- Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip cho thấy cảnh sát cơ động Việt Cộng vào hôm chủ nhật 10 tháng 6 vừa qua tại khu vực Hồ Con Rùa, Sài Gòn đã dùng một thiết bị trên xe tải quân sự, phát ra âm thanh rất lớn để giải tán người biểu tình chống dự thảo Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Theo đài Á Châu Tự Do, thiết bị này là một loại vũ khí phi sát thương có tên là LRAD, do một công ty ở Mỹ sản xuất. LRAD được chính quyền Việt Cộng vào năm 2014 trang bị cho một số tàu cảnh sát biển để phát đi thông điệp hay lời cảnh báo. Âm thanh do LRAD phát ra tạo khả năng gây tác hại hay đau đớn ở một khoảng cách xa hơn so với các loại loa thông thường và có thể gây thủng màng nhĩ. Hệ thống LRAD được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như: tuần tra trên biển, đuổi tàu vi phạm lãnh hải, chống cướp biển.
- Qua tin từ các hệ thống Việt Ngữ và các báo chí Mỹ, được biết công an Việt Cộng trong mấy ngày qua, đã bắt giữ một số người biểu tình phản đối luật đặc khu kinh tế và an ninh mạng. Một trong những người bị bắt, có một công dân Mỹ gốc Việt, tên là William Anh Nguyễn, 32 tuổi, ở Houston, tiểu bang Texas, tốt nghiệp đại học Yale và vừa hoàn thành chương trình cao học Chính sách Công ở Singapore, đã tới Việt Nam hôm thứ bảy 9/6 trong khi chờ đợi nhận bằng Thạc sĩ vào giữa tháng 7 sắp tới. Anh William Anh Nguyễn đã bị công an Việt Cộng khởi tố với tội danh "phá hoại trật tự công cộng". Hình ảnh anh William Anh bị thương một bên đầu, mặt đầy máu, bị bắt mang đi hôm chủ nhật lan truyền rộng rãi trên mạng. Theo bài viết cá nhân đăng nhân dịp 30/4 trên trang New Naratif, William cho biết gia đình anh sang Hoa Kỳ tỵ nạn sau chiến tranh Việt Nam. Một đoạn trong bài nói trên của William viết:"...Cần phải công nhận rằng cuộc chiến là một bản tuyên ngôn của cả miền Bắc và miền Nam đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người dân Việt, mặc dù mỗi bên chọn một con đường hoàn toàn khác nhau. Sẽ là hoài nghi đến mức không thể tha thứ được nếu tin vào điều ngược lại rằng cả hai chính quyền đều không phải là chủ thể nguyên vẹn do các cá thể người Việt yêu nước tạo thành". Sự tin tưởng nói trên của anh William: Việt Cộng do các cá thể người Việt yêu nước tạo thành, và chế độ VC cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người dân Việt, hy vọng sau biến cố này anh sẽ có được một vài suy nghĩ mới.
- Dẫn giải cho mối nguy của Đặc Khu Kinh Tế, “PETITION phản đối thành lập Đặc Khu Kinh Tế và Luật An Ninh Mạng” trên mạng, có đưa ra bài nghiên cứu dài 100 trang vào tháng 7 năm 2017 của tác giả Charlie Thame, giảng viên ngành Khoa học chính trị tại Đại học Thammasat ở Bangkok, với sự hỗ trợ tài chính của tổ chức Rosa-Luxembourg Stiftung, về mô hình SEZs ở đồng bằng sông Mekong.
Qua tóm tắt của PETITION, “theo tác giả Charlie Thame, Đặc Khu Kinh Tế (SEZ) là vùng đất trong một quốc gia được điều hành dưới chính sách đặc biệt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: ví dụ miễn thuế, thuê đất giá rẻ dài hạn, thủ tục hành chính tối giản v.v.”
“SEZs đã hình thành từ lâu với số lượng 9 vùng toàn cầu vào những năm 1960, bùng nổ lên 4300 vùng ở 130 quốc gia vào năm 2015. Phần lớn SEZs được đặt trong lãnh thổ những nước nghèo ở Châu Phi và Đông Nam Á (Việt Nam đứng đầu với 18 SEZs, Lào 15, Campuchia 11 và Myanmar 3). Lần theo những chiếc “bánh vẽ” hay ho của nhà cầm quyền khi quyết định lập Đặc Khu Kinh Tế, tác giả đã đưa ra dẫn chứng và số liệu hoàn toàn ngược lại với những gì tốt đẹp được hứa hẹn với dân chúng. Một vài hậu quả tiêu biểu của SEZs:”
“• Lợi ích kinh tế từ SEZs không hề rõ ràng: nguyên nhân là do toàn cầu hóa nên điều kiện giao thương giữa các quốc gia cũng dễ dàng, không khác gì là SEZ trên diện rộng.”
“• Sốt đất ảo: việc cho thuê giá rẻ và ồ ạt đầu tư dẫn đến tầng lớp trung lưu đổ tiền vào găm đất dẫn đến giá đất tang phi mã ở các vùng xung quanh SEZs”
“• Cướp đất: người dân bị đẩy ra khỏi vùng đất sinh nhai của họ với mức bồi thường rẻ rung, hoặc thậm chí không một đồng và bị cưỡng chế. Có thể nói họ bị các doanh nghiệp cướp trắng toàn bộ gia sản của họ với sự chống lưng đằng sau của chính quyền.”
“• Các khu tái định cư tồi tệ: không ít trường hợp các khu nhà tái định cư ọp ẹp sụp đổ ngay trong năm vì chất lượng xây dựng là bằng không.”
- “• Phí phạm đất nông nghiệp: việc công nghiệp hóa với tốc độ chóng mặt, quy hoạch kém dẫn đến sự phí phạm tài nguyên đất nông nghiệp.”
