1/ TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào ĐT, chào TV. Những người ủng hộ ông Trump đang không tiếc tiện lời ca tụng thắng lợi vĩ đại của vị tổng thống nói năng bặm trợn, vì đã áp lực khiến Bắc Hàn phải thả ba người Mỹ gốc Nam Hàn giam đã lâu để cho về Mỹ cùng với tân ngoại trưởng diều hâu của Mỹ, ông Mike Pompeo, cũng như đã khiến cho lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân phải điều đình với tổng thống Nam Hàn để chấm dứt chính thức cuộc chiến Nam Bắc Hàn và thiết lập vùng phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Những người không có cảm tình bao nhiêu với ông Trump thì nói rằng tất cả là nhờ công của Tập Cận Bình đã kín đáo chỉ đạo cho Kim Chính Ân đừng đi quá lố với Mỹ, mà làm hư hại mối giao thương nhằng nhịt giữa hai nước kinh tế số 1 và số 2 thế giới. Một số chính trị gia Mỹ muốn lấy điểm với ông Trump đã gửi thư cho ủy ban xét giải Nobel để nghị cho ông Trump giải hòa bình. Mình chẳng đi vào chuyện này làm gì, phí thì giờ vô bổ. Bởi vì cái giải hòa bình đã bị chính trị hóa mất giá, bị đem ra đánh đĩ với Lê đức Thọ, Kissinger và Obama. Xin mời ĐT và TV lên tiếng tiếp với các đề tài cho bàn chuyện thời sự hôm nay.
2/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV. Thưa các bạn, tuần này, liên tiếp ĐT nhận được nhiều thư lên án các hãng sản xuất và phân phối thuốc của Mỹ. Các... con cá mập này đã lạm dụng, và làm giàu trên sức khỏe của của con người bằng những mánh khóe bất chính. Vào đầu năm 2017, dân Mỹ đã phải... nhảy nhổm vì giá của EpiPen, một loại thuốc cấp cứu, có tính cách sinh, tử cho những người bị dị ứng, đã tăng vọt tới 500 %, trong vòng 7 năm (từ $103.5 năm 2009, tới $608.61 năm 2016). Mặc dầu giá rất cao, nhưng EpiPen chỉ có hiệu quả trong vòng 18 tháng, tức là sau 18 tháng, phải bỏ đi, mua thuốc mới.
Hãng thuốc Mylan, một mình một chợ, phân phối EpiPen, nên đã tăng giá thuốc... vô tội vạ, bất kể tới tính mạng của những người nghèo bệnh trọng. Heather Bresch, CEO của hãng đã phải ra điều trần trước Quốc hội. Lương của Heather Bresch là 19 triệu đô la năm 2016.
BS Nguyễn Thượng Chánh cũng gửi một thư lên internet tố cáo các hãng thuốc đã thông đồng với những Tiến sĩ, Bác sĩ "đánh mướn" để tạo ra những tiêu chuẩn định bệnh mới: Như bệnh cao máu , vào thập niên 50-60 được quy định giới hạn cao là 140 mm Hg khi đo trên cánh tay. Vài thập niên sau, họ hạ thấp giới hạn trên còn 130 mm Hg, và hiện nay trên 120 mm Hg bị coi là cao máu, và phải uống thuốc hạ huyết áp ngay. Bệnh tiểu đường cũng được thay đổi giới hạn định bệnh, từ 120 mg vào thập niên 50, xuống còn 100 mg như hiện nay. Vô hình chung, chỉ qua một đêm, người ta tạo ra một số bệnh nhân lớn hơn 7,8 lần con số nguyên thủy, và nhờ vậy, số thuốc bán ra cũng tăng 7,8 lần, cao hơn lúc trước. Các vị có ý kiến gì về chuyện này hay không?
3/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT và thân ái kính chào quý vị thính giả đang theo rõi chương trình BCTS. Nghe chị ĐT nói vấn đề ở đây chỉ là chuyện làm tiền của các hãng dược phẩm, nhưng từ xưa tới nay nghề buôn là nghề sống bằng tiền lời, cho nên mới có câu “phi thương bất phú” (tức là không buôn bán không thể giầu) của các cụ ta nói. Hay là một vốn bốn lời, hoặc “nhất bản vạn lợi,” tức là Vốn là một thì ăn lời thành 4 hay thành một vạn. Và các cụ ta còn có câu thuận mua vừa bán, cho nên một cách thuần lý thì không thể kết tội gì chuyện tăng giá thuốc. Chỉ có về mặt xã hội thì tùy thời, tùy nơi, mà những chuyện định giá để kiếm lời tùy tiện có thể bị cấm đoán hay là phạm pháp, thí dụ như trong tình trạng chiến tranh mà lại đầu cơ tích trữ để bán lấy lời. Những luật lệ này tuy nhiên cũng khó mà thi hành trừ khi phải có một cơ quan giám định giá cả độc lập một cách công bằng. Một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất đối với vấn đề buôn bán khai thác giá cả tùy tiện là chính sách tập trung kinh tế của các nước Cộng sản, qua đó các thành phần buôn bán trung gian gọi là tư sản mại bản đã bị tiêu diệt không thương tiếc. Trong chính sách kinh tế tập trung này mà theo lý thuyết thì hàng hóa đi thẳng từ sản xuất đến người tiêu thụ để tránh trung gian bóc lột thì thực tế đã dẫn tới sự nghèo nàn của đất nước, và đã là một nguyên nhân khiến thế giới Cộng sản sụp đổ. Chung chung thì TV nhận xét vấn đề là như vậy chứ không phải là bênh vực sự cắt cổ làm giầu của thương giới hay là ủng hộ chính sách kinh tế Cộng sản.
4/TXN. Tôi không biết ông bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh này là tốt nghiệp ở đâu, bao giờ, có hành nghề hay không. hay chỉ là bác sĩ mặc áo choàng trắng xuất hiện trên các chương trình thương mại trên truyền hình. Chỉ xin nhận định về điều mà ĐT kể là ông đã tố cáo trên mạng điện tử rằng các hãng thuốc đã thông đồng với những tiến sĩ, bác sĩ “đánh mướn” tạo ra những tiêu chuẩn định bệnh mới, cụ thể là các bệnh cao áp huyết máu và tiểu đường, để mà có thêm số bệnh nhân mà bán thuốc. Nói một cách chung như thế thì có thể gây ngộ nhận cho rằng các hãng thuốc và các bác sĩ tiến sĩ đánh mướn khống chế sự điều trị bệnh nhân. Thực tế không hẳn như thế. Bởi đúng là các hãng thuốc có cung cấp tiền nghiên cứu về hiệu quả của các dược phẩm mới chế, hay là các phương cách trị liệu, cũng như là quảng cáo và bảo trợ cho những hội nghị của các bác sĩ, tiến sĩ và các nhân viên trong các ngành chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên những cuộc nghiên cứu hay sưu tầm này khi công bố kết quả thì phải nói rõ nguồn tiền. Tức là để người nghe hay đọc, cẩn thận suy nghĩ mà không nhắm mắt tin theo. Đó là lý do khiến cho tới nay vẫn lai rai có những nghiên cứu nói hút thuốc lá không độc hại do các “chuyên gia” được các hãng thuốc là trả tiền nghiên cứu. Và dĩ nhiên là không mấy ai nghe để hút thuốc lá. Trở lại với những dẫn chứng về bệnh cao áp huyết máu và tiểu đường, thì những phê bình rằng lý do thay đổi tiêu chuẩn vì muốn gia tăng số bệnh nhân nhằm bán thuốc theo ý tôi chỉ là một khẳng định suy diễn chủ quan, thiếu chứng cớ thuyết phục khoa học. Nếu muốn thuyết phục thì nên đưa ra những ví dụ chính xác hơn. Và tôi cũng xin nói ở đây rằng các công ty dược phẩm và dụng cụ y khoa có rất nhiều cách khai dụng vấn để chăm sóc sức khỏe để làm tiền lắm, chứ không phải chi có thuê mướn các tiến sĩ, bác sĩ không mà thôi đâu. Vì thế từ lâu ở Mỹ đã có nhóm chữ medical industrial complex, tạm dịch là hỗn thể y khoa kỹ nghệ, tương tự như military industrial complex (hỗn thể quân sự kỹ nghệ). Đó là lý do Obamacare ra đời và Obamacare bị chống với sửa mãi mà không xong.
5/ĐT. Mới đây nhất, là một bài trên internet với nội dung: "Có hơn 14 triệu người đang sống với bệnh ung thư ở Hoa Kỳ, và thực tế đáng buồn là nhiều người đang chết vì hóa trị liệu của BS hơn là chính căn bệnh. Hóa trị liệu không khác gì hơn là hóa chất độc hại, và, chúng không có lợi gì ngoại trừ việc giúp người bệnh thêm đau đớn, và chết nhanh hơn....” Ngành công nghiệp ung thư cũng giống như các ngành công nghiệp khác, chỉ làm với mục đích lợi nhuận. Khi bệnh nhân được trị liệu, thì các bệnh viện, bác sĩ, công ty dược phẩm, các ngành liên quan chia nhau lợi nhuận. Một Bác sĩ ở Berkeley đã tuyên bố, người ta chết vì hóa trị liệu, không phải chết vì ung thư!
Thưa các vị, ĐT rất hoan nghênh những ý kiến, đã dám nêu lên những hành động lạm dụng, và trục lợi của các hãng sản xuất và phân phối thuốc, để bệnh nhân cảnh giác, và chính quyền có thái độ thích đáng. Về tác dụng của hóa trị, thì ĐT thấy hiện nay tuy chưa có thuốc chữa khỏi bệnh ung thư, nhưng một số bệnh ung thư cũng đã kéo dài thêm được thời gian sống. Ung thư là bản án tử hình, không lẽ khoanh tay chờ chết, nên hóa trị vẫn là nguồn hy vọng duy nhất của mọi người. Những phát ngôn vô chứng cớ, và không đưa ra đươc những giải pháp thay thế, thì chỉ gây hoang mang cho bệnh nhân và làm nản lòng những nhà khoa học có tâm huyết. Các vị nghĩ sao?
6/TV. Nghe chị ĐT nói thì TV thấy chị ĐT thuộc thành phần những người có bệnh là chữa tới cùng, còn nước còn tát. Khác với bác sĩ Ninh là người từng nói rằng nếu ông bị ung thư gan hay là tụy tạng thì không chữa để cho chết luôn, không mổ xẻ hay hóa trị hay xạ trị gì cả. Vì chữa thì chỉ khổ thêm bởi những hệ quả của mổ xẻ hay hóa trị hay xạ trị. TV thì hiện không biết là sẽ chọn thái độ nào, vì chết thì ai cũng sợ. Có lẽ TV sẽ theo lời khuyên của bác sĩ điều trị lúc đó. TV không hiểu tuyên bố của một bác sĩ ở Berkeley rằng người ta chết vì hóa trị liệu, không phải vì ung thư là đúng hay sai? Xin bác sĩ N cho ý kiến.
7/TXN. Khẳng định người ta chết vì hóa trị liệu chứ không chết vì ung thư vừa đúng vừa sai, theo hiểu biết và kinh nghiệm hành nghề của tôi. Thí dụ đơn giản và cụ thể là người bị ung thư di chứng lên phổi nhiều thì có thể bị khó thở, và suy tim rồi vì thế mà chết. Người hóa trị liệu có thể bị hại tim và suy tim vì thuốc rồi do đó mà chết. Đấy là chỉ nói một hệ quả tai hại của hóa trị. Nhưng mà hóa trị còn gây những hệ quả trực tiếp khác như ói mửa, như tê bại bắp thịt, mà chữa thuốc khộng hẳn dứt. Tưởng tượng ngày nào cũng bị ói mửa, buồn nôn, đau nhức bắp thịt, đi đứng khó khăn, nuốt không trôi, thì sống khổ như thế nào và làm khổ người thân như thế nào? Tôi kể sơ sơ những điều này ra vi tôi có những bệnh nhân khổ sở như thế mà không giúp gì được bao nhiêu. Tuy nhiên, phải nói là có một số ung thư máu và hạch có thể chữa được. Và sống được nhiều năm, sau khi chịu một thời gian thống khổ vì hóa trị và xạ trị. Nhưng cũng xin nói luôn là có những người ung thư máu và hạch mà hóa trị với xạ trị vẫn không tránh khỏi chết, mà thời gian sống thì khổ sở. Cho nên rút lại thì là do cái số, và cái nghiệp.
