai trò cầm cân nẩy mực gíúp cho nhân quyền được tôn trọng phần nào trên thế giới có thể sẽ lấy làm chưng hửng khi nghe phát biểu nặng nề của bà Haley. Nếu để ý tình hình một chút và hiểu rõ cái lập trường ông Trump toàn tâm toàn ý ủng hộ quan điểm Do Thái bảo thủ cực đoan, mà lãnh đạo hiện tại là Netanyahu thì sẽ chẳng có mấy ngạc nhiên. Tại Liên hiệp quốc, lập trường Netanyahu chống Iran triệt để và lập các khu định cư cư trên vùng Tây ngạn của Palestine cũng như bao vây chặt chẽ giải đất Gaza của Palestine chỉ được Mỹ và vài đồng minh ủng hộ. Đa số các nước trên thế giới coi những vùng đất này là vùng đất Do Thái chiếm đóng bất hợp pháp của Palestine. Nhưng chỉ làm ngơ không dính vào, không có ý kiến, để tránh phiền hà. Chính vì lẽ đó những cuộc biểu tình của người Palestine kéo dài từ cuối tháng ba/2018 trên giải đất Gaza của họ, bên này hàng rào biên giới với Do Thái, đòi quyền trở lại vùng lãnh thổ bị Do Thái chiếm từ năm 1948, đã bị lính Do Thái với lựu đạn cay, xe tăng súng ống đủ loại trang bị tận răng trấn áp giải tán. Trên 120 người trong đó có một em gái mẹ bế trên tay bị chết và hàng ngàn người bị thương. Trên thế giới chẳng có bao nhiêu phản ứng. Còn Do Thái biện luận rằng đó là quyền tự vệ và phòng thủ của Do thái. Một nghị quyết của Mỹ đưa ra kết án dân Palestine Gaza biểu tình đã bị bác bỏ, với 3 phiếu chống, và 11 phiếu trắng không ý kiến, một phiếu ủng hộ duy nhất của Mỹ, mình ủng hộ mình. Người ta nói chưa bao giờ mà tại hội đồng bảo an LHQ Mỹ bị cô lập như thế. Ngược lại, có người cho rằng bà Haley đã chỉ chứng tỏ rằng Mỹ có lập trường của Mỹ, không cần ý kiến thế giới bên ngoài, tức là khẳng định vị trí đại cường số một của Mỹ, như lời ông Trump hứa khi tranh cử là làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Người ta cũng nói rằng việc tẩy chay Ủy ban nhân quyền LHQ này ông Tổng thống Bush con đã từng làm. Sau đó thì ông Obama quyết định trở lại. Và bây giờ là ông Trump lại rút ra, mà lý do là vì Liên hiệp quốc nói chung và Ủy ban nhân quyền nói riêng đã phê bình, không đồng ý với chính sách Mỹ và Do Thái. Tưởng cũng nhắc lại ở đây rằng bà Haley đã liên tục phủ quyết những quyết định của Liên hiệp quốc chỉ trích chính sách Do Thái và cho rằng Ủy ban nhân quyền là “kinh niên thiên lệch chống Do Thái”. Gần đây, truyền thông Mỹ nói rằng bà Haley càng khó chịu khi Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp quốc yêu cầu tổng thống Trump ngưng thi hành chính sách “không dung thứ” trong vấn đề di dân, tách riêng con nhỏ của những gia đình tị nạn từ Nam Mỹ vào Mỹ không giấy tờ bị bắt giam chờ ngày trục xuất. Không đi thêm vào chi tiết, chỉ xin ghi lại ở đây rằng ông Trump sau chót, trước áp lực của mọi giới quần chúng và chính trị Mỹ trong vấn đề này, đã phải ký sắc lệnh nhượng bộ, cho phép con cái của những gia đình được trở lại với bố mẹ.
Những tác phong tư thái cũng như quyết định của tổng thống Trump đã luôn luôn bị đem ra nhận định phân tích từ khi ông trúng cử. Một phần đó là do thiên lệch của truyền thông mà ông Trump đã không ngần ngại gọi là “truyền thông tin giả thất bại”, với những bằng cớ. Tuy nhiên, một cách khách quan thì phía ông Trump cũng không phải là hoàn toàn trung thực, qua những tin tức và nhận định trên tweet của chính ông và những phát biểu của các cộng sự viên của ông. Và truyền thông tin giả cũng chụp hình những tweet sai sự thật của ông Trump đem ra phổ biến, để mà nói rằng ông chuyên trị nói dối. Chưa bao giờ mà trong chính trường và xã hội Mỹ đã liên tục có những tranh cãi quyết liệt như vậy quanh các tin tức. Có lẽ đây là một chuyện phân cực đáng quan tâm, không biết bao giờ sẽ dứt. Có người cho rằng sẽ chẳng bao giờ chấm dứt tình trạng này. Tin tức và nhận định chính trị xã hội Mỹ đang và sẽ trở thành những loại tin tức lá cải mà tính giải trí quan trọng hơn tính thông tin xác thực, nhắm vào một số quần chúng có định kiến, tương tự những báo và các chương trình truyền hình chuyên về các tin tức tai tiếng và các chuyện dâm tình khích động cảm tính để câu khách.
Trở lại với khẳng định của bà Nikky Haley đại diện Mỹ ở Liên hiệp quốc nói Ủy ban nhân quyền LHQ là một cái “hầm cầu” đầy “thiên lệch chính trị chống Do Thái”, người ta thấy rằng đó là cái lối thậm từ theo chủ trương của ông Trump (mà tiếng Mỹ gọi là Trumpism). Chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì nếu không như thế thì sẽ phải ra đi bởi lẽ ông chủ công ty Trump thấy rằng không đúng ý, như là ông đã đối xử với nhiều cộng tác viên thân cận của ông. Nhưng khách quan xét về phương diện lý luận của bà Haley thì người ta cũng thấy rằng Mỹ bênh vực Do Thái, Tầu bênh vực Bắc Hàn, vân vân, cũng chỉ là những hố, những hầm to nhỏ có mùi thích hợp với cái mũi của những sở hữu chủ.
Lâm Phong
(ngày 22 tháng 6/2018)