- • “Nhân quyền và điều kiện làm việc tồi tệ của công nhân: lương thấp mạt hạng, điều kiện làm việc tồi tệ, công đoàn không được phép hoạt động, công nhân không được phép nhóm họp và biểu tình, bị đánh đập và bỏ tù.”
- • “Tham nhũng tồi tệ: các chính phủ ngậm tiền từ các nhà đầu tư và tăng cường các chính sách có lợi cho họ, cũng đồng nghĩa tăng cường đàn áp công nhân trong SEZs, cũng là đàn áp chính công dân của mình!”
- • “Bảo kê của quân đội: đa số xung quanh SEZs sẽ được đặt doanh trại quân đội. Các lực lượng này sẵn sàng tràn vào đàn áp công nhân khi có “biến”. Trong khi đó, các đại diện tổ chức công đoàn gần như không có “cửa” đặt chân vào SEZs!”
- • Môi trường bị tàn phá: do giao cho nhà đầu tư nước ngoài toàn quyền, môi trường là vấn đề kém quan trọng nhất mà người nước ngoài để ý đến.
- • Chảy máu dòng vốn và tài nguyên: lợi nhuận khổng lồ của các nhà đầu tư nước ngoài từ việc thuê đất giá rẻ, giá nhân công rẻ mạt và miễn thuế gần như chảy về quốc gia của họ chứ không được tái đầu tư vào quốc gia sở tại.
- • Không thực hiện đúng chức năng công nghiệp hóa để xuất khẩu: Một trong những mục tiêu chính của việc lập các SEZs là để thúc đẩy công nghiệp hóa, tăng cường khả năng sản xuất, tạo ra sản phẩm công nghiệp để xuất khẩu. Nhưng đề án của chính phủ Việt Nam chỉ thấy toàn du lịch, du lịch và du lịch, chả khác nào xắn đất cho không ngoại quốc và băm nát bờ biển quốc gia.
- • Kẻ có lợi nhất trong việc thành lập SEZs ở Đông Nam Á: Không ngạc nhiên, đó chính là kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy Trung Cộng! SEZs ở Đông Nam Á không gì hơn là công cụ trong chính sách thành lập Một Vành Đai Một Con Đường (One Belt One Road – OBOR) và Con Đường Tơ Lụa Trên Biển (Maritime Silk Road) của Trung Quốc!”
- Theo một bài viết khác với tựa đề: “Sri Lanka: Viên ngọc sắp vào tay Trung Quốc của phóng viên Tim Luard trên hệ thống truyền thông quốc tế BBC, đã cho thấy thực tế của Sri Lanka ngày hôm nay qua sự xây dựng thành phố tài chính quốc tế Colombo. Những khẩu hiệu thúc đẩy người dân tiến đến tương lai huy hoàng như: "Xây dựng một thành phố đẳng cấp thế giới cho Nam Á", "15 tỷ đô đầu tư" hay "83.000 việc làm" đã là những chiếc bánh vẽ, đưa đến việc doanh nghiệp Trung Quốc được thuê đất 99 năm. Sau đó, một khu tự trị mới trong thành phố được thành lập với hệ thống tài chính và tư pháp riêng. Sri Lanka đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc và để thoát ra khỏi cái bẫy này, họ buộc phải bán cho Trung Quốc đặc khu kinh tế Colombo của họ. Tại đây một trung tâm hội nghị và một sân bay quốc tế mới đã được xây dựng. Sau nhiều năm mở cửa thì sân bay này mỗi tuần vẫn chỉ có một chuyến và dường như người dân địa phương không được hưởng lợi gì vì họ không được đến đó với lý do nó chỉ dành cho người Trung Quốc, và tương tự như thế với nhà hàng Trung Quốc ở Colombo vì "nhà hàng không phục vụ khách địa phương." theo một cư dân địa phương cho biết. “Bên cạnh những lo ngại về vấn đề môi trường và những vấn đề khác, hai thoả thuận cảng biển lớn cũng đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính chủ quyền. Vị trí chiến lược của Sri Lanka trên các tuyến thương mại Đông Tây đã làm cho nó trở thành mắc xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển - một phần trong sáng kiến"Một vành đai, một con đường" cũng như kế hoạch vươn ra toàn cầu đầy tham vọng của Trung Quốc. Một số người Sri Lanka gọi Trung Quốc là thực dân và so sánh họ với người Âu trong quá khứ. Một người đàn ông cho biết đây là 'cuộc xâm lăng khôn khéo' và trong 50 năm nữa có khi đây sẽ là đất nước của người Trung Quốc.”
- Theo dõi các đoạn băng về sự đối đầu của người dân với các lực lượng công an và cảnh sát cơ động, có thể nói đã có sự xao động trong tư tưởng của những lực lượng này khi họ phải hành xử nhiệm vụ ngăn chặn dân theo chỉ thị từ lãnh đạo Việt Cộng. Khuôn mặt của họ đăm chiêu, ánh mắt của họ nhìn xuống không dám đối diện người dân, đặc biệt khi bị dân mắng: các anh co phải là tay sai của Trung Quốc hay không? Chúng tôi tranh đấu cho cả quyền lợi của các anh và con cháu các anh mà tại sao các anh lại chặn đường chúng tôi, như vậy các anh còn có lương tri phải trái hay không, vân vân …
- Trong một đoạn băng công nhân biểu tình ở Saigon, khi công an nổ súng chỉ thiên để dọa dân, các công nhân đã chỉ lùi về phía sau, chứ không sợ hãi mà chạy đi. Tại chỗ đứng họ đã bình phẩm: “có giỏi thì sao không đi đánh Trung Quốc mà lại đi đánh dân của mình?”