8/ĐT. Đang nói chuyện đơn giản, thì BS Ninh lại nêu lên những sự kiện tâm linh, khó mà chứng minh như số mệnh và nghiệp. Không biết số mệnh và nghiệp thì khác nhau ở chỗ nào? Các vị nào tinh thông giáo lý nhà Phật làm ơn cắt nghĩa dùm ĐT, cũng như quý vị thính giả. Xin cảm ơn.
9/TV. TV đơn giản xin nói về sự hiểu biết của cá nhân như sau. Số là quan niệm thông thường của người chúng ta từ xưa truyền lại. Số giàu số nghèo, số sang số hèn, số thọ số yểu. Các cụ ta còn tin rằng đức năng thắng số, nghĩa là làm việc tốt có thể khiến đổi được số xấu. Còn nghiệp là tiếng nhà Phật. Cái nghiệp là hệ quả của nguyên lý nhân quả. Chúng ta sinh vào kiếp này khổ sở là vì kiếp trước đã làm xấu. Và nếu kiếp này làm tốt thì kiếp sau cuộc đời sẽ khá hơn.
10/ TXN. Số là không đổi được, không chọn được. Một người sinh ra vào nhà giầu hay nhà nghèo, con người Mỹ hay con người Việt, bản chất lành hay bản chất dữ, thời ông Trump hay thời ông Clinton, thời chiến tranh Việt nam hay thời VC bây giờ là những điều tự mình không định đoạt thay đổi được. Nhưng nghiệp kiếp này thì có thể thay đổi được. Ai cũng biết rằng ngay trong hệ thống pháp luật của người đặt ra thì kẻ sát nhân có thể hưởng khoan hồng nếu mà có những dấu chứng hối lỗi. Nhưng mà thôi, nói thêm thì phức tạp và lạc đề đi vào tôn giáo, không còn là thời sự nữa.
11/ĐT. TT Donald Trump ngày thứ ba, mùng 9 tháng 5 năm 2018 đã tuyên bố sẽ không ký giấy xác nhận mỗi 6 tháng Iran có thi hành thỏa ước nguyên tử đã ký với các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Tàu vào năm 2015 để gửi cho quốc hội. Hậu quả là nếu chỉ thế thôi, thì quốc hội sẽ phải quyết định là phải đối phó thế nào trong vòng 6 tháng, mà cụ thể là ra các biện pháp chế tài mới hay là hủy sự tiếp tục thi hành các điều khoản nới lỏng cho kinh tế Iran đang áp dụng. Trong trường hợp này, thì TT Trump đã không cần chờ quốc hội, mà tuyên bố thẳng rằng Mỹ sẽ rút ra khỏi hiệp ước hạt nhân này lập tức, vì đó là hiệp ước một chiều, chỉ có lợi cho Iran. Ông không ngần ngại nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Do Thái Netanyahu rằng đó là một thỏa thuận tồi tệ khủng khiếp và bệnh hoạn, mà đáng lẽ không bao giờ nên có. Cũng nên biết rằng Thủ tướng Đức và TT Pháp, vào hạ tuần tháng 4 đã qua Washington DC để tìm cách thuyết phục TT Trump đừng bỏ hiệp ước, nhưng vô hiệu quả. Về phía Iran thì đã trả lời rằng Mỹ rút ra khỏi hiệp ước, thì Iran sẽ có những biện pháp trả lời "không vui", và sẽ đi vào sản xuất vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng. Có người bày tỏ mối lo ngại rằng quyết định của ông Trump sẽ dẫn tới chiến tranh ở Trung Đông. Nhiều người cho rằng rất có thể xảy ra lắm, vì Do Thái là nước cứng rắn, và đã từng oanh kích các mục tiêu quân sự ở Syria nhiều lần trong quá khứ, mà không gặp phản ứng nào đáng kể. Mới đây nhất, thì ngày 8 tháng 5, Do Thái đã oanh kích một địa điểm quân sự của Syria, nơi có những quân nhân Iraq công tác, bằng hỏa tiễn. ở phía Nam thủ đô Damascus. Một số người Iran đã bị giết. Chưa có trả đũa nào từ Iran hay Syria, nhưng Do Thái đã cho mở những hầm trú ẩn cho dân. BS Ninh và TV có nghĩ rằng sẽ xảy ra chiến tranh giữa Do Thái và Iran không ?
