Sáng ngày 6/6/2018, bên hành lang Quốc hội, khi được phóng viên hỏi ý kiến về việc dư luận Việt Nam trong và ngoài nước đang chống đối việc Quốc Hội sắp tới sẽ biểu quyết thông qua luật đặc khu cho mướn 99 năm, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời: “Dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc ở trong đó, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc.” Ông ta nói thêm: “Luật quy định bình đẳng trong môi trường chung, sự bình đẳng dành cho tất cả các nước, tất cả các thành phần kinh tế. Chúng ta đang mở cửa hội nhập quốc tế nên không hạn chế người này hay người khác.” Và: “Rất tiếc, mọi người đang có hình dung khá tiêu cực, đẩy thành vấn đề "sợ Trung Quốc". Nhưng, chúng ta bình đẳng và không phân biệt. Không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe.”
Qua mấy câu trên của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, người dân Việt Nam có thể thấy sắp tới, Luật Đặc Khu sẽ được Quốc Hội Việt Cộng thông qua, trừ những bất thường, cũng như cái trò xảo quyệt chơi chữ chọn văn, của các lãnh đạo đảng và nhà nước để mà hiểu sao cũng được. Đúng rằng không có chữ nào là về Trung quốc, nhưng trên thực địa thì tại Vân Đồn, người Tầu đã bỏ tiền ra mua gần hết các địa điểm có thể khai thác, theo như kinh tế gia Phạm Chi Lan cho biết. Ông Dũng cũng ngay đó, chỉ trích những người không đồng ý với dự luật, cho rằng là quá tiêu cực và đẩy mạnh vấn đề “sợ Trung quốc”. Và không quên diễn giải rằng luật cho mọi người, nghĩa là TQ vẫn có thể vào, để phòng ngừa TQ bị gạt ra. Trung thành lo lắng cho thiên triều đến thế là cùng. Câu kết luận, ông Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền.” Nghe thật sung sướng, nhưng đối chiếu với thực tế thì chẳng khác gì tiếng hót của của một con vẹt. Tương tự như các phát ngôn nhân của nhà nước thường xuyên khẳng định rằng Hoàng Sa Trường Sa là thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc đã hoàn tất xong việc xây dựng các cơ sở hành chánh và quốc phòng của họ trên các đảo này, và đã ít nhiều đem ra xử dụng.
Tuy Nguyễn Chí Dũng nói cứng như thế, nhưng những chống đối của người dân không giảm mà chỉ gia tăng ở nhiều tỉnh thành trong nước. Cho nên thủ tướng VC đã xuống giọng rằng, thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế sẽ rút xuống, không còn ở mức 99 năm nữa, và sẽ báo quốc hội để điều chỉnh.
Trong dự thảo Luật đặc khu mới nhất, Điều 32. Khoản 1, tuy nhiên nói rõ, căn cứ vào mức độ quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, chủ tịch UBND đặc khu toàn quyền quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn, nhưng không quá 99 năm, và do Thủ tướng quyết định. Lại cũng vẫn là chuyện bỏ tay này bắt tay kia. Bởi vì nếu thủ tướng có thể linh động cho gia hạn luật đặc khu trở thành 99 năm, thì khi đó Úm ba la, thế là hòa cả làng. 99 năm vẫn là 99 năm.
Tưởng ngụy luận giải quyết như thế là đã tỏ ra lắng nghe ý dân, mà cũng đồng thời bảo đảm được mục tiêu tối hậu của bộ chính trị là giao nhượng cho bạn láng giềng tốt 99 năm như yêu cầu. Nhưng khốn thay thời buổi ngày nay đã khác. Cái bản chất bán nước hại dân đã lộ rõ khi mà cơ chế hành chánh phải sửa đổi cho “tinh gọn” phục vụ cho những tài phiệt, quyền xét xử người dân cũng giao cho tư pháp đặc khu. Vì thế, các cuôc biểu tình lớn nhỏ phản đối, đã nổ ra khắp nước, theo lời kêu gọi tổng biểu tình ngày 10 tháng 6/2018, với sự tham dự của nhiều thành phần xã hội chính trị khác nhau: Hòa hảo, Công giáo, tu sĩ Phât giáo, bộ đội, người miền nam thuộc VN cộng hòa, đầy đủ già trẻ, lớn bé…
Lãnh đạo đã phải dời cuộc biểu quyết cho luật đặc khu, vào kỳ họp trung ương đảng thứ 6. Bởi vì họ đã nhận được rõ cái thông điệp của dân. Rằng dân sống đời nhịn nhục khổ sở trường kỳ là có. Nhưng khó mà chấp nhận được sự bán nước trắng trợn như chuyện cho thuê đất dài hạn 99 năm mà giải thích cách nào thì cũng nghe không lọt, ngược lại, chỉ cho thấy rõ hơn sự bất lương của giới đương quyền bán nước buôn dân.
Nhìn vào các con số biểu kiến thì lòng dân khó thắng được bạo lực trấn áp của chế độ. Nhưng chuyện gì cũng có thể xẩy ra, nếu nhớ lại rằng một Boris Yeltsin đứng trước mấy chiếc xe tăng, và đám đông biểu tình tuy đông nhưng dễ dàng nhanh chóng bị tiêu diệt bởi cả một bộ máy an ninh mật vụ liên bang Sô Viết sẳn sàng chờ lệnh đảng để bóp cò, đã chấm dứt chế độ độc tài đảng trị Liên sô vào tháng 8 năm 1991.
Khi mà Nguyễn Xuân Phúc nhân danh cơ chế và quốc hội, theo nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất nước phải tạm lùi để tính, thì sự thể khó biết ra sao. Chuyện đảng quyết định dâng nhượng đặc khu sẽ làm cho lãnh đạo nhờ ngoại quốc mà muôn năm trường trị hay đi vào danh sách bè lũ Trần Ích Tắc, chưa ai nói được lúc này.
Tuệ Vân
Ngày 10 tháng 6 năm 2018