12/TV. Theo như tin tức Do Thái mở hầm trú ẩn cho dân thì chính là Do Thái đã cảm thấy rằng Iran có thể phản ứng trả đũa. Do Thái cũng tính rằng sự trả đũa này sẽ không xẩy ra lập tức, vì Iran không thể quyết định một mình mà còn tùy thuộc vào Nga. Cho nên Netanyahu đã bay sang Nga để nói chuyện với Putin. Nghĩa là Netanyahu cũng không thể hoàn toàn ngang ngược, tuy rằng Do Thái có sự ủng hộ của Mỹ mà các nhà lãnh đạo từ xưa tới nay vẫn nói là sự ủng hộ không suy chuyển. Trong trường hợp ông Trump thì chúng ta biết rằng ông ta đã trung thành với Do Thái một cách rõ ràng từ khi ông tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái và quyết định nhanh chóng dời tòa đại sứ về đó trong tháng 5 này, trước khi Do Thái kỷ niệm 70 năm ngày lập quốc. Vì thế, theo TV nghĩ sẽ không có chiến tranh lớn giữa Do Thái và Iran, bởi vì tuy Putin cứng rắn nhưng đủ khôn ngoan để cầm chịch cho những hoạt động lấn lướt của Do Thái.
13/TXN. Về căn bản thì tôi nghĩ rằng những nhân vật lãnh đạo Do Thái đủ thông minh để có khả năng lấn tới khi có thể nhưng dừng lại khi cần thiết. Đó là lý do Do Thái đã ký hòa ước Oslo với tổ chức PLO Palestine liberation organization do Yasser Arafat lãnh đạo mà Anh Mỹ Pháp kể là một tổ chức khủng bố. Do Thái đã công nhận một chính quyền Palestine do Arafat lãnh đạo và hai bên sẽ điều đình để giải quyết việc thành lập nước Palestine sống chung hòa bình với Do Thái. Việc kéo dài tới nay chưa xong, thỏa ước Oslo bị xé bỏ và Do Thái thì đã chiếm gần hết những phần đất quan trọng của vùng Tây ngạn của Palestine, với một chính quyền bù nhìn của Abbas sống bằng viện trợ của Mỹ và Do Thái. Bây giờ Do Thái đang trong giai đoạn lấn tới sau cuộc chiến Syria vì có sự ủng hộ vô điều kiện của ông Trump. Cái chặn chỉ là Putin. Cho nên Netanyahu sang Nga nói chuyện với Putin để liệu cơm gắp mắm. Nghĩa là biết sẽ có thể thúc ông Trump tới đâu để lấn Iran. Tôi nghĩ rằng tình hình Trung Đông không có chiến tranh Do Thái Iran lớn nhưng có chiến tranh mà các nước Ả Rập chư hầu của Mỹ sẽ tiến hành chống Iran, như Saudi Arabia, Qatar, United Arab Emirates, và Ai Cập ở Bắc Phi. Các nước đó càng đánh nhau thì Do Thái càng yên.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào ĐT, chào TV và xin cám ơn hai bạn. Xin gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
14/ĐT. ĐT xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV. Xin hẹn gặp lại các vị trong kỳ bcts tuần tới.
15/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin hẹn gặp lại tất cả. Và kính chúc tất cả quý vị và các bạn một cuối tuần vui, như